Thủ đoạn lừa tiền của Giám đốc Phòng giao dịch, Ngân hàng SHB
Để có tiền chơi chứng khoán, kinh doanh vàng, giám đốc phòng giao dịch đã thuyết phục khách gửi tiền rồi dùng thủ đoạn rút ra phục vụ mục đích cá nhân.
Trần Huy Anh (SN 1983, quê Nam Định), thời điểm phạm tội là Giám đốc Phòng giao dịch Thái Thịnh, thuộc Chi nhánh Ba Đình, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn – Hà Nội (Ngân hàng SHB). Huy Anh bị Viện Kiểm sát Tối cao truy tố tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo khoản 4, điều 139, Bộ luật hình sự.
Lấy tiền khách hàng đổ vào chứng khoán, sàn vàng
Đầu tháng 7/2014, Huy Anh được tuyển dụng và phân công làm giám đốc Phòng giao dịch Thái Thịnh, Ngân hàng SHB.
Để thể hiện khả năng ở vị trí mới, Huy Anh tìm đến chị Ngô Thị L. (SN 1977, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội, giám đốc một doanh nghiệp liên quan tàu biển) để huy động tiền gửi nhằm mục đích tăng dư nợ cho phòng giao dịch.
Ảnh minh họa
Là chỗ thân quen, chị L, có nói với Huy Anh về một khoản tiền 230.000USD đang được gửi tại Ngân hàng TMCP Quân đội. Huy Anh mở tài thuyết phục khiến người phụ nữ này phải xiêu lòng, đồng ý rút tiền để gửi vào Phòng giao dịch Thái Thịnh với lãi suất 4%/năm.
Chiều 16/7/2014, thủ tục nhận khoản tiền 230.000USD hoàn tất, hợp đồng gửi tiền không kỳ hạn do Huy Anh đóng dấu Giám đốc Phòng giao dịch Thái Thịnh.
Theo nội dung hợp đồng, chị L. sẽ gửi số tiền trên với thời hạn 15 tháng với lãi suất 4%/năm.
Cuối tháng 10/2014, Huy Anh móc hầu bao cá nhân để trả trước cho chị L. số tiền lãi quý I là 2.400USD.
Video đang HOT
Về phần Huy Anh, sau khi nhận được 230.000USD, anh ta không nhập vào hệ thống sổ sách của Phòng giao dịch mà bán cho một cửa hàng vàng trên phố Hà Trung, Hà Nội bán được 4,879 tỷ đồng.
Số tiền này, anh ta nhờ người bạn thân học cùng cấp 3 là Trần Đình H. đứng tên mở hai sổ tiết kiệm tại Phòng giao dịch Thái Thịnh. Sổ thứ nhất giá trị 4 tỷ đồng. Sổ thứ hai là 300 triệu đồng. Hơn 500 triệu đồng còn lại Huy Anh sử dụng mục đích cá nhân.
Cách rút tiền của Trần Huy Anh rất tinh vi. Anh ta nhờ bạn thân của mình mang số tiết kiệm trị giá 4 tỉ đồng đến chính Phòng giao dịch Thái Thịnh để làm thủ tục cầm cố nhằm ký 12 hợp đồng tín dụng vay số tiền 4,25 tỷ đồng.
Toàn bộ số tiền này, Huy Anh đổ hết vào việc kinh doanh cổ phiếu, kinh doanh vàng và mua ô tô…
Lộ thủ đoạn từ báo cáo của nhân viên thủ quỹ
Do cần tiền kinh doanh nên cuối tháng 11/2014, chị L. điện thoại cho Huy Anh đề nghị rút tiền trước thời hạn. Túng quẫn, anh ta bán vội cổ phiếu chứng khoán để đưa trước cho người phụ nữ này 700 triệu đồng.
Chị L. ngày càng thúc giục Huy Anh việc rút tiền, biện đủ lý do nhưng Huy Anh vẫn không thuyết phục được người phụ nữ này.
Trước tình thế đó, vị giám đốc phòng giao dịch ngân hàng này chưa chịu bó tay. Anh ta nghĩ ra thủ đoạn mới là thuyết phục chị L. ký khống hợp đồng gửi tiền có kỳ hạn giá trị 30 tỷ đồng với phòng giao dịch Thái Thịnh.
Theo kế hoạch của vị giám đốc này vẽ ra trong đầu, hợp đồng này sẽ được đưa đi thế chấp tại Ngân hàng Agribank Việt Nam để vay số tiền 25 tỷ đồng.
Nếu vay được tiền, Huy Anh sẽ dùng để mở số tiết kiệm tại chính Phòng giao dịch Thái Thịnh. Sổ tiết kiệm này sẽ được anh ta cầm cố ngay tại nơi mình đang làm giám đốc để vay số tiền 24 tỷ đồng. Có như vậy, Huy Anh vừa có tiền trả cho chị L. vừa có tiền đổ vào chứng khoán.
Thuyết phục mãi, do cần tiền nên cuối cùng chị L cũng phải đồng tình.
Ngày 1/12/2014, Huy Anh soạn một bản hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn có chữ ký của Huy Anh rồi hướng dẫn chị L. mang đến Chi nhánh Tràng Anh, thuộc Ngân hàng Agribank cầm cố vay tiền.
Ngày 11/12/2014, Chi nhánh Tràng An cử nhân viên sang Phòng giao dịch Thái Thịnh để làm thủ tục xác nhận và phong tỏa hợp đồng tiền gửi nói trên, mà thực chất là hợp đồng khống giá trị 30 tỷ do Huy Anh tạo nên.
Để thực hiện mục đích của mình, Huy Anh đề nghị thủ quỹ bàn giao con dấu để anh ta sử dụng.
Lo sợ trách nhiệm, trưa 12/12/2014, thủ quỹ Phòng giao dịch Thái Thịnh đã chủ động báo cáo ban lãnh đạo Chi nhánh Ba Đình, Ngân hàng SHB.
Chiều cùng ngày sau khi Huy Anh vừa ký 2 bản đề nghị xác nhận khoản tiền và phong tỏa tài khoản và yêu cầu thủ quỹ đóng dấu thì bị lãnh đạo Chi nhánh Ba Đình phát hiện, yêu cầu Huy Anh giải trình về hợp đồng tiền gửi 30 tỷ đồng.
Ngay sau đó, Chi nhánh Ba Đinh đã có văn bản gửi Bộ Công an đề nghị làm rõ hành vi của Trần Huy Anh.
6 ngày sau, Huy Anh bị cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an ra quyết định bắt tạm giam.
Trong vụ án này, bạn thân của Huy Anh là Triệu Đình H đã giúp Huy Anh đứng tên hai sổ tiết kiệm nhưng không biết về nguồn gốc số tiền nên không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đối với khách hàng L. đã có hành vi ký khống hợp đồng tiền gửi 30 tỷ đồng của Trần Huy Anh có dấu hiệu tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng do việc làm của Huy Anh được ngăn chặn kịp thời nên cơ quan điều tra không xem xét trách nhiệm đối với người phụ nữ này.
Hiện Huy Anh mới khắc phục được gần 1,7 tỷ đồng cho khách hàng L. Đây là số tiền gia đình nộp khắc phục hậu quả, tiền bán chứng khoán và tiền cho bạn Triệu Đình H vay của Huy Anh.
Với điều khoản bị truy tố, giám đốc phòng giao dịch của Ngân hàng SHB đối mặt mức án từ 12 năm đến Chung thân. Hiện cơ quan tố tụng của Hà Nội đang xem xét vụ án này./.
Việt Đức
Theo_VOV
Thủ đoạn của những tên đạo chích phá két sắt nhà "đại gia"
Các đối tượng thường chạy xe theo các trục đường lớn, theo dõi nhà nào khá giả, lợi dụng lúc nhà vắng chủ là đột nhập phá khóa cửa, phá két sắt trộm tài sản.
Ngày 14/11, tin từ Công an huyện Tân Kỳ, Nghệ An cho biết, Công an huyện đã triệt xóa ổ nhóm chuyên trộm cắp tài sản trong két sắt gồm các đối tượng: Thái Tiến Sỹ (41 tuổi), trú tại khối 7, phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh; Trần Văn Nhân (36 tuổi), trú tại số nhà 18 đường Đào Tấn, khối 11, phường Quang Trung, thành phố Vinh và Trần Thanh Cang (37 tuổi), trú tại xã Phú Cường, huyện Định Quán, Đồng Nai.
Theo hồ sơ của cơ quan Công an, từ tháng 2/2015 đến nay, trên địa bàn huyện Tân Kỳ đã xảy ra 9 vụ đột nhập nhà dân phá két sắt để trộm tài sản. Tổng số tài sản của người dân bị các đối tượng trộm chiếm đoạt gồm 140,5 chỉ vàng loại vàng 24K, 1 chỉ vàng tây, hơn 96 triệu đồng, 300 USD, 1 điện thoại di động Iphone 5...
Tại cơ quan Công an, bước đầu các đối tượng khai nhận, ngoài việc đột nhập một số gia đình ở huyện Tân Kỳ để phá két trộm tài sản, các đối tượng còn mở rộng địa bàn khác để trộm cắp tài sản như ở huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh; huyện Quỳ Hợp, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An.
Thủ đoạn của các đối tượng là thường chạy xe theo các trục đường lớn, theo dõi nhà nào giàu có, cơ ngơi bề thế, lợi dụng lúc chủ nhà đi vắng là chúng đột nhập phá khóa cửa, sau đó dùng các vật dụng mang theo phá két sắt để trộm tài sản./.
Theo Lam Hồng
Theo_VOV
Khởi tố 3 giám đốc lừa đảo hàng trăm tỉ đồng Bộ phận kiểm toán phát hiện khoảng 2.300 tỉ đồng nằm trong nhóm khách hàng dạng có hợp đồng vay sai qui trình, dẫn tới nợ xấu, chiếm trên 47% tổng dư nợ của VCB Tây Đô. Giả danh Đại tá quân đội để lừa đảo/ Nữ giáo viên lừa đảo hơn 5,6 tỷ đồng Chiều 14/11, nguồn tin của PV Báo CAND...