Thủ đoạn của gã rể hụt
Phạm Văn Lộc (SN 1974, ngụ cư xá Phú Lâm, P12Q6, TPHCM) làm nghề tài xế nhưng đi đến đâu cũng xưng mình là trinh sát đội chống ma túy Công an TPHCM. Chính cái mác này đã khiến cho cô Lê Thị An Nhàn (SN 1990, ngụ huyện Gò Dầu, Tây Ninh) phụ bán cà phê phải xiêu lòng, nuôi mộng tiến đến hôn nhân. Từ đó, bốn người bà con với cô lần lượt bị sụp bẫy kẻ giả danh.
Tháng 5-2010, trong khi phụ bán cho quán cà phê Hồng Ngọc ở KP4, thị trấn Hòa Thành, Tây Ninh do ông Trương Minh Nghi, dượng của Nhàn, làm chủ, Nhàn có quen biết với Lộc. Qua tiếp xúc, Lộc thường khoe mình là người có tiền tỷ, tài sản kếch xù và thường xuyên lên Tây Ninh đưa Nhàn đi chơi đây đó. Tại quán cà phê, Lộc được ông Trương Minh Lễ (anh ruột ông Nghi, ngụ KP4, thị trấn Hòa Thành) cùng người em trai là Trương Minh Lâm (ngụ xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh) có thiện cảm, tin cẩn như người trong gia đình. Nhiều lần hỏi dò, biết hai anh em ông Lễ và Lâm có nhu cầu mua xe ôtô và lo bằng lái nên Lộc lên kế hoạch lừa đảo.
Khi ông Lễ và con trai là Trương Minh Nghĩa nghe Lộc dụ dỗ ngon ngọt giao số tiền 17 triệu đồng cho Lộc nhờ lo giùm hai giấy phép lái xe ôtô thì ngay tuần sau Lộc điện thoại cho ông Lễ bảo: “Bằng lái sắp có rồi, bây giờ kiếm xe chạy luôn là vừa”. Sau đó, Lộc dùng ĐTDĐ chụp ảnh một xe ôtô 4 chỗ hiệu Camry đời mới đậu trên đường Nguyễn Huệ, TPHCM rửa ảnh mang về Tây Ninh gặp ông Lễ chào hàng: “Xe này giá hữu nghị 250 triệu, nhưng bác phải bồi dưỡng cho sếp của con thêm 10 triệu, vị chi là 260 triệu đồng”. Thấy xe đẹp mà giá quá mềm nên ông Lễ không ngần ngại giao ngay 50 triệu đồng tiền đặt cọc mua xe cho Lộc. Sau đó, Lộc đến nhà ông Lễ nhận thêm số tiền 210 triệu đồng và hứa trong vòng hai tháng lo thủ tục xong sẽ giao xe.
Hay tin ông Lễ chuẩn bị có xe ô tô mới, em ông Lễ là ông Trương Minh Lâm nhờ Lộc giúp mình mua một xe tải. Ngày 23-9-2010 Lộc điện thoại cho ông Lâm báo tin “có chiếc ôtô tải hiệu Hyundai 1,75 tấn, đời 2008 giá cực rẻ chỉ có 110 triệu, chú mua không?”. Đang lúc cần xe làm ăn nên ông Lâm liền đồng ý và hẹn ba ngày nữa chồng tiền. Đúng hẹn, Lộc chạy xe đến quán cà phê Hồng Ngọc nhận số tiền 110 triệu đồng từ tay ông Lâm và hứa chắc nịch: “Hai tháng sau con sẽ giao xe”. Có tiền trong tay, Lộc tha hồ tiêu xài, mua sắm điện thoại cho mình và người yêu, “hào phóng” tặng một chiếc xe máy (giá 5 triệu đồng) cho người bà con bên vợ. Thấy Lộc bỗng dưng ăn xài bạt mạng, ông Lễ nghi ngờ nên tìm cách đòi tiền lại, ông điện thoại gặp Lộc hỏi mượn 220 triệu đồng mua cây làm vườn. Để tạo niềm tin, Lộc lấy 100 triệu đồng từ số tiền vừa nhận của ông Lâm cho ông Lễ mượn.
Hơn nửa tháng trôi qua mà bóng dáng chiếc xe Camry 4 chỗ cùng chiếc xe tải vẫn chẳng thấy đâu, hoang mang, hai ông Lễ, Lâm điện thoại đốc thúc thì được Lộc trả lời: “Con đang làm thủ tục, khoảng 45 ngày là xong, bác và chú đừng lo…”. Để chứng minh mình là đại gia làm ăn chân chính, Lộc bàn với dượng rể là ông Trương Minh Nghi sửa lại khuôn viên quán cà phê làm salon bán ôtô đời mới. Được vợ chồng ông Nghi đồng ý, Lộc đưa cho Nhàn số tiền 20 triệu đồng giao cho ông Nghi tiến hành thuê thêm mặt bằng phía sau, đóng lại la phông quán cà phê, trang trí cửa hàng, chuẩn bị chỗ cho vài chục chiếc ôtô xịn đậu. Ông Nghi được Lộc lên tinh thần: “Cháu bỏ ra vài tỷ bạc mở salon rồi giao bác làm giám đốc trông coi, lúc đó bác chỉ góp vốn tượng trưng vài trăm triệu thôi”.
Trong lúc quán cà phê Hồng Ngọc đang được sửa sang thành “salon ôtô” thì tình cờ có một người bạn của gia đình ông Nghi làm bên ngành công an đến chơi. Nghe chuyện, nghi ngờ có khuất tất, ông tiến hành thẩm tra và biết được chân tướng kẻ lừa đảo… Ngày 21-10-2010 Lộc có mặt ở nhà ông Nghi để kiểm tra việc chuẩn bị “nhập hàng” thì CA xuất hiện bắt giữ. Kiểm tra cốp xe của Lộc, CA thu giữ hai bản “hợp đồng kinh tế giao dịch mua bán xe ôtô du lịch” do Lộc thuê người đánh máy định lừa ông Nghi hùn vốn buôn bán xe ôtô. Màn kịch của gã “cháu rể” bị lật tẩy.
Ngày 31-3-2011, Phạm Văn Lộc (ảnh) bị tòa tuyên án 9 năm tù vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và buộc phải bồi thường 287 triệu đồng cho các bị hại. Trước đó, dù đã có hai đời vợ nhưng do bản tính thích đua đòi ăn chơi, y trượt dài trong con đường lừa tình và tiền. Năm 1998, Lộc từng bị TAND huyện Bến Lức, tỉnh Long An xử phạt 18 tháng tù về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân” và 30 tháng tù về tội “ giả mạo tài liệu của cơ quan nhà nước”.
Theo Công An TP
Video đang HOT
Những chiêu giả danh công an bị lật tẩy
Giả danh công an để kiếm vợ, đi lừa đảo và muốn ra oai với nhiều người... là những phi vụ giả danh cảnh sát vừa bị nhà chức trách lật tẩy. Đã có hàng chục con mồi "sập bẫy" nhưng họ không hề hay biết.
Khi hành vi giả danh bị cơ quan cảnh sát điều tra lật tẩy, hầu hết những kẻ phạm tội đều khai cho rằng chỉ vì "oai". Mặc bộ sắc phục và giới thiệu là công an, chúng dễ dàng lấy được lòng tin của mọi người. Trường hợp của Nguyễn Vũ Cường là một điển hình.
Ngày 9/12, Cường bị Công an phường Tương Mai (Hoàng Mai) bắt giữ về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo lời khai của Cường, ban đầu anh ta giả danh công an chỉ vì muốn "oai" để lấy vợ.
Ý định này nảy sinh khi nam thanh niên này được phân công sửa chữa điện, nước cho một trường công an trên địa bàn Hà Nội. Quá trình làm việc tại đây, Cường biết được phiên hiệu của một số đơn vị công an và nhặt được một bộ cảnh phục.
Đặng Văn Doanh và chiếc thẻ ngành giả.
Quãng thời gian này, Cường có tình cảm với chị Lê, giáo viên một trường cùng huyện. Anh ta cho rằng nếu có "mác" công an sẽ dễ dàng lấy được cô gái trên làm vợ. Nam thanh niên hành nghề sửa điện, nước đã nhờ bạn gái cũ làm giả một chứng minh là cán bộ trường Trung học CSND I.
Sau những lần về quê, cảm giác oai và được nhiều người nể phục khiến Cường không thể dứt ra được khỏi ánh hào quang. Sau khi lập gia đình với Lê, Cường vẫn giấu nhẹm chuyện đó.
Hơn một tháng trước, khi sinh con đầu lòng, Lê quyết định ra Hà Nội ở cùng chồng. Sự nghi ngờ của người phụ nữ này bắt đầu xuất hiện khi thấy người đầu gối má kề với mình không đi làm mà chiều đến thường vác ống nước ra khỏi nhà. Gặng hỏi thì Cường chỉ trả lời đi làm thêm.
Sự việc chỉ vỡ lở cho đến ngày 9/12, hai vợ chồng "cảnh sát dởm" này nảy sinh mâu thuẫn. Trong lúc nóng giận, Cường đã nhờ một người bạn bế đứa con mới sinh ra khỏi nhà. Tưởng con bị bắt cóc Lê đã đến công an phường Tương Mai trình báo. Khi công an phường Tương Mai mời đến làm việc, Lê vẫn tin tưởng rằng chồng mình là giáo viên của Trường Trung học CSND I.
Thiếu tá Phạm Minh Thặng, Phó trưởng Công an phường Tương Mai cho rằng, để phát hiện đối tượng giả danh, các điều tra viên ngoài trình độ nghiệp vụ phải có khả năng quan sát rất tinh tế. Kẻ giả danh thường cố tỏ ra "oai phong", chúng thường nói nhiều về mình, khoe khoang và tự giới thiệu là công an.
Một điểm nữa khác biệt cũng cần để ý đó là tác phong của cán bộ công an thường rất bình tĩnh, nhỏ nhẹ, trang phục đầu tóc gọn gàng theo điều lệnh Công an nhân dân. Trong khi kẻ giả danh thì ngược lại.
Trong số những vụ giả danh công an bị phát hiện trong cả nước thời gian qua cho thấy, kẻ mạo danh không chỉ là các đấng mày râu mà còn là các nữ nhi "chân yếu, tay mềm". Điển hình trong số đó phải kể đến trường hợp Trần Thị Hồng Nhung.
Trần Thị Hồng Nhung. Ảnh: Cơ quan điều tra cung cấp.
Giữa tháng 11/2010, cô gái giả danh công an để đi lừa... công an đã bị bắt về hành vi lừa đảo. Để thực hiện hành vi phạm tội, Nhung thường xuyên lên mạng Internet tìm hiểu về lực lượng ngành, thậm chí còn đưa ảnh của thị ta lên mạng, trong trang phục của một Thượng sỹ công an.
Trong máy điện thoại di động của cô gái này bao giờ cũng có ảnh chị ta mặc sắc phục ngành. Cơ quan điều tra cho biết đâu Nhung cũng giới thiệu đang làm việc tại Tổng cục xây dựng lực lượng (Bộ Công an). Với cái mác trên, Nhung đã thực hiện trót lọt một số vụ lừa đảo và một số vụ trộm cắp tài sản.
Song táo tợn nhất phải kể đến trường hợp của Đặng Văn Doanh (21 tuổi ở Hải Dương) vừa bị công an phường Tương Mai bắt giữ cuối tháng 12/2010 về hành vi cưỡng đoạt tài sản. Sự liều lĩnh của anh ta thể hiện ở chỗ, dám đến công an phường "bảo lãnh" cho một chiếc xe máy bị tạm giữ vi phạm Luật giao thông đường bộ.
Tại công an phường, Doanh tự giới thiệu là cán bộ Cục C45. Việc mạo danh của nam thanh niên này đã bị lật tẩy khi các điều tra và trinh sát yêu cầu đưa thẻ ngành.
Thủ đoạn phạm tội chủ yếu của các đối tượng giả danh công an thường là cưỡng đoạt, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và trong một số trường hợp là trộm cắp. Hình thức thể hiện của loại tội phạm này cũng rất đa dạng. Lúc chúng giả danh là cảnh sát hình sự, có khi lại là cảnh sát giao thông, có trường hợp lại là cảnh sát cơ động.
Tháng 11/2010, tổ tuần tra của Đại đội 4, trung đoàn Cảnh sát cơ động Hà Nội, khi làm nhiệm vụ đã phát hiện và bắt giữ hai học sinh cấp 3 là Nguyễn Duy Anh (17 tuổi) và Nguyễn Quang Nhật (15 tuổi) khi chúng mặc sắc phục cảnh sát cơ động, để cưỡng đoạt tài sản của người đi đường.
Theo lời khai của hai học sinh trên, trước thời điểm bị bắt, chúng đã chặn đôi nam nữ, lấy của họ 150.000 đồng. Khi bị đưa về đồn công an Duy Anh và Nhật cho rằng vì thấy cảnh sát cơ động "oai" nên đã bàn nhau đi mua đồng phục của cảnh sát ngành. Trước khi nghĩ đến việc giả danh, chúng đã bị cảnh sát cơ động xử phạt.
Để đóng giả giống như thật, dễ dàng qua mắt được người đi đường và ngay cả lực lượng cảnh sát cơ động làm nhiệm vụ tuần tra, hai học sinh nhí này đã sắm đầy đủ các công cụ và phụ kiện gồm dùi cui, kiếm... đồng thời tự mua đề can về cắt chữ làm hình thức bên ngoài giống hệt cảnh sát cơ động thật.
Thiếu tá Thặng cho biết, trong các vụ án trên, thường những kẻ gây án có sự sắp xếp, chuẩn bị một cách kỹ lưỡng và hoàn hảo nên dễ dàng qua mắt người bị hại. Trong khi đó, gia đình nạn nhân thường quen biết họ một cách chóng vánh nên chẳng biết tên thật, công tác ở đâu nên điều tra gặp rất nhiều khó khăn.
Thiếu tá Phạm Minh Thặng, Phó trưởng công an phường Tương Mai cho biết, các vụ giả danh công an bị phát hiện tại đơn vị này thời gian qua cho thấy kẻ giả rất tinh vi, liều lĩnh...Chúng lừa cả công an thật. Vì thế, trong các trường hợp cảm thấy nghi ngờ, lực lượng ngành cần phải khéo giữ họ lại để kiểm tra thẻ ngành. Về phía người dân, khi bị bắt giữ, cần chú ý đến trang phục của lực lượng làm nhiệm vụ. Thông thường, trang phục của kẻ giả danh không đồng nhất, hầu hết chúng đều sử dụng thẻ ngành giả, không đeo số hiệu công an trên người. Nếu có nghi ngờ cần phải đến cơ quan công an gần nhất trình báo
(Theo Công An Nhân Dân)