Thủ đô Tokyo tiêm đại trà mũi thứ 4 vaccine ngừa COVID-19
Sáng 23/7, chính quyền thủ đô Tokyo của Nhật Bản đã bắt đầu triển khai tiêm chủng mũi thứ 4 vaccine ngừa COVID-19 cho các nhân viên y tế ở nước này, cũng như áp dụng tiêm đại trà cho người dân có nhu cầu.
Nhân viên y tế tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Osaka, Nhật Bản. Ảnh minh họa: Kyodo/TTXVN
Chiến dịch tiêm chủng trên được thực hiện trong bối cảnh Chính phủ Nhật Bản đang mở rộng một số biện pháp nhất định nhằm ngăn chặn chuỗi lây lan của đại dịch COVID-19. Trước đó, nước này đã bắt đầu triển khai tiêm mũi vaccine thứ 4 vào cuối tháng 5/2022, nhưng chỉ giới hạn ở những người từ 60 tuổi trở lên và những người có bệnh lý nền trong độ tuổi từ 18-59.
Chính phủ Nhật Bản đánh giá mũi thứ 4 của vaccine ngừa COVID-19 sẽ giúp củng cố lá chắn phòng dịch cho các nhân viên y tế, trong bối cảnh số ca lây nhiễm dòng phụ BA.5 của biến thể Omicron đang tăng đột biến, gây sức ép đối với hệ thống y tế tại nhiều địa phương. Một số cơ sở y tế tại Tokyo đã buộc phải hạn chế số lượng bệnh nhân cấp cứu tiếp nhận mỗi ngày và rút gọn quy trình phẫu thuật do có quá nhiều nhân viên mắc COVID-19.
Ngoài các nhân viên y tế, người dân có nhu cầu tiêm mũi thứ 4 vaccine ngừa COVID-19 cũng có thể tới 3 điểm tiêm chủng đại trà để thực hiện việc này. Các chuyên gia y tế Nhật Bản cho biết các kết quả nghiên cứu lâm sàng cho thấy liều tiêm thứ 4 của vaccine ngừa COVID-19 cũng phát huy hiệu quả nhất định trong việc ngăn chặn sự lây lan của dòng phụ BA.5.
Video đang HOT
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, trong ngày 22/7, một nhóm chuyên gia thuộc Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã “bật đèn xanh” cho việc tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 thứ 5 cho người cao tuổi và những người có bệnh lý nền vào mùa Thu này. Bên cạnh đó, nhóm chuyên gia cũng cho phép sử dụng vaccine của Novavax để tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi. Trước đó, Nhật Bản đã cấp phép sử dụng vaccine Novavax cho những người từ 18 tuổi trở lên.
Trong nỗ lực giảm tải cho các cơ sở y tế tiếp nhận bệnh nhân COVID-19, Chính phủ Nhật Bản đang lên kế hoạch phân phối miễn phí các bộ xét nghiệm kháng nguyên cho người nghi mắc COVID-19 để họ có thể tự làm xét nghiệm ở nhà.
Kể từ cuối tháng 6 tới nay, dịch COVID-19 đã bùng phát mạnh trở lại ở Nhật Bản, chủ yếu do sự xuất hiện của BA.5 – một dòng phụ của biến thể Omicron. Ngày 22/7, Nhật Bản ghi nhận thêm 195.160 ca nhiễm mới, tăng gần gấp đôi so với một tuần trước đó và cao nhất từ trước tới nay. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp số ca nhiễm mới ở nước này tăng cao kỷ lục. Đáng chú ý, có tới 22 trong số 47 tỉnh, thành ở nước này ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỷ lục. Riêng thủ đô Tokyo ghi nhận tới 34.995 ca, tăng 83% so với một tuần trước đó.
Việc số ca nhiễm mới tăng cao khiến hệ thống y tế ở nhiều địa phương rơi vào tình trạng căng thẳng, trong đó Okinawa là địa phương có hệ thống y tế căng thẳng nhất khi tỷ lệ sử dụng giường dành riêng cho các bệnh nhân COVID-19 ở đây đã lên tới 77%, cao nhất trong cả nước. Ngày 21/7, chính quyền Okinawa đã phải ban bố “tình trạng khẩn cấp về y tế” và đề nghị người dân không đi ra ngoài hoặc gặp gỡ người khác nếu họ có các triệu chứng mắc COVID-19 như sốt, ho và đau họng.
Theo Viện các bệnh truyền nhiễm quốc gia (NIID) của Nhật Bản, BA.5 có khả năng lây lan nhanh hơn 1,27 lần so với BA.2 – một dòng phụ khác của biến thể Omicron đã từng chiếm ưu thế ở Nhật Bản trước đó. BA.5 được phát hiện lần đầu tiên ở Nhật Bản vào cuối tháng 5/2022 trong quá trình kiểm dịch ở sân bay. Hiện nay, biến thể này đang chiếm hơn 90% ca nhiễm mới ở Nhật Bản và có thể sẽ thay thế hoàn toàn các biến thể khác vào đầu tháng tới. Tuy nhiên, cho tới nay, hầu như chưa có bằng chứng nào cho thấy BA.5 và BA.4 sẽ làm tăng số lượng ca bệnh nặng.
Nhật Bản ghi nhận trên 190.000 ca mắc COVID-19 trong ngày 22/7
Số liệu thống kê vừa được cơ quan y tế Nhật Bản công bố cho thấy nước này tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 cao kỷ lục trong ngày thứ 3 liên tiếp, với trên 190.000 ca mắc trong ngày 22/7.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 21/7/2022. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Đây đã là làn sóng lây nhiễm thứ 7 do dòng phụ BA.5 của biến thể Omicron gây ra. Hiện số ca nhiễm BA.5 chiếm tới 96% số ca mắc COVID-19 tại Nhật Bản. Trong ngày 22/7, thủ đô Tokyo ghi nhận 34.995 ca mắc mới COVID-19 - mức cao kỷ lục trong ngày thứ 2 liên tiếp. Trong đó, ngày càng có nhiều người trẻ tuổi cho kết quả xét nghiệm dương tính với nguy cơ lây nhiễm cao.
Tình hình trên đang gây sức ép đáng kể đối với hệ thống y tế của Nhật Bản, song Thủ tướng Fumio Kishida cho biết chính phủ "không dự định đưa ra các biện pháp hạn chế mới đối với di chuyển của người dân".
Thay vào đó, để giúp duy trì hoạt động của xã hội và nền kinh tế, chính phủ nước này đã quyết định cắt giảm thời gian cách ly đối với những người từng có tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19 xuống chỉ còn 5 ngày so với mức trước đó là 7 ngày. Theo quy định mới bắt đầu có hiệu lực từ ngày 22/7, những người cho kết quả xét nghiệm âm tính trong 2 lần xét nghiệm kháng nguyên liên tiếp cũng sẽ chỉ phải cách ly trong 2 ngày.
Cũng trong ngày 22/7, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản đã đề xuất triển khai chương trình tiêm mũi thứ 5 vaccine phòng COVID-19 cho những đối tượng có nguy biến chứng cao như người cao tuổi. Loại vaccine được bộ này tính đến là vaccine đang được nghiên cứu và phát triển bởi hãng dược Pfizer/BioNTech, được xác định có hiệu quả đối với các biến thể phụ của Omicron và nhiều khả năng sẽ được thương mại hóa vào mùa Thu năm nay.
Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản cho biết việc thúc đẩy tiêm chủng vaccine COVID-19 mũi thứ 5 mang lại kỳ vọng về hiệu quả ngăn ngừa biến chứng nặng. Bộ này sẽ tiếp tục thảo luận về mở rộng đối tượng tiêm chủng và khoảng cách mũi tiêm trên cơ sở những thông tin khoa học có được trong thời gian tới và động thái của các quốc gia trên thế giới.
Ngoài ra, bộ trên cũng đề xuất mở rộng đối tượng tiêm chủng vaccine COVID-19 mũi thứ 4 đối với nhân viên y tế và nhân viên điều dưỡng, đồng thời, xem xét chấp nhận tiêm chủng đồng thời vaccine COVID-19 và vaccine phòng ngừa cúm mùa.
Hiện tại, Chính phủ Nhật Bản đang triển khai tiêm chủng vaccine COVID-19 mũi thứ 4 và chỉ giới hạn đối tượng là những người cao tuổi, người có bệnh nền, hoặc những người được bác sĩ chẩn đoán có nguy cơ biến chứng cao. Hai loại vaccine được sử dụng là vaccine của hãng Pfizer/BioNTech và hãng Moderna.
Cơ quan y tế châu Âu theo dõi sát sao các biến thể mới của Omicron Không chỉ hứng chịu nắng nóng, châu Âu đang đối mặt với làn sóng mới của dịch COVID-19 khi số ca nhiễm mới ghi nhận trong 6 tuần qua đã tăng gấp 3 lần. Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Paris, Pháp ngày 1/7/2022. Ảnh: AFP/TTXVN Trung tâm Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh châu...