Thủ đô Hà Nội hướng đến nông thôn mới kiểu mẫu
Để việc xây dựng nông thôn mới (NTM) của Thủ đô được bền vững hơn, Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối NTM Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho rằng, việc xây dựng NTM là quá trình không ngừng nghỉ. Sau khi đạt chuẩn, thành phố yêu cầu các xã tiếp tục có kế hoạch xây dựng NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu…
Phong trào đi vào chiều sâu, bền vững
Qua thẩm định tại 4 xã của Phú Xuyên là Hồng Minh, Tân Dân, Quang Lãng và Bạch Hạ, các cán bộ của đoàn công tác TP.Hà Nội nhận định, thành quả của NTM thực sự đã hiện hữu ở các địa phương. Đời sống của người dân ngày càng được nâng cao, với mức thu nhập bình quân đầu người của cả 4 xã đều đạt trên 41 triệu đồng/người/năm.
Các công trình nhà văn hóa, trạm y tế xã cơ bản đủ điều kiện đáp ứng các tiêu chí. Các cấp trường đã và đang trong quá trình xây dựng trường chuẩn. Hệ thống kênh mương thủy lợi đồng bộ hóa, quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được các địa phương tích cực chú trọng và đạt hiệu quả cao…
Nghề trồng cây chơi tết mang lại thu nhập cho người dân tại một số huyện của TP.Hà Nội. Ảnh: Hải Đăng
Ông Nguyễn Ngọc Sơn – Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên cho biết, sau hơn 7 năm triển khai xây dựng, bộ mặt nông thôn của Phú Xuyên đã thực sự khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt. Ông khẳng định, trong thời gian tới, huyện sẽ tăng cường tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia xây dựng NTM, đồng thời tiếp tục nâng cao các tiêu chí đã hoàn thành và tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, chăn nuôi nhằm nâng cao thu nhập của người dân hơn nữa.
Cùng với Phú Xuyên, các huyện Chương Mỹ, Thanh Oai, Phú Xuyên, Ứng Hòa… cũng có thêm nhiều xã đạt chuẩn NTM năm 2018.
Bà Hoàng Thị Huyền – Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối NTM Hà Nội cho hay, nhằm bảo đảm việc đánh giá đúng thực chất, TP.Hà Nội chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và địa phương nghiêm túc trong công tác chấm điểm xã đạt chuẩn NTM, không chạy theo thành tích số xã đạt chuẩn mà dễ dãi khi đánh giá.
Video đang HOT
Bà Huyền cho biết thêm, trên cơ sở 30 xã đăng ký hoàn thành xây dựng NTM năm 2018 như dự kiến mà các phương tiện thông tin đại chúng đã đăng tải và 3 xã đăng ký năm 2017 nhưng chưa đạt, qua đánh giá của Hội đồng thẩm định địa phương đạt chuẩn NTM TP.Hà Nội, có 29 xã đạt chuẩn NTM năm 2018.
Do không đủ điều kiện nên 4 xã còn lại gồm: Xuy Xá, An Mỹ (huyện Mỹ Đức), Minh Phú (huyện Sóc Sơn) và Thụy Phú (huyện Phú Xuyên) chưa đáp ứng đủ các tiêu chí về xây dựng NTM trong năm 2018.
Chú trọng nâng cao thu nhập
Là người trực tiếp tham gia chấm điểm xã đạt chuẩn NTM, ông Nguyễn Văn Chí cho rằng, qua rà soát, chấm điểm cho thấy, phong trào xây dựng NTM đã đi vào chiều sâu và bền vững hơn. Ở tất cả các xã được chấm điểm đều thấy có sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư trong bàn bạc, đóng góp, kiến thiết quê hương. Cơ sở hạ tầng ở các xã được đầu tư cơ bản, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội.
Bên cạnh tiêu chí đạt cao, đoàn thẩm định cũng chỉ ra những tồn tại trong xây dựng NTM ở một số địa phương và yêu cầu các xã tiếp tục quan tâm, chỉ đạo hoàn thiện trong thời gian tới.
“Các tiêu chí bị trừ điểm nhiều nhất là nhóm xây dựng hạ tầng. Đây là nhóm cần nguồn vốn đầu tư lớn nên một số địa phương chưa thực hiện được ngay… phải được sửa và hoàn thiện” – ông Nguyễn Văn Chí nhấn mạnh.
Gợi ý về hướng đi cho các huyện trên địa bàn thành phố, bà Hoàng Thị Huyền cho rằng, bên cạnh việc sản xuất, mở rộng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn, các địa phương cần nỗ lực hơn nữa để giữ vững và nâng cao các tiêu chí sau khi đạt chuẩn. “Đặc biệt đề nghị các địa phương lưu ý tiêu chí nâng cao đời sống người dân, bởi đây là cốt lõi làm nên thay đổi thực chất trong xây dựng NTM” – bà Huyền khẳng định.
Theo Danviet
Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật "6 đúng": Dân khỏe, ruộng sạch
Với việc vận động nông dân phát triển các mô hình sản xuất an toàn, sử dụng ít thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), hàng năm, Hà Nội đã tiết kiệm được một khoản tiền lớn.
Nhiều lợi ích
Theo điều tra của Chi cục BVTV TP.Hà Nội, với việc canh tác hơn 157.000ha đất sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn từ năm 2014-2017, tình hình sử dụng thuốc BVTV trong sản xuất nông nghiệp ở các huyện, thị xã trên địa bàn không nhiều, chỉ bằng 0,25 - 0,32% so với bình quân toàn quốc. Lượng thuốc BVTV sử dụng cho một đơn vị diện tích sản xuất nông nghiệp của thành phố từ 1,6 - 2kg. Do sử dụng lượng thuốc BVTV ít nên hàng năm Hà Nội đã tiết kiệm được khoảng 200 tỷ đồng.
Mô hình trồng rau an toàn đang mang lại hiệu quả cao cho bà con ở các xã của huyện Đông Anh (Hà Nội). Ảnh: Hải Đăng
Đến thời điểm này, Hà Nội đã xuất hiện nhiều địa phương sử dụng ít thuốc BVTV hoặc không sử dụng thuốc phòng trừ sâu, bệnh như các huyện Thanh Oai, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Thường Tín, Phú Xuyên... giúp giảm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường, tạo ra sản phẩm an toàn với người tiêu dùng.
Điển hình như tại xã Đỗ Động (huyện Thanh Oai), hiện toàn xã có khoảng 1.500 hộ sản xuất hơn 400ha lúa. Đây là địa phương được biết đến với tỷ lệ sử dụng thuốc BVTV trong canh tác nông nghiệp rất thấp.
Để làm được công việc tưởng chừng như rất khó khăn này, chính quyền xã cùng ngành chức năng đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng thuốc BVTV đúng cách, canh tác theo phương pháp tiên tiến. Chỉ tính riêng trong giai đoạn từ năm 2015 - 2017, diện tích ứng dụng hệ thống thâm canh lúa cải tiến ở vụ xuân trên địa bàn xã đang tăng khá nhanh, từ 295ha năm 2015 tăng lên 390ha năm 2017. Nhờ đó, trong 3 năm qua, tỷ lệ hộ không sử dụng thuốc phòng trừ sâu bệnh cho lúa tại Đỗ Động lên đến khoảng 90%.
Ông Phạm Văn Thức - chủ cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn huyện Thanh Oai cho biết: Trên thị trường, hiện có khá nhiều loại thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học, độc tính thấp và thời gian tồn lưu trong môi trường, sản phẩm ngắn hơn so với các loại thuốc có nguồn gốc hóa học. "Chính vì lợi ích như thế nên trong quá trình bán hàng, chúng tôi cũng cố gắng tư vấn cho bà con sử dụng thuốc sinh học" - ông Thức nói.
Bà Nguyễn Thị Phương - một nông dân ở huyện Thanh Oai nhớ lại, cách đây hơn 20 năm, cứ gần đến mùa gặt là người lớn, trẻ em đều tranh thủ buổi tối ra đồng bắt châu chấu, muồm muỗm về làm thức ăn. Ở kênh mương, các loại tép, tôm, cua từng đàn bơi lội. Bây giờ, do sử dụng thuốc BVTV quá nhiều nên những loại thủy sản đó rất hiếm, ngay cả châu chấu, cào cào cũng ít hơn trước.
"Để sản xuất an toàn hơn, bà con chúng tôi đang cố gắng giảm dần lượng thuốc BVTV và phân bón hóa học, thay vào đó là tích cực sử dụng thuốc sinh học để phòng, chống sâu, bệnh hại cho cây trồng" - bà Phương chia sẻ.
Nguyên tắc "6 đúng"
Những kết quả đó là do Chi cục BVTV TP.Hà Nội đã triển khai đồng bộ các hoạt động như đào tạo giảng viên, lớp học đồng ruộng, hội nghị đầu bờ... nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng canh tác, nhận thức về hệ sinh thái cho nông dân.
Ông Lê Xuân Trường - Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội cho biết, thời gian qua, để hạn chế thấp nhất việc sử dụng thuốc BVTV trong sản xuất nông nghiệp, Chi cục đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Đơn cử như tổ chức các lớp đào tạo giảng viên, lớp học đồng ruộng, hội nghị đầu bờ nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng canh tác, nhận thức về hệ sinh thái cho nông dân.
Trong đó, cốt lõi là tổ chức lớp học đồng ruộng về quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI) trên lúa, rau, hoa, quả cho nông dân. Đến nay, Chi cục đã tổ chức được 5.011 lớp học đồng ruộng về IPM cho hơn 124.000 nông dân.
Đồng thời, triển khai được 205 mô hình SRI với diện tích hơn 4.200ha. Thực tế cho thấy, việc tham gia các lớp học đồng ruộng về IPM còn có ý nghĩa tích cực tác động làm thay đổi nhận thức và tập quán canh tác của nông dân.
Hiện, toàn thành phố có khoảng 60% diện tích ứng dụng từng phần và toàn phần SRI, hơn 5.000ha rau được chứng nhận đủ điều kiện sản xuất an toàn, rau hữu cơ hơn 50ha. Qua đó vừa giảm lượng giống, phân bón, thuốc BVTV, nước tưới vừa giảm chi phí, tăng năng suất, nâng cao hiệu quả canh tác.
"Bên cạnh đó, Chi cục BVTV chú trọng công tác dự tính, dự báo chính xác, phối hợp với các địa phương hướng dẫn bà con nông dân sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc "6 đúng" (đúng địa điểm, đúng thời điểm, đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng nồng độ, đúng cách và đúng thời gian cách ly).
Các trạm BVTV thường xuyên tham mưu cho UBND cấp huyện, xã thành lập các tổ liên ngành kiểm tra các tổ chức, cá nhân kinh doanh vật tư nông nghiệp, rau, hoa, quả để xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm" - ông Trường khẳng định.
Theo Danviet
Hà Nội: Ô tô tông liên hoàn, 2 vợ chồng bị cuốn vào gầm xe, tử vong Chiếc xe ô tô 5 chỗ đang lưu thông thì bất ngờ tông vào xe taxi và ba xe máy khác đang lưu thông trên đường khiến hai vợ chồng đi ăn cỗ về tử vong. Theo thông tin ban đầu, vào khoảng 14h ngày 6.1, tại vòng xuyến Mậu Lương, thuộc phường Kiến Hưng (quận Hà Đông, Hà Nội) đã xảy ra...