Thủ đô “đột phá” bằng mô hình nông thôn mới kiểu mẫu
Các huyện Đan Phượng, Đông Anh, Hoài Đức và Thanh Trì đang dẫn đầu TP.Hà Nội trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) với 100% xã đã đạt chuẩn. Tới đây, Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các địa phương này nâng cao các tiêu chí đã đạt được, đồng thời chủ động xây dựng mô hình NTM kiểu mẫu và lồng ghép với phong trào toàn dân chung sức xây dựng NTM.
Kinh nghiệm từ các huyện dẫn đầu
Là huyện cán đích NTM đầu tiên của Hà Nội, sau 2 năm Đan Phượng vẫn đang phát huy vị trí dẫn đầu khi các tiêu chí tiếp tục được nâng cao. Ông Nguyễn Hữu Hoàng – Chủ tịch UBND huyện cho biết, không dừng lại ở đầu tư cơ sở hạ tầng, giai đoạn tới việc xây dựng NTM ở Đan Phượng sẽ hướng đến đẩy mạnh phát triển sản xuất, nhằm tạo thu nhập cao hơn cho người dân. “Đặc biệt, huyện sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, bước đầu trên địa bàn đang hình thành 5 dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó, huyện cũng đang nhân rộng phong trào Đường có hoa, nhà có số” – ông Hoàng tiết lộ.
Nghề trồng hoa mang lại thu nhập cao cho người dân một số xã của huyện nông thôn mới Đan Phượng. Ảnh: Hải Đăng
Thành phố chỉ đạo các xã đạt chuẩn NTM tiếp tục rà soát, bổ sung, cập nhật quy hoạch để phù hợp với yêu cầu cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn, hướng đến mục tiêu tăng thu nhập bền vững cho người dân và phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp…”. Ông Lê Thiết Cương
Cũng theo ông Hoàng, từ chủ trương “Nhà nước hỗ trợ xi măng, cát, sỏi; nhân dân đóng góp ngày công, hiến đất mở rộng những đoạn đường cong, ngõ cụt”, năm 2014, toàn huyện đã xây dựng được 22km đường trục thôn; 19km rãnh thoát nước; 136,7km đường ngõ xóm; 80,6km đường trục chính nội đồng với tổng kinh phí 317,4 tỷ đồng.
“Trong đó, nhân dân đóng góp 413.722 ngày công và hiến hơn 2.522m2 đất thổ cư, hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp; 31 doanh nghiệp ủng hộ nhân công, máy móc, giá trị hạch toán hơn 25,5 tỷ đồng. Đến năm 2015, Đan Phượng là huyện hoàn thành xây dựng NTM đầu tiên ở Thủ đô” – ông Hoàng nhấn mạnh.
Video đang HOT
Nếu Đan Phượng về đích đầu tiên nhờ làm tốt công tác vận động nhân dân, doanh nghiệp cùng tham gia thì ở huyện Đông Anh, nâng cao thu nhập cho người dân được coi là giải pháp cốt lõi. Ông Phạm Văn Châm – Chủ tịch UBND huyện này cho biết, ngay sau khi bắt tay vào xây dựng NTM, huyện đã ưu tiên phát triển nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa giá trị cao.
“Cụ thể, đối với gần 2.000ha sản xuất tập trung, quy hoạch để sản xuất nông nghiệp ổn định, huyện đã chỉ đạo dồn điền đổi thửa, hình thành vùng sản xuất lớn. Đến nay, 1.283ha đã chuyển đổi sang trồng rau an toàn, chăn nuôi, trồng cây ăn quả… Năm 2016, thu nhập bình quân trên địa bàn đạt 43 triệu đồng/người/năm. Với những thay đổi tích cực này, cuối năm 2016, Đông Anh được công nhận đạt chuẩn huyện NTM” – ông Châm khẳng định.
Tại Thanh Trì, đời sống kinh tế, xã hội của huyện không cao, thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp, hạ tầng cơ sở còn nhiều khó khăn. Nhưng bằng sự đoàn kết, sáng tạo của tập thể lãnh đạo, huyện Thanh Trì từng bước “cởi nút thắt” trong xây dựng NTM.
Một trong những việc mà Thanh Trì đã thành công rực rỡ là điều tiết kinh phí trong xây dựng NTM. Ông Vũ Văn Nhàn – Chủ tịch UBND huyện cho biết, tập thể Thường vụ Huyện ủy đã bàn và đi đến thống nhất, điều tiết ngân sách của huyện xuống xã, từ xã giàu sang xã nghèo. “Khi có ngân sách rồi, huyện chỉ đạo làm công trình theo hình thức cuốn chiếu, làm đâu được đấy, không dàn trải, chỉ khi cân đối được nguồn vốn mới khởi công công trình, quyết toán kinh phí theo tiến độ thi công. Nhờ đó, dù kinh tế không phải dồi dào, song huyện không có nợ xây dựng cơ bản” – ông Nhàn nói.
Hướng đến mô hình NTM kiểu mẫu
Được biết, hiện nay TP.Hà Nội đã bố trí kinh phí và chỉ đạo sở, ban, ngành xây dựng đề cương để triển khai xây dựng quy hoạch 1 xã NTM kiểu mẫu đại diện cho xã ven đô gắn với quy hoạch công nghiệp, đô thị là xã Đông Hội (huyện Đông Anh) và 1 xã đại diện cho các xã thuần nông là xã Võng Xuyên (huyện Phúc Thọ). Hai xã này sẽ được triển khai làm điểm để rút kinh nghiệm, triển khai trên địa bàn toàn thành phố trong những năm tiếp theo.
Theo ông Lê Thiết Cương – Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối NTM Hà Nội, Hà Nội đã chỉ đạo các địa phương tập trung rà soát, duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia về NTM (đã có) và bổ sung một số chỉ tiêu phản ánh mức độ hưởng thụ cao hơn cả về vật chất, tinh thần của người dân nông thôn thành phố; quy định tốc độ tăng trưởng tối thiểu cần đạt đối với một số tiêu chí khi xem xét công nhận xã đạt chuẩn NTM bền vững.
Theo Danviet
Phúc Thọ sẽ trở thành thủ phủ của du lịch nông nghiệp sinh thái
Nằm trong quy hoạch phát triển nông nghiệp và vành đai xanh của Thủ đô, lại mang trong mình nét trầm tích của lịch sử, nơi giao thoa của nhiều sắc màu văn hóa ven sông Hồng..., huyện Phúc Thọ đang có rất nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế, du lịch - đặc biệt mới lạ là du lịch nông nghiệp sinh thái.
Tiềm năng lớn
Là một huyện thuần nông, thuộc trung tâm văn hóa xứ Đoài, chỉ cách trung tâm thành phố khoảng 35km, huyện Phúc Thọ có nhiều điều kiện để phát triển du lịch nông nghiệp. Điển hình như về văn hóa, Phúc Thọ có di tích quốc gia đặc biệt đền Hát Môn. Lễ hội đền Hát Môn đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Các di tích khác như đình Tường Phiêu, đình Hạ Hiệp... đều có kiến trúc độc đáo, mang giá trị văn hóa, tâm linh đặc biệt. Bên cạnh đó, Phúc Thọ có 3 con sông lớn chảy qua (sông Hồng, sông Đáy, sông Tích), hiện nguồn nước vẫn còn trong xanh, thơ mộng. Đây chính là nguồn điều hòa cho không gian vốn yên bình của làng quê Phúc Thọ, hấp dẫn những người ưa khám phá.
Ông Hoàng Mạnh Phú - Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ cho biết, xác định du lịch sinh thái là hướng đi phù hợp nên trong thời gian qua, huyện đã có những định hướng phát triển nhất định như đăng ký thương hiệu cho những sản phẩm nông nghiệp gồm rau muống tiến vua, bưởi Phúc Thọ, chuối Vân Nam... Huyện còn khuyến khích người dân xây dựng nhà kiểu truyền thống, với mật độ thấp để bảo vệ và gìn giữ những nét văn hóa xưa cũ.
Du khách tham gia trải nghiệm thu hoạch cà rốt ở Phúc Thọ. ảnh: TITC
Ông Phú cho biết thêm, hiện tại, trên địa bàn Phúc Thọ đã bắt đầu có một số mô hình du lịch nông nghiệp sinh thái. Nổi bật nhất là Công ty TNHH Longlink Việt Nam xây dựng tour du lịch trải nghiệm miệt vườn Phúc Thọ với tiêu chí Green tour - Healthy life (Du lịch xanh - Cuộc sống mạnh khỏe). Tham gia tour du lịch này, khách hàng sẽ được tham quan những vườn hoa quả bạt ngàn mùa nào thức nấy, trải nghiệm cuộc sống cùng người dân bản địa, tham gia làm vườn, cấy lúa, hái rau... Trong bữa ăn, khách du lịch được thưởng thức những sản vật "cây nhà, lá vườn" nhưng rất nổi tiếng, nhất là rau muống tiến vua ở xã Sen Chiểu.
"Huyện Phúc Thọ cũng đã bắt đầu liên kết các điểm du lịch trên địa bàn huyện với các điểm du lịch ở một số địa phương lân cận như chùa Thầy ở huyện Quốc Oai, làng cổ Đường Lâm ở thị xã Sơn Tây... Cách đây chưa lâu, Tổng cục Du lịch và các đơn vị lữ hành đã về Phúc Thọ khảo sát, trải nghiệm để phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp của huyện. Trong quá trình phát triển, chúng tôi luôn coi du lịch nông nghiệp là hướng đi mới và huyện cũng tin tưởng rằng với việc phát triển mô hình du lịch độc đáo này sẽ hấp dẫn và thu hút được nhiều du khách trong và ngoài nước tới tham quan".
Là một trong những hộ sản xuất, chế biến cà dầm tương lâu năm ở Hòa Thôn (xã Tam Hiệp), gia đình ông Nguyễn Tiến Tiệp đã và đang có thu nhập khá cao từ nghề này. "Với một sản phẩm truyền thống mang đặc trưng riêng của huyện, từng một thời tiến vua, bà con chúng tôi tự tin rằng, cà dầm tương sẽ góp phần mang đến trải nghiệm ẩm thực mới lạ cho du khách và từ đó nông dân được nâng cao thu nhập" - ông Tiệp chia sẻ.
Bên cạnh những lợi thế, ông Hoàng Mạnh Phú cũng phải thừa nhận rằng, huyện Phúc Thọ vẫn còn chưa có kinh nghiệm và nhãn quan nghiên cứu, phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp. Vì vậy, huyện đang rất cần những ý kiến đóng góp của các đơn vị lữ hành và sự đầu tư, tư vấn của các công ty có trình độ chuyên môn cao để Phúc Thọ sớm trở thành một điểm đến chất lượng về du lịch nông nghiệp sinh thái.
Phải mang nét đặc trưng
Đến nay, huyện Phúc Thọ đã có 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới trong năm nay huyện phấn đấu 2 xã còn lại đạt chuẩn. Đây cũng chính là động lực để huyện phấn đấu phát triển toàn diện và thêm điều kiện thuận lợi để phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp sinh thái.
Hiện nay, du lịch nông nghiệp sinh thái đang dần trở thành một "món ăn lạ", bên cạnh các loại hình du lịch văn hóa, nghỉ dưỡng, khám phá... Hà Nội cũng đã có một số mô hình du lịch nông nghiệp, như trang trại đồng quê Ba Vì, Nông trại giáo dục Detrang... Tuy nhiên, các trang trại này chủ yếu phục vụ cho hoạt động trải nghiệm của học sinh thành phố. Trong khi đó, nhu cầu của khách du lịch đòi hỏi nhiều hơn thế.
Chia sẻ về hướng phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp của huyện Phúc Thọ, ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho rằng: "Du lịch nông nghiệp sinh thái là mô hình đã được xây dựng và phát triển ở nhiều nơi trong nước cũng như thế giới. Đây là loại hình du lịch đưa du khách trở về với thiên nhiên và đến gần hơn với các hoạt động của cộng đồng dân cư bản địa. Loại hình du lịch nông nghiệp sinh thái hiện là lựa chọn của rất nhiều du khách".
Theo ông Bình, Phúc Thọ muốn phát triển du lịch thì cần phải xây dựng sản phẩm du lịch. Phúc Thọ là một địa bàn giàu tiềm năng phát triển sản phẩm du lịch, nhưng hiện chưa được khai thác. Để biến các cơ sở làng nghề, các cảnh quan, các sản vật thành sản phẩm du lịch, cần phải có sự liên kết, phối hợp, trao đổi giữa đơn vị lữ hành, nhà đầu tư...
"Việc phát triển du lịch tại Phúc Thọ nên gắn với những trải nghiệm đời thường, gắn với cuộc sống của người dân bản địa. Vì vậy, việc phát triển du lịch cộng đồng cần được quy hoạch bài bản, cần giữ gìn nguyên trạng kiến trúc nhà ở, những tập tục, thói quen sinh hoạt vốn có của người dân; nghiên cứu khôi phục những giá trị văn hóa cổ truyền để cung cấp thêm những trải nghiệm độc đáo" - ông Bình nhấn mạnh. /.
Theo Danviet
Hà Nội dẫn đầu về xây dựng nông thôn mới: 4 bí quyết và 6 giải pháp "Dù gặp nhiều khó khăn, song với quyết tâm chính trị cao, sự vào cuộc quyết liệt từ thành phố đến cơ sở, trong đó đặc biệt là sự hưởng ứng nhiệt tình của mỗi người dân, Chương trình số 02 của Thành ủy Hà Nội về Phát triển nông nghiệp, Xây dựng nông thôn mới (NTM); từng bước nâng cao đời sống...