Thủ đô Bangkok của Thái Lan mở thêm bệnh viện dã chiến
Theo phóng viên TTXVN tại Thái Lan, chính quyền thủ đô Bangkok đã mở hai bệnh viện dã chiến mới với công suất 500 giường bệnh dành cho bệnh nhân COVID-19 có các triệu chứng nhẹ, trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 đang có chiều hướng gia tăng.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại bệnh viện ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Thống đốc Bangkok Chadchart Sittipunt cho biết các bệnh viện trực thuộc Vùng đô thị Bangkok (BMA) có khoảng 760 giường được phân bổ cho bệnh nhân mắc COVID-19 có các triệu chứng từ trung bình đến nặng. Tính đến 20/7, khoảng 47% số giường đã có bệnh nhân, trong đó có 17 trường hợp nghiêm trọng.
Tính tổng cộng tất cả các bệnh viện ở Bangkok, khả năng tiếp nhận bệnh nhân mắc COVID-19 là 5.600 giường. Hiện tại, khoảng 3.000 giường, tức 47%, đã có bệnh nhân. Để chuẩn bị cho sự gia tăng số ca mắc mới COVID-19, BMA đã chuyển đổi Nhà thi đấu Bangkok ở quận Nong Chok và Trung tâm Huấn luyện Thể thao Chaloem Phrakiat ở quận Thung Kru thành các bệnh viện dã chiến. Các cơ sở mới có thể tiếp nhận khoảng 500 bệnh nhân với các triệu chứng nhẹ.
Ông Chadchart cho biết BMA sẽ phối hợp với các bên khác để bổ sung thêm giường bệnh nếu cần thiết. Ngoài giường bệnh, ông Chadchart cũng giải quyết vấn đề hạn ngạch bệnh nhân COVID-19 mà các bệnh viện có thể tiếp nhận mỗi ngày, cho rằng không nên có một hạn ngạch như vậy.
Trong khi đó, các bệnh viện trực thuộc Cục Dịch vụ Y tế là Lerdsin, Rajavithi và Nopparat Rajathanee cũng đang phải tiếp nhận thêm nhiều bệnh nhân, với tốc độ tổng cộng khoảng 1.500 bệnh nhân mỗi ngày. Cục Dịch vụ Y tế cho rằng tất cả các bệnh viện ở Bangkok nên mở lại các phòng khám nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do sự gia tăng các ca nhiễm COVID-19.
Thái Lan sáng 21/7 thông báo nước này có thêm 2.607 ca mắc COVID-19 nhập viện cùng 23 trường hợp tử vong trong 24 giờ qua, trong khi số liệu của Chính phủ cho thấy trung bình có hơn 20.000 trường hợp cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp xét nghiệm kháng nguyên nhanh trong tuần qua.
Kể từ khi ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên vào đầu năm 2020 cho tới nay, Thái Lan đã xác nhận tổng cộng 4.568.461 ca nhiễm, trong đó có 31.073 người không qua khỏi.
Thái Lan phê duyệt quy hoạch thành phố thông minh
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, chính phủ Thái Lan ngày 11/7 đã phê duyệt kế hoạch xây dựng thành phố thông minh với số tiền 1,34 nghìn tỷ baht (khoảng 35,9 tỷ USD) tại một trung tâm công nghiệp gần Thủ đô Bangkok.
Thái Lan đang có kế hoạch xây dựng một thành phố thông minh cách thủ đô không xa. Ảnh: bloomberg.com
Theo các quan chức Thái Lan, số tiền này đã được một hội đồng do Thủ tướng Prayut Chan-o-cha chủ trì chấp thuận và sẽ được giải ngân trong vòng 10 năm tới.
Thành phố thông minh mới sẽ có diện tích khoảng 2.340 ha, được xây dựng tại huyện Huai Yai thuộc tỉnh Chon Buri, cách Bangkok khoảng 160 km về phía Đông Nam. Tổng thư ký Văn phòng Hành lang Kinh tế phía Đông Kanit Sangsubhan cho biết, dự án sẽ bao gồm 5 trung tâm thương mại cho phép công ty thuê lại để hoạt động kinh doanh. Ông Kanit Sangsubhan cho hay, các trung tâm này dự kiến sẽ được phân chia là nơi đặt văn phòng của các công ty, trung tâm tài chính, y tế, nghiên cứu và phát triển quốc tế cũng như các ngành công nghiệp tương lai như năng lượng sạch và công nghệ 5G.
Ngoài ra, các khu dân cư của thành phố sẽ được thiết kế để chứa 350.000 người vào năm 2032 và tạo ra 200.000 việc làm trực tiếp. Cư dân chủ yếu sẽ là những người làm việc trong khu vực công nghiệp, nơi dự kiến sẽ thu hút các khoản đầu tư trị giá khoảng 2,2 nghìn tỷ baht (hơn 60 tỷ USD) đến từ các công ty ô tô, robot, chăm sóc sức khỏe và hậu cần toàn cầu trong 5 năm tới. Ông Kanit nhấn mạnh: "Thành phố mới sẽ là nơi đáng sống cho thế hệ mới, đồng thời là trung tâm kinh doanh... Chúng tôi tạo ra dự án mới này để bù đắp thu nhập mà Thái Lan bị mất trong trận đại dịch". Trong một tuyên bố, Chính phủ Thái Lan đánh giá thành phố mới với các trung tâm kinh doanh có thể đóng góp thêm khoảng 2 nghìn tỷ baht vào tổng sản phẩm quốc nội của Thái Lan trong vòng 10 năm và giá trị tài sản sau thời gian nhượng quyền 50 năm sẽ tăng gấp 5 lần.
Chính phủ của Tướng Prayut đã nhiều lần quảng bá về Hành lang Kinh tế phía Đông, một dự án bao gồm đô thị hóa, thúc đẩy các ngành công nghiệp tiên tiến và phát triển cơ sở hạ tầng, để tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thái Lan. Hành lang Kinh tế phía Đông bao gồm ba tỉnh Rayong, Chon Buri và c, hiện là trung tâm sản xuất và đóng góp tới 1/5 GPD của Thái Lan. Tốc độ tăng trưởng GDP của khu vực này là từ 6% -7% mỗi năm, nhanh hơn so với phần còn lại của quốc gia Đông Nam Á này.
Thái Lan điều chỉnh luật sau 1 tuần hợp pháp hóa tiêu thụ cần sa Thái Lan đã nhanh chóng ban hành một loạt quy định mới về việc sử dụng cần sa sau khi vừa mới hợp pháp hóa tiêu thụ cần sa một tuần. Nhân viên công ty Happy Bud chuẩn bị cần sa cho khách hàng trên xe tải bán cần sa ở đường Khaosan - một địa điểm du lịch nổi tiếng tại Bangkok....