Thú chơi xe không giấy tờ tại Việt Nam: “Độc”, đẹp nhưng phạm luật
Vài năm trở lại đây thú chơi xe máy và ô tô không giấy tờ như một con sóng ngầm lan nhanh trong giới trẻ. Xe không giấy tờ hấp dẫn bởi giá hợp lý và quan trọng hơn là rất “độc”, có những loại xe đã gần như “tuyệt chủng” ở Việt Nam.
Xe được chuyển về từ Campuchia, Lào qua các con đường tiểu ngạch dễ như chuyển…. lợn con và rao bán như rau tươi trên các trang mạng…
“Em nó mồ côi…”
Chỉ cần gõ từ khóa “bán xe máy no PP”, “bán ô tô no PP”, “bán xe không giấy”, “bán xe Campuchia” trên Google, bạn sẽ có ngay hàng vạn kết quả tìm kiếm. Phổ biến nhất là cụm từ “bán xe no PP” (NoPP), có nghĩa là bán xe không giấy tờ.
Một số người bán còn nói rất hình ảnh: “Em nó mồ côi lâu rồi” để ám chỉ việc xe không giấy tờ. Khi mua bán loại xe này, người mua và người bán chỉ dựa vào sự tin tưởng lẫn nhau, trao nhận tiền xong là hết trách nhiệm, không giấy mua bán (kể cả giấy viết tay).
Anh Dũng, một người chuyên kinh doanh xe máy ở chợ xe máy cũ chùa Hà cho biết: “Xe máy No PP thường được nhập từ Nhật về Campuchia rồi bán cho những người có nhu cầu tại Việt Nam. Ô tô không giấy tờ hoặc giấy tờ không hợp pháp thì nhập từ hai thị trường chính là Campuchia và Lào.
Kho xe máy của Bình Nguyên tại Campuchia.
Xe máy được chuyển qua các con đường tiểu ngạch, còn ô tô thì dưới dạng tạm nhập, tái xuất. Những chiếc xe nhập vào Việt Nam hầu hết còn khá mới, nếu so với xe cùng đời đang chạy ở Việt Nam thì chất lượng thường tốt hơn nhiều.
Nhiều chiếc “cực độc”, tưởng như đã “tuyệt chủng” từ lâu. Với ưu thế về “độc”, đẹp, giá cả lại hợp lý, chỉ bằng nửa hoặc 1/3 xe nhập hợp pháp nên phong trào chơi loại xe này đang lan rộng, đặc biệt là xe máy”.
Anh Dũng cũng giới thiệu cho tôi một số địa chỉ chuyên bán xe máy No PP được nhập về từ Campuchia. Đó là các trang Phomuaban.vn; Xomco.vn… Theo anh Dũng, đây là những trang web mà bất cứ tín đồ xe máy No PP nào cũng biết.
Khi truy cập hai trang web này, tôi không khỏi ngạc nhiên bởi những gì đang được rao bán tại đây. Sản phẩm cực kỳ phong phú nhưng có lẽ điểm mạnh nhất của cả hai trang web này chính là xe gắn máy không giấy tờ.
Những loại xe được rao bán nhiều nhất là Honda CD 125, Honda Cup 81, Honda Solo, Vespa 100… Những loại xe này đã không còn bất cứ doanh nghiệp nào bán tại Việt Nam dưới hình thức hợp pháp từ hơn chục năm nay.
Một thành viên đội Môtô Hà Nội cho biết: “Tham gia đội Môtô Hà Nội phải có xe máy phân khối lớn. Dù vậy em vẫn rất mê những chiếc xe ra đời cách đây hơn chục năm. Anh đi một chiếc ô tô hơn tỷ đồng ra phố không ai ngó nhưng nếu anh cưỡi một con CD 125 cáu cạnh hoặc một con Cup 81 như mới thì sẽ có rất nhiều người ngắm nhìn.
Thậm chí anh sẽ phải mỏi miệng vì phải trả lời các câu hỏi “anh mua ở đâu”, “xe làm lại hay nguyên bản”, “xe này bao nhiêu tiền”… Em có thể ngồi ngắm con CD 125 từng giờ, lau chùi, ve vuốt các chi tiết của nó mãi cũng không chán. Sở dĩ nhiều người đam mê những chiếc xe từ những năm 80, 90 của thế kỷ trước vì không phải ai cũng có thể mua được một chiếc xe đời cũ nhưng còn rất mới. Tất nhiên, phải chấp nhận sự may rủi vì những chiếc xe này không có giấy tờ, nó được chuyển về từ Campuchia qua các con đường tiểu ngạch”.
Video đang HOT
Theo giới chơi xe không giấy ở Hà Nội, hai địa chỉ nổi tiếng nhất chuyên bán các loại xe độc, No PP là Minh Bắc và Bình Nguyên. Minh Bắc sống ở TP HCM nhưng là người miền Bắc vào nên gọi là Minh Bắc.
Bình Nguyên hiện đang sống ở Nongpenh, Campuchia – là người sở hữu cả kho xe máy đủ loại, đã qua sử dụng nhập về Campuchia từ Nhật Bản. Thủ tục mua bán đơn giản nhất có thể, “Bạn chuyển từ 10 – 20% số tiền mua xe vào tài khoản của mình, mình sẽ chuyển xe ra Hà Nội. Khi nhận tiền bạn thanh toán nốt. Mình đảm bảo xe như trong ảnh, nếu không đúng mình hoàn tiền 100%”, Minh Bắc nói.
Giá một con CD 125 đầu 15, đời 1998 khá đẹp và nguyên bản sẽ dao động từ 50 – 65 triệu đồng; một con Cup 81 FI đời 2008 còn “ngon” có giá từ 25 – hơn 30 triệu đồng; Honda Solo đẹp có giá khoảng 25 triệu đồng. Theo nhiều tín đồ chơi xe No PP đã mua xe của Minh Bắc và Bình Nguyên thì đây là những địa chỉ khá uy tín. Đối với ô tô thì lại khác.
Có lẽ vì quan niệm ô tô là tài sản lớn và khó vận chuyển qua các đường ngang, ngõ tắt ở biên giới về Việt Nam nên loại tài sản này không thể mua bán công khai như xe máy. Anh Nguyễn Văn Sơn, ở Hải Phòng, một thợ buôn ô tô lâu năm cho biết: “Ô tô không giấy tờ chủ yếu là xe Campuchia và xe Lào.
Xe Campuchia rất phong phú, kể cả xe hạng sang như Lanrover, “Mẹc”, Cadilac… Khi có khách đặt mua, các đầu mối sẽ gắn biển giả vào xe rồi chạy qua biên giới ở khu vực phía Nam sau đó gắn BKS Việt Nam để chuyển đến địa chỉ của khách hàng.
Xe từ Lào về thường là Toyota và có giấy tờ Lào. Loại xe này vào Việt Nam dưới dạng tạm nhập, tái xuất. Khách mua xe phải chấp nhận tháng nào cũng mang xe đến cửa khẩu khai báo với Hải quan hoặc tháo biển Lào, lắp biển giả của Việt Nam để lưu hành”.
Theo anh Sơn, giá ô tô No PP bằng nửa hoặc 1/3 giá xe có giấy tờ đang lưu hành tại Việt Nam. Anh Sơn cho biết thêm: “Nếu anh muốn mua ô tô BKS Lào thì vào Nghệ An, Hà Tĩnh là có ngay. Chủ xe sẽ có trách nhiệm đưa xe của anh ra hết địa bàn tỉnh Thanh Hóa”.
Nhận diện những chiêu qua mặt cảnh sát…
Đam mê những chiếc xe máy đời cổ, đời cũ là chính đáng. Muốn mua ô tô với giá rẻ cũng chính đáng. Tuy nhiên, việc thỏa mãn đam mê, sở thích của mình bằng cách mua xe máy, ô tô không giấy tờ là vi phạm pháp luật và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Để chiếc xe No PP có thể lưu hành trên đường, chủ xe có nhiều cách “biến” con xe của mình thành hợp pháp hoặc giống như hợp pháp. Một dân chơi xin giấu tên cho biết: “Với xe máy thì khá đơn giản.
Anh có thể mua hoặc xin một BKS xịn rồi gắn vào chiếc xe No PP của mình và lưu hành. Nếu gặp CSGT thì xin nộp phạt vì quên giấy tờ xe ở nhà. Hầu hết là ok. Cẩn thận hơn anh phải mua một bộ giấy tờ xe cùng loại, cùng đời, gồm đăng ký và BKS sau đó gắn vào để đi. Chủ chiếc xe xịn chỉ cần ra CA báo mất giấy tờ xe, BKS là được làm lại.
Thoải mái mua bán “xe no PP” trên trang Xomco.vn.
Tất nhiên là sẽ có hai xe cùng BKS nhưng ai để ý mà phát hiện được, CSGT cũng không kiểm tra số, khung số máy đâu mà lo. Cầu kỳ hơn anh phải tìm mua một xe thanh lý cũ nát, cùng loại, cùng đời rồi nhờ người “phù phép” sao cho chiếc xe No PP có số khung, số máy trùng với chiếc xe mua thanh lý là ra đăng ký thoải mái. Những loại xe kể trên nhiều lắm. Giờ chiếc xe máy không còn là tài sản lớn nữa nên rất ít khi bị CSGT để ý”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, để chiếc ô tô dạng “mồ côi” có giấy tờ hợp pháp, đủ đăng ký, BKS và đi đăng kiểm ở bất cứ đâu, chủ xe phải tìm mua một bộ giấy tờ xịn (xe có bộ giấy tờ bị tai nạn nặng hoặc cũ nát) của loại xe cùng nhãn hiệu, cùng đời, cùng xuất xứ (xe sản xuất trong nước hoặc xe nhập khẩu) rồi cắt số khung, số máy của chiếc xe cũ, hỏng, hàn sang chiếc xe nhập lậu. Sau công đoạn này, chiếc xe có thể đến bất cứ trạm đăng kiểm nào mà không bị phát hiện.
Dân buôn xe gọi đây là hiện tượng “chồng xác”. “Còn một cách đơn giản hơn, bạn anh đang đi loại ô tô gì anh đặt mua loại ô tô đó từ Campuchia, Lào. Bạn anh chỉ cần báo mất giấy tờ xe thì sẽ được cấp lại và anh sẽ sở hữu một bộ giấy tờ xe xịn. Tất nhiên anh phải lưu ý, đừng bao giờ để hai chiếc xe cạnh nhau, vô duyên lắm.
Nên nhớ là làm kiểu này không đi đăng kiểm được nên anh phải photo màu sổ đăng kiểm, tem đăng kiểm từ xe của anh bạn để sử dụng. Hơi phiền phức chút nhưng tiết kiệm được đến 2/3 tiền”, anh Sơn tiết lộ.
Theo nhiều nguồn tin, mỗi tháng có hàng trăm chiếc xe máy cũ được chuyển vào Việt Nam từ Campuchia.
Nguồn tin này cũng cho biết, lượng ô tô “chồng xác”, hai xe một bộ giấy tờ ở Hà Nội không hề ít. Hầu hết loại xe bất hợp pháp này được những người có “máu mặt” như dân xã hội đen, những người có quan hệ rộng, dân chơi ít hiểu biết về pháp luật đặt mua và sử dụng.
Một dân chơi cho biết: “Khi sử dụng xe No PP, xe “chồng xác”, xe đeo BKS của người khác, BKS giả anh chỉ cần đi đúng luật thì sẽ rất ít khi bị hỏi”.
Theo NTD
Cấm xe máy trong thành phố: Khó nhưng phải làm!
Bộ GTVT đang xây dựng đề án hạn chế, lộ trình cấm xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các thành phố lớn, trình Thủ tướng Chính phủ vào quý 4-2012.
Những nỗ lực hạn chế xe máy
Đây không phải lần đầu tiên vấn đề hạn chế phương tiện cá nhân, cấm xe máy giảm ùn tắc giao thông được đưa ra. Trước đó, Hà Nội đã từng đưa ra biện pháp ngừng đăng ký xe máy ở 4 quận nội thành Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Ba Đình vào năm 2003. Biện pháp này ban đầu đã giúp người dân thận trọng hơn trong việc mua xe máy. Nhưng ngay sau đó tiêu cực đã phát sinh, "cò" xe chuyển sang môi giới người đứng tên đăng ký hộ. Người có nhu cầu mua xe sẽ phải trả thêm 1.000.000 đồng để nhờ người đứng tên đăng ký hộ, sau đó sở hữu một chiếc xe mới không mang tên mình. Quy định này được thành phố bãi bỏ vào năm 2005 và việc cấp đăng ký xe máy được mở lại.
Hà Nội ngừng đăng ký xe máy trong năm 2003
Cũng năm 2003, cùng trong nỗ lực giảm xe môtô, xe gắn máy, Bộ Công An ra thông tư 02 yêu cầu mỗi cá nhân chỉ được đăng ký 1 xe mô tô/ xe gắn máy. Nhưng quy định này cũng bị bãi bỏ do vi phạm hiến pháp về quyền sở hữu tài sản của công dân.
Tháng 8 năm 2011, bản đề xuất "Giờ không xe máy" của tác giả Vũ Tuyên (Đường Láng - Hà Nội) đã được mang ra mổ xẻ gay gắt. Theo ông Tuyên giờ cao điểm chỉ nên sử dụng phương tiện xe bus, xe con và xe đạp. Đề án này đã bị phản bác mạnh mẽ vì vô lý và xa rời thực tiễn.
Năm nay, Bộ trưởng thứ 13 của nghành giao thông vận tải được chỉ định xây dựng đề án hạn chế và lộ trình cấm xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các thành phố lớn, trình Thủ tướng Chính phủ vào quý 4-2012. Liệu lần này có thành công?
Xe máy văn hoá và bất cập
Do điều kiện đường xá, phố phường chật hẹp, xe máy đối với người Hà Nội nói riêng đã là phương tiện chủ yếu. Xe máy dễ luồn lách, tiện lợi khi đi trong phố. Nhiều khi còn là phương tiện mưu sinh của một bộ phận dân cư. Chở hàng, chở người xe máy đều có thể đáp ứng. Nếu nói không với xe máy, chính là nói không với miếng cơm manh áo của đa số người dân.
Hiện toàn thành phố có khoảng 3,8 triệu xe máy và 368.000 ôtô (đó là chưa kể phương tiện vãng lai có khoảng 50.000 xe). Mỗi ngày có gần 400.000 ôtô các loại tham gia lưu thông trên đường và hàng chục ngàn phương tiện vãng lai khiến tình trạng giao thông đô thị luôn là đề tài nóng.
Với sự gia tăng của xe máy như hiện nay thì đến năm 2020, số lượng môtô, xe máy của cả nước sẽ đạt 38,8 - 40,5 triệu xe (tương đương với 2,4 - 2,5 người/xe). Môi trường đô thị bị ô nhiễm nặng vì lượng khí thải của xe máy.
"Hệ số phát thải bụi trong không khí (PM10) đã gấp đôi mức cho phép, giao thông đường bộ Hà Nội chính là nguồn gốc của hầu hết lượng oxyde azotetrong thành phố" - Ông Marc Cagnard - Giám đốc cơ quan Thương mại UBIFRANCE (Pháp) cho biết.
Ô nhiễm không khí ở Hà Nội đã vượt nhiều lần quy chuẩn cho phép
Ô nhiễm tiếng ồn cũng tăng lên. Tiếng ồn đo được khi một chiếc xe máy chạy qua có thể lên tới 80,4dB và khi xe nổ máy là từ 90-100dB, cao hơn tiếng ồn do ô tô gây ra 31dB và cao hơn tiêu chuẩn tiếng ồn môi trường cho phép (55dB). Ô nhiễm tiếng ồn không chỉ gây stress cho người tiếp xúc mà còn gây ra một loạt các biến chứng bệnh tâm lý liên quan.
Xe máy là nguyên nhân làm xấu hình ảnh giao thông đô thị. Khi xảy ra ùn tắc giao thông, xe máy sẽ "tiên phong" leo lên vỉa hè, quay đầu ngược chiều, bấm còi inh ỏi để tìm chỗ trống len lỏi đi trước. Xe máy còn là nguyên nhân chủ yếu gây tai nạn giao thông. Điều này xuất phát ban đầu từ chính tiện ích của xe gắn máy và ý thức người điều khiển. Sau là sự lỏng lẻo của cơ chế đào tạo lái xe. Theo thống kê của Bộ GTVT, hiện cả nước có 271 cơ sở đào tạo lái xe, Bộ GTVT hàng năm liên tục thanh tra, kiểm tra và hầu như ở cơ sở nào cũng phát hiện sai phạm.
Cần sự phối hợp của các Bộ nghành
Ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó GĐ Sở GTVT Hà Nội cho rằng quan trọng nhất phải phát triển phương tiện vận tải công cộng trước, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, sau đó mới tiến dần đến hạn chế. Theo số liệu của Tổng công ty vận tải Hà Nội (Transerco), Hà Nội hiện có hơn 70 tuyến xe buýt với hơn 1.000 đầu xe và trên 1.300 điểm dừng đỗ, mỗi năm phục vụ trên 400 triệu lượt khách. Mục tiêu đến năm 2020, xe buýt sẽ có 98 tuyến, khối lượng 2,73 triệu lượt khách/năm, đáp ứng 25% nhu cầu đi lại của người dân.
Tuyến đường sắt đô thị thí điểm Nhổn - Ga Hà Nội cũng đã được tái khởi công sau sau khi bị đình trệ từ năm 2007.
Phối cảnh tuyến đường sắt đô thị trị giá hơn 1 tỷ USD của Hà Nội
Nhưng xem ra khi ý thức giao thông của người dân vẫn còn xa lạ với phương tiện giao thông công cộng, thì xe buýt hay metro có phát triển mấy thì vẫn không thu hút được người dân. Cần có một mốc lớn về thời hạn cấm xe máy trong thành phố. Sau đó chia ra thành từng mục tiêu giai đoạn theo "thuyết dầu loang". Ví dụ ban đầu cấm xe máy trong khu vực 36 phố cổ. Áp dụng các tuyến xe bus chạy trên các tuyến chính, còn xe điện chạy vào những phố nhỏ hơn. Xây dựng một loạt các bãi gửi xe xung quanh khu vực 36 phố cổ nhằm phục vụ nhu cầu của người dân khi vào phố cổ kể cả cư dân trong khu vực đó. Khi đó người dân sẽ dần dần bỏ thói quen sử dụng xe gắn máy, chuyển đổi phương tiện công cộng, hoặc phương tiên cá nhân phù hợp hơn. Trong khi đó người dân ở khu vực cấm giai đoạn 2 cũng sẽ có sự điều chỉnh để thuận tiện hơn cho việc đi lại.
Xe điện đã được đưa vào phục vụ tại phố cổ
Bên cạnh đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã khởi động lộ trình thực hiện đề án kiểm soát khí thải môtô, xe máy triển khai tại 2 thành phố đang bị ô nhiễm không khí trầm trọng là Hà Nội và TP HCM. Dự kiến giảm độ phát thải CO và HC trong không khí từ 20 - 30% và tiêu huỷ khoảng 1000 xe cũ, không đủ tiêu chuẩn/năm.
Để có một đô thị văn minh, việc cấm xe máy là vấn đề cương quyết. Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia khẳng định: "Đây là chiến lược lâu dài, và phải làm từ 10 tới 15 năm nữa phải cấm xe máy. Cái này phải có lộ trình và thông báo trước cho người dân"
Sẽ là một hành trình khó khăn, nhưng không phải không thể làm được. Để đạt được thành công không chỉ cần tâm huyết của Bộ GTVT mà còn cần đến các Ban nghành liên quan, kèm theo đó không thể thiếu là sự ủng hộ, đóng góp của người dân.
Theo Autopro