Thú chơi “siêu xe đạp” có giá ngang ngửa xe hơi của giới nhà giàu Hà Nội
Không chỉ mua sắm ô tô, giới nhà giàu ở Hà Nội còn có thú chơi những chiếc xe đạp đắt tiền có giá ngang ngửa “xế hộp” để phục vụ nhu cầu tập thể dục.
Mấy năm gần đây, đường phố Hà Nội mỗi tối và sáng sớm thường xuất hiện người đạp xe đạp đi tập thể dục. Điều đáng nói là những chiếc xe đạp đều có hình dáng khá “độc lạ” và giá trị vô cùng đắt đỏ.
Thử tìm hiểu về thú đi xe đạp “xịn” mới biết nghề chơi cũng lắm công phu và đòi hỏi phải có hầu bao tiền tỷ. Hầu hết người chơi loại “siêu xe đạp” này đều là tầng lớp đại gia ở Hà Nội.
Theo anh T. một dân chơi thứ thiệt ở Hà Nội, chiếc xe đạp anh đang đi có giá gần trăm triệu đồng và con số này vẫn chưa dừng lại khi chủ nhân còn định đầu tư nâng cấp thêm giảm xóc, đèn pha, ghi đông bằng vật liệu đặc biệt…
Thú chơi xe đạp đắt tiền xuất hiện nhiều ở Hà Nội trong vài năm gần đây
Tuy nhiên, anh T. cho hay rằng, mức đầu tư cho chiếc xe đạp của mình cũng chưa thấm tháp gì so với các thành viên trong hội những người mê “độ” xe đạp. Theo bật mí của tay chơi này, một thành viên trong nhóm đang là công chức của Bộ công thương đang đặt một chiếc xe đạp có giá bằng một chiếc ô tô hạng trung ở Việt Nam từ Mỹ về.
Video đang HOT
Thắc mắc về chiếc “siêu xe đạp trên”, Anh T. bảo rằng, loại xe đạp Freeride đổ đèo với kết cấu khung siêu cứng, giảm sóc trước 180-200 mm, giảm sóc sau 200-220 mm, đang có giá trung bình khoảng 8.000 USD. Tuy nhiên, để điều khiển chiếc xe này cũng đòi hỏi kỹ thuật thượng đẳng chứ không phải ngồi lên yên xe là gồng mình lên đạp.
“Trong nhóm chơi xe của tôi, có người đam mê chơi xe đạp thể thao và dùng xe để đi làm hơn một năm nay và mỗi ngày đến công ty còn đưa luôn chiếc xe vào phòng làm việc của mình để yên tâm không bị trầy xước vì tính tổng giá trị xe tới 200 triệu đồng”, anh T. chia sẻ.
Anh T. cho hay, cách chơi xe của nhóm mà anh tham dự rất đặc biệt, trước khi lên đường một ngày cả nhóm tại tụ một chỗ nghe ngóng thời tiết xem có thuận lợi không. Nếu trăng thanh, gió mát, trời không đổ mưa thế là cả nhóm lại xuất phát từ Nhà hát lớn làm vài tua hồ Gươm, hồ Tây, lăng Bác… rồi tùy ngẫu hứng chạy có khi lên đến tân Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nam… lúc nào không hay. Còn hôm nào thời tiết xấu, hơn chục chiếc “siêu xe đạp” giá trị đó lại được xếp gọn gàng cho lên thùng của mấy “xế hộp” đắt tiền đi du lịch ngoại tỉnh chọn những nơi đồi núi nhấp nhô để thỏa cái thú đạp xe đến mướt mồ hôi.
Tương tự nhóm của anh T., có nhóm “siêu xe đạp” lại chuyên hoạt động vào sáng chủ nhật hàng tuần, nhóm này đi xa nhất là vòng quanh hồ Tây nhưng được cái cứ mỗi lần sinh hoạt hơn chục thành viên lại có dịp ngồi với nhau ăn sáng, cà phê và bàn vô khối chuyện liên quan đến thị trường bất động sản rục rịch tăng giá vào cuối năm nay, hay bao giờ thì chứng khoán trở thành món ngon dễ kiếm như ngày nào…
Dù tham gia dưới hình thức nào thì các nhóm “siêu xe đạp” của dân có tiền đều có chung đặc điểm là chơi xe đạp với giá tiền cao ngất ngưởng. Có con xe “hàng thùng” của Mỹ trang bị đủ đồ chơi gồm đèn chiếu sáng, đèn nhấp nháy… trao tay từ dân chơi này sang dân chơi khác phải đổi bằng nửa chiếc ô tô Kia Morning.
Xuất phát từ thú chơi của giới nhà giàu, ở Hà Nội hiện tại cũng đã xuất hiện nhiều cửa hàng chuyên phục vụ giới “siêu xe đạp”. Một chủ cửa hàng cho biết, việc mở cửa hàng vừa để có tiền nuôi đam mê vừa có thêm nhiều cơ hội học hỏi. Mỗi khi có khách đặt lắp ráp, thường phải đặt phụ tùng xe từ nhiều nước và tự tay lắp ráp theo ý tưởng của từng người và tùy theo yêu cầu cũng như mức độ chơi của khách.
Theo VietNamNet
Hoa Trung Quốc ướp thuốc ngập chợ hoa đêm Hà thành
Một trong những đặc trưng của Hà Nội về đêm đó là sự nhộn nhịp của các khu chợ đầu mối. Nếu Hoàng Mai có chợ cá, chợ thịt lợn, Long biên có chợ rau, củ, quả thì Tây Hồ có chợ hoa. Nơi đây khi xưa đã từng lưu giữ những nét tinh tuý của người Hà Thành. Thế nhưng bây giờ chợ hoa đã không còn như xưa.
Ngập hoa Trung Quốc
Hoa là một trong những thú chơi tao nhã của người Thăng Long - Hà Nội xưa và nay. Đặc biệt vào các dịp lễ, tết thì hoa là một thứ không thể thiếu trong mỗi ngôi nhà người Hà Nội. Mùa nào hoa ấy và không bao giờ người dân Thủ đô phải lo chuyện tìm mua hoa tươi ở đâu. Mỗi ngày trên đường phố Hà Nội có đến không biết bao nhiêu chuyến xe chở đầy hoa đủ màu sắc chủng loại từ chợ đêm Quảng Bá (Tây Hồ) đi khắp các ngõ hẻm. Chính vì thế chợ Quảng Bá - như một trung tâm lặng lẽ trong đêm đưa những vẻ đẹp tinh tế của hoa đến với mọi người.
Chợ thường bắt đầu hoạt động từ khoảng 22h đêm. Tuy nhiên khoảng thời gian sầm uất nhộn nhịp nhất là vào 1h, 2h sáng. Khi ấy khu chợ rất đông đúc người mua kẻ bán với các xe tải đem hoa từ các nơi khác tới. Có dịp dạo quanh một vòng chợ sẽ thấy việc mua bán rất nhẹ nhàng, không có những cảnh lớn tiếng mặc cả như ở các hàng thịt, hàng cá thường thấy.
Chợ Quảng Bá ngập hoa là thế nhưng vẫn có những người tiếc nuối bởi hoa Việt nay đã không còn nhiều như xưa mà chỉ chủ yếu là các loại hoa từ Trung Quốc. Với những người biết về hoa, không khó nhận ra các loại ly, cúc, hồng... đa phần nhập từ xe lạnh có nguồn gốc từ Trung Quốc. Các loại hoa này được trồng theo phương pháp công nghiệp. Theo quan sát của chúng tôi, dưới góc chợ hoa, các xe lạnh được tập trung riêng thành một khu, các loại hoa được chở bằng xe chuyên biệt.
Các bọc hoa Trung Quốc nhanh chóng được lột bỏ nhãn mác, đóng gói thành các bó theo đơn vị chục, trăm... rồi nhanh chóng chuyển đi trong đêm. Phần còn lại dành cho các thương lái tại chỗ thu mua. Các loại hoa này khi chuyển xuống chợ hầu như chưa nở. Chúng chỉ mới "nứt mày hoa". Theo bà Trần Thị Hoa, một người có thâm niên buôn hoa tại chợ hoa Quảng Bá: "Để giữ hoa được tươi lâu thì cần phải có thuốc ướp hoa. Hoa là loại hàng đặc biệt, chúng chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, nếu không có xe lạnh, thuốc ướp thì bỏ đi hết. Hoa mới "nứt mày" thì sau này chuyển đến các điểm bán, về đến tay người dùng chúng bắt đầu mới nở. Như vậy sẽ giữ được hoa tươi nhưng chúng cũng rất nhanh tàn khi hết thuốc...".
Chị Nguyễn Thị Quý, một người trồng hoa tại làng hoa Quảng Bá cho biết: "Trước kia, làng hoa trồng hoa theo mùa, tức là mùa nào hoa ấy, hoa ly thường chỉ có trong dịp tết. Bây giờ ly ở chợ hoa Quảng Bá này chủ yếu là ly Trung Quốc. Ly Trung Quốc không thơm như ly Việt mình nhưng lại rất rẻ và để được lâu. Ly chủ yếu được ướp sẵn bằng thuốc từ bên Trung Quốc rồi cho vào xe lạnh. Sang Việt Nam hoa vẫn còn tươi vài ngày nữa mới tàn. Những người trồng hoa ở Quảng Bá chỉ trồng Ly cho dịp tết nhưng cũng khó bán bởi hoa Trung Quốc".
Tiếc nuối một mùa hoa
Hoa loa kèn trắng với vẻ đẹp tinh khiết thường nở vào đầu hè, từ lâu đã là loại hoa mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho người trồng và là loài hoa đặc trưng của quận Tây Hồ dịp hạ về. Thế nhưng, những mùa hoa gần, đi mỏi chân khắp chợ hoa, khó tìm nổi một nhành hoa do người Quảng Bá trồng. Cũng đã cuối mùa hoa, trên bãi chỉ còn lại những người đang tất bật dọn vườn chuẩn bị gieo vụ hoa mới. Thấy có người hỏi về hoa loa kèn, chị Thuý, tổ 34, phường Quảng An nhoẻn miệng cười: "Những ruộng loa kèn bạt ngàn giờ chỉ còn trong ký ức thôi, chẳng nhà nào trồng hoa này nữa đâu mà tìm. Trước đây, nhà tôi cũng trồng nhiều lắm. Chỉ tội là trồng tốn đất mà thu nhập lại không cao nên bây giờ nhiều hộ chuyển sang cây trồng khác cho hiệu quả cao hơn".
"Mọi năm, mỗi dịp mùa hè về, cả làng Quảng Bá như ướp trong mùi hương nhẹ nhàng và sắc trắng tinh khiết của loa kèn. Nhiều năm, thay vì trồng loa kèn, nhiều người đã chuyển sang trồng những loại hoa khác có giá trị kinh tế, thu lời nhanh hơn", bà Hỵ, một người dân trồng hoa nhiều năm tại làng Quảng Bá cho biết.
Cũng theo nhiều người trồng hoa ở Quảng Bá cho biết, loa kèn thường được trồng vào tháng chín, tháng mười và phải đến tháng tư năm sau mới được thu hoạch. Khi thu hoạch hết hoa, lại tiếp tục phải nuôi củ thêm 2-3 tháng mới dỡ để làm giống cho vụ sau. Thỉnh thoảng trong chợ, vẫn có những người tinh ý hỏi về hoa loa kèn của Quảng Bá nhưng có lẽ họ chỉ nhận được câu trả lời đầy thất vọng. Những người trồng hoa của làng hoa Quảng Bá xưa cũng không còn nhiều mặn mà với hoa bởi sự ảnh hưởng của đô thị hoá. Làng hoa xưa đã thành phường vào quận, những ruộng hoa xưa đến mùa bạt ngàn khoe sắc nay đã không còn.
Chị Thảo, người buôn hoa từ ngày chợ Quảng Bá còn ở trong ngõ tâm sự: "Ngày xưa, hoa của mình thì chỉ có theo mùa, đi chợ mùa nào thì thấy rộ lên hoa ấy, mùa này đang mùa sen, cúc, hồng tỷ muội... ai đi chợ đều dễ dàng nhận thấy. Bây giờ thì hoa của mình còn ít lắm, chắc chỉ còn 1/3, còn lại là hoa Trung Quốc, vừa rẻ vừa đẹp nhưng không thơm và tươi lâu như hoa mình. Hoa Trung Quốc nhanh tàn và nhanh rữa, khó làm hoa khô được bởi có nhiều loại thuốc ướp hoa".
Trần Phương
Theo_Người Đưa Tin
HN: Giông lớn, cây cổ thụ đổ đè chết người Chiều tối nay (4/6), tại Hà Nội, một cơn giông lớn kèm theo mưa to đã khiến cây xà cừ cổ thụ bật gốc, đè bẹp xe taxi, khiến tài xế tử vong. Vào khoảng 19h tối nay (4/6), cơn giông lớn kèm theo mưa to đã khiến nhiều cây cối trên đường phố Hà Nội gãy cành và bật gốc. Đáng chú...