Thu Bồn: ‘Tạm biệt Huế, với em là vĩnh biệt…’
Cố thi sĩ Thu Bồn là một trong những nhà thơ sở hữu “gia tài” thơ tình đáng nể. Ông có nguyên tập “100 bài thơ tình nhờ em đặt tên”. Có người thích Thu Bồn với “Mong em về trước cơn mưa”, song còn một bài thơ tình khác của thi sĩ cũng chiếm được cảm tình của đông đảo độc giả. Đó là bài “Tạm biệt Huế”.
Thi sĩ Thu Bồn
“Tạm biệt Huế” đã được cố nhạc sĩ Xuân An phổ nhạc thành một nhạc phẩm quen thuộc, được nhiều giọng ca nổi tiếng trong nước và hải ngoại trình bày, như Hương Lan, Bảo Yến, Ngọc Hạ… Nghe nói, khi phổ nhạc “Tạm biệt Huế”, nhạc sỹ Xuân An cũng chưa rõ hoàn cảnh khi Hà Đức Trọng, tức thi sĩ Thu Bồn, đặt bút viết bài thơ này. Như nhiều độc giả yêu thơ, Xuân An đoán tác giả phải yêu đơn phương đắm say người con gái nào đó, mới viết nên một thi phẩm nao lòng như vậy.
Tôi đã từng hỏi nhà phê bình Ngô Thảo, người bạn thân của Thu Bồn về bài thơ “Tạm biệt Huế” nhiều lần, song ông chưa lần nào nói rõ ràng hoàn cảnh sáng tác của thi phẩm. Gần đây, nhà phê bình đã chịu tiết lộ. Bởi cũng gần đây ông mới có dịp hội ngộ người con gái trong bài thơ ấy, nay đã ở tuổi xế chiều, tại Huế. Nhờ nhà phê bình Ngô Thảo “bảo lãnh” tôi có cuộc trò chuyện với bà. Người phụ nữ này không muốn tiếp xúc báo chí, không muốn câu chuyện riêng tư của mình bị khai thác. Đã hơn 20 năm sống ở Pháp, dù không quên tiếng mẹ đẻ, song bà luôn đề nghị người hỏi chuyện là tôi, phải nói chậm, bà mới nghe và hiểu được. Bà tên là Minh Châu.
Có một điều thú vị, trên một số bài thơ, Thu Bồn đều ghi đề tặng. Thí dụ: “Mong em về trước cơn mưa” được ghi, “Tặng N.”, còn siêu phẩm về Huế này, được tác giả ghi “Tặng Minh Châu và Huế, cùng những ai yêu Huế”. “Tạm biệt Huế” là cái tên sau này. Khi mới sinh ra, bài thơ mang tên giản dị: “ Bởi vì em”. Thi phẩm được hoàn thành đêm 6/8 năm 1983, Thu Bồn ghi rõ “một đêm không ngủ”. So với “Tạm biệt Huế” mà độc giả đã quen thuộc, “Bởi vì em” dài hơn, có những đoạn chưa từng thấy trong “Tạm biệt Huế”: “Anh chẳng phải người đi niệm Phật/Lần đầu ăn bữa cơm chay/Rau quả Kim Long đậu tương Hoài Đức/Môi anh gần giống vị ớt cay”. Sau này, có thời gian trấn tĩnh lại khi những xao động tâm hồn đi qua, Thu Bồn đã cắt bỏ đoạn thơ trên, và chỉnh sửa trật tự bài thơ, để có bài “Tạm biệt Huế” như độc giả hôm nay được đọc. Trong bản “Bởi vì em”, Thu Bồn gọi thẳng tên người con gái đã làm ông rung cảm: “Tạm biệt Huế với Châu là vĩnh biệt/Hải Vân ơi xin Người đừng tắt ngọn sao khuya/Tạm biệt Huế với chiếc hôn thầm lặng/Anh trở về hóa đá phía bên kia”. Về sau, trong bản “Tạm biệt Huế”, Thu Bồn giấu tên người con gái ông thương, từ đầu chí cuối chỉ gọi “em”: “Tạm biệt Huế với em là vĩnh biệt…”.
Tôi hỏi bà Minh Châu: “Bà có thuộc “Tạm biệt Huế” không?”. Bà cười, đáp khiêm tốn: “Tôi thuộc sơ sơ”. Cuộc đời của người con gái đã từng làm xiêu lòng Thu Bồn khá “long đong” (cách nói của bà Minh Châu). “Long đong” được hiểu theo nghĩa phải “xê dịch” nhiều. Nhưng đến hôm nay, trang giấy có bài thơ được Thu Bồn viết tay vẫn còn nguyên, dù không tránh khỏi sự tàn phá của thời gian, khiến màu giấy ngả vàng, những nếp giấy gấp hằn sâu… Minh Châu cho biết: “Tôi không bỏ trong tủ, không bỏ trong hồ sơ, bài thơ lúc nào cũng nằm trong bóp (ví) của tôi”. Bà phủ nhận tình cảm đặc biệt giữa Thu Bồn và bà ngày còn trẻ: “Tôi từng nghe nhà soạn nhạc Xuân An nói: “Chắc anh Thu Bồn này và cô người Huế này phải yêu nhau đậm đà thắm thiết lắm”. Tôi nghe mà tức cười trong lòng. Tình cảm giữa tôi và anh Thu Bồn ngày đó chỉ là tình cảm anh em văn nghệ khi gặp nhau. Những người viết văn tâm hồn hay xúc động”.
Ngày ấy, Minh Châu là một nghệ sỹ nhiếp ảnh trẻ, tầm 23, 24 tuổi. Khi Thu Bồn cùng một số nhà văn về Huế công tác, cô được Hội văn học nghệ thuật tỉnh nhà cử đi “chăm sóc” đoàn nhà văn. Suốt một tuần Thu Bồn ở Huế, ngoài thời gian họp hành, ông cùng các nhà văn khác đi tham quan Huế theo sự hướng dẫn của nữ nghệ sỹ nhiếp ảnh. “Có thể anh ấy cảm xúc với một tâm hồn trẻ”, bà suy luận. Song bà tiết lộ còn một nguyên nhân sâu xa khác, khiến bài thơ được ra đời. Bà Minh Châu vẫn nhớ thời điểm bà được Thu Bồn tặng thơ: Lúc đó khoảng 11 giờ rưỡi đêm, Minh Châu đã ngủ. Thu Bồn tìm đến tận nhà, trao cho người con gái Huế bài thơ bằng bản chép tay. Ông còn kể chuyện đời tư của mình, lý giải vì sao ông xúc cảm về Minh Châu. Thì ra, khi tham quan Huế, không may trang phục nhà thơ bị rách, sẵn có kim chỉ trong xắc, đợi lúc vắng người, Minh Châu đưa cho Thu Bồn, bảo ông tự khâu vá, cô không thể làm giúp ông vì còn phải đưa đoàn đi tiếp: “Anh có gia đình nhưng sự thật là anh rất cô độc, có một người phụ nữ đưa kim chỉ cho anh, quan tâm tới anh, khiến anh xúc động. Việc đơn giản vậy thôi”, bà Minh Châu giải thích. Khi thi sĩ đưa bài thơ cho người con gái Huế, cả hai đã ôm nhau khóc. Dù chưa đọc bài thơ Minh Châu cũng khóc, bởi bà cảm khái về sự cô độc của thi sĩ, bao nhiêu người vây quanh song thẳm sâu trong tâm hồn Thu Bồn vẫn là nỗi cô độc lớn. Theo bà Minh Châu, bài thơ sáng tác không lâu: “Chiều đó đi lên đền, lăng. 11 rưỡi đêm Thu Bồn đã đến nhà tôi, gửi bài thơ này”. Trên bản chép tay, “Bởi vì em” được viết liền mạch, không có bất kể một dấu chấm, phảy nào, như dòng cảm xúc tuôn trào không thể kìm nén của tác giả.
Suốt cuộc đời Thu Bồn, Minh Châu chỉ gặp thi sĩ vỏn vẹn 3 lần. Một lần nhân Thu Bồn về Huế như đã kể. Hai lần khác, gặp ở Sài Gòn. Rồi Minh Châu lập gia đình, sau đó sang Pháp, cuộc đời chảy trôi, hai người không có cơ hội gặp lại nhau. Tôi hỏi bà Minh Châu: “Có bao giờ Thu Bồn nói lời yêu Minh Châu?”. Bà đáp: “Không nói được vì khi ấy tôi còn quá trẻ và anh ấy đã có gia đình rồi”. Như sợ người nghe hiểu lầm, bà nói thêm: “Đã có gia đình nhưng có tình cảm nhẹ nhàng là chuyện bình thường. Chúng tôi luôn biết giới hạn. Khi ấy tôi đang còn trẻ, chỉ giống như một chất xúc tác, giúp anh ấy vui vẻ”. Rồi bà nở nụ cười kết luận: “Thu Bồn rất hào hoa, phong lưu, tình cảm”. Bà không phủ nhận bài thơ quá hay, sâu lắng, tình cảm: “Anh Thu Bồn đúng là một nhân tài”.
Sau khi Thu Bồn mất, nhà phê bình Ngô Thảo mong ước làm nhà kỷ niệm Thu Bồn. Bà Minh Châu đã tự nguyện trao lại bản chép tay bài thơ “Bởi vì em” (sau này có tên “Tạm biệt Huế”) cho nhà phê bình. Những gì có ích cho sự nghiệp văn chương và tên tuổi của Thu Bồn, người phụ nữ này luôn nhiệt tình góp sức. Bà Châu không muốn tiết lộ chuyện riêng của mình, song sinh thời, nhà thơ Thu Bồn trong những lần vui vẻ với bạn bè, cũng đã nhắc đến cô Châu trong bài thơ “Tạm biệt Huế”, trong đó, ông tả với bạn bè: “Cô Châu mắt to, da ngăm, mũi cao, có dáng thể thao khỏe mạnh”.
Tạm biệt Huế
(Thu Bồn)
Bởi vì em dắt anh lên những ngôi đền cổ
Chén ngọc giờ chìm dưới đáy sông sâu
Những lăng tẩm hoàng hôn chống lại ngày quên lãng
Mặt trời vàng và mắt em nâu
Xin chào Huế một lần anh đến
Để ngàn lần anh nhớ hư vô
Em rất thực nắng thì mờ ảo
Video đang HOT
Xin đừng nhầm em với cố đô
Áo trắng hỡi thuở tìm em không thấy
Nắng minh mang mấy nhịp Tràng Tiền
Nón rất Huế mà đời không phải thế
Mặt trời lên từ phía nón em nghiêng
Nhịp cầu cong và con đường thẳng
Một đời anh đi mãi chẳng về đâu
Con sông dùng dằng con sông không chảy
Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu
Tạm biệt Huế với em là vĩnh biệt
Hải Vân ơi xin người đừng tắt ngọn sao khuya
Tạm biệt nhé với chiếc hôn thầm lặng
Anh trở về hóa đá phía bên kia.
Bản chép tay “Bởi vì em” của Thu Bồn
Bút tích “Bởi vì em” của Thu Bồn
ĐÀO NGUYÊN
Theo tienphong.vn
Danh ca Hương Lan ra mắt DVD "Một đời sân khấu" và thực hiện hồi ký trên youtube
Tại cuộc gặp gỡ báo chí ra mắt tuyệt phẩm DVD "Một đời sân khấu" tối ngày 7.10 ở TP.HCM, danh ca Hương Lan cho biết ở tuổi này, bà không thể có đủ sức khỏe và thời gian để làm được liveshow thứ 2 như đã từng với liveshow "Một đời sân khấu". Thay vào đó, bà sẽ thực hiện kênh riêng youtube và chia sẻ hồi ký cuộc đời sân khấu.
Danh ca Hương Lan tại cuộc gặp gỡ báo chí ra mắt DVD "Một đời sân khấu"
Danh ca Hương Lan cho biết, mặc dù thời lượng đêm diễn 3 tiếng là khá dài trên sân khấu nhưng vẫn không thể đủ để nói hết những tác phẩm đã gắn liền với tên tuổi bà, những thăng trầm nghệ thuật bà đã trải qua. Dù vậy, bà đã dốc hết tâm huyết trong hơn một năm qua để cùng êkíp tái dựng liveshow "Một đời sân khấu" thật trọn vẹn qua hai DVD, dung chứa những tinh hoa nghệ thuật và các dấu mốc đáng nhớ nhất trong chặng đường 57 năm ca hát của bà (1960 - 2018).
"Với tuổi của mình, Hương Lan nghĩ mình làm như thế này là đủ rồi. Thời gian không cho phép mình làm thêm nữa, cho nên Hương Lan rất mong được sự yêu mến của khán giả khắp nơi có được cuốn DVD gốc để lưu trữ trong gia đình, vì đây là một kỷ niệm rất lớn trong cuộc đời của Hương Lan với những người yêu mến dòng nhạc này, cũng như yêu mến tiếng hát Hương Lan...", danh ca bày tỏ.
DVD "Một đời sân khấu" đã chính thức phát hành tại Mỹ, với đợt in đầu tiên 5.000 bản
"Hương Lan - Một đời sân khấu" là tên liveshow đã diễn ra cách đây hơn một năm, gây tiếng vang lớn với 2.000 khán giả tại Việt Nam xem trực tiếp. Tuy nhiên, với cộng đồng khán giả đông đảo thuộc mọi lứa tuổi ở khắp nơi trên thế giới, có thể nói, không được xem trực tiếp liveshow "Hương Lan - Một đời sân khấu" là điều rất tiếc nuối, nhất là khi truyền thông loan tin "liveshow duy nhất và cuối cùng" của danh ca Hương Lan.
Nhiều khán giả xem xong liveshow cũng đã chia sẻ trên mạng xã hội, rằng Hương Lan vẫn giữ phong độ rực rỡ, bà ca hay và diễn xuất thần "như gái còn đôi mươi", "hát như đĩa hát"... Đồng thời, mong muốn Hương Lan phát hành DVD để thuận tiện lưu giữ lại như một kỷ niệm đáng nhớ với thần tượng.
Danh hài Chí Tài, ca sĩ Hà Vân tại cuộc gặp gỡ báo chí ngày 7.10
Đáp lại tấm ân tình đó của khán giả, từ cuối tháng 9.2019, bộ đôi tuyệt phẩm DVD "Một đời sân khấu" của danh ca Hương Lan đã chính thức phát hành tại hải ngoại, thông qua hệ thống phát hành của trung tâm Thúy Nga (Thuy Nga Productions), để có thể đến được với cộng đồng người Việt khắp nơi trên thế giới.
Trong đợt phát hành đầu tiên ở Mỹ, DVD "Một đời sân khấu" đã in 5.000 bản.
Hương Lan và chồng - ông Quốc Toản, một kỹ sư hàng không
Bên cạnh phát hành trực tiếp trọn bộ DVD kèm sách ảnh có nhiều tư liệu quý về cuộc đời sân khấu của "thần đồng Bé Hương Lan", cùng những tự sự của đồng nghiệp, thân hữu về Hương Lan (danh ca Ý Lan, NSƯT. Hoài Linh, nghệ sĩ Chí Tài, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, ca sĩ Đức Tuấn...), DVD cũng sẽ được chia thành các clip để phát hình trên youtube. Đặc biệt, danh ca Hương Lan sẽ nối dài "Một đời sân khấu" bằng các hồi ký video, phát định kỳ trên youtube cá nhân.
Hồi ký sẽ chủ yếu kể chuyện nghề, nói về sân khấu, kể lại hành trình Hương Lan vào nghề lúc năm tuổi nhờ sự dìu dắt của cha - cố nghệ sĩ Hữu Phước, rồi dần dần được hát cạnh các tên tuổi, và nổi tiếng cho đến giờ.
"Đó không phải là hồi ký đời tư, mà là hồi ký cuộc đời sân khấu của một người nghệ sĩ, kể lại những thăng trầm, những lúc lên tới đỉnh cao danh tiếng, những lúc đi vào ngõ cụt. Hương Lan kể lại, để các thế hệ sau này và cho cả những người yêu mến mình hiểu Hương Lan đứng vững được đến hôm nay, là đã từng phải vượt qua rất nhiều những thăng trầm, khó khăn, chớ không phải ở đâu cũng có trải sẵn hoa cho mình đi.
Còn đời tư thì chỉ nói một phần, nói phớt qua thôi. Nếu nói đào sâu vô mà đụng chạm thì điều đó không nên. Với Hương Lan, hồi ký không có nghĩa ai đối xử tệ với mình, mình giận hờn ai, cũng đem ra nói. Những gì riêng tư không vui, không hay, đã qua hãy cho qua. Đó cũng là lý do vì sao Hương Lan không muốn viết hồi ký bằng sách, vì qua lời người chấp bút, hồi ký có thể đào sâu quá mức những chuyện cá nhân. Mình nói tốt về mình nhưng người khác xấu thì cái đẹp của mình cũng sẽ thành không đẹp...", danh ca trả lời câu hỏi của báo chí.
Tổng đạo diễn Trần Vi Mỹ dành nhiều lời ngưỡng mộ cho thần tượng từ thuở bé thơ của mình: danh ca Hương Lan
Tổng đạo diễn Trần Vi Mỹ, người thực hiện liveshow "Hương Lan - Một đời sân khấu" chia sẻ, làm cuốn DVD này rất tốn kém, mất nhiều thời gian vì "Chị Lan quá kỹ tính cũng như cầu toàn", chưa kể hai người ở khoảng cách xa nên cứ phải bay đi bay về giữa Việt Nam - Mỹ mỗi khi hội ý hoặc biên tập, chỉnh sửa để cuốn DVD "Một đời sân khấu" được hoàn thiện đúng chuẩn mực kỳ vọng.
Trần Vi Mỹ cũng dành nhiều lời ngưỡng mộ cho thần tượng từ thuở bé thơ của mình, rằng dù "Chị hai Hương Lan đã cao tuổi nhưng rất chịu khó cập nhật "trend" cũng như công nghệ trong quá trình làm việc", nên anh rất nể phục sức làm việc cũng như tâm huyết của danh ca Hương Lan cho sản phẩm để đời này.
Được thiết kế đầy mỹ cảm, chất lượng hình ảnh, âm thanh đạt chuẩn cao, bộ đôi DVD "Một đời sân khấu" của danh ca Hương Lan có thời lượng khoảng 3 giờ đồng hồ, với hàng loạt các tuyệt phẩm gắn liền với tên tuổi, mà nữ danh ca đã "dốc ruột gan" thể hiện, từ vọng cổ đến dân ca, tân nhạc,... qua chất giọng mà thời gian dường như không thể làm phai mờ, chỉ giúp "chín" hơn, cảm xúc hơn, điêu luyện hơn.
Hương Lan ký tặng tại cuộc gặp gỡ ra mắt DVD "Một đời sân khấu"
Là con gái của cố nghệ sĩ Hữu Phước, nên dù nổi tiếng với tân nhạc, danh ca Hương Lan vẫn luôn nhớ gốc của mình cải lương. Cho nên, trong DVD "Một đời sân khấu", bà đã dành nhiều tâm huyết cho cải lương tuồng cổ với các trích đoạn: Vĩnh khúc hoài lang, Trưng Nữ Vương (biễu diễn cùng em gái Hương Thanh)...
"Tôi chọn các vở tuồng có nguồn gốc lịch sử Việt Nam để khơi gợi tinh thần dân tộc, yêu nước cho thế hệ trẻ", danh ca nói.
Hai chị em Hương Lan - Hương Thanh trong ca cảnh Trưng Nữ Vương. Ảnh: Gia Tiến
Phần tân nhạc gồm các ca khúc đã làm nên danh tiếng và gắn liền với tên tuổi Hương Lan trong suốt 57 năm qua như: Ngày đá đơm bông, Nhật ký đời tôi, Chiếc áo bà ba, Em đi trên cỏ non, Sa mưa giông, Còn thương rau đắng mọc sau hè, Trộm nhìn nhau, Cây đàn bỏ quên...
Cha và con: Cố nghệ sĩ Hữu Phước và bé Hương Lan
Cố nghệ sĩ Hữu Phước và NSND. Ngọc Giàu
Cố nghệ sĩ Thanh Nga và Bé Hương Lan
Xem DVD "Một đời sân khấu", khán giả sẽ gặp lại những gương mặt có ý nghĩa sâu sắc trong đêm diễn, là những tên tuổi có ảnh hưởng đến sự nghiệp của danh ca Hương Lan và cũng là những chứng nhân trong cuộc đời sân khấu 57 năm của bà: NSND. Ngọc Giàu, NSƯT. Hoài Linh, NSƯT. Trọng Phúc và các nghệ sỹ khách mời hàng đầu: Ý Lan, Chí Tài, Đàm Vĩnh Hưng, Quang Lê, Quang Linh, Đức Tuấn, Hương Thanh, Ngọc Linh, Hà Vân,...
DVD được dẫn dắt bởi cặp đôi danh hài Hoài Linh - Chí Tài, trong vai trò đặc biệt người kể chuyện đời của Hương Lan trên sân khấu. Rất nhiều câu chuyện đã được danh ca lần đầu chia sẻ, những năm tháng thăng trầm với nghệ thuật, những buồn vui đường đời, đã được hai danh hài dẫn chuyện cùng Hương Lan kể lại rất duyên dáng, xúc động và chân thực.
Từ phải: NSƯT. Hoài Linh, danh ca Hương Lan, NSND. Ngọc Giàu, nghệ sĩ Chí Tài trong liveshow "Hương Lan - Một đời sân khấu". Ảnh: Gia Tiến
DVD do Trần Vi Mỹ là tổng đạo diễn sân khấu, nhạc sĩ Đức Trí đảm trách giám đốc âm nhạc, soạn giả Hoàng Song Việt biên tập phần cổ nhạc. Đặc biệt, NSND. Ngọc Giàu là cố vấn cho phần cải lương của chương trình.
Hương Đồng - Ảnh: BTC
Theo Nguoidothi.net.vn
Ra mắt chương trình Âm nhạc Việt Nam Tối 13.7 tại Nhà hát Hòa Bình (TP.HCM), chương trình Âm nhạc Việt Nam sẽ ra mắt số đầu tiên với chủ đề Huyền thoại. Ảnh: Lý Võ Phú Hưng Đêm diễn tôn vinh những tác phẩm âm nhạc, các nhạc sĩ tài hoa và là cuộc hội ngộ của các ca sĩ trong nước và hải ngoại: Thanh Hà, Bằng Kiều (ảnh),...