Thứ 7 với Phan Đăng: Cậu bé đạp xe 100km thăm em và quyền lựa chọn con đường
Tôi ngắm đi ngắm lại gương mặt Vì Quyết Chiến, cậu bé đã đạp xe 100km trên quãng đường từ Sơn La về Hà Nội thăm em trai nằm viện.
Gương mặt xương xương, đôi mắt trong trẻo và rực sáng. Rồi tôi nghĩ đến con đường 100km mà Vì Quyết Chiến, 13 tuổi đã đi chỉ với một chiếc xe đạp không phanh và một đôi dép lê rách nát. Chúng ta có thể gọi tên con đường đó là gì?
Nhà báo Phan Đăng. (Ảnh: I.T)
Cung đường 100km của Vì Quyết Chiến và nỗi nhớ có thật
Tuyệt đối không thể gọi đó là “cung đường anh hùng”, vì chắc chắn không thể dại dột tới mức tung hô Vì Quyết Chiến như một người hùng – cái điều rất dễ khiến những đứa trẻ khác đang trong giai đoạn dần dần định hình tính cách bắt chước theo. Tuyệt đối không thể khuyến khích những đứa trẻ khác cũng đi trên một cung đường như thế. Và tuyệt đối cũng không thể để chính Vì Quyết Chiến đi lại cung đường này lần nữa, vì nó quá nguy hiểm và bất trắc.
Ở một góc độ nào đó, có người trách Vì Quyết Chiến là một cậu bé “không chịu nghe lời” cũng không sai, vì để đi trên một con đường như thế chắc chắn em phải nói dối ông nội. Và như thừa nhận của chính em, để tránh người quen phát hiện, em đã không băng qua khu rừng già Chiềng Yên như mọi khi, mà chọn cách băng qua bản Bướt, đi quốc lộ 81 cũ.
Với chiếc xe đạp cà tàng không phanh, cậu bé Vì Quyết Chiến đã đạp hơn 100km từ Sơn La tìm xuống Hà Nội để thăm em. (Ảnh: Mai Thương/Tuổi Trẻ)
Ngay cả việc bảo cậu bé Vì Quyết Chiến vì nhớ em quá mà bất chấp tất cả để xuôi Hà Nội cũng có phần khiên cưỡng. Nỗi nhớ, chắc chắn là có thật. Nhưng ở tuổi của mình, có lẽ Vì Quyết Chiến hành động không chỉ vì nỗi nhớ, mà còn vì một khoảnh khắc bộc phát về cảm xúc vốn rất dễ xảy ra với một đứa trẻ.
Tóm lại, chúng ta nên đặt câu chuyện này vào đúng hoàn cảnh, theo đúng bản chất của nó, chứ tuyệt đối không lên gân, không tô vẽ, và không gán ghép cho nó những thứ giá trị mà bản thân một đứa trẻ hay một cung đường vốn không thể tạo ra.
Tuy nhiên, chúng ta cũng không chỉ nhìn nhận câu chuyện này – con đường này ở góc độ của những đứa trẻ, mà cần nhìn từ góc độ của chính người lớn chúng ta.
Video đang HOT
Và ở góc độ của mình, chúng ta có bất ngờ không? Quá bất ngờ! Có sốc không? Quá sốc! Có thấy con đường 100 km của một cậu bé quá trong trẻo hay không? Chắc chắn là có! Vì sao thế?
Quyền được… trong trẻo
Vì có lẽ từ rất lâu rồi, chúng ta đã kiến tạo những con đường và giữ thói quen nhìn nhận đánh giá về những con đường theo cái cách quen thuộc nhất của chúng ta.
Chúng ta thường có xu thế đưa ra một lô các lý lẽ để bảo vệ, mà trong rất nhiều trường hợp là nguỵ biện cho con đường của mình. Và đấy thường là những con đường giàu toan tính, những con đường mang đến cho chúng ta rất nhiều lợi ích, kể cả những lợi ích chính đáng và không chính đáng.
Cậu bé 13 tuổi Vì Quyết Chiến tự mình đạp xe vượt qua con đường 100km để thực hiện bằng được chọn lựa của mình. (Ảnh: I.T)
Trong chằng chịt của những toan tính và lợi ích, dường như chúng ta đã giết chết tất cả những phút giây trong trẻo vốn là đặc ân mà Thượng đế ban tặng cho con người. Trong một khoảnh khắc bất chợt nào đó, nếu đột nhiên nhận ra sự thiếu vắng của những phút giây trong trẻo, chúng ta một lần nữa lại nguỵ biện rằng sự trong trẻo là độc quyền của những đứa trẻ, mà cố tình lờ đi một sự thật: Nó là đặc ân Thượng đế ban tặng cho tất cả loài người.
Điều nguy hiểm nằm ở chỗ, chúng ta không chỉ giết cái quyền được trong trẻo của chính mình, mà bằng cách này hay cách khác cũng giết luôn cái quyền được trong trẻo của con em mình.
Nếu con đường mà một cậu bé 13 tuổi Vì Quyết Chiến đã đi từ Sơn La về Hà Nội là một con đường trong trẻo đến lấp lánh thì con đường mà những đứa trẻ 17, 18 tuổi được phù phép từ điểm “0″ thành điểm “9″, để chễm chệ ngồi trong các giảng đường Đại học sau một mùa tuyển sinh “khuyết tật” là con đường gì đây?
Nếu cậu bé 13 tuổi Vì Quyết Chiến tự mình đạp xe trên con đường 100km để thực hiện bằng được chọn lựa của mình thì ai đã kiến tạo nên đường vào Đại học mà bây giờ những sinh viên tuổi 19, 20 kia đang vừa học vừa xấu hổ?
Nếu cậu bé 13 tuổi Vì Quyết Chiến gặp gỡ được rất nhiều lòng tốt trên con đường của mình thì những sinh viên tuổi mười chín đôi mươi kia sẽ phải gặp những ánh mắt nào khi giờ đây, những người bạn cùng trường cùng lớp không khó để phát hiện họ là những người ngồi nhầm ghế?
Tìm hạnh phúc trên con đường của mình
Mà hậu quả của việc “ngồi nhầm ghế” không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân chúng, không chỉ ảnh hưởng đến những ngành nghề mà tới đây chúng sẽ làm, không chỉ ảnh hưởng tới những chiếc ghế mà trong tương lai chúng sẽ ngồi. Nguy hiểm nhất và đau đớn nhất, nó đã nghiễm nhiên tước đoạt quyền được ngồi đúng chỗ của những người thực tài nhưng không có khả năng đi “tắt” trên con đường chúng (hoặc người thân chúng) đã chọn.
Thử nhắm mắt tưởng tượng (trong hãi hùng) xem: Những học sinh được hô biến một môn thi từ điểm “0″ thành điểm “9″, được hô biến 3 môn thi từ 3 – 4 điểm thành 25 – 26,5 điểm cứ ung dung ngồi Đại học, sau này lại ung dung học thạc sĩ, làm tiến sĩ, thậm chí nếu được đưa vào một “quy trình đặc biệt” nào đó để có thể ung dung làm lãnh đạo một cơ quan, làm một bộ, ngành thì tương lai của đất nước sẽ ra sao?
Khi ấy một cái sai “bé bằng cái vung” của hôm nay sẽ được thổi phồng thành cái sai “to bằng cả bầu trời”. Và khi ấy, một “bầu trời khuyết tật” sẽ có thừa các phương thức, thủ đoạn để không chỉ che đậy cái gót chân Asin của mình, mà còn vẽ mình thành “Thượng đế” cũng nên!
Đấy cũng chính là một con đường. Một con đường được tính toán rất kỹ, được che đậy rất kỹ, được tô vẽ, thổi phồng rất kỹ. Trong những con đường như thế, đến một lúc nào đó người ta cũng sẽ tin những thứ giá trị mà mình vẽ ra là sự thật. Người ta đánh mất đi khả năng tự hiểu chính mình.
Suốt cả tuần qua, chúng ta cứ xôn xao bàn tán về việc có nên công khai tên tuổi những thí sinh gian lận điểm vào Đại học hay không? Nếu cứ “lý” mà làm thì câu trả lời là “có”, nhưng nếu “tình” mà xét thì câu trả lời là “không”.
Và đúng là trong những chuyện tế nhị, có khả năng ảnh hưởng tới số phận của những đứa trẻ – những con người như thế này thì không thể đơn giản chọn tình hoặc lý, chọn có hoặc không.
Nhưng nếu những người này chợt nhìn vào con đường 100km mà một cậu bé 13 tuổi như Vì Quyết Chiến đã đi từ Sơn La về Hà Nội, biết đâu đấy trong họ sẽ dấy lên một nỗi niềm: Được đi trên con đường của mình sẽ hạnh phúc biết bao!
Cuộc đời này có rất nhiều con đường. Có con đường của ý thức, có con đường của vô thức. Có con đường chính kiến, có con đường tà kiến. Có con đường người ta được chọn lựa, có con đường người ta bị chọn lựa. Nhưng hạnh phúc nhất vẫn là được đi và dám đi trên con đường đích thực của mình, dẫu đó là một con đường chông gai và đơn độc!
Trên những con đường đích thực như thế, dù chỉ với một chiếc xe đạp và một đôi dép rách, chúng ta cũng có thể nhìn thấy một điều quý giá mang tên HẠNH PHÚC.
Theo Danviet
Cậu bé đạp xe 100km thăm em: "Cái lý của tình thương"
Còn cậu bé, cậu có cái lý của cậu. Cậu nhất định muốn nhìn thấy đứa em đang nguy hiểm. Cậu tin là có đường, có chiếc xe, đi là đến. Đi là gặp đứa em.
Chuyện cậu bé con ở huyện Vân Hồ, Sơn La, cứ thế đạp xe về Hà Nội để thăm đứa em bé bỏng của mình phải đi viện cấp cứu, đã tạo nên những trao đổi trên mạng. Nhiều người phản đối chuyện này, vì lo lắng và sợ nguy hiểm. Đúng vậy! Nhưng nhìn từ góc độ của trẻ con, của nhân vật trong câu chuyện, là rất đáng suy ngẫm, như cách chia sẻ của Nhà báo Trần Đăng Tuấn dưới đây...
Vượt hơn 100km, cậu bé đạp xe từ Sơn La xuống Hà Nội để thăm em
Cậu bé 13 tuổi, ở Chiềng Yên, một xã của huyện miền núi Vân Hồ, trưa ngày 25.3 vừa rồi đi học về thì biết bố mẹ đã đưa đứa em bé tý của cậu bé về Hà Nội cấp cứu. Cậu bé không nói cho ai biết, lấy chiếc xe đạp trẻ em lên đường đạp về Hà Nội. Trước đó cậu chưa bao giờ ra khỏi xã Chiềng Yên của cậu. Cứ ra đường to, vừa đi vừa hỏi đường. Con đường từ Vân Hồ về đến thành phố Hòa Bình thì tôi thường xuyên đi. Đèo dốc lắm. Không biết cậu đã đạp xe bao nhiêu cây số. Đến khi mệt rồi, trời tối hẳn, cậu được một nhóm thanh niên đi ô tô để ý thấy, dừng xe hỏi han. Căn cứ câu nói của một người trong số họ: "Đưa về Cao Phong gửi vào đồn công an", thì có thể biết chỗ họ thấy cậu bé là điểm trước thị trấn Cao Phong. Như vậy cậu đã đi ít nhất là 50 - 60km, trong đó có đèo Thung Khe, đèo Đá Trắng, rất dốc. Nếu đã gần Cao Phong, thì có thể tới 70km. Xe hỏng phanh, cậu dùng dép tỳ vào bánh xe hãm xe khi xuống dốc. Mòn vẹt cả dép, chân bị đau, mà vẫn đi.
Mọi người thương, nhưng cũng phản đối vì như thế là dại dột. Có nhiều người nói không nên khen cậu, như thế là khuyến khích làm chuyện nguy hiểm. Họ nói đúng. Nhưng vẫn phải nói rằng đó là cái đúng của chúng ta, vì lo lắng cho cậu bé nên thấy thế. Còn cậu bé, cậu có cái lý của cậu. Cậu không biết Hà Nội xa đến đâu. Cậu không biết chiếc xe nhỏ kia đâu phải là phương tiện để đi hàng trăm cây số đường có nhiều đèo dốc. Cậu nhất định muốn nhìn thấy đứa em đang nguy hiểm. Cậu tin là có đường, có chiếc xe, đi là đến. Đi là gặp đứa em. Cậu bé không thể ngồi nhà được. Cậu không thể không đi. Cái lý của tình thương là như thế.
Cũng vừa mới đây thôi, báo chí nói về cô bé mười tuổi ở Trung Quốc, có đứa em ba tuổi leo nghịch ở ban công, rớt ra ngoài, may mà lại bám được vào lan can. Có cái gờ rất hẹp bé để chân vào, nhưng tư thế đó bé sẽ chẳng lâu sẽ buông tay rơi xuống từ tầng cao. Bé chị nắm lấy tay em, vừa la khóc vừa giữ. Suốt gần nửa giờ nắm tay em, khóc kêu "Cháu mỏi lắm rồi, cứu cháu!". Người ta đã phá cửa vào cứu. Và người ta kinh ngạc: làm sao đứa trẻ mười tuổi có thể giữ được đứa em như thế bằng ấy thời gian. Sức lực ấy bình thường không có được. Nhưng tình thương yêu, máu mủ ruột rà cho người ta sức mạnh đó, những lúc chẳng có gì ngoài tình thương là vũ khí.
Tôi nhớ lại câu chuyện người xưa kể: Một người vào rừng đào củ. Vô tình anh ta đào đúng chỗ giấu vàng. Một chum đầy. Anh ta sung sướng phát cuồng. Vét vàng nhét vào bao tải. Hết cả số vàng trong chum. Những thỏi vàng đó dĩ nhiên là rất nặng. Anh ta vác vàng đi. Lúc đầu anh ta thấy nặng nhưng hả hê. Vì nặng nghĩ là nhiều vàng. Nhưng rồi càng đi càng thấy quá nặng. Đến con dốc thì nặng thêm gấp bội.
Anh ta hì hục leo, kiệt sức. Lên đến đỉnh dốc thì anh ta kiệt sức. Dù đó là vàng, anh ta đã nghĩ đến phải bỏ bớt ra mới đi được. Ham thì ham lắm đấy, nhưng lực bất tòng tâm. Đúng lúc đó, có tiếng cười lanh lảnh của trẻ con. Anh ta thấy một bé gái nhỏ cõng đứa em bụ bẫm chạy lên từ chân dốc. Người vác vàng thấy, bé gái còn nhỏ lắm, đứa em nặng thế kia nếu xét về tương quan cân nặng thì cũng như anh ta với số vàng. Vậy mà sao bé gái vẫn cõng em một mạch lên đỉnh dốc, hai chị em còn ríu rít nói cười nữa. Người đàn ông vác vàng hỏi bé gái: "Sao cháu cõng được em nặng thế lên dốc mà không mệt?". Bé gái ngạc nhiên trả lời: "Đây là em cháu mà!".
Vậy đó. Vì đây là em của bé. Là cùng mẹ sinh ra. Nên sao lại có chuyện nặng hay nhẹ. Chỉ có mỗi một điều là chị phải cõng em, và nhất định là cõng leo lên dốc được. Không thể khác.
Cái lý của tình thương yêu là như thế. Cái sức của tình thương yêu là như thế.
Theo Nhà báo Trần Đăng Tuấn (Reatimes)
Cậu bé đạp xe 100km thăm em: Hành trình trái tim từ những người lạ Trời tối, thấy một cậu bé vẫy xe, ban đầu tài xế xe khách tưởng cậu bé đùa nên đi qua. Nhưng rồi người tài xế ấy dừng lại, cầm đèn pin xuống hỏi han cậu bé, những người lạ trên xe khách cũng vậy. Chuyến xe bỗng trở thành hành trình trái tim ấm áp tình người. Quãng đường mà cậu bé...