Thu 300 triệu đồng sau 6 tháng hái loài rau lớn nhanh “như thổi”
Với 5 công ruộng, ông Nguyễn Văn Ngởi ở khu vực Thới Hòa C, phường Long Hưng, quận Ô Môn xây dựng mô hình trồng rau nhút chuyên canh, thu nhập trên 300 triệu đồng/năm. Đây được xem là mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao; đồng thời, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông nhàn ở địa phương.
Nhờ mô hình trồng rau nhút chuyên canh, ông Ngởi có thu nhập ổn định, kinh tế gia đình được cải thiện. Ảnh: KHẮC VIỆT
Cách đây 10 năm, ông Ngởi phát hiện một vài nông dân trên địa bàn quận Ô Môn, trồng rau nhút có thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Tìm hiểu, ông Ngởi nhận thấy, mô hình trồng rau nhút ít vốn, nhẹ công chăm sóc, đầu ra ổn định, phù hợp với mình. Vì thế, năm 2008, ông Ngởi trồng thử 2 công rau nhút trên đất ruộng. Sau 20 ngày chăm sóc, ruộng rau nhút bắt đầu cho thu hoạch, thương lái đến tận nhà thu mua với giá 5.000-7.000 đồng/kg. Ông Ngởi cho biết: “Tùy theo kỹ thuật chăm sóc, mỗi đợt trồng, rau nhút có thể thu hoạch kéo dài từ 3-4 tháng, mỗi tháng thu hoạch từ 3- 4 đợt. Với diện tích 2 công, tôi thu hoạch được trên 2 tấn rau, bán được trên 10 triệu đồng/tháng, hiệu quả cao gấp 4 lần so với trồng lúa”.
Sau mỗi đợt thu hoạch, ông Ngởi bón phân vào ruộng để kích thích rau ra đọt và phát triển xanh tốt. Từ sự tìm tòi nghiên cứu, tích lũy kinh nghiệm, ông Ngởi dần biết cách chăm sóc, xử lý môi trường nước giúp ruộng rau nhút phát triển quanh năm. 3 năm nay, ông Ngởi cải tạo 3 công đất ruộng còn lại để trồng thêm 3 công rau nhút, nâng diện tích trồng rau nhút lên đến 5 công, thu hoạch khoảng 6 tấn rau/tháng. Tùy vào thời điểm, giá rau nhút từ 4.000-7.000 đồng/kg. Trung bình mỗi tháng, ông Ngởi thu nhập không dưới 30 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn giải quyết việc làm cho 4- 6 lao động ở địa phương với thu nhập 200.000- 400.000 đồng/mỗi đợt thu hoạch rau.
Rau nhút có thể trồng quanh năm, nhưng vụ chính bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10 âm lịch. Sau khi dọn sạch cỏ, đưa nước vào ruộng sâu khoảng 5 tấc là xuống giống rau nhút. Ông Ngởi chia sẻ: “Phải chăm sóc đúng kỹ thuật, mới đạt năng suất cao. Sau khi thu hoạch, phải thay nước để đảm bảo môi trường sạch cho rau phát triển. Bên cạnh đó, phải thả thêm bèo cám trên mặt nước để giúp rễ rau phát triển, hạn chế được tình trạng dập phao khi có mưa lớn”.
Anh Võ Phú Luật, Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Long Hưng, cho biết: “Ông Ngởi mạnh dạn trong việc chuyển đổi từ cây lúa sang trồng rau nhút chuyên canh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông còn là người hòa đồng và sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ về kỹ thuật trồng rau nhút cho hội viên trong khu vực để cùng nhau phát triển. Hội Nông dân phường thường xuyên phối hợp với các ngành để hỗ trợ kỹ thuật và nguồn vốn vay cho những hội viên có nhu cầu phát triển mô hình trồng rau nhút để góp phần tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình cho bà con hội viên”.
Theo Khắc Việt (Báo Cần Thơ)
Video đang HOT
Lội ao hái rau nhút kiếm hơn triệu đồng mỗi ngày ở Sài Gòn
Tận dụng ao nước không, nhiều người dân quận 12 thuê để trồng rau nhút, mỗi ngày hái hàng trăm ký.
Ở phường Thạnh Xuân (quận 12, TP HCM) có hàng chục hộ dân trồng rau nhút, loài rau quen thuộc ở Nam Bộ. Mỗi nhà đều có vài ao trồng loại rau này, cho thu hoạch quanh năm.
Cây rau nhút (còn gọi là rau rút) thuộc họ đậu, sống trên mặt ao hồ. Lá của loại rau này có hình giống như lá me, nhưng nhỏ hơn. Rau nhút có vị dai, giòn, thường dùng nấu lẩu, canh chua... ở miền Nam.
Giữa trưa nắng, anh Ngọ Văn Vĩnh (quê Bắc Giang) liên tục quẳng từng bó rau lên bờ. "Tôi trồng rau nhút hơn 20 năm nay rồi, người trồng rau này đa phần từ miền Bắc di cư vào Nam sinh sống, một số khác là người gốc Khmer ở miền Tây", anh Vĩnh cho biết.
Mỗi ngày, anh Tú (27 tuổi) đều lội xuống ao nước sâu ngang hông hái rau. "Nhà tôi có khoảng 3.000 m2 mặt nước, trong đó hơn một nửa là thuê để trồng rau. Giá thuê 5 triệu đồng cho 1.000 m2 trong một năm. Hầu hết người trồng rau nhút đều phải thuê ao", anh Tú cho biết.
Những ao nước được căng dây để rau bám vào sinh trưởng. "Rau này rất dễ trồng, cứ quấn cây vào dây, độ chục ngày là thu hoạch được. Tuy nhiên để rau phát triển cần phải tưới phân, đạm hai lần từ khi trồng đến lúc hái. Thời tiết nắng nhiều thì rau mọc đều, còn mưa rau chậm ra hơn", anh Tú nói.
Ngoài tưới phân, đạm thì người trồng rau nhút thường xuyên phải vớt bèo để cây có không gian sinh trưởng. "Do trồng theo kiểu cuốn chiếu nên sáng nào tôi cũng tất bật hái rau, chiều thì bón phân, vớt bèo rồi mang rau đi bán", anh Hiền (quê Bắc Giang) chia sẻ.
Rau nhút được hái và sơ chế ngay tại ruộng. Thường đàn ông sẽ hái còn phụ nữ thì lặt rau. Mỗi ngày hai vợ chồng tôi thu hoạch được khoảng 150 ký rau", chị Tiến (vợ anh Tú) cho biết.
Rau nhút nổi trên mặt nước nhờ những cái phao trắng bao bọc phía ngoài. Khi chế biến, người ăn phải lột bỏ phao và rễ để lại cọng rau xanh mướt bên trong.
Rau được bán cho thương lái với giá 25.000 đồng một ký. Rau nhút trồng ở đây không chỉ có mặt ở các chợ Sài Gòn mà còn tỏa đi các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương...
"Mỗi ngày cả nhà tôi hái được khoảng trăm ký, trừ đi tiền phân bón thì cũng kiếm được gần hai triệu đồng. Tính ra nghề này dù cực nhọc, dầm mưa dãi nắng lội nước suốt ngày nhưng thu nhập khá lắm", ông Ngọ Văn Vinh chia sẻ.
Ngoài bán thô, nhiều hộ trồng rau nhút còn mở sạp ven đường bán lẻ rau đã nhặt phao, rễ với giá 30.000 đồng một ký.
Theo Quỳnh Trần (VNE)
Lạ mà hay: Nhốt đàn rắn trong thùng gỗ, mỗi tháng lời hơn 9 triệu Với 10 thùng gỗ lót cao su thả nuôi rắn ri voi, mỗi năm ông Nguyễn Văn Hoàng ở ấp Thới Ngươn B, phường Phước Thới, quận Ô Môn, TP Cần Thơ có mức lãi khá cao. Ông Hoàng kể, năm 2017 ông mua hơn 50 con rắn ri voi của một người quen tại huyện Bình Tân (Vĩnh Long) về nuôi. Nhờ...