Thót tim cảnh phụ huynh lội sông đưa trẻ đến trường
Không có cầu, hàng ngày người dân và trẻ em thôn Phú Mưa (xã Jơ Ngây, huyện miền núi Đông Giang, Quảng Nam) muốn sang phía bên kia đường quốc lộ ĐT604 phải bơi qua con sông R’lang đang chảy xiết trong mùa nước lũ.
Sau một trận mưa lớn vào chiều tối ngày 6/10, con sông R’lang đục ngầu chảy xiết. Mặc dầu vậy, người thân và các em học sinh thôn Phú Mưa vẫn đều đặn đến lớp học tập. Trên khúc sông, hàng chục em học sinh đứng đợi người thân đến đón sau buổi học sáng ngày 7/10.
Có mặt tại đoạn sông đi qua thôn Phú Mưa, chúng tôi chứng kiến cảnh người thân nơi đây đưa các em học sinh đến trường đi học. Anh Alăng Ting cho biết: “Nhiều năm ni rồi, do không có cầu nên người dân chúng tôi muốn làm chi cũng phải bơi sông lớn. Nhiều lần cũng suýt mất mạng nhưng cũng phải liều mình chứ biết làm răng?”.
Theo ghi nhận chúng tôi, đoạn sông đi qua thôn Phú Mưa khá rộng và sâu nên các em học sinh không thể tự mình bơi qua được. Mỗi lần đi học các em phải nhờ người thân đến cõng hoặc dìu qua sông lớn.
Muốn qua được sông để đến lớp, các em học sinh phải nhờ người lớn đưa qua.
Một số người dân cho biết, hầu hết các em học sinh là người dân tộc Cơtu, đang theo học tại các trường tiểu học Jơ Ngây và THCS Bán Trú Lê Văn Tám (xã Jơ Ngây, huyện Đông Giang). Bất kể trời nắng hay mưa, các em cũng đều đặn đến trường học tập rất chăm chỉ.
Em Alăng Thị Tâm, học sinh lớp 6/3, Trường THCS Bán Trú Lê Văn Tám cho biết: “Ngày mô chúng em cũng đều bơi qua sông rồi cuốc bộ gần 5 km đến trường học. Nhiều khi nản nhưng nghĩ cuộc sống của gia đình còn khó khăn nên chúng em tiếp tục đến trường học tập”.
Anh Bh’nướch Pát, một người dân thôn Phú Mưa cho biết: “Năm mô cũng rứa, hễ trời có mưa là người dân thôn ni không thể ra ngoài kia mua hàng hóa được. Sáng mô tụi tui cũng đều lội sông đưa các em học sinh đến lớp”. Theo anh Pát, tình trạng thôn Phú Mưa bị cô lập mỗi khi đến mùa mưa lũ đã có thời hàng chục năm nay, người dân cũng đã nhiều lần kiến nghị lên cấp chính quyền nhưng đến nay vẫn chưa thấy ai nhắc đến.
Video đang HOT
Bí thư Chi bộ thôn Phú Mưa, ông Alăng Bảy, cho biết: “Mùa mưa, nhiều phụ huynh không thể đi rẫy làm nên phân nhau túc trực cạnh bời sông để đưa các cháu đi học. Không có cầu, người dân và các em học sinh Phú Mưa thôn đều phải bất chấp tính mạng của mình mỗi lần có việc phải qua lại”.
Chứng kiến cảnh người dân cõng các em qua sông có đoạn sâu tới ngang cổ mà thấy chạnh lòng…
Dưới đây là một số hình ảnh người dân thôn Phú Mưa cõng các em học sinh qua sông R’lang mà chúng tôi ghi lại ngày 7/10:
Có những đoạn sông sâu tới ngang cổ người lớn.
Qua được sông thì ướt hết cả người và sách vở.
Mừng hú vía khi qua được sông.
Bài và ảnh: Vương Hoàng (theo dantri)
"Chật vật" cảnh học sinh qua đò đến trường
Năm nay, Trường THPT Long Thới có hơn 1.200 học sinh theo học, trong đó chủ yếu là học sinh ở thị trấn và các xã Hiệp Phước, Phú Xuân, Long Thới... Các giáo viên ở đây chia sẻ chuyện đến trường phải qua 1, 2 lần đò vẫn là chuyện thường, nhất là các bạn ở Hiệp Phước. Trường dạy 2 buổi sáng, chiều nên vẫn có nhiều bạn phải chuẩn bị cơm từ sáng mang theo ăn trưa chứ không kịp về nhà ăn.
Học sinh Huyện Nhà Bè đang đến trường.
Mỗi lần qua bến đò ngoài của Hiệp Phước chỉ mất 1.000 đồng nhưng khổ nỗi bến đò này chỉ có duy nhất 1 chiếc mà giờ chạy lại không cố định. Để tránh đi học muộn, học sinh nơi đây phải tranh thủ đi từ rất sớm.
Phương tiện đến trường mỗi ngày của ác bạn ấy là bằng đò.
Một bạn tên Trần Thị Kim Em, học sinh lớp 11A11 cho biết " Nhà mình ở ấp 3, xã Hiệp Phước, bình thường đi học mình phải dậy từ 4 giờ sáng. Hôm nào đi bộ thì ra tới bến đò cũng mất gần 1 tiếng, chờ đò thêm 15 phút nữa rồi đi xe buýt 15 phút nữa mới mong kịp giờ học. Nhiều hôm đò trễ đến cả tiếng đồng hồ đành đến lớp muộn".
Đó là khi nước đầy, còn mỗi mùa nước cạn, sông cạn thì chỉ trông chờ vào những chiếc xuồng nhỏ, mỗi lần chỉ chở 3, 4 người.
Cô Nguyễn Thị Khánh Triều, giáo viên dạy Toán ở trường cũng chia sẻ, đa phần nhà các em đều làm nông cả, địa hình sông ngòi nhiều nên mấy năm trước tình trạng bỏ học cũng thường. Tìm đến tận nhà các em để vận động đi học lại, cô mới thấy thấm được sự trắc trở khi đến trường của các em.
Chen chúc nhau trên một con đò bé xíu.
"Lúc ban đầu nhận quyết định về trường cũng thấy buồn, điều kiện ở vùng sâu này còn thiếu thốn đủ thứ nhưng qua 3 năm gắn bó với học trò nơi đây mình cũng vơi đi nỗi buồn xa nhà", cô giáo trẻ quê gốc Bình Dương tâm sự.
Và đây là ngày khai giảng đầu tiên của các bận ấy.
Đường đến trường nhiều khó khăn nhưng không vì thế mà dập được khát vọng đến với cái chữ của học trò nơi đây. Bạn Phạm Trần Huệ, học sinh lớp 12A1 kể: "Nhà mình trước giờ khó khăn, các anh chị của mình chỉ được học tới lớp 1, 2 là nghỉ ở nhà đi làm. Giờ chỉ còn mình và em gái út là được nhà cho học tới trung học nên luôn phải cố gắng học. Niềm vui của mình là vừa rồi là nhận được học bổng Room to read dành cho học sinh ở vùng sâu khó khăn, hiếu học". Cô học trò cuối cấp này đang nuôi mơ ước được vào học ngành Sư phạm ĐH Sài Gòn.
Theo Dân trí
Bạch tuộc 7 món Lần đầu tiên người Đức và người Argentina cùng xây dựng một thực đơn, điều thú vị là ngay trước ngày 8/7 định mệnh vừa rồi thì ý định của họ hoàn toàn trái ngược nhau. Gần 11 giờ đêm ngày 3/7 (giờ Việt Nam), khi trọng tài thổi còi kết thúc trận quyết đấu giữa Argentina và Đức (vòng tứ kết) ghi...