Thông tin Quân đội Việt Nam trên báo Trung Quốc trong tuần qua
Việt Nam triển khai ngoại giao quân sự, ký thỏa thuận liên quan vịnh Cam Ranh, nhận máy bay Su-30MK2, chế 6 tàu tên lửa Molniya, tiến triển tàu ngầm Kilo…
Biên đội tàu chiến Việt Nam thực hiện ngoại giao quân sự
Tờ “Thời báo Hoàn Cầu” Trung Quốc ngày 8 tháng 12 đăng bài “Việt Nam dùng ngoại giao quân sự tranh vị thế, quan hệ với kẻ thù cũ ấm lên”. Bài viết cho rằng, biên đội tàu chiến Việt Nam gồm 2 tàu hộ vệ tên lửa tàng hình HQ-011 Đinh Tiên Hoàng và HQ-012 đã lần đầu tiên chạy xuyên qua xích đạo, lần đầu tiên thăm Manila, lần đầu tiên hoàn thành thăm Indonesia, Brunei và Philippines trong một chuyến đi.
Tàu hộ vệ lớp Gepard Hải quân Việt Nam thăm các nước Đông Nam Á
Theo bài báo, những năm gần đây, ngoại giao quân sự đã trở thành một trong những trụ cột của ngoại giao toàn diện Việt Nam, không chỉ quan hệ tốt đẹp với Nga, mà còn quan hệ ngày càng ấm lên với các kẻ thù cũ như Mỹ, Pháp.
Trong ngoại giao quân sự, Việt Nam đã sử dụng nhiều hình thức giao lưu hữu nghị như thi đấu thể thao (bóng chuyền, bóng đá, chiêu đãi trên tàu). Việt Nam ngày càng coi trọng ngoại giao quân sự.
Đáng chú ý, trên đường trở về, biên đội tàu chiến Việt Nam gồm 228 binh sĩ do Phó tham mưu trưởng Hải quân Việt Nam, Chuẩn đô đốc Nguyễn Văn Kiệm dẫn đầu, đã đến thăm đảo Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa, đây là lần đầu tiên 2 tàu hộ vệ mạnh nhất Việt Nam thăm đảo này. Đoàn công tác này đã thăm hỏi, khích lệ binh sĩ trên đảo và đã dâng hương tại Tượng đài Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.
Trong hoạt động ngoại giao quân sự này, điểm gây chú ý nữa là máy bay trực thăng săn ngầm Ka-28 Việt Nam đã lần đầu tiên hoàn thành chuyến thăm xa xôi cùng biên đội tàu chiến; hơn nữa, chiêu đãi trên tàu chiến đã mời tùy viên quân sự các nước ASEAN; ngoài ra, Tư lệnh Hải quân Brunei thậm chí lần đầu tiên chào đón, hội kiến với thành viên biên đội nước ngoài (Việt Nam).
Bài báo cũng đánh giá có tính chất phiến diện khi cho rằng, hợp tác quân sự Việt Nam-Philippines vẫn làm cho Trung Quốc cảm thấy lo ngại. Chuyên gia Nga coi động thái này là hai nước bày tỏ lập trường “đoàn kết” trước tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Ngoài ra, thực lực quân sự của Việt Nam sẽ đóng vai trò “then chốt” trước tham vọng này.
Tàu hộ vệ HQ-011 Đinh Tiên Hoàng của Hải quân Việt Nam đối mặt với tàu hộ vệ Thường Châu số hiệu 537 Type 053H2 của Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc (nguồn mạng sina TQ)
Nhưng, đáng chú ý, 2 tàu hộ vệ này của Việt Nam cũng từng thăm Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc vào tháng 6 năm 2013; tháng 10 năm 2014, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cũng dẫn theo 12 tướng lĩnh Việt Nam đến thăm Trung Quốc. Việt Nam cũng coi trọng giao lưu sĩ quan trẻ với Trung Quốc.
Việt Nam đã coi trọng nâng cao trình độ của binh sĩ trong đó có ngoại ngữ để triển khai ngoại giao quân sự… Năm 2013, Việt Nam cũng đã lần đầu tiên cử lực lượng tham gia diễn tập cứu hộ cứu nạn ở Brunei; năm 2014, cử quân tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc – đây là bước đi mới hòa nhập vào cộng đồng quốc tế của quốc phòng Việt Nam.
Một sự kiện khẳng định Việt Nam coi trọng ngoại giao quốc phòng khác là tháng 1 năm 2014 Quân ủy Trung ương Việt Nam đã lần đầu tiên ra nghị quyết về công tác đối ngoại quốc phòng. Thông qua ngoại giao quân sự, đến nay, Việt Nam đã xây dựng quan hệ hợp tác quốc phòng với 80 quốc gia và các tổ chức quốc tế, đã thiết lập phòng tùy viên với 36 nước, có 45 nước lập phòng tùy viên ở Việt Nam.
Trong ngoại giao toàn diện, Việt Nam không chỉ coi trọng quan hệ chính trị và kinh tế, mà còn coi ngoại giao quân sự là trụ cột. Cho nên, Việt Nam không chỉ giao lưu quân sự dồn dập với Đông Nam Á, mà còn tăng cường hợp tác quân sự với các nước Nga, Pháp, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản.
Vịnh Cam Ranh là một điểm sáng trong ngoại giao quân sự của Việt Nam. Căn cứ vào thỏa thuận mới, tàu chiến Nga có thể cập cảng Cam Ranh khi chỉ cần thông báo cho nhà chức trách tại cảng, mà không cần phải làm các thủ tục khác. Tháng 6 năm 2014, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Nga cũng lần đầu tiên thăm vịnh Cam Ranh sau khi Nga rút khỏi vịnh này.
Tàu ngầm lớp Kilo thứ tư Nga chế tạo cho Việt Nam chạy thử trên biển (nguồn báo Phượng Hoàng, Hồng Kông)
Hợp tác tàu ngầm Nga-Việt cũng được đánh giá là mở ra trang sử mới cho Hải quân Việt Nam. Được biết, Việt Nam mỗi năm mua trên 1,5 tỷ USD vũ khí trang bị Nga, trở thành nước nhập khẩu vũ khí lớn của Nga.
Mặc dù hoạt động ngoại giao quân sự lần này của Việt Nam là bình thường, phù hợp xu thế thời đại, tuy nhiên, trong dư luận Trung Quốc cũng không thiếu những tiếng nói dị nghị, xuyên tạc, chia rẽ.
Điển hình là, chuyên gia quân sự Trung Quốc, Đại tá Phòng Binh đã dùng lời “chia rẽ” cho rằng, chuyến đi này của Hai quân Viêt Nam là một vấn đề rất thú vị, cho rằng Việt Nam đã “phô trương hỏa lực mạnh với Philippines yếu hơn, vừa răn đe vừa lôi kéo Philippines, đem lại sự tự tin cho Philippines, liên thủ đối phó với kẻ thù chung lớn hơn trong khu vực”, “đối tượng không chỉ nhằm vào Philippines…”.
Bài viết tỏ ra kiêu ngạo khi so sánh cán cân thực lực hải quân giữa Việt-Trung, cho rằng, riêng tàu hộ vệ tên lửa hạng nhẹ Type 056 của Trung Quốc cũng chiếm ưu thế lớn về số lượng trước tàu hộ vệ Việt Nam.
Ngoài ra, trên truyền thông Trung Quốc cũng đăng những hình ảnh cho là tàu hộ vệ Đinh Tiên Hoàng của Việt Nam hiện diện ở vùng biển đá Gạc Ma – nơi Trung Quốc đang lấn biển, xây đảo bất hợp pháp, gặp tàu hộ vệ Trung Quốc ở đó. Điều này đã gây nhiều chú ý cho dân mạng Trung Quốc.
Việt Nam và Nga ký thỏa thuận đơn giản hóa thủ tục thăm cảng
Tờ “Tin tức Trung Quốc” gần đây đưa tin, Nga và Việt Nam đã ký kết thỏa thuận về đơn giản hóa thủ tục cho tàu chiến Nga cập cảng Cam Ranh của Việt Nam.
Tàu ngầm lớp Kilo thứ tư Nga chế tạo cho Việt Nam chạy thử trên biển (nguồn báo Phượng Hoàng, Hồng Kông)
Văn kiện này được ký kết vào ngày 25 tháng 11 năm 2014 tại Sochi, trong thời gian Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Nga và hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Căn cứ vào thỏa thuận, tàu chiến Nga muốn cập cảng Cam Ranh chỉ cần thông báo cho chính quyền cảng biển là được, không cần làm các thủ tục tiếp theo. Việt Nam là quốc gia thứ hai ký kết loại thỏa thuận này với Nga, sau Syria.
Trước đó, tháng 8 năm 2013, khi Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh thăm Nga, phía Nga bày tỏ hy vọng Việt Nam đơn giản hóa thủ tục cho tàu chiến Nga cập cảng Cam Ranh để tạo thuận lợi cho tàu chiến Nga đến sửa chữa và nghỉ ngơi trong thời gian diễn tập.
Video đang HOT
Căn cứ quân sự vịnh Cam Ranh là quân cảng quan trọng của Việt Nam, từng trở thành căn cứ quân sự lớn nhất ở nước ngoài của Liên Xô, trước đó cũng từng là căn cứ quân sự lớn của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam.
Việt Nam chế tạo 6 tàu tấn công tên lửa theo giấy phép của Nga
Truyền thông Trung Quốc dẫn hãng tin CNA Đài Loan gần đây đưa tin, ngày 6 tháng 12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thị sát Tổng công ty đóng tàu Ba Son ở thành phố Hồ Chí Minh, tìm hiểu thực tế tiến độ chế tạo tàu tên lửa lớp Molniya và chỉ thị nâng cao năng lực chiến đấu thực tế cho quân đội.
Ngày 6 tháng 12 năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Tổng công ty Ba Son
Tổng công ty Ba Son là một trong những nhà máy chế tạo quan trọng của Tổng cục công nghiệp quốc phòng, Bộ Quốc phòng Việt Nam, hiện đang chế tạo tàu tấn công tên lửa lớp Molniya-N theo giấy phép của Nga. Ngoài việc bàn giao 2 tàu trong năm 2014, 4 chiếc khác sẽ được lần lượt bàn giao cho Hải quân Việt Nam vào năm 2015, 2016.
Tàu tên lửa lớp Molniya-M có lượng giãn nước 560 tấn, trang bị nhiều thiết bị và vũ khí tiên tiến, phù hợp với điều kiện tác chiến của Hải quân Việt Nam, dùng để tấn công các tàu chiến của đối phương như tàu đổ bộ và tàu hộ vệ, bảo vệ tàu ngầm và tàu hộ vệ, thực hiện nhiệm vụ trinh sát.
Ngoài ra, Tổng công ty Ba Son còn chế tạo tàu tuần tra, tàu trinh sát, tàu tìm kiếm cứu nạn, tàu kéo cho Hải quân Việt Nam, định kỳ sửa chữa các loại tàu chiến và tàu dân dụng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Tổng công ty Ba Son đã giúp Việt Nam nắm chắc công nghệ chế tạo tàu chiến hiện đại, yêu cầu tổng công ty khắc phục khó khăn, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ, đáp ứng nhu cầu của Quân đội Việt Nam trong tình hình mới.
Tàu ngầm lớp Kilo Việt Nam: chiếc thứ tư chạy thử, 2 chiếc cuối cùng đã khởi công
Ngày 18 tháng 12, tờ “Phượng Hoàng” Hồng Kông đã đăng bài viết “Chiếc tàu ngầm lớp Kilo thứ tư Nga xuất khẩu cho Việt Nam chạy thử, 2 chiếc cuối cùng đã khởi công” đã đăng các hình ảnh về tàu ngầm lớp Kilo của Việt Nam.
Tàu ngầm lớp Kilo thứ tư Nga chế tạo cho Việt Nam chạy thử trên biển (nguồn báo Phượng Hoàng, Hồng Kông)
Theo bài viết, để tăng cường năng lực chiến đấu dưới nước ở Biển Đông, Hải quân Việt Nam đã đặt mua 6 tàu ngầm thông thường lớp Kilo 636.1 của Nga. Hiện nay, Hải quân Việt Nam đã tiếp nhận 2 tàu ngầm lớp Kilo; chiếc thứ ba đang trên đường trở về nước; chiếc thứ tư đang tiến hành chạy thử trên biển; chiếc thứ 5 và thứ 6 cũng đã bắt đầu chế tạo.
Tàu vận tải HQ-571 đến thăm đảo Trường Sa
Tờ “Hoàn Cầu” Trung Quốc ngày 20 tháng 12 dẫn các nguồn tin cho biết, gần đây, tàu vận tải HQ-571 chở người thân của binh sĩ Hải quân Việt Nam đã khởi hành từ thành phố Hồ Chí Minh đến đảo Trường Sa thăm hỏi.
Theo bài báo, đây là đảo quan trọng nhất phía tây nam của quần đảo Trường Sa, bài báo xuyên tạc một cách trắng trợn, thiếu liêm sỉ là là “Việt Nam đã “chiếm” từ năm 1974, thiết lập trung tâm chỉ huy quân sự tuyến đầu ở đây”.
Theo tuyên truyền của bài báo, có tài liệu cho rằng, Việt Nam đã đóng 1 tiểu đoàn khoảng 550 quân ở đảo Trường Sa, đã thi công đường băng bê tông dài 600 m và bãi đáp máy bay trực thăng, có thể cất hạ cánh máy bay cánh quạt cỡ nhỏ.
Việt Nam nhận bàn giao máy bay chiến đấu Su-30MK2
Truyền thông Trung Quốc gần đây có nhiều bài viết liên quan đến việc Việt Nam mua sắm máy bay chiến đấu Su-30MK2 của Nga. Dẫn truyền thông Nga, báo Trung Quốc cho rằng, máy bay của Không quân Việt Nam trong các giai đoạn khác nhau sử dụng các máy bay thuộc các thời đại khác nhau của Liên Xô trước đây và Nga hiện nay.
Máy bay chiến đấu Su-30MK2
Nổi tiếng nhất là máy bay chiến đấu MiG. Trong chiến tranh trước đây, Không quân Việt Nam sử dụng loại máy bay này, đã tiêu diệt được 350 máy bay Mỹ. Hiện nay, Việt Nam chủ yếu sử dụng máy bay chiến đấu Su-30MK2, đã nhận bàn giao 24 chiếc loại này.
Theo chuyên gia Nga, khác với máy bay tiền tuyến hạng nhẹ MiG, máy bay chiến đấu Su có uy lực tên lửa-ném bom mạnh, bán kính tác chiến lớn. Ngoài vũ khí thông thường, còn lắp tên lửa chống hạm, có thể tiêu diệt các mục tiêu trên biển, nhất là ở khu vực còn tồn tại tranh chấp biển đảo. Theo đó, Việt Nam đã lựa chọn dòng Su Nga.
Su-30MK2 là máy bay chiến đấu đa năng, thuộc loại tốt nhất so với máy bay cùng loại trên thế giới. Dài 22 m, sải cánh 15 m, bay ở độ cao trên 17 km, tốc độ 2.100 km/giờ, tầm bay xa nhất không tiếp dầu là 3.000 km, có 12 điểm treo có thể lắp các loại tên lửa không đối không, tên lửa chống hạm, tên lửa chống bức xạ và đạn đối đất dẫn đường chính xác, có thể mang theo 6 tấn tên lửa, bom; còn lắp pháo lớn cỡ 30 cm.
Theo báo Nga, năm 2013, Việt Nam và Nga đã ký kết hợp đồng mua 12 máy bay chiến đấu Su-30MK2 trị giá 600 triệu USD, trong đó 2 chiếc chế tạo mới nhất số hiệu 8583 và 8584 (chế tạo tại nhà máy đóng tàu của Tập đoàn Sukhoi tại Komsomolsk-on-Amur) đã được máy bay vận tải An-124-100M Ruslan của Công ty hàng không Volga-Dnepr Nga đưa về cảng Đà Nẵng của Việt Nam vào ngày 6 tháng 12 năm 2014. 2 chiếc khác cũng sẽ được chuyển đến Việt Nam trong năm nay, 8 chiếc còn lại được bàn giao vào năm 2015.
Theo 3 hợp đồng, Việt Nam sẽ nhận đầy đủ 36 máy bay, theo đó sẽ cần 100 phi công. Chính phủ Việt Nam đã đề nghị Chính phủ Ấn Độ giúp đào tạo phi công và vừa được Ấn Độ đồng ý. Điều này thể hiện quan hệ cùng có lợi giữa hai bên, được phân tích là Ấn Độ có kinh nghiệm sử dụng máy bay dòng Su và hai nước đều có “quan hệ phức tạp” với Trung Quốc. Đáng chú ý, Việt Nam có khả năng nhận được tên lửa BrahMos từ Ấn Độ trong tương lai, loại tên lửa này có phiên bản trang bị cho máy bay.
Việt Nam nhận thêm 2 máy bay chiến đấu Su-30MK2 mới nhất
Việt Nam thiếu máy bay cảnh báo sớm
Tờ “Tin tức thế giới” ngày 17 tháng 12 đăng bài viết của Ngụy Đông Húc cho rằng, Việt Nam đang nâng cao năng lực tác chiến đối không, đối hải, mua máy bay chiến đấu tiên tiến của Nga chính là đáp ứng loại nhu cầu này.
Theo bài báo, Việt Nam không tiếc chi nhiều tiền để mua sắm Su-30MK2 nhằm mở rộng “trận địa tấn công-phòng thủ” ở Biển Đông. Lãnh thổ Việt Nam hình chữ S, thiếu chiều sâu chiến lược, nhưng lại kiểm soát (bài báo xuyên tạc là cưỡng chiếm) rất nhiều đảo đá. Để giám sát đường bờ biển dài và rất nhiều đảo đá, Việt Nam đã mua tàu hộ vệ hạng nhẹ lớp Gepard, tàu ngầm lớp Kilo từ Nga, đã tự chế tàu chở quân mới, do đó cần có máy bay chiến đấu Su-30MK2 “bay xa hơn, đánh mạnh hơn” để bảo vệ.
Ngoài ra, radar của Su-30MK2 có năng lực tìm kiếm và nhận dạng các mục tiêu trên biển, có thể lắp tên lửa chống hạm uy lực lớn, có năng lực xua đuổi tàu chiến mặt nước có hỏa lực phòng không khá yếu. Su-30MK2 là trang bị tác chiến được Việt Nam coi trọng nhất để thực hiện ý đồ chiến lược quân sự.
Đối với vấn đề này, tờ “Kanwa Defense Review” Canada đã tiến hành so sánh cho rằng, máy bay chiến đấu Su-30 của Việt Nam tiên tiến hơn máy bay chiến đấu cùng loại của Trung Quốc, có thế “đe dọa có hiệu quả” các quân cảng quan trọng, kho tàu ngầm, thậm chí chiều sâu đất liền của Trung Quốc.
Theo bài báo, chất lượng của máy bay chiến đấu Su-30MK2 Việt Nam chủ yếu thể hiện ở trang bị vũ khí, máy bay Việt Nam rất có thể đã có tên lửa không đối hạm, tên lửa không đối đất và tên lửa không đối không; trong khi đó, tên lửa không đối không trên máy bay chiến đấu Trung Quốc có thể là loại nhập khẩu của Ukraine.
Máy bay chiến đấu Su-30MK2
Nhưng, theo bài báo, Không quân Việt Nam tuy đã trang bị vài chục máy bay chiến đấu Su-30, nhưng tất cả đạn tên lửa dẫn đường chính xác đồng bộ đều phải nhập khẩu từ Nga, một khi tham gia chiến tranh hoặc xung đột trên biển, trên không, việc cung ứng bom, tên lửa này sẽ không hiệu quả lắm.
Ngoài ra, Không quân Việt Nam tuy đã trang bị máy bay chiến đấu tiên tiến, nhưng thiếu sự chi viện của máy bay cảnh báo sớm, rất khó giúp cho máy bay chiến đấu phát hiện địch trước, khai hỏa trước. Vì vậy, khi đối phó với đối thủ có hệ thống công nghiệp quốc phòng hoàn bị và có năng lực tác chiến thống nhất trên biển-trên không, thì khả năng sống sót của những máy bay chiến đấu này sẽ có vấn đề.
Việt Nam có thể cải tạo CN295 thành máy bay cảnh báo sớm
Tờ “Hoàn Cầu” Trung Quốc ngày 10 tháng 12 cho rằng, gần đây, trên các trang mạng đã xuất hiện một số hình ảnh về việc Quân đội Việt Nam tiếp nhận máy bay vận tải CN295.
Máy bay vận tải CN295 là máy bay do Công ty hàng không vũ trụ Indonesia và Công ty Airbus của EU hợp tác chế tạo.
Tháng 6 năm 2013, tờ “Jane’s Defense Weekly” Anh từng tiết lộ, Indonesia và Việt Nam đang nghiên cứu “lĩnh vực tiềm năng” trên phương diện hợp tác công nghiệp và thương mại quốc phòng, Việt Nam tập trung quan tâm tới máy bay vận tải CN295 của Công ty máy bay quân sự Airbus.
Quân đội Việt Nam tiếp nhận máy bay vận tải CN295 mới (nguồn báo Hoàn Cầu, TQ)
Theo bài báo, kích cỡ của máy bay vận tải CN295 tương đương với máy bay vận tải Y-7/MA700 của Trung Quốc, dựa trên nền tảng này, hiện đã phát triển được phiên bản cảnh báo sớm AWAC.
Bài báo đăng các hình ảnh cho biết, Việt Nam tiếp nhận máy bay vận tải CN295, can bô Quân đội Việt Nam thăm quan máy bay vận tải CN295…
Việt Nam nhập khẩu rất nhiều súng ống tiên tiến Âu-Mỹ
Tờ “Hoàn Cầu” Trung Quốc ngày 14 tháng 12 đưa tin, Nhưng năm gân đây, quân đội Việt Nam đã ra sức nỗ lực trong mua sắm vũ khí hạng nhẹ, đã lần lượt nhập khẩu súng trường dòng M4, M16 kiểu Mỹ, các súng trường tự động tiên tiến như FN2000, TAR-21.
Hiện nay, tình hình trang bị toàn bộ súng tự động dòng AK trước đây của Quân đội Việt Nam đã không còn nữa. Gần đây, trên trang mạng xã hội chính thức của Quân đội Việt Nam đã công bố súng trường tự động CZ805 do Czech chế tạo, đang được binh sĩ Việt Nam thử nghiệm.
Trong bài viết đã đăng nhiều hình ảnh về các vũ khí hạng nhẹ này của Việt Nam.
Súng trường CZ805 của Quân đội Việt Nam (nguồn báo Nhân Dân, TQ)
Việt Nam bố trí trận địa ở quần đảo Trường Sa
Tờ “Thời báo Hoàn Cầu” Trung Quốc ngày 17 tháng 12 có bài viết cho rằng, Biển Đông là một trong những điểm nóng xung đột tiềm tàng lớn nhất châu Á. Trong năm 2014 đã xảy ra nhiều cuộc tranh chấp (do Trung Quốc gây ra, như sự kiện giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981). Tranh chấp lãnh thổ trên biển làm cho Biển Đông trở thành nơi tranh đoạt của các nhà quân sự.
Đối với Việt Nam, từ đầu thập niên 70 đến đầu thập niên 90, Việt Nam đã kiểm soát 29 đảo đá của quần đảo Trường Sa và liên tục tăng cường hệ thống phòng thủ trên những đảo đá này.
Về tình hình bố phòng, Quân đội Việt Nam chủ yếu có 2 biện pháp phòng thủ: Một là thông qua xây dựng trận địa “diện” – kết hợp công sự dã chiến và công sự vĩnh viễn, các công trình chiến đấu và sinh hoạt đều đầy đủ, hình thành thể chế “phòng thủ nơi trọng yếu”. Hai là thông qua xây dựng các công trình phòng thủ “điểm” – gồm “nhà sàn”, công sự, hình thành “phòng thủ phân tán”.
Việt Nam coi đảo Trường Sa và đảo Nam Yết là điểm tựa chính cho phòng tuyến cụm đảo đá trên Biển Đông. Về chiến lược, Quân đội Việt Nam sẽ toàn lực tử thủ ở 2 đảo này.
Hiện nay, Quân đội Việt Nam triển khai lực lượng quy mô cấp trung đoàn, khoảng 2.200 quân ở quần đảo Trường Sa, trang bị chủ yếu là pháo, xe tăng, tên lửa chống tăng và máy bay trực thăng vũ trang có thể cơ động, nhưng không có tên lửa phòng thủ bờ, do nó cần có hệ thống bảo đảm phức tạp và chiều sâu cơ động.
Súng trường M16 của Quân đội Việt Nam
Đáng chú ý trên 9 đảo đá ở quần đảo Trường Sa, Việt Nam bố trí pháo cao xạ 23 mm ở 9 đảo đá, pháo cao xạ 37 mm ở 6 đảo đá, pháo 85 mm ở 5 đảo đá, lựu pháo 122 mm và pháo 130 mm ở 2 đảo đá; bố trí xe tăng hạng trung T-54/55 ở 6 đảo đá, xe tăng đổ bộ PT-76 ở 4 đảo đá. Tổng cộng bố trí hơn 120 khẩu pháo các loại, hơn 60 xe tăng hạng trung.
Ở đảo Trường Sa và đảo Nam Yết, Quân đội Việt Nam bố trí mỗi đảo 1 tiểu đoàn lựu pháo 122 mm, 1 đại đội pháo 85 mm, 1 đại đội pháo 130 mm, 2 – 3 đại đội pháo cao xạ 23 mm hoặc 37 mm và 1 đại đội xe tăng. Ngoài ra, ít nhất có 5 đảo đá có thể cất hạ cánh máy bay trực thăng vũ trang.
Theo báo Trung Quốc, các loại pháo này tạo thành chiều sâu hỏa lực xa, vừa và gần, tiến hành tấn công lực lượng đổ bộ quân địch ở các cự ly khác nhau. Khi cần thiết, Quân đội Việt Nam sẽ điều máy bay trực thăng vũ trang triển khai trên đảo hoặc trên tàu chiến, phát huy năng lực tác chiến cơ động đường không.
Ngoài 9 đảo được bố phòng chặt chẽ, các đảo đá khác do điều kiện địa lý “dễ tấn công, khó phòng thủ”, nên Quân đội Việt Nam chỉ xây dựng công trình bê tông và “nhà sàn” đơn giản, đồng thời bố trí vũ khí cá nhân hạng nhẹ.
Đáng chú ý, Việt Nam có trung đoàn đặc công 126 thành lập năm 2005, binh sĩ trung đoàn này mỗi năm đều được đưa đến quần đảo Trường Sa huấn luyện 3 lần, mỗi lần khoảng 1 tháng, nội dung huấn luyện chủ yếu học các kỹ năng chiến đấu dưới nước. Trung đoàn này có tiểu đoàn phản ứng nhanh 126, là đơn vị “đòn sát thủ” của Việt Nam ở Biển Đông, mục tiêu là trở thành đơn vị đổ bộ như Seal Mỹ.
Súng trường tấn công TAR-21 của Hải quân đánh bộ Việt Nam (nguồn báo Nhân Dân, TQ)
Theo chuyên gia Singapore, so sánh về sức mạnh quân sự của các nước Đông Nam Á có tranh chấp ở Biển Đông, thì Việt Nam mạnh nhất, Malaysia đứng thứ hai, tiếp theo là Philippines. Tuy nhiên, bài báo không đề cập đến thực lực quân sự của Trung Quốc và Đài Loan – 2 bên tranh chấp với tham vọng “đường lưỡi bò” muốn chiếm hầu hết Biển Đông, bất chấp luật pháp quốc tế.
Việt Nam phòng chống phi chính trị hóa quân đội
Theo tờ “Đại công báo” Hồng Kông ngày 8 tháng 12, Trung Quốc kiên quyết phản đối “phi chính trị hóa quân đội”. Trong cuộc đấu tranh một mất một còn, các thế lực thù địch luôn tìm cách đánh vào điểm yếu này, tìm mọi cách tiến hành thẩm thấu ý thức hệ, ra sức cổ vũ “phi đảng hóa, phi chính trị hóa quân đội” và “nhà nước hóa quân đội”, mưu toan làm thay đổi tính chất của quân đội, kéo quân đội Trung Quốc ra khỏi ngọn cờ của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Việt Nam cũng đối mặt với tình hình tương tự Trung Quốc. Theo thông tấn xã Việt Nam, để xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội, tiến tới xóa bỏ vai trò tin cậy bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa của quân đội trong Đảng, Nhà nước và nhân dân, các thế lực thù địch tích cực tuyên truyền luận điệu “phi chính trị hóa quân đội”. Vạch trần sự hoang đường của quan điểm chính trị sai lầm này có ý nghĩa thiết thực đối với việc thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, hiện đại.
Mục đích thúc đẩy “phi chính trị hóa quân đội” của các thế lực thù địch là làm cho quân đội “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, làm cho quân đội xa rời mục tiêu, lý tưởng cách mạng, tách rời quan hệ với sự lãnh đạo của Đảng, từ đó xóa bỏ vai trò “người bảo vệ” sự nghiệp cách mạng của quân đội.
Súng trường tấn công TAR-21 của Hải quân đánh bộ Việt Nam (nguồn báo Nhân Dân, TQ)
Bài viết của học giả Việt Nam cho rằng, trên thực tế, bất kể đảng nào lên cầm quyền cũng tìm cách kiểm soát quân đội, bởi vì quân đội sẽ bảo đảm cho đảng cầm quyền củng cố quyền lực chính trị.
Quân đội Việt Nam ra đời từ cuộc đấu tranh chính trị của quần chúng, được Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo và giáo dục, tiến hành tranh đấu và bảo vệ chính quyền cách mạng, nên bản thân nó đã là một lực lượng chính trị, trong lịch sử luôn là lực lượng trung thành của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Theo đó, phải xây dựng quân đội mạnh về chính trị, tư tưởng, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, đây là nguyên tăc cơ bản và hàng đầu trong xây dựng quân đội hiện nay.
Ngoài những thông tin trên, gần đây, nhiều thông tin khác về quân sự-quốc phòng Việt Nam được truyền thông Trung Quốc rất quan tâm, đặc biệt là khi xảy ra va chạm, chẳng hạn Trung Quốc khiêu khích gây ra sự kiện giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981, truyền thông Trung Quốc được dịp bàn tàn, thậm chí bàn tới các tình huống chiến tranh với Việt Nam, kể cả thời gian gần đây.
Theo Giáo Dục
Chuyên gia Mỹ: Bán vũ khí cho Việt Nam là đúng!
Chuyên gia Mỹ đã nêu ra nhiều cái lợi khi Mỹ bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.
Chuyên gia người Mỹ về Đông Nam Á Joshua Kurlantzick ngày 8/10 đã có bài viết đăng tải trên trang web của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR), một viện nghiên cứu độc lập, uy tín và ảnh hưởng của Mỹ có trụ sở tại New York. Trong bài viết này, ông Kurlantzick cho rằng việc Mỹ nới lỏng lệnh cấm vũ khí và bán các loại vũ khí sát thương cho Việt Nam là một bước đi đúng đắn.
Tiêu đề và ảnh minh họa trong bài viết của chuyên gia Joshua Kurlantzick
Theo ông Joshua Kurlantzick, việc bán vũ khí sát thương cho Việt Nam tới thời điểm này vẫn còn tương đối hạn chế, mặc dù Mỹ có thể bán cho Việt Nam tàu và máy bay, trên lý thuyết có thể sử dụng cho lực lượng bảo vệ bờ biển. Bước đi đầu tiên trong việc bán vũ khí sát thương cho Việt Nam nhiều khả năng sẽ tiếp nối bằng các thỏa thuận bán vũ khí lớn hơn, trong đó có các thiết bị cho không quân và hải quân.
Theo đánh giá của học giả này, chính sách Đông Nam Á của chính quyền Tổng thống Barack Obama xét về tổng thể là một sai lầm, bởi những lợi ích chiến lược mà Mỹ thu về không đáng kể. Tuy nhiên, Việt Nam là một ngoại lệ. Trong số tất cả các quốc gia trong lục địa Đông Nam Á, chỉ có Việt Nam đã mang lại, và sẽ mang lại đủ các lợi ích chiến lược cho Mỹ.
Theo đó, quân đội Việt Nam thể hiện sự chuyên nghiệp hơn so với Myanmar hay Thái Lan. Nhìn tổng thể, Việt Nam ổn định hơn so với Myanmar, thậm chí là Thái Lan, và người dân Việt Nam, bất kể lịch sử cuộc chiến tranh với Mỹ, có xu ủng hộ Mỹ.
Chiến hạm USS Cowpens (CG63) của Mỹ thường xuyên hoạt động ở Biển Đông
Về mặt chiến lược, quân đội Việt Nam lớn hơn và hiệu quả hơn khi có xung đột nếu so với các quốc gia khác tại Đông Nam Á, trong đó có Myanmar và Thái Lan. Hải quân Việt Nam chuyên nghiệp và được huấn luyện đầy đủ. Vị trí chiến lược của Việt Nam, nằm ngay cạnh Biển Đông, đặt Việt Nam ở trọng tâm các tuyến đường vận tải thiết yếu và nằm ở trọng tâm của các khu vực mà Mỹ và Trung Quốc nhiều khả năng tiến tới xung đột.
Vịnh Cam Ranh của Việt Nam là cảng tốt nhất cho các tàu hải quân Mỹ trong mọi trường hợp. Và không giống như Thái Lan hay Malaysia, Việt Nam đã có những cuộc chiến kéo dài hàng thế kỷ với Trung Quốc, có ít ảo tưởng về sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Cũng theo chuyên gia người Mỹ, một thế hệ trẻ các quan chức Việt Nam, những người không tham gia chiến tranh, họ nhìn mối quan hệ mạnh mẽ hơn với Mỹ là thiết yếu đối với an ninh của Việt Nam trong tương lai.
Với những lý do nêu trên, ông Joshua Kurlantzick đưa ra khuyến nghị Nhà Trắng cần tiếp tục thúc đẩy các thương vụ bán vũ khí cho Việt Nam.
Theo Đất Việt
Việt Nam chuyển hướng vũ khí Nga sang vũ khí châu Âu? Vũ khí châu Âu đang dần thay thế các phần cứng quân sự Nga trong quá trình hiện đại hóa Quân đội Việt Nam. Thỏa thuận mua 3 máy bay vận tải quân sự C-295 từ châu Âu cho thấy Việt Nam đang có những bước dịch chuyển quan trọng để tìm thêm những nguồn cung cấp vũ khí mới, dần thay thế...