Thông tin mới nhất vụ thai phụ 8 tháng bị chồng đánh đến chảy máu mắt, động thai vì dùng 135 ngàn để mua giày online
Theo như bản tường trình tại cơ quan công an, người chồng đánh vợ mang thai 8 tháng cho rằng do người vợ sắp sinh nhưng hay sắm đồ khiến người chồng không thích nên xảy ra mâu thuẫn.
Liên quan đến thông tin một thai phụ bị chồng và mẹ chồng đánh tới tấp vì lén mua một đôi giày trị giá 135.000 đồng trên mạng, mới đây, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với chính quyền địa phương, nơi xảy ra vụ việc để làm rõ về những thông tin đang được đăng tải trên mạng xã hội.
Theo đó, sáng nay (30/7), trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Lộc – Chủ tịch xã Đông Hiếu (thị xã Thái Hòa, Nghệ An) xác nhận có vụ việc người chồng đánh đập người vợ đang mang thai 8 tháng do mâu thuẫn gia đình.
Hình ảnh người vợ đang mang thai với nhiều thương tích trên cơ thể do bị chồng hành hung.
Bà Lộc cho biết, sáng nay, đại diện Hội phụ nữ xã và cán bộ tư pháp đã tới gặp gia đình chồng thai phụ để trao đổi. Tại đây, người mẹ chồng cho rằng do con dâu nhiều lần mua đồ nhưng nói dối là được người khác cho, tặng khiến gia đình bà bức xúc. Còn người chồng khẳng định chỉ tát vợ 1 cái, nhưng khi thấy người vợ xếp đồ về nhà ngoại, người chồng đã ngăn cản, trong lúc giằng co đã gây ra nhiều vết xước trên người vợ mình.
Theo lãnh đạo xã Đông Hiếu, người chồng cho biết rất hối hận vì việc đã xảy ra, trong sáng nay gia đình chồng đã sang nhà thông gia để xin lỗi.
Liên quan đến vụ việc, Trưởng công an xã Đông Hiếu cũng xác nhận với PV, chiều ngày 29/7, Công an xã Đông Hiếu đã mời người chồng là anh V.C.A cùng bố chồng lên làm việc.
Video đang HOT
Theo lời khai của anh A., nguyên nhân vụ việc là do người vợ sắp sinh nhưng hay sắm đồ khiến người chồng không thích nên xảy ra cãi vã, xung đột. Cũng theo vị trưởng Công an xã này, người vợ mang thai hiện không đi làm, gia đình chồng thuộc dạng có điều kiện ở địa phương.
Sau khi vụ việc xảy ra, thai phụ đã về nhà bố mẹ đẻ nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng.
Như thông tin trước đó đã đăng tải, ngày 29/7, trên mạng xã hội lan truyền thông tin một thai phụ bị chồng đánh tới tấp vì lén mua một đôi giày trị giá 135.000 đồng trên mạng. Tài khoản Facebook M. (được cho là em gái của thai phụ) bức xúc cho biết: “Chị tôi lấy chồng ở xóm Đông Hà, xã Đông Hiếu, thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An, là con dâu của ông D. – bà T. bán súp lươn.
Vì giày hư hết nên mới đặt mua một đôi giày búp bê giảm giá trên mạng chỉ 135 ngàn đồng.
Vì bầu bì, không làm ra tiền, chồng lại hay lăn tăn chuyện tiền bạc nên chị ấy sợ chồng biết và đánh nên giấu và nói của em gái cho. Thế nhưng, mẹ chồng không tin nên chạy ra khui bao rác, tìm thấy thông tin họ gửi giày và biết là chị tôi đặt mua qua mạng với giá 135 ngàn đồng…”.
Theo nội dung chia sẻ, sau đó người chồng và mẹ chồng đã nhốt thai phụ trong phòng và đánh đập khiến thai phụ bầm dập nhiều chỗ trên cơ thể. Người bố chồng sợ con dâu có thể nguy hiểm đến tính mạng lên bắt xe cho thai phụ về nhà đẻ.
Ngay sau khi vụ việc được đăng tải đã khiến cộng đồng mạng bức xúc, nhiều người lên án hành động vũ phu của người chồng, nhất là khi người vợ còn đang mang thai.
Theo Helino
"Cuộc chiến" chị em dâu
Khi nói đến những mâu thuẫn gia đình, người ta hay nhắc đến các mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu hay giữa nàng dâu với gia đình chồng.
Thế nhưng, có một mối quan hệ cũng rất phức tạp, tiềm ẩn nhiều xung đột trong gia đình, đó là quan hệ giữa các chị em dâu với nhau.
Mâu thuẫn chị em dâu được tái hiện trong bộ phim truyền hình "Gạo nếp gạo tẻ". Ảnh: ĐPCC
Cuộc chiến thâm cung
Không phải ngẫu nhiên mà nhiều phụ nữ khi miêu tả các xung đột giữa chị em dâu với nhau lại hay dùng từ "cuộc chiến thâm cung", bởi khác với các xung đột kiểu mẹ chồng - con dâu, con dâu - bà cô bên chồng... thường khá công khai, cụ thể, dễ thấy, thì xung đột chị em dâu lại thầm lặng hơn rất nhiều dù cũng không kém phần căng thẳng.
Chị P.T. (nhà ở quận 6, TPHCM) chia sẻ, vợ chồng chị và vợ chồng cậu em chồng sống chung dưới một mái nhà, cùng phụng dưỡng bố mẹ chồng. Thế nhưng, em dâu chị không hiểu sao lại luôn nghĩ mẹ bênh chị dâu hơn mình nên sinh ra tính đố kỵ. Cô thường hay mỉa mai, cho rằng "mẹ chỉ quý chị dâu chứ có xem em ra gì đâu" hay "gia đình chị giàu hơn nên bố mẹ trọng chị hơn em"... Ban đầu chị cố nhịn vì nghĩ em dâu tính nhạy cảm, thế nhưng áp lực cuộc sống lại thêm cô em dâu hay châm chọc khiến chị không chịu nổi cũng đáp trả lại, thế là quan hệ hai chị em trở nên căng thẳng, gia đình lúc nào cũng đầy áp lực.
Không chỉ sống chung dưới một mái nhà chị em dâu mới căng thẳng. Đến bây giờ, chị H.M. (ngụ quận Phú Nhuận, TPHCM) vẫn không quen được cảm giác ngại ngùng khi chứng kiến chị dâu K.L. thể hiện "đẳng cấp" không thể so bì mỗi lần gia đình chồng có liên hoan hay giỗ chạp. Vợ chồng chị M. đều là cán bộ nhà nước, làm hành chính nên thu nhập không thể so sánh với anh, chị đều làm vị trí quan trọng tại một ngân hàng lớn. Thế nên, mỗi lần nhà có chuyện, trong khi vợ chồng chị H.M. chỉ phụ được ít tiền sắm lễ, mua chút hoa quả thì vợ chồng anh chị gửi cả chục triệu đồng, mua toàn đồ cao cấp. "Vừa tủi thân vì thấy điều kiện hai vợ chồng thua kém nhiều, vừa áp lực vì cảm giác bị coi thường khi đồ mình mua thường bị tống ra một góc", chị H.M. nhớ lại.
Tâm sự của chị H.M. được nhiều người chia sẻ. Có chị cho biết, trường hợp của chị là em dâu. Điều kiện kinh tế khá hơn nhiều nên cứ mỗi lần gặp, không hiểu vô tình hay cố ý, cô em dâu lại khoe hết quần áo, đến mỹ phẩm, trang sức... Thậm chí có lần tết, vợ chồng cô chú ghé thăm nhà chị, trong khi hai anh em ruột đang vui vẻ đối ẩm thì cô em dâu lại liếc ngang liếc dọc, chê ỏng chê eo kiểu "Cái máy giặt nhà chị cũ thế này còn dùng à, giờ mua cái máy mới rẻ không mà"...
Thế nhưng, nếu với một số người, của cải vật chất không hẳn quá quan trọng thì lại có một sự ganh đua khác rất nặng nề, đó là ganh đua trong việc nuôi dạy con cái. Bất cứ ông bố bà mẹ nào đều mong con của mình khỏe mạnh, giỏi giang. Tuy nhiên, khi trong gia đình có hơn một bà mẹ, mâu thuẫn về quan điểm nuôi dạy con cái, sự ngấm ngầm đua tranh thành tích của con cái là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Khi đứa trẻ còn nhỏ, chị em dâu sẽ ra sức thể hiện bản thân trong cuộc đua cho con ăn, cho con ngủ...
Khi đứa trẻ đến tuổi đến trường, chị em dâu lại bắt đầu cuộc đua thành tích của con. Cuộc đua nào cũng đều khốc liệt và có tính "sát thương" lòng tự ái rất cao. Người hơn thì đắc chí, mừng thầm; người kém thì hậm hực, bực tức. Chưa kể người trong cuộc phải đối diện với tâm trạng ức chế khi bị lôi ra để so sánh theo kiểu: Cùng là chăm con mà sao chị dâu/em dâu con lại làm khéo thế, nhàn thế mà con vẫn ngoan, khỏe.
Để chị em dâu hòa thuận
Chị H.M. kể lại, mâu thuẫn hai chị em dâu "ác liệt" đến mức từ ngấm ngầm chuyển thành bán công khai. Chỉ khổ nhất hai ông chồng, anh em họ vốn hòa thuận, chẳng có trục trặc gì, nay bị hai bà vợ kéo vào cuộc chiến, đâm ra nhiều lúc cũng khó xử. May sao, bố mẹ chồng nhận thấy sự va chạm của các cô con dâu nên đã có cách xử lý khéo léo. Chuyện đóng góp cho việc gia đình, ông bà phân chia cụ thể, mỗi nhà lo một việc, phù hợp với khả năng và năng lực của mỗi nhà. Mẹ chồng chị còn gọi cả hai cô con dâu lại tâm sự, bà bảo, bố mẹ chỉ có hai đứa con trai, sau này khi bố mẹ không còn, hai anh em và dĩ nhiên là cả hai con dâu phải cùng sống với nhau nên phải hiểu và thương yêu nhau, đừng để bố mẹ buồn.
Trong mối quan hệ gia đình, có thể nói chị em dâu có khoảng cách xa hơn cả. Nếu các anh em rể (hay còn gọi là cột chèo, đồng hao) thường tỏ ra thân thiết thì chị em dâu chẳng mấy khi hòa thuận. Chị em dâu thường bất hòa do nhiều nguyên nhân như sự khác biệt về địa vị xã hội, lợi ích kinh tế, giáo dục con cái, phân công công việc trong gia đình... Về cơ bản, giữa họ không có quan hệ ràng buộc, chỉ khách quan tình cờ mà sống bên cạnh nhau. Về mặt quản lý gia đình, mỗi người có cách riêng của mình; về mặt tài chính, mỗi người có ngân quỹ riêng. Ngoài ra, bản năng người phụ nữ thường hướng đến chăm lo vun vén cho gia đình nhỏ mà ít quan tâm đến gia đình lớn.
Chính vì vậy, khi tư vấn giải pháp để hóa giải mâu thuẫn chị em dâu, các chuyên gia tư vấn đều hướng đến việc xây dựng một mục tiêu chung giữa các chị em dâu. Mà mục tiêu dễ thấy nhất là chăm lo, phụng dưỡng bố mẹ chồng. Trong thực tế, chuyện các con trai đóng góp nuôi dưỡng, giúp đỡ cha mẹ về mặt vật chất thường khiến các cô con dâu nảy sinh tư tưởng tị nạnh (chẳng hạn khi hưởng phần chia từ cha mẹ thì ta ít người nhiều, khi đóng góp thì ta nhiều người ít). Dù là anh em ruột, điều kiện kinh tế của mỗi người cũng khác nhau, vì thế trong chuyện đóng góp nuôi dưỡng cha mẹ già không thể áp dụng nguyên tắc quân bình; ai có nhiều đóng nhiều, ai có ít đóng góp ít, quan trọng nhất là tình cảm hiếu kính và có ý thức trách nhiệm của con cái đối với cha mẹ.
Mâu thuẫn có thể xảy ra ở bất kỳ đâu, ngay cả giữa anh chị em ruột, giữa chị em dâu càng dễ xảy ra, vì hoàn cảnh gia đình khác nhau, nền tảng giáo dục cũng có sự khác biệt, tính cách mỗi người cũng khác nhau. Để tránh xảy ra mâu thuẫn, việc cần thiết là thông cảm, nhường nhịn, bình đẳng, thân mật, tôn trọng, quan tâm giúp đỡ nhau, tin tưởng và thông cảm lẫn nhau..., đó là những tiêu chí vàng trong mối quan hệ chị em dâu. Từ đó, xây dựng một mối quan hệ thân thiết giữa các chị em dâu, dù có thể không đến mức như chị em ruột nhưng hoàn toàn có thể như những người bạn, góp phần mang đến một gia đình lớn hạnh phúc.
THANH HƯƠNG
Theo sggp.org.vn
Chồng bảo tôi nhẫn nhịn dù bố mẹ anh đối xử tệ bạc Nhà chồng coi trọng tiền bạc hơn tình cảm vì mua cho cháu nội hộp sữa hay viên thuốc đều tính tiền. Hình ảnh minh họa Tôi 30 tuổi, lấy chồng hơn chục tuổi. Chồng tôi hiền lành, nghe lời bố mẹ, từng có một đời vợ, ly hôn vì chị ấy chơi bời, nợ nần (xã hội đen từng tới nhà đòi...