Thông tin mới nhất vụ mua bán trẻ ở chùa Bồ Đề ngày 18/8
Khi Phạm Thị Nguyệt, SN 1979, quê ở xã Hòa Khánh, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình bị bắt cùng Nguyễn Thị Thanh Trang về hành vi mua bán trẻ em, PV đã tìm gặp một số người quen của Nguyệt để tìm hiểu thông tin. Chị M., một người bạn của Nguyệt, kể: “Có lần cô ấy khoe làm giấy chứng sinh dễ lắm, em vừa mua hai tờ với giá 10 triệu đấy”.
Xuất phát từ manh mối này, chúng tôi đã lần ra những nơi chuyên cung cấp giấy chứng sinh khống. Cụ thể, Nguyệt đã được Bệnh viện Sản nhi Ninh Bình cấp hai giấy chứng sinh. Nhưng với những bằng chứng mà chúng tôi mới thu thập được, sự thật còn khủng khiếp hơn nhiều. Thậm chí, Nguyệt còn làm giấy chứng sinh cho bé trai đã chết.
Để hợp thức hóa các cháu bé “mua” được, Nguyệt không chỉ tìm đến Bệnh viện Sản nhi Ninh Bình mà dùng mối quan hệ khá rộng để mở rộng đường dây cấp giấy chứng sinh khống. Mất rất nhiều thời gian, chúng tôi mới có được thông tin Nguyệt đã “mua” được hai giấy chứng sinh tại Trạm y tế xã Kim Hải, huyện Kim Sơn, Ninh Bình.
Ông Cao Văn Khải, SN 1972, quê ở xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, quyền trạm trưởng trạm y tế, ngập ngừng kể: “Tôi về công tác tại trạm này từ năm 1993, đến tháng 2-2014 được bổ nhiệm quyền trạm trưởng. Trước đây, giấy chứng sinh do bà Phạm Thị Gương – nữ hộ sinh viết và ông Phan Quốc Viện, trạm trưởng ký đóng dấu. Hiện nay ông Viện và bà Gương đều đã nghỉ hưu và sống ở xã Kim Hải. Ngày 1-7-2014, tôi nhận được điện thoại của chị Gương nói có cô em là Phạm Thị Nguyệt hoàn cảnh rất khó khăn, mới sinh đôi hai cháu trai và nhờ tôi viết hộ hai tờ giấy chứng sinh.
Hôm đó, Nguyệt cùng một người đàn ông giới thiệu là chồng tên Hữu đi ô tô đến trạm y tế xã đề nghị tôi viết hai giấy chứng sinh cho hai cháu Phạm Gia Bảo và Phạm Gia Hân. Nguyệt còn viết và ký vào bản cam kết là hai cháu Gia Bảo, Gia Hân là con đẻ của mình để làm tin. Tôi đến nhà chị Gương hỏi có phải Nguyệt là người nhà của chị không thì chị Gương xác nhận đúng. Tin bà Gương, tôi viết hai giấy chứng sinh cho Nguyệt và được bồi dưỡng 500 ngàn đồng”.
Ông Khải cho biết, trước đây, Nguyệt đã được ông Viện, bà Gương viết cho hai giấy chứng sinh nhưng không hiểu sao Nguyệt không khai sinh cho các cháu được nên quay lại xin bản khác. “Tôi thấy trước đây ông Viện, bà Gương viết rồi nên chỉ nghĩ mình cấp lại bản mà nguyên lãnh đạo trạm đã ký chứ không biết Nguyệt là kẻ buôn người”, ông Khải nói.
Tối hôm đó, chúng tôi gặp bà Gương thì được biết bố bà Gương là anh trai bố của Nguyệt. “Chúng tôi là chị em nhưng gần như không bao giờ gặp nhau. Cùng quê ở xã Khánh Công, huyện Yên Khánh, Ninh Bình nhưng từ lúc Nguyệt còn bé, cả gia đình đã chuyển lên thành phố sinh sống nên chúng tôi không có điều kiện gặp nhau. Lớn lên, tôi đi học và lấy chồng ở xã Kim Hải, từ đó tôi và Nguyệt không liên lạc gì. Năm 2013 lúc tôi chuẩn bị nghỉ hưu, không hiểu sao Nguyệt có số điện thoại của tôi. Qua điện thoại, Nguyệt khóc lóc kể khổ. Cô ấy nói, em lấy chồng, có thai đôi nhưng không có tiền đi bệnh viện phải sinh cháu tại nhà. Một cháu bệnh nặng phải đưa lên bệnh viện điều trị. Vì sinh cháu tại nhà không có giấy chứng sinh nên bệnh viện không tiếp nhận.
Nguyệt nói chị là hộ sinh ở trạm y tế, có điều kiện viết giúp em hai giấy chứng sinh để cháu được nhập viện. Tin lời Nguyệt, tôi gặp ông Viện xin hai giấy chứng sinh. Lúc đó, cuốn giấy chứng sinh chỉ còn một tờ nên ông Viện xé một nửa mang đi photo hai bản. Viết xong ông Viện ký, đóng dấu và tôi mang ra xe khách nhờ gửi cho Nguyệt. Tôi không nhớ rõ địa chỉ của Nguyệt lúc đó, hình như là ở Thanh Liệt, Hà Nội. Có lẽ hai tờ giấy chứng sinh này là bản photo nên Nguyệt không khai sinh cho hai cháu được”. Bà Gương khẳng định không được Nguyệt chi cho đồng nào trong vụ này.
Lần cấp giấy chứng sinh sau, bà Gương lý giải: “Hôm đó, Nguyệt gọi điện cho tôi xin hai bản giấy chứng sinh khác nhưng tôi bảo đã nghỉ hưu không giúp được. Thấy tôi nói vậy, Nguyệt tự đến trạm y tế xã Kim Hải gặp anh Khải. Tôi nhớ anh Khải có đến nhà tôi đưa hai tờ giấy chứng sinh nói tôi ký vào đó. Hôm đó tôi và Nguyệt không gặp nhau”. Tuy nhiên, ông Khải lại khẳng định, trước đó bà Gương đã điện thoại nhờ viết giấy chứng sinh cho người nhà. Ông lên nhà bà Gương hỏi Nguyệt có phải người nhà không, nếu đúng mới đưa giấy chứng sinh để bà Gương ký.
Video đang HOT
Ông Viện, bà Gương
Gặp ông Phan Quốc Viện, chúng tôi thật sự bàng hoàng. Sự thật mà chúng tôi tìm ra còn ghê gớm hơn vụ ở Bệnh viện Sản nhi Ninh Bình nhiều.
Mặc dù đã nghỉ hưu nhưng khi làm việc với chúng tôi, ông Viện lấy ra cuốn giấy chứng sinh chỉ còn cuống để chứng minh rằng bà Gương nói sai. Ông Viện cho rằng mình không đi photo hai bản giấy chứng sinh để cấp cho Nguyệt. “Có thể là ai đó đi photo nhưng tôi không nhớ” – lời ông Viện. Để “minh oan” cho mình, ông Viện nói: “Hồi làm trạm trưởng trạm y tế, tôi có sơ suất là tin anh em quá nên không quản lý chặt con dấu. Ai muốn lấy dấu đóng vào đâu cũng được”. Ông Viện thừa nhận chữ ký, con dấu trên hai giấy chứng sinh cấp cho Nguyệt năm 2003 là thật nhưng là do “cả tin” chứ không được đồng nào!
Về câu chuyện quản lý con dấu, ông Khải tỏ ra bức xúc: “Ông Viện suốt ngày giữ dấu, có ai đụng vào đâu. Mà nếu có dấu thì cũng phải có chữ ký của ông Viện chứ làm sao mà ký giả được”.
Nhìn cuốn giấy chứng sinh ông Viện đưa ra, chúng tôi thấy quá bất thường bởi về nguyên tắc, dù đã hết nhưng trạm y tế phải lưu lại cuống vì phần cuống cũng phải ghi đầy đủ tên tuổi, quê quán sản phụ, sinh ngày nào, bé trai hai gái, dự định đặt tên là gì… Không hiểu sao, khi nghỉ hưu ông Viện lại cầm cuốn này về nhà.
Nghiên cứu kỹ những cuống giấy chứng sinh, chúng tôi thấy 26 cuống để trắng không điền thông tin gì; 4 cuống viết rất sơ sài không có cả quê quán sản phụ, sinh con trai hay gái và nhiều trang bị xé nham nhở (cả cuốn giấy chứng sinh chỉ có hơn 50 trang).
Giải thích về điều này, ông Viện ấp úng: “Chắc là tôi cấp lại cho ai đó nhưng không nhớ. Có trường hợp để giấy chứng sinh trong túi quần, về cho vào chậu giặt nên đến tìm tôi xin cấp bản khác”. Chúng tôi đề nghị ông Viện cung cấp tên tuổi những người được cấp lại thì ông nói không nhớ và bảo để ông gọi điện cho vợ xem bà ấy có nhớ không! Thật kinh khủng, một ông trạm trưởng trạm y tế mang giấy chứng sinh về nhà, muốn cấp lại cho ai thì cấp và không cần phải tuân thủ một quy định nào.
Chúng tôi thật sự không tin lời ông Viện và chính cuốn giấy chứng sinh đã chống lại ông ta. Chúng tôi tìm thấy ba giấy chứng sinh được ông Viện cấp lại, được ghi rất cẩn thận về lý do cấp lại và tên tuổi sản phụ. Như vậy có thể nói, ông Viện là người biết rất rõ nguyên tắc về việc cấp giấy chứng sinh (kể cả cấp lại) nhưng chắc phải vì một mục đích nào đó, ông Viện đã cấp lại một loạt giấy chứng sinh nhưng “không dám” điền đầy đủ thông tin vào phần cuống.
Đại tá Dương Văn Giáp – Trưởng phòng CSHS Công an TP.Hà Nội, cho biết: cơ quan điều tra đang xác minh đơn phản ánh còn nhiều cháu “biến mất” bí ẩn sau một thời gian được nuôi dưỡng tại chùa Bồ Đề.
Công an quận Long Biên và cơ quan chức năng của quận mới chỉ kiểm tra trên hồ sơ giấy tờ. Còn CQĐT vẫn đang khẩn trương tiến hành xác minh làm rõ có phải các cháu “biến mất” thật không, nơi ăn chốn ở cụ thể từng trường hợp hiện nay ở đâu, ai là người đang nuôi dưỡng các cháu.
Theo CATPHCM
Hà Nội: Khởi tố vụ án mua bán trẻ em ở chùa Bồ Đề
Ngày 4/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an thành phố Hà Nội cho biết, đã ra quyết định khởi tố vụ án mua bán trẻ em xảy ra tại chùa Bồ Đề(quận Long Biên, Hà Nội). Hai đối tượng bị bắt khẩn cấp để điều tra hành vi mua bán trẻ em.
Theo Trung tá Nguyễn Cao Khải - Phó Đội trưởng Đội phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em (Đội 12, Phòng Cảnh sát hình sự - CATP Hà Nội), qua đơn tố cáo của người dân, Phòng CSHS - CATP Hà Nội đã phối hợp với Công an quận Long Biên làm rõ việc mua bán trẻ em tại chùa Bồ Đề.
Cơ quan điều tra đã bắt khẩn cấp Nguyễn Thị Thanh Trang (SN 1978), người quản lý khu nuôi trẻ tại chùa Bồ Đề và Phạm Thị Nguyệt (SN 1979, quê xã Khánh Hòa, Yên Khánh, Ninh Bình) để điều tra hành vi mua bán trẻ em.
Trung tá Nguyễn Cao Khải - Phó Đội trưởng Đội phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em thông tin về vụ việc tới các phóng viên
Bước đầu, cơ quan điều tra xác định, hai nghi phạm bị bắt đã thực hiện việc mua bán bé Cù Nguyên Công (trẻ sơ sinh được nuôi tại chùa Bồ Đề vào cuối năm 2013) với giá 35 triệu đồng.
Tài liệu điều tra cho thấy, cuối tháng 10/2013, một trẻ sơ sinh được phát hiện bị bỏ rơi ở cổng chùa trong tình trạng dây rốn chưa rụng. Nhà chùa đã đưa vào chùa để chăm sóc, nuôi dưỡng và đặt tên cháu là Cù Nguyên Công. Sau đó, một gia đình người dân trên địa bàn quận Long Biên đã nhận làm bố mẹ đỡ đầu và thường xuyên chăm sóc cháu Công.
Đến tháng 11/2013, cháu Cù Nguyên Công bị mắc bệnh nặng nên phải nhập viện nhiều ngày để điều trị và được đưa về nhà chùa vào cuối tháng 12/2013. Tuy nhiên, cháu Cù Nguyên Công đã biến mất khỏi chùa Bồ Đề vào những ngày đầu tháng 1/2014 mà không ai biết lí do tại sao, kể cả bố mẹ đỡ đầu của cháu.
Hai đối tượng Trang và Nguyệt. (Ảnh: Cơ quan điều tra cung cấp)
Qua điều tra, cơ quan công an xác định, vào thời điểm trên, Phạm Thị Nguyệt đã liên hệ với Nguyễn Thị Thanh Trang, quản lý nhà mở của chùa Bồ Đề, để đưa cháu Công ra ngoài cho người khác nuôi để lấy tiền, thực chất là buôn bán trẻ em. Trang đã nhận của Nguyệt số tiền 35 triệu đồng rồi làm các thủ tục "rút" cháu Công đưa ra ngoài.
Cháu Cù Nguyên Công. (Ảnh: Cơ quan điều tra cung cấp)
Để hợp thức hoá hồ sơ, hai đối tượng cấu kết với mẹ đẻ cháu là chị Trần Thị Thu Hà (SN 1989, trú tại huyện Cẩm Khê, Phú Thọ) để làm các giấy tờ có liên quan. Cơ quan công an cũng làm rõ, tháng 10/2013, chị Hà sinh cháu Công nhưng do không có khả năng nuôi dưỡng nên đã gửi vào chùa Bồ Đề.
Hiện cơ quan điều tra đã triệu tập những người có liên quan để làm rõ các tình tiết của vụ án, trong đó có sư Thích Đàm Lan, trụ trì chùa Bồ Đề.
Về thông tin bé Công đã qua đời vào ngày 27/6 vừa qua, Trung tá Nguyễn Cao Khải, cho hay, cơ quan công an có nhận được thông tin trên và sẽ khẩn trương xác minh, nếu cần thiết sẽ sử dụng các biện pháp pháp y.
Cơ quan điều tra cũng tiếp tục làm rõ có bao nhiêu trẻ em được nuôi tại chùa Bồ Đề đã bị đem cho, bán. Về việc chùa Bồ Đề nuôi nhiều trẻ em, Trung tá Nguyễn Cao Khải cho biết, chùa Bồ Đề không có chức năng này. Các cơ quan liên quan cũng đã nhiều lần họp để nhắc nhở.
Tiến Nguyên
Theo dantri
Sư Đàm Lan: "Nhiều phật tử hoang mang, tưởng chùa Bồ Đề đóng cửa" "Có phật tử, người tu hành thực sự thấy hoang mang tưởng rằng chùa Bồ Đề đóng cửa. Sinh hoạt trong nhà chùa thì đảo lộn từ khi Trang bị bắt", sư Đàm Lan- trụ trì chùa Bồ Đề cho biết, sau khi bảo mẫu Trang bị bắt vì hành vi mua bán trẻ em. Sư trụ trì chùa Bồ Đề Thích Đàm...