Thống đốc giải trình vụ bầu Kiên bị bắt
Thống đốc Nguyễn Văn Bình xác nhận ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt không liên quan tới ACB và các ngân hàng khác, nhưng Ngân hàng Nhà nước đã lên phương án sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản để bảo đảm an toàn hệ thống.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình tại phiên chất vấn chiều 21/8. Ảnh: Nhật Minh
Là thành viên thứ 2 của Chính phủ trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội kỳ này, phần hỏi đáp dành cho ông Nguyễn Văn Bình được đặc biệt quan tâm bởi những câu chuyện nóng hổi của ngành hàng trong suốt thời gian qua.
Theo chương trình dự kiến, Thống đốc sẽ giải trình rõ về nợ xấu và kế hoạch tái cơ cấu ngân hàng. Tuy nhiên, sau câu hỏi “đúng trọng tâm” của Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển, đại biểu Đỗ Văn Đương (TP HCM) đề cập thẳng vào vụ ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt tối qua.
“Tôi thấy một trong những nguyên nhân dẫn đến nợ xấu của các tổ chức tín dụng hiện nay. Ngoài biểu hiện thao túng thị trường tín dụng, vi phạm pháp luật với một số hành vi như cố ý làm trái pháp luật, kinh doanh trái phép, ông Nguyễn Đức Kiên còn là cổ đông chính của nhiều ngân hàng thương mại lớn. Việc này gây ra hệ quả rất xấu. Việc thao túng thị trường tín dụng của một số ngân hàng cổ phần trong thời gian qua, cố ý làm trái như vậy, Thống đốc nắm được không? Nếu nắm được có biện pháp gì xử lý?”, ông Đương nói.
Ông đề nghị Thống đốc phải có kế sách gì để ngăn ngừa, xử lý việc này.
Sau câu hỏi của 3 đại biểu đầu tiên, Thống đốc bắt đầu giải trình nhưng tập trung giải thích tại sao có nhiều số liệu khác nhau về nợ xấu của các ngân hàng. Riêng việc bắt bầu Kiên, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Viện Kiểm sát sẽ trả lời bằng văn bản, còn Thống đốc giải trình về các vấn đề liên quan.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình xác nhận đã nhận được văn bản từ cơ quan công an, cho biết Nguyễn Đức Kiên bị bắt vì liên quan tới 3 công ty, chứ không phải là liên quan tới hoạt động ngân hàng.
Video đang HOT
“Nguyễn Đức Kiên nguyên là Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập của Ngân hàng cổ phần ACB. Nhưng quy định hiện hành không thừa nhận sự tồn tại của Hội đồng sáng lập. Ông Kiên cũng không còn nằm trong Hội đồng Quản trị cũng như không tham gia điều hành hoạt động ACB, không liên quan tới ACB”, ông Bình nhấn mạnh.
Ông cũng cho biết Ngân hàng Nhà nước đã dự phòng các phương án xử lý đột biến thanh khoản trong trường hợp cần thiết.
“Thống đốc đã nói Nguyễn Đức Kiên bị bắt không liên quan đến ngân hàng ACB, vì vậy người gửi tiền tại ACB yên tâm. Tuy nhiên, Thống đốc có ý nói việc thành lập hội đồng sáng lập ACB không phù hợp quy định hiện hành, vậy mà lại để cho nó tồn tại quá lâu dù Ngân hàng Nhà nước biết và không có xử phạt chấn chỉnh, thì đó cũng là trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước”, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt giam tối 20/8 tại Hà Nội để làm rõ hành vi kinh doanh trái phép. Cơ quan Cảnh sát Điều tra trong thông cáo phát đi trưa nay khẳng định Nguyễn Đức Kiên bị bắt vì liên quan tới vi phạm tại 3 công ty do ông này làm chủ tịch, gồm Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại B&B Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội và Công ty TNHH Đầu tư Tài chính Á Châu Hà Nội.
“Hiện nay Nguyễn Đức Kiên không tham gia quản lý, điều hành Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu. Vì vậy, hoạt động của Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an là hoạt động bình thường, chỉ liên quan tới vi phạm của 3 công ty do Nguyễn Đức Kiên làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị”, Cơ quan Cảnh sát Điều tra khẳng định.
Giải đáp được chờ đợi nhất từ Thống đốc trong phiên chất vấn này chính là con số nợ xấu “chính thức” của các ngân hàng Việt Nam. Trước đó, số liệu tổng hợp từ các nhà băng là hơn 117.700 tỷ (khoảng 4,47% dự nợ) nhưng số liệu của Thanh tra Ngân hàng Nhà nước lại lên tới 202.000 tỷ đồng (tương đương 8,6%). Phát biểu tại Quốc hội hồi tháng 3, bản thân Thống đốc Bình còn khẳng định nợ xấu toàn ngành khoảng 10%.
Tại báo cáo giải trình gửi Thường vụ Quốc hội trước phiên chất vấn, Thống đốc thừa nhận nợ xấu của các tổ chức tín dụng có xu hướng tăng nhanh từ năm 2008 tới nay. Ông cũng cho biết nguyên nhân dẫn tới những con số khác nhau về nợ xấu là tình trạng phân loại nợ, ghi nhận nợ xấu trong báo cáo tài chính thấp hơn thực tế để giảm chi phí trích lập dự phòng rủi ro. Ngoài ra, còn phải nhắc đến việc một số ngân hàng điều hành tín dụng bất cập, năng lực thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước trong một thời gian dài còn hạn chế, để nợ xấu tăng cao.
Về con số nợ xấu chính xác, ông Nguyễn Văn Bình cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành căn cứ vào số liệu của Thanh tra Ngân hàng Nhà nước thay vì vào báo cáo của bản thân các tổ chức tín dụng. căn cứ Thống đốc Bình cũng cho biết, sau thanh tra 9 tổ chức tín dụng yếu kém, con số nợ xấu tại các ngân hàng này vô cùng đáng lo ngại. “Theo báo cáo của bản thân các tổ chức tín dụng, nợ xấu của họ đều không quá 2,5% và đều có lãi. Nhưng khi Ngân hàng Nhà nước thanh tra thì có tổ chức tín dụng nợ xấu lên 30% và thậm chí tới 60%. Có những ngân hàng mất hết cả vốn tự có và vốn điều lệ”.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đặt câu hỏi về trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước và cá nhân Thống đốc khi để xảy ra nợ xấu cao và một số sai phạm trong hệ thống, ông Bình thừa nhận một trong những nguyên nhân nợ xấu cao có xuất phát từ Ngân hàng Nhà nước khi chưa thanh tra giám sát hiệu quả. “Tôi xin nhận trách nhiệm của NHNN và với tư cách là thống đốc hiện nay, tôi cũng xin nhận trách nhiệm về các lĩnh vực đó”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nêu rõ.
Tuy nhiên, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước vẫn cho rằng nợ xấu của Việt Nam chưa đến mức “hốt hoảng” và “quá nguy kịch” nếu so với các nước trong khu vực ở thời điểm họ đứng ra xử lý nợ xấu. “Các tổ chức tín dụng đã trích lập 70.000 tỷ để dự phòng rủi ro tín dụng. 84% các khoản nợ của hệ thống đều có tài sản đảm bảo (giá trị 135% giá trị các khoản nợ)”, ông Bình thông tin. Tuy nhiên, những thông tin được ông Bình đưa ra được cho là không có gì mới mẻ so với những lý giải trước đây hơn một tháng của Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước về nợ xấu.
Ngay trước giờ giải lao, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị có câu hỏi dành cho Thống đốc. Chủ tịch hỏi trực diện về thời điểm giải quyết xong “cục máu đông” nợ xấu. “Tái cơ cấu ngân hàng, tái cơ cấu nợ và tình hình nợ xấu thì ai cũng biết rồi. Với quyết tâm chính trị của Thống đốc, từ nay đến cuối năm 31/12 hoặc có thể sang 30/6 năm sau, liệu nợ xấu có giảm không và giảm xuống cỡ bao nhiêu”, ông Nguyễn Sinh Hùng hỏi.
Trước câu hỏi này, nhiều đại biểu có mặt tại nghị trường tỏ ra khá thích thú và cho rằng đây là một câu hỏi không dễ trả lời.
Tại phiên họp này, các đại biểu cũng đặt câu hỏi về việc các ngân hàng lách “trần” lãi suất cho vay sau khi có hiệu triệu của Ngân hàng Nhà nước về việc đưa lãi suất cho vay về 15% một năm. Đại biểu Huỳnh Nghĩa đặt vấn đề: “Việc phân loại khách hàng cho vay khó khăn đã khiến nhiều doanh nghiệp phải gửi lại ngân hàng một phần ba phần được vay dưới hình thức tiết kiệm lãi suất 9% một năm. Như vậy họ phải trả lãi 18% một năm. Đây là hợp đồng dân sự và không vi phạm Luật nhưng bản chất vẫn là lách luật. Thống đốc có biết không việc này không và Có giải pháp gì để kiểm tra”?
Trả lời đại biểu, ông Nguyễn Văn Bình cho rằng nếu có thì đây không phải là hiện tượng phổ biến bởi các ngân hàng đang thiết tha cho vay vì họ cũng là doanh nghiệp. Do vậy họ bằng mọi cách bán được hàng, thậm chí là phải giảm giá. Thống đốc đề nghị Đại biểu Huỳnh Nghĩa nếu có trường hợp như vậy sẽ bố trí ngay một ngân hàng khác sẵn sàng cho vay nếu doanh nghiệp đó tốt. Tuy nhiên, ông bình lo ngại có sự thông đồng giữa ngân hàng và doanh nghiệp trong trường hợp này. “Do khoản vay dưới chuẩn nên hai bên thông đồng với nhau. Nếu có, đề nghị đại biểu thông tin để tôi có điều kiện chấn chỉnh”, ông Bình nói.
Câu chuyện ngân hàng “ăn dày” lãi suất cũng được các đại biểu đề cập.Người đứng đầu toàn ngành ngân hàng thừa nhận việc đó có thể chỉ có trong quá khứ còn từ năm 2008 và đặc biệt đến năm nay không còn như vậy. Theo Thống đốc, với lãi suất huy động 9%, các ngân hàng phải cho vay 13%, thậm chí hơn 14% mới hòa vốn. Ông Nguyễn Văn Bình giải thích: “Với 100 đồng huy động, ngân hàng phải đưa vào dự trữ bắt buộc mất 3 đồng, 10 đồng cho dự trữ thanh toán. Nếu đem cho vay, họ phải đưa 0,75 đồng nữa để đưa vào trích lập dự phòng rủi ro chung. Cộng thêm trích lập dự phòng nợ xấu, tính tất cả, chi phí này phải mất 13%. Chưa kể chi phí điều hành như thuê cán bộ, trang thiết bị…, chi phí này chiếm từ 1-1,5% nữa. Như vậy điểm hòa vốn lên xấp xỉ trên 14%”.
Ngân hàng Nhà nước trấn an người gửi tiền Website Ngân hàng Nhà nước chiều nay phát đi ý kiến về việc ông Nguyễn Đức Kiên bị khởi tố. Trong thông báo này, Ngân hàng Nhà nước nhắc lại lý do ban đầu khiến bầu Kiên bị bắt không liên quan tới hoạt động ngân hàng. “Căn cứ khiếu nại, tố cáo vi phạm pháp luật xảy ra tại ba công ty: Công ty cổ phần Đầu tư thương mại B&B Công ty Cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội Công ty TNHH Đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội do ông Nguyễn Đức Kiên làm Chủ tịch HĐQT, ngày 20/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố, bắt tạm giam bị can đối với ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT, Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng TMCP Á Châu. Hiện nay, ông Nguyễn Đức Kiên không tham gia quản lý điều hành Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB)”, Thông báo của Ngân hàng Nhà nước có đoạn. Ngân hàng Nhà nước kêu gọi người gửi tiền tại Ngân hàng TMCP Á Châu hoàn toàn yên tâm. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang theo dõi sát diễn biến thị trường tiền tệ, trường hợp cần thiết, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản để ổn định và bảo đảm an toàn hệ thống. Theo VNE
Bầu Kiên bị bắt vì 'sai phạm tại 3 công ty'
Trong động thái trấn an dư luận về việc bắt "bầu" Kiên có thể ảnh hưởng tới một số ngân hàng, sáng nay Bộ Công an phát đi thông cáo cho rằng, Nguyễn Đức Kiên bị bắt chỉ liên quan đến vi phạm của 3 công ty do ông này làm Chủ tịch.
Bộ Công an cho biết, đã nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo vi phạm pháp luật xảy ra tại 3 công ty: Công ty cổ phần đầu tư thương mại B&B, Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội, Công ty TNHH đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội, đều do ông Nguyễn Đức Kiên làm Chủ tịch HĐQT.
Ông Nguyễn Đức Kiên. Ảnh: Ngọc Quân.
Căn cứ đơn thư tố cáo, công tác điều tra, Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Đức Kiên về tội "kinh doanh trái phép" theo điều 159 - Bộ Luật hình sự.
Theo tìm hiểu của VnExpress, công ty đầu tư ACB Hà Nội hoạt động kinh doanh chủ yếu là bất động sản, chế tác, trang sức. Công ty cổ phần đầu tư thương mại B&B hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng dân dụng công nghiệp, nhà ở. Công ty TNHH đầu tư tài chính Á châu Hà Nội đăng ký kinh doanh khách sạn, nhà hàng ăn uống, xây dựng và kinh doanh sân golf.
"Hiện nay Nguyễn Đức Kiên không tham gia quản lý, điều hành Ngân hàng ACB. Vì vậy, hoạt động của Cơ quan Điều tra là bình thường, chỉ liên quan tới vi phạm của 3 công ty do Nguyễn Đức Kiên làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị", Bộ Công an khẳng định.
Còn Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB) Nguyễn Thanh Toại cũng cho rằng, việc ông Kiên bị bắt "không ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng ACB". Trong thông cáo chiều nay, Ngân hàng Nhà nước kêu gọi người gửi tiền tại ACB hoàn toàn yên tâm. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang theo dõi sát diễn biến thị trường tiền tệ, trường hợp cần thiết, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản để ổn định và bảo đảm an toàn hệ thống.
Ông Nguyễn Đức Kiên (sinh năm 1964) từng học Đại học Kỹ thuật quân sự - Bộ Quốc phòng, sau đó tu nghiệp Trường kỹ thuật quân sự Zalkamate, Hungary. Sau 8 năm làm việc trong ngành dệt may, ông bắt đầu đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng và trở thành Phó chủ tịch Hội đồng quản trị ACB - một trong những ngân hàng tư nhân lớn nhất Việt Nam - khi mới 30 tuổi. Năm 2010, trong bản danh sách 100 người giàu nhất Việt Nam, với số cổ phiếu ACB có trong tay, tài sản của ông Kiên được đánh giá là 805 tỷ đồng.
Trong lĩnh vực thể thao, ông Nguyễn Đức Kiên là Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam - VPF, Chủ tịch Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội và thường được gọi là "bầu Kiên".
Điều 159 Tội kinh doanh trái phép 1. Người nào kinh doanh không có đăng ký kinh doanh, kinh doanh không đúng với nội dung đã đăng ký hoặc kinh doanh không có giấy phép riêng trong trường hợp pháp luật quy định phải có giấy phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm: a) Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 153, 154, 155, 156, 157, 158, 160, 161, 164, 193, 194, 195, 196, 230, 232, 233, 236 và 238 của Bộ luật này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm b) Hàng phạm pháp có giá trị từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm: a) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức b) Mạo nhận một tổ chức không có thật c) Hàng phạm pháp có giá trị từ ba trăm triệu đồng trở lên d) Thu lợi bất chính lớn. 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng.
Theo VNE
Người đẹp Hàn "giải trình" chuyện mặc hở Choi Yeo Jin cho rằng: "Nếu không mặc trang phục sexy, chẳng phải là bất công đối với NTK hay sao?". Choi Yeo Jin được mệnh danh là "nàng sếu" của làng giải trí Hàn với cặp chân dài miên man, thân hình gợi cảm với những đường cong hút mắt. Cô không chỉ tham gia nhiều bộ phim truyền hình mà còn...