Thông điệp từ chuyến thăm châu Á của Tổng thống Trump
Tháng 11 tới ông Donald Trump sẽ có chuyến công du châu Á đầu tiên tới 5 quốc gia trên cương vị Tổng thống Mỹ. Đây có thể sẽ là cơ hội để ông chủ Nhà Trắng gửi đi những thông điệp quan trọng giữa lúc tình hình khu vực có nhiều diễn biến phức tạp.
Tổng thống Trump sẽ có chuyến công du châu Á trong tháng 11 (Ảnh: AP)
Thăm Trung Quốc sau Nhật, Hàn
Theo thông báo của Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump sẽ bắt đầu chuyến thăm 5 nước châu Á vào tháng tới và quốc gia đầu tiên nhà lãnh đạo Mỹ đặt chân đến là Nhật Bản. Đây là dấu hiệu cho thấy Washington muốn đẩy mạnh chính sách ngoại giao ưu tiên với các nước “đồng minh”.
Giới quan sát ngoại giao cho rằng việc Tổng thống Trump đặt Nhật Bản và Hàn Quốc ở vị trí ưu tiên khi tới thăm hai quốc gia này trước Trung Quốc là động thái chủ yếu mang tính biểu tượng.
“Tới thăm Nhật Bản trước Trung Quốc là một cách để Mỹ trấn an các đồng minh. Lịch trình này mang ý nghĩa biểu tượng và cho thấy rằng Nhật Bản đã, đang và sẽ đóng vai trò quan trọng đối với Mỹ”, nhà nghiên cứu Rajeev Ranjan Chaturvedy tại Viện Nghiên cứu Nam Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore nhận định.
Mặc dù đến Trung Quốc sau Nhật Bản và Hàn Quốc, song Tổng thống Trump cũng sẽ ở thăm Trung Quốc 3 ngày, bằng với thời gian ông lưu lại Nhật Bản. Việc nhà lãnh đạo Mỹ đến Bắc Kinh và gặp Chủ tịch Tập Cận Bình cho thấy Washington coi Nhật Bản và Trung Quốc có tầm quan trọng như nhau.
Theo lịch trình, trước khi bắt đầu chuyến công du châu Á, Tổng thống Trump sẽ tới Trân Châu Cảng và thăm Đài Tưởng niệm USS Arizona ở Hawaii vào ngày 3/11.
Ngày 5/11, Tổng thống Trump sẽ tới Tokyo và dự kiến sẽ gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Trong chuyến thăm này, hai nhà lãnh đạo sẽ gặp người thân của các công dân Nhật Bản từng bị Triều Tiên bắt cóc.
Ngày 7/11, nhà lãnh đạo Mỹ sẽ dành 1 ngày ở Seoul và gặp người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in trước khi bay tới Bắc Kinh vào ngày 8/11. Đến ngày 10/11, ông Trump sẽ bay tới Đà Nẵng để dự Hội nghị Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC).
Video đang HOT
Điểm dừng chân cuối cùng của Tổng thống Trump là Philippines. Tại đây, ông sẽ dự một bữa tiệc tối hôm 12/11 nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập ASEAN. Ngày 13/11, Tổng thống Mỹ sẽ dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ – ASEAN và có cuộc gặp với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cùng các nhà lãnh đạo khác trong khu vực.
Chương trình nghị sự
Tham vọng hạt nhân của Triều Tiên dự kiến sẽ là một vấn đề được chú ý chương trình nghị sự của Tổng thống Trump trong chuyến công du châu Á (Ảnh: Reuters)
Theo chuyên gia Bonnie Glaser tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, vấn đề Triều Tiên sẽ “phủ bóng” chương trình nghị sự của Tổng thống Trump khi ông tới thăm các nước châu Á và dự thượng đỉnh APEC.
Chuyên gia Glaser cho rằng Mỹ sẽ thảo luận với Nhật Bản và Hàn Quốc về các bước đi bổ sung cho hợp tác 3 bên trong việc đối phó với mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Tuy nhiên, bà Glaser nhận định ít có khả năng các nước sẽ trao đổi về việc tái triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ trên lãnh thổ Nhật Bản hoặc Hàn Quốc.
Theo chuyên gia Glaser, khi tới Trung Quốc, ông Trump nhiều khả năng sẽ hối thúc Bắc Kinh siết chặt các biện pháp trừng phạt hiện thời nhằm vào Bình Nhưỡng theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Giới phân tích cho rằng, ngoài Triều Tiên, kinh tế cũng là vấn đề được Tổng thống Trump đặt ưu tiên trong chuyến công du châu Á lần này. Thông báo do Nhà Trắng đưa ra trước thềm chuyến thăm cho biết Tổng thống sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của các mối quan hệ kinh tế “công bằng và có đi có lại” với các đối tác thương mại của Mỹ.
Chính sách kinh tế của chính quyền Tổng thống Donald Trump ở châu Á chưa được định hình rõ ràng kể từ khi ông Trump lên nắm quyền hồi tháng 1 và rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trong số các nước Tổng thống Trump tới thăm lần này, Nhật Bản và Việt Nam là hai nước từng ký tham gia TPP.
Theo ông Derek Scissors, chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, chính sách thương mại của chính quyền Trump vẫn chưa có sự chặt chẽ, ngoài việc Tổng thống Trump yêu cầu các đối tác mua thêm các sản phẩm của Mỹ và dọa hạn chế hàng nhập khẩu của các nước này vào Mỹ.
Kỳ vọng của các nước
Tổng thống Donald Trump gặp Thủ tướng Shinzo Abe (phải) và Tổng thống Moon Jae-in (trái) bên lề hội nghị G20 tại Đức hồi tháng 7 (Ảnh: AFP)
Theo chuyên gia Liu Weidong tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, Bắc Kinh hy vọng Washington sẽ làm rõ lập trường về vị trí của Trung Quốc trong chiến lược khu vực của Mỹ nhân chuyến thăm của Tổng thống Trump. Trung Quốc cũng mong muốn tìm kiếm sự ủng hộ của ông Trump đối với phương châm ngoại giao của nước này là “không xung đột, không đối đầu, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi”.
“Khi Mỹ làm rõ lập trường của nước này đối với Trung Quốc, hai nước sẽ có ý tưởng tốt hơn về con đường mà họ đang hướng đến trong quan hệ song phương”, ông Liu nhận định.
Đối với Nhật Bản, chuyến thăm của Tổng thống Trump diễn ra trong bối cảnh các nước đồng minh châu Á đang lo ngại về chính sách đối ngoại của Mỹ tại khu vực này. Khẩu hiệu “Nước Mỹ là số một” do ông Trump đưa ra khiến cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều hoài nghi về việc liệu Mỹ có tiếp tục duy trì sự hiện diện mạnh mẽ tại châu Á hay không trong khi Tokyo và Seoul vẫn luôn xem Washington là đối trọng với Bắc Kinh trong khu vực.
“Nhật Bản muốn chứng minh cho cả khu vực thấy rằng liên minh với Mỹ vẫn rất chặt chẽ và mối quan hệ giữa Thủ tướng Shinzo Abe với Tổng thống Donald Trump vẫn luôn bền chặt, vừa để đối phó với Triều Tiên vừa gửi thông điệp tới Trung Quốc”, chuyên gia Jeffrey Kingston, lãnh đạo phụ trách nghiên cứu châu Á tại Đại học Temple ở Nhật Bản, cho biết.
Nhận định về chuyến thăm của Tổng thống Trump tới Hàn Quốc, chuyên gia Lee Jung-nam tại Viện nghiên cứu châu Á thuộc Đại học Hàn Quốc cho biết nếu Washington và Seoul có thể đạt được một thỏa thuận về việc giải quyết vấn đề Triều Tiên thì mối quan hệ giữa hai nước sẽ càng được củng cố.
Không giống với những người tiền nhiệm, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in không quá đặt nặng liên minh với Mỹ và ông Moon cũng từng kêu gọi đối thoại với Triều Tiên. Tuy nhiên, quan hệ Mỹ – Hàn sẽ vẫn đóng vai trò quan trọng trong chính sách châu Á của chính quyền Trump.
“Dù ông Trump có đề cao chính sách “Nước Mỹ là số một” đi chăng nữa, Mỹ cũng không bao giờ rời bỏ châu Á. Mỹ vẫn tạo đối trọng với Trung Quốc thông qua liên minh với các nước châu Á, và điều này sẽ không bao giờ thay đổi”, chuyên gia Lee nhấn mạnh.
Thành Đạt
Theo SCMP
Tổng thống Trump "đấu khẩu" với Thượng nghị sĩ McCain
Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo ông sẽ trả đũa và "điều này sẽ không hề dễ chịu" sau khi Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain có bài phát biểu được cho là "đụng chạm" tới ông Trump.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thượng nghị sĩ John McCain (Ảnh: ABC News)
Theo RT, trong bài phát biểu khi nhận Huân chương Tự do của Trung tâm Hiến pháp Quốc gia ở Philadelphia vào ngày 16/10, ông McCain đã lên án những người theo chủ nghĩa dân tộc "nửa mùa", trốn tránh việc giải quyết vấn đề một cách trực tiếp.
Ông McCain nhấn mạnh những người sở hữu thế giới quan như vậy là những người không thật sự có lòng yêu nước khi cố gìn giữ những "giáo điều mệt mỏi", cũ kỹ mà người Mỹ đã cố chôn vùi từ lâu. Tuy không chỉ đích danh nhưng giới quan sát phỏng đoán dường như bài phát biểu ám chỉ ông Trump.
Khi được yêu cầu bình luận về phát biểu trên ngày 17/10, ông Trump cho biết: "Đúng là tôi đã nghe về bài phát biểu đó và hãy cứ cẩn thận một ngày nào đó tôi sẽ trả đũa. Bạn biết đấy, tôi rất dễ chịu, rất rất dễ chịu. Nhưng vào một thời điểm nào đó, tôi sẽ phản công và điều đó sẽ không hề dễ chịu".
Trả lời các phóng viên tại tòa nhà quốc hội Mỹ về lời đe dọa của ông Trump, ông McCain cho biết: "Tôi ổn. Tôi từng phải đối mặt với nhiều địch thủ trong quá khứ". Tuy nhiên, ông đã phủ nhận cáo buộc rằng bài phát biểu hôm 16/10 là nhằm vào ông Trump.
"Tôi đang đề cập đến vấn đề một cách chung chung. Có rất nhiều người khác vẫn đang hô vang khẩu hiệu "Nước Mỹ là trên hết", ngoài Tổng thống Trump", ông McCain chia sẻ.
Mâu thuẫn giữa ông Trump và ông McCain dường như đã âm ỉ từ khi ông Trump đang là ứng cử viên đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử năm 2016. Khi đó, ông Trump đã công kích ông McCain không phải là một người hùng thật sự.
Ông McCain, người đang chiến đấu với bệnh ung thư từ tháng 7 năm nay, là một trong những chính trị gia có uy tín tại đảng Cộng hòa. Ông đã nhiều lần chặn các nỗ lực thay thế đạo luật chăm sóc sức khỏe Obamacare của Tổng thống Trump và một số thành viên trong đảng với lý do "chưa có một kế hoạch thay thế phù hợp".
Ông Trump bày tỏ sự thất vọng và cho biết ông thực sự sốc vì nghĩ việc hủy bỏ Obamacare nhiều lần thất bại vì thiếu đi biểu quyết đồng ý của ông McCain. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa cho biết việc ông "5 lần 7 lượt" phản đối sáng kiến lập pháp của ông Trump không dựa trên bất đồng quan điểm cá nhân.
Đức Hoàng
Theo RT
Tổng thống Trump tụt hạng trong danh sách những người giàu nhất Mỹ Tài sản của Tổng thống Mỹ Donald Trump có xu hướng giảm kể từ khi ông bắt đầu tranh cử năm 2015. Hiện tài sản của ông ước tính khoảng 3,1 tỷ USD. Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Getty) Theo bảng xếp hạng mới công bố của tạp chí Forbes, Tổng thống Trump hiện xếp thứ 248 trong danh sách những người...