Thông điệp ông Trump gửi người Hong Kong sau chiến thắng vang dội của phe dân chủ
Tổng thống Trump khẳng định sẽ sát cánh cùng người Hong Kong, đồng thời nhấn mạnh ông vẫn đang duy trì quan hệ tốt đẹp với Chủ tịch Tập Cận Bình.
Trong một sự kiện tại Phòng Bầu dục hôm 26/11, khi được hỏi về thông điệp muốn gửi gắm tới người dân Hong Kong sau cuộc bầu cử Hội đồng quận mới đây, Tổng thống Trump cho biết:
“Chúng tôi sẽ sát cánh cùng họ. Như các bạn đã biết, tôi có mối quan hệ rất tốt với Chủ tịch Tập. Chúng tôi đang ở giai đoạn cuối của một thỏa thuận rất quan trọng. Tôi đoán bạn sẽ nói đó là một trong những thỏa thuận quan trọng nhất từ trước tới nay. Mọi thứ đang diễn ra thuận lợi và chúng tôi cũng mong sẽ thấy điều tương tự ở Hong Kong.
Tôi nghĩ nó sẽ như vậy. Chủ tịch Tập có thể khiến điều đó xảy ra. Tôi biết ông ấy và tin rằng ông ấy cũng muốn điều đó xảy ra”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Reuters)
Phe dân chủ giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử Hội đồng quận ở Hong Kong hôm 24/11 khi giành về tay 385/452 ghế, chiến thắng ở 17/18 hội đồng quận của thành phố. Kết quả này được xem là một thông điệp rõ ràng về sự bất mãn của cử tri với chính quyền thành phố sau gần 6 tháng biểu tình.
Hồi cuối tuần trước, Tổng thống Trump tiết lộ rằng ông đã ngăn Hong Kong bị xóa sổ trong 14 phút nhờ vào đề nghị Chủ tịch Tập Cận Bình không triển khai quân vào đặc khu này.
“Nếu không nhờ tôi, Hong Kong đã bị xóa sổ trong 14 phút. Một triệu quân của Chủ tịch Tập Cận Bình không tiến vào Hong Kong sau khi tôi nói rằng làm ơn đừng làm thế, điều đó sẽ ảnh hưởng rất tiêu cực đến thỏa thuận thương mại”, ông Trump nói trong cuộc phỏng vấn với Fox News hôm 22/11.
Nhà lãnh đạo Mỹ từ chối trả lời khi được hỏi về khả năng ký thông qua dự luật về Hong Kong được Quốc hội Mỹ thông qua. Tuy nhiên, ông kêu gọi Trung Quốc xử trí vấn đề Hong Kong một cách nhân đạo.
“Chúng ta phải sát cánh với Hong Kong, nhưng tôi vẫn đang đứng cùng Chủ tịch Tập Cận Bình. Điều quan trọng là phải đàm phán về thỏa thuận thương mại”, ông nhấn mạnh.
Thượng viện Mỹ hôm 19/11 thông qua dự luật dự luật “Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong”. Theo dự luật này, Ngoại trưởng Mike Pompeo sẽ phải xác nhận ít nhất một lần mỗi năm rằng Hong Kong vẫn duy trì được mức độ tự trị đủ để đảm bảo được hưởng quy chế thương mại đặc biệt mà Mỹ trao cho đặc khu này.
Video đang HOT
Hạ viện Mỹ cũng bỏ phiếu thông qua dự luật trên một ngày sau đó.
Dự luật này sẽ được trình đợi Tổng thống Trump ký phê duyệt. Nếu ông chủ Nhà Trắng không ký dự luật trong vòng 10 ngày, nó vẫn sẽ mặc định trở thành luật vào ngày 3/12 tới.
Hôm 25/11, Trung Quốc triệu tập Đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh để phản đối về việc thông qua dự luật có thể mở đường cho lệnh trừng phạt kinh tế Hong Kong này.
Đây cũng là lần thứ hai trong chưa đầy một tuần Trung Quốc triệu nhà ngoại giao Mỹ để trao công hàm phản đối việc Quốc hội Mỹ thông qua Dự luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong.
“Trung Quốc cực lực yêu cầu Mỹ công nhận tình hình, ngay lập tức sửa chữa sai lầm, ngăn dự luật Hong Kong trở thành luật, dừng bất kỳ phát ngôn và hành động nào can thiệp vào công việc của Hong Kong cũng như can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc. Nếu không Mỹ sẽ hoàn toàn phải chịu mọi hậu quả phát sinh”, thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh.
(Nguồn: Reuters)
SONG HY
Theo vtc.vn
Trung Quốc tuyên bố 'không ngồi xem' biểu tình Hong Kong
"Nếu Chủ tịch Tập trực tiếp và đích thân gặp những người biểu tình thì đó sẽ là cái kết có hậu và sáng tỏ cho vấn đề Hong Kong", Tổng thống Trump viết trên Twitter ngày 15-8.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 15-8 đề nghị Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp những người biểu tình ở Hong Kong, theo tờ South China Morning Post (SCMP).
"Nếu Chủ tịch Tập trực tiếp và đích thân gặp những người biểu tình thì đó sẽ là cái kết có hậu và sáng tỏ cho vấn đề Hong Kong", ông Trump viết trên Twitter ngày 15-8.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trước các phóng viên khi chuẩn bị lên chiếc Không lực Một ngày 13-8. Ảnh: REUTERS
Tổng thống Trump nhắc lại đề nghị này với các phóng viên Nhà Trắng sau đó vào ngày 15-8, thêm rằng ông sẽ sớm có cuộc điện đàm với ông Tập.
Trước đó, nhà lãnh đạo Mỹ đã đề nghị gặp riêng ông Tập để thảo luận vấn đề Hong Kong, sau khi gọi ông Tập là "nhà lãnh đạo vĩ đại, rất tôn trọng người dân của mình" và "một người đàn ông tốt đảm trách công việc khó khăn".
Hôm 14-8, Tổng thống Trump cũng đã liên kết yêu cầu Bắc Kinh xử lý nhân đạo tình hình biểu tình Hong Kong vào đàm phán thương mại song phương.
Cùng ngày sau dòng Twitter của ông Trump, Đại sứ Trung Quốc tại Anh Liu Xiaoming ngày 15-8 cảnh báo Trung Quốc sẽ sử dụng sức mạnh để dập tắt làn sóng biểu tình ở Hong Kong nếu tình hình xấu đi sau khi một số người biểu tình có dấu hiệu của khủng bố, theo hãng tin Reuters.
"Nếu tình hình ở Hong Kong xấu hơn... chính quyền trung ương sẽ không giương mắt ngồi xem. Chúng tôi có đủ biện pháp và đủ sức mạnh trong phạm vi của Luật cơ bản để dập tắt bất cứ cuộc bạo loạn nào một cách nhanh chóng", ông Liu cảnh báo.
Ông Liu khẳng định Trung Quốc sẽ không để những thành phần bạo lực đẩy Hong Kong xuống vực sâu.
Ảnh vệ tinh cho thấy các phương tiện quân sự của Trung Quốc tập trung tại một sân vận động ở Thâm Quyến, gần ranh giới với Hong Kong. Ảnh: CNN
Đại sứ Trung Quốc tại Anh cáo buộc các thế lực nước ngoài xúi giục các cuộc biểu tình bạo lực ở Hong Kong, cảnh báo rằng những nỗ lực "thâm hiểm" của họ đã bị để ý và rằng cuối cùng họ sẽ tự làm hại chính mình.
"Các thế lực nước ngoài phải chấm dứt can thiệp các vấn đề của Hong Kong. Chấm dứt thông đồng với các cuộc tấn công bạo lực - họ không nên đánh giá sai tình hình và đi vào con đường sai trái, bằng không họ sẽ nhấc hòn đá và chỉ tự thả xuống chân mình", ông Liu nói.
Vị quan chức Trung Quốc thêm rằng: "Bằng chứng cho thấy tình hình sẽ không diễn biến xấu như vậy nếu không có sự can thiệp và kích động của các thế lực bên ngoài. Hong Kong là một phần của Trung Quốc. Không quốc gia nào được phép can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Hong Kong".
Ông Liu cáo buộc truyền thông phương Tây không công bằng trong việc đưa tin và nhập nhằng đúng sai, theo Reuters.
Tuyên bố của ông Liu đưa ra sau khi Cảnh sát vũ trang nhân dân của Trung Quốc (PAP) đang tiến hành các cuộc tập trận tại một sân vận động thể thao ở Thâm Quyến, gần ranh giới với Hong Kong.
Binh sĩ Trung Quốc đi theo đội hình tại Trung tâm thể thao vịnh Thâm Quyến ở Thâm Quyến ngày 15-8. Ảnh: REUTERS
Tờ Global Times của Trung Quốc hôm 15-8 cũng cho biết Bắc Kinh để ngỏ khả năng can thiệp bằng vũ lực.
"Nếu Hong Kong không thể khôi phục luật pháp của mình và bạo động gia tăng thì chính quyền trung ương sẽ đưa ra các hành động trực tiếp dựa vào Luật cơ bản", Global Timesviết, đồng thời nói thêm rằng việc triển khai PAP ở Thâm Quyến là "lời cảnh báo rõ ràng".
Cảnh sát Hong Kong ngày 15-8 cho biết đã bắt giữ 748 người trong một loạt cuộc biểu tình bạo lực kể từ tháng 6.
17 người bị bắt giữ vào tối 14-8 khi những người biểu tình bao vây và tấn công các đồn cảnh sát ở quận Sham Shui Po và Tin Shui Wai. Cảnh sát đã sử dụng hơi cay trong cuộc đối đầu với người biểu tình.
Hôm 14-8, sau hai ngày bị ảnh hưởng nghiêm trọng do làn sóng biểu tình, Sân bay quốc tế Hong Kong cuối cùng đã nối lại hoạt động. Đây là một trong những sân bay nhộn nhịp nhất thế giới.
Ngày 14-8, Sân bay quốc tế Hong Kong đã nối lại hoạt động sau hai ngày bị ảnh hưởng nghiêm trọng do làn sóng biểu tình. Hiện hành khách đã có thể làm thủ tục lên máy bay sau khi được kiểm tra vé và hệ thống làm thủ tục lên máy bay một cửa cũng đã được mở để hành khách đi qua.
Biểu tình ở Hong Kong bùng nổ từ đầu tháng 6 khi Trưởng đặc khu Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) nỗ lực thông qua dự luật dẫn độ cho phép người dân Hong Kong trình diện trước các tòa án hình sự ở Trung Quốc đại lục.
Người dân Hong Kong lo dự luật sẽ giúp Trung Quốc dễ dàng bắt giữ người tại Hong Kong với nhiều lý do, kể cả lý do chính trị, đồng thời làm suy yếu sự độc lập của hệ thống tư pháp Hong Kong.
Trái lại, chính quyền Hong Kong cho rằng dự luật dẫn độ sẽ góp phần hoàn thiện hơn hệ thống pháp luật hiện tại của Hong Kong. Bà Lam kiên quyết từ chối đáp ứng bất cứ yêu cầu nào từ người biểu tình ngoài việc đình chỉ dự luật vào lúc này.
THIÊN THANH
Theo PLO
Người Hong Kong xuống đường biểu tình phản đối bạo lực của cảnh sát Theo hãng tin Reuters, hàng chục nghìn người Hong Kong (Trung Quốc) đã xuống đường tuần hành nhằm yêu cầu thành lập một ủy ban điều tra độc lập về các hành động vũ lực của cảnh sát nhằm vào người biểu tình. Cuộc tuần hành bắt đầu vào khoảng 15h30' ngày 21-7 (giờ địa phương) tại công viên Victoria và kết thúc...