Thông điệp Liên bang năm 2024 sẽ đề cập những vấn đề nổi bật của nước Mỹ
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến trình bày Thông điệp Liên bang trước Quốc hội ngày 7/3 tới.
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng ở Washington, DC. Ảnh (tư liệu): AFP/TTXVN
Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson hồi tháng 1 đã gửi thư mời ông Biden trình bày Thông điệp Liên bang. Tổng thống Biden đã xác nhận trong một tin nhắn trên mạng xã hội X ngay sau đó rằng ông đã chấp nhận lời mời.
Một số quan chức Nhà Trắng cho biết trong Thông điệp liên bang năm nay, Tổng thống Biden sẽ nêu bật các thành tựu đã đạt được trong 3 năm qua, cũng như khái quát tầm nhìn của ông về tương lai nước Mỹ. Một số vấn đề dự kiến cũng được đề cập là việc giảm chi phí cho người dân, đề xuất tăng thuế đối với giới siêu giàu và các tập đoàn, các biện pháo bảo vệ sức khỏe sinh sản, cũng như ngăn chặn chất ma túy fentanyl. Ông Biden dự kiến đề cập tới đạo luật cơ sở hạ tầng lưỡng đảng giúp nâng cấp hệ thống đường xá, cầu và đường tàu hỏa trên cả nước cũng như Đạo luật CHIPS và Khoa học đầu tư hàng tỷ USD cho việc sản xuất chip bán dẫn trong nước.
Ngày 7/3 là thời điểm đọc Thông điệp liên bang muộn hơn so với truyền thống trong những năm gần đây và sẽ diễn ra 2 ngày sau ngày bầu cử “Siêu Thứ Ba”, khi 15 bang và Samoa thuộc Mỹ tổ chức bầu cử sơ bộ. Trước đây, việc trình bày Thông điệp Liên bang thường diễn ra vào cuối tháng 1 hoặc đầu tháng 2.
Thông điệp liên bang hàng năm, một nghi thức chính trị hàng đầu của nền chính trị Mỹ thu hút hơn 20 triệu người xem (năm 2023), sẽ cho phép Tổng thống Biden đưa ra thông điệp chính trị trong chiến dịch tranh cử đang ở vào giai đoạn quan trọng của cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới.
Hạ viện Mỹ thành lập nhóm chuyên trách về AI
Ngày 20/2, các lãnh đạo Hạ viện Mỹ cho biết cơ quan lập pháp này sẽ thành lập lực lượng chuyên trách lưỡng đảng nhằm nghiên cứu những quy định có thể giải quyết mối lo ngại về trí tuệ nhân tạo (AI).
Tòa nhà Quốc hội Mỹ tại Washington, DC. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong một tuyên bố, Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson và lãnh đạo đảng Dân chủ tại Hạ viện Hakeem Jeffries nói rõ lực lượng chuyên trách trên sẽ chịu trách nhiệm thực hiện một báo cáo mang tính toàn diện, đồng thời xem xét các biện pháp phù hợp nhằm bảo vệ an ninh quốc gia trước các mối đe dọa hiện tại và đang nổi của AI.
Lực lượng chuyên trách này sẽ gồm 24 thành viên do Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa Jay Obernolte và Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Ted Lieu Force cùng đứng đầu. Trong năm ngoái, Quốc hội Mỹ đã nỗ lực thông qua các quy định nhằm giải quyết vấn đề về AI, song không thành.
Giới chức Hạ viện Mỹ nhấn mạnh lực lượng chuyên trách thực hiện sẽ tham vấn các ủy ban tại Quốc hội, sau đó thực hiện báo cáo, bao gồm các khuyến nghị và các đề xuất chính sách của lưỡng đảng. Ông Jeffries nhấn mạnh sự trỗi dậy của AI cũng đặt ra một loạt thách thức đặc biệt và cần đưa ra một số biện pháp nhất định để bảo vệ người dân Mỹ.
Trong khi đó, Hạ nghị sĩ Obernolte cho hay báo cáo của lực lượng chuyên trách sẽ nêu chi tiết các tiêu chuẩn quy định và hành động cần thiết của Quốc hội để vừa bảo vệ người tiêu dùng vừa thúc đẩy đầu tư và đổi mới liên tục vào AI. Còn Hạ nghị sĩ Ted Lieu nhấn mạnh vào cách thức để đảm bảo AI phát huy lợi ích thay vì gây tác hại cho xã hội.
AI tạo sinh có thể tạo văn bản, ảnh và video theo những lời gợi ý. Điều này đem lại những kỳ vọng, song gây quan ngại rằng công nghệ này có thể gây ảnh hưởng đến một số việc làm, tác động đến các cuộc bầu cử, và có nguy cơ chế ngự con người. Những rủi ro về AI ngày càng lộ rõ sau khi xuất hiện các cuộc gọi tự động (robo-call) sử dụng đoạn ghi âm giả mạo giọng nói của Tổng thống Joe Biden để kêu gọi các cử tri ủng hộ đảng Dân chủ ở nhà và không đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ ở bang New Hampshire. Ủy ban truyền thông liên bang Mỹ sau đó tuyên bố các cuộc gọi rác được ghi âm sẵn sử dụng giọng nói do AI sáng tạo là bất hợp pháp.
Hồi đầu tháng 2 này, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết các công ty AI hàng đầu nằm trong số hơn 200 tổ chức đã tham gia kế hoạch hỗ trợ triển khai AI an toàn. Trong số này, có OpenAI, Google, Anthropic, Microsoft, Meta, Apple, Amazon và Nvidia.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ dọa 'chôn vùi' dự luật viện trợ mới cho Ukraine và Israel Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson tuyên bố sẽ không bỏ phiếu thông qua dự luật an ninh mới của Thượng viện, bao gồm cả viện trợ bổ sung cho Ukraine và Israel. Sau nhiều tháng đàm phán, Thượng viện Mỹ hôm 4/2 đã công bố dự luật trị giá 118 tỷ USD, bao gồm các khoản tăng cường an ninh biên...