Thông điệp ẩn sâu trong ‘Us – Chúng ta’: ‘Bức tường’ kiên cố, nỗi sợ ngoại xâm và cái kết hại não
Trong phim kinh dị “Us – Chúng ta”, mối quan hệ giữa nữ chính Adelaide và “bản sao” không đơn giản chỉ là kẻ thù “song sinh” một mất một còn…
Us (Chúng ta) là tựa phim mới nhất của đạo diễn Jordan Peele, sau thành công vang dội của Get Out vào năm 2017. Với cuộc song đấu giữa gia đình Wilson cùng các “bản sao” chết chóc, Us còn có nhiều hơn thế khi mang lại cái kết hấp dẫn cùng nhiều thông điệp ẩn giấu bên trong.
Nguồn gốc Người bị xích
Nhà Wilson không phải là đối tượng duy nhất bị các “bản sao” của mình tấn công, mà vấn nạn này xảy ra trên diện rộng, có thể là phạm vi Santa Cruz hay thậm chí khắp thế giới. Bọn người mặc áo đỏ, cầm kéo vàng được gọi là “Người bị xích” – những chiếc “bóng” được chính phủ Mĩ tạo ra như một công cụ kiểm soát dân số. Cộng đồng Người bị xích được giam giữ tại các hầm chứa tuyệt mật dưới lòng đất quốc gia. Chi tiết này khiến nhiều người liên tưởng đến nạn Mole People – hay Người chuột chũi vốn vẫn đang sống chật vật và lang thang ở thành phố New York.
Vốn là một thí nghiệm khoa học, song Người bị xích liên kết với cộng đồng người thật ở bên trên qua thần giao cách cảm, kết quả là tái hiện lại toàn bộ cuộc sống của “chủ nhân” ngay chính trong căn hầm của mình. Mục đích ban đầu của Người bị xích là để biến người dân trở thành những con rối, củng cố quyền lực kiểm soát của chính phủ và quan chức cấp cao. Có thể thấy, vào thời điểm “hiện tại” trong Us, chính phủ đang ra sức tìm cách thao túng nhân dân, chẳng hạn như qua một chi tiết mà Zora đề cập về việc nguồn nước có pha chất flo để điều khiển trí óc con người.
Tuy nhiên, xuyên suốt Us thì khán giả có thể ngầm hiểu thí nghiệm Người bị xích không thành công, dẫn đến bị bỏ dở dang. Thay vì điều khiển “người bên trên” như mục đích ban đầu, Người bị xích lại trở thành con rối, chịu sự chi phối của bản gốc. Một cuộc sống thiếu ánh mặt trời và sinh tồn bằng thịt thỏ đã biến họ thành một phiên bản người vô vị, bị câm và đờ đẫn. Bên cạnh hậu quả, cội nguồn của Người bị xích lại không được giải thích hay trình bày rõ ràng, khiến người xem không khỏi tò mò. Có thể, sự việc chính xác theo lời của Zora, rằng đây chỉ là một phần của một âm mưu vĩ mô và đáng sợ hơn rất nhiều lần.
Kế hoạch “nắm tay dọc nước Mĩ”
Biến cố của Us xảy ra vào đêm trước khi gia đình Wilson rời khỏi Santa Cruz, cũng là đêm mà Người bị xích bắt đầu cuộc xâm lăng “cõi trên”. Theo như sự suy đoán của Jason, sự liên kết tâm linh tương thông giữa hai cộng đồng đã yếu đi, khiến bọn người bên dưới dần lấy lại sự tỉnh táo, dành ra 23 năm để lên kế hoạch đánh chiếm. Ban đầu, Người bị xích sẽ tìm đến và lấy mạng “bản gốc” của chính mình, sau đó thì mọi chuyện lại không có gì quá kinh khủng, vì bọn họ chỉ nắm tay nhau thành một vòng tròn khắp đất nước.
Kế hoạch do Red tạo ra với hàng triệu Người bị xích nắm tay nhau khắp nước Mĩ.
Đây thực chất mô phỏng một sự kiện gây quỹ cho người vô gia cư có thật diễn ra vào đúng năm 1986 có tên là Hands Across America (tạm dịch: Nắm tay dọc nước Mĩ) được tổ chức bởi nhiều cái tên nổi cộm như Michael J. Fox, Katheleen Turner, Tổng thống Reagan, và cả Ông hoàng nhạc Pop Michael Jackson. Ở ngoài đời, vòng tròn này không hề liền mạch do tính chất lãnh thổ của nước Mĩ, nhưng vẫn nhận được sự tham gia đông đảo của người dân.
Chiến dịch Hands Across America vào năm 1986.
Còn trong Us, sự kiện “nắm tay” này được khởi xướng bởi chính Red – bản sao của Adelaide ( Lupita Nyong’o). Sau một màn khiêu vũ balê táo bạo, Red đã đứng lên lãnh đạo cộng đồng Người bị xích, chuẩn bị tác chiến trong 23 năm. Dĩ nhiên, đằng sau âm mưu xâm chiếm cuộc sống bên trên là cả một bức tranh nhức nhối và gây sốc khiến người xem hoang mang tột độ.
Plot-twist về thân phận của Adelaide và Red
Phần đầu của Us lấy bối cảnh năm 1986, và cảnh Adelaide khi còn bé đang xem các bản tin quảng cáo trên TV, trong đó có cả tin tức về chiến dịch Hands Across America. Sau đó, cô bé cùng ba mẹ đi đến cảng Santa Cruz chơi hội chợ, để rồi tự mình bước vào một ngôi nhà gương. Và ở đó, cô bé đã gặp “bản sao” của mình lần đầu tiên, cũng là lúc mối kết nối giữa 2 thế giới đạt đỉnh điểm. Người bị xích dần có được sự tự do, còn Adelaide lại chịu ảnh hưởng tâm lý cho đến khi lớn.
Thế nhưng, sự phát triển tiến trình cốt truyện đã khiến cho một plot-twist tuy không phải mới lạ nhưng trở nên cực kì ám ảnh. Adelaide của hiện tại thực chất chính là đứa trẻ “bản sao” năm xưa trong ngôi nhà gương, còn Red lại chính là Adelaide thật. Đoạn kết quay ngược về thời điểm hai cô bé chạm trán nhau, sau đó “bản sao” đã lôi “bản gốc” về hầm chứa, xích cô lại, mặc chiếc áo Thriller vào và bước lên cõi trên. Để ngắn gọn dễ hiểu, thì Red chính là bản gốc, còn Adelaide chính là Người bị xích.
Hai cô gái đã tráo vị trí nhau vào đêm định mệnh năm 1986.
Cú plot-twist này không khỏi khiến khán giả phải ngồi thuật lại toàn bộ phim theo một góc nhìn khác. Trước tiên là với Adelaide. Xuyên suốt phim có rất nhiều chi tiết cho thấy bản năng “Người bị xích” của cô, như việc mất khả năng giao tiếp sau biến cố năm 86 (cô cũng từng nói với hàng xóm Kitty ( Elisabeth Moss) là bản thân “không hay nói chuyện”), đến việc cô hốt hoảng khi thấy Umbrae và Pluto – 2 bản sao của con mình lần lượt bỏ mạng. Ngay cả con trai út Jason cũng thấy sự kì lạ ở mẹ mình khi tình cờ phát hiện Adelaide lấy mạng một bản sao song sinh nhà Tyler rất dã man và bạo lực. Tuy nhiên, không thể phủ nhận Adelaide hoàn toàn rất yêu thương gia đình, đặc biệt là Jason, và cô không hẳn là kẻ xấu. Những năm qua, cô luôn học hỏi và sống như một người bình thường, cố gắng bỏ xa quá khứ và tránh né đến Santa Cruz.
Cảnh Adelaide nói “ Đừng, làm ơn!” như muốn ngăn Pluto tự thiêu trong ngọn lửa.
Bên cạnh đó, với Red thì câu chuyện có vẻ bi đát hơn nhiều. Cô sống 23 năm tại một nơi xa lạ, kì dị và tù túng tràn ngập những kẻ kì lạ, vô hồn. Vì thế, Red đã sử dụng điệu múa cùng khả năng nói của mình như một điều độc đáo nổi bật để khơi dậy lòng tin của Người bị xích, từng bước lãnh đạo họ tiến lên cõi trên. Điều đó hợp lý vì Red là Người bị xích duy nhất biết nói. Tuy nhiên, cũng không thể hoàn toàn xem trọng kế hoạch này của Red, tuy việc cô đòi lại cuộc sống vốn có là đúng, nhưng đánh đổi điều đó bằng việc lãnh đạo Người bị xích tiêu diệt toàn bộ bản gốc lại không hề tốt đẹp.
Red với mục tiêu trả thù, đòi lại những gì đã mất.
Có thể thấy, cả hai đều tồn tại những mặt tốt đẹp và tối tăm. Adelaide đã tước đoạt cuộc sống của người khác, nhưng trong 23 năm qua cô luôn nỗ lực để trở thành một người vợ, người mẹ tốt. Ngược lại, Red lại hướng đến công lý, muốn giành lại những gì vốn dĩ của mình, nhưng “thương vụ” diễn ra với hậu quả là những người còn lại trong “thế giới hứa” của cô sẽ bị tận diệt. Lằn ranh giữa thiện và ác chưa bao giờ mong manh như thế, và đó cũng là một trong những thông điệp mà Jordan Peele muốn gửi gắm đến khán giả, rằng con người luôn tồn tại hai mặt, giống như một tấm gương soi, qua đó ta có thể thấy những thứ trần trụi nhất của chính bản thân mình. Cuối phim, có thể thấy Jason dường như càng thêm nghi ngờ mẹ của mình, nhưng nụ cười bí hiểm của Adelaide chính là cú chốt hạ khiến người xem hoang mang tột độ, đúng như dự tính ban đầu của Us.
Us và nỗi sợ từ “bên ngoài”
Phim của Jordan Peele dĩ nhiên không chỉ có cốt truyện bề nổi, mà ẩn sau đó còn có nhiều bài học khác phản ánh chính xã hội ta đang sống. Với Us, phim mô tả nỗi sợ của con người với “người khác”, dù cho “người khác” đó có là chính ta, hay một sản phẩm tạo nên từ hành động của ta.
Cộng đồng Người bị xích có thể tượng trưng cho nhiều điều, với bản chất là những “kẻ ngoại lai” bị ghẻ lạnh bởi chính phủ – cũng là những người ra vẻ như yêu thương và hỗ trợ họ. Đó có thể là cộng đồng vô gia cư được “giúp đỡ” thông qua chiến dịch Hands Across America năm nào, hay những nô lệ da màu bị đày đến Mĩ, hay tổ chức vũ trang al-Qaeda từng được Mĩ hỗ trợ gây quỹ vào những năm 80, và cả những người Mĩ bản xứ bị tước đi đất đai của cải của chính mình.
Người bị xích chính là nỗi sợ ẩn sau của bộ phận người Mĩ trước nạn nhập cư.
Không chỉ đề cập đến những vấn đề bất công, Us còn cho thấy những sự bất công nêu trên còn duy trì đến tận ngày nay, chứ không hề là một dấu mốc trong chiều dài lịch sử. Người bị xích là sản phẩm ở thời ba mẹ Adelaide, nhưng chính con cháu đời sau mới là thế hệ gánh chịu hậu quả. Đây là tựa phim điển hình về quyền con người, cho thấy Người bị xích, hay những “người bên ngoài” đều giống chúng ta, đều xứng đáng được đối xử bình đẳng và nhân đạo. Sự kết nối giữa hai thế giới nêu bật trong mối quan hệ giữa Red và Adelaide, rằng không có thế lực nào có thể kiểm soát, cũng như tách rời cả hai.
Ý nghĩa Jeremiah 11:11
Một chi tiết nữa khiến nhiều người xem thắc mắc là dòng chữ liên tục xuất hiện Jeremiah 11:11. Đây là một trích dẫn quen thuộc trong Kinh thánh, xuất hiện lần đầu tiên trong Us qua tấm bìa cát tông một người lạ cầm ở Santa Cruz, cũng là người đầu tiên được cho là bị lấy mạng bởi Người bị xích.
Chi tiết về Jeremiah 11:11 trong Kinh thánh như sau (tạm dịch): “ Vậy nên, Đức Giê-hô-va phán rằng: Này, ta sẽ mang điều ác đến với họ, mà họ không thể nào trốn thoát; dù cho họ có khóc lóc trước mặt ta, ta cũng sẽ không nghe lời họ.“
Người mà Red gọi là “Chúa” với tấm bảng “Jeremiah 11:11″.
Đây có thể ví von sự bạo lực của Người bị xích trong công cuộc xâm lăng, với vị trí lãnh đạo thuộc về không ai khác ngoài Red (hay Adelaide thật sự), cũng là người biết nói duy nhất. Tuy nhiên, đây là một chi tiết vốn thân thuộc hơn với thế giới cõi trên, vậy nên Jeremiah 11:11 có thể còn đại diện cho quan niệm sai lầm về mục tiêu của Người bị xích, một hình thức tuyên truyền sai lệch về câu chuyện “đóng vai phụ trong cuộc đời của một ai đó”.
Nhìn chung, Us là một tựa phim kinh dị không hoàn hảo, nhưng nếu gán cho hai chữ “xuất sắc” thì không có gì chối cãi. Với một nội dung có chiều sâu cùng nhiều thông điệp thâm thúy, cộng thêm hiệu ứng góc quay lẫn âm thanh được xử lý xuất sắc, thì Us chính là cơn ảo mộng quá đỗi thực tế, thực tế đến rùng mình.
Xem qua trailer chính thức của Us.
Us chính thức công chiếu ngày 22/3/2019.
Theo saostar
'Us - Chúng ta': Giải mã bí ẩn về cây kéo vàng của 'biệt đội nhân bản'
Cả kéo và các chú thỏ đều có ý nghĩa nhất định trong bộ phim mới nhất của Jordan Peele - Us (Chúng ta)
Sau Get Out thành công vang dội năm 2017, đạo diễn tài năng Jordan Peele chính thức trở lại với siêu phẩm Us - Chúng ta. Với sự góp mặt của những cái tên đình đám như Lupita Nyong'o, Winston Duke hay Elisabeth Moss, Us hứa hẹn là sản phẩm kinh dị chất lượng, hội tụ đầy đủ những yếu tố để chinh chiến cho mùa Oscar năm sau.
Như nhiều tựa phim kinh dị tiêu biểu khác, phía sản xuất của Us cũng tận dụng nhiều vật phẩm mang tính biểu tượng trong phim, cụ thể là cây kéo vàng - vũ khí của nhóm Người bị xích trong phim. Và giống bới bong bóng đỏ của IT hay chiếc cưa máy của The Chainsaw Massacre, nhiều fan cũng thắc mắc và cho rằng cây kéo vàng sắc nhọn này cũng mang trong mình một số ý nghĩa biểu trưng nhất định.
Đạo diễn Jordan Peele gần đây cũng chia sẻ vấn đề này trong một buổi phỏng vấn, về cả cây kéo lẫn những chú thỏ xuyên suốt Us. "Tôi nghĩ cả thỏ và kéo đều là những sự vật thoạt nhìn vô tri nhưng rất đáng sợ với tôi. Nên tôi thích cái việc khai phá yếu tố kinh dị trong các sự vật tưởng chừng như vô hại và bình thường nhất." Kéo là một đồ gia dụng thiết yếu trong cuộc sống (tương tự như trà và thìa trong Get Out), nhưng nếu cần thì đó cũng là một thứ vũ khí nguy hiểm và chết người không kém.
Peele cho biết thêm: " Điều tôi thích ở thể loại kinh dị đó là những đồ vật hằng ngày có thể trở thành một món vũ khí lấy mạng. Đó là một biện pháp nghệ thuật tuyệt hảo, tôi nghĩ vậy. Kéo là một món đồ có nhiều lớp ý nghĩa, nhưng trước hết đó là biểu tượng của tính đối ngẫu, hai mặt. Và phim này chính là ví dụ hoàn hảo về tính đối ngẫu của con người." Vị đạo diễn còn cho rằng con người " luôn sợ kéo", và đó có một phần đúng vì lúc nhỏ, chúng ta thường được dạy không được chơi kéo, hay cẩn thận khi dùng chúng. Trong Us, kéo được Người bị xích sử dụng để đâm chém nạn nhân, và ngoài ra còn là thứ ẩn dụ cho sự giải thoát khỏi "bị xích" của họ.
Với thời điểm của nước Mĩ hiện nay, khi bức tường của Trump đang dần hoàn thiện, thì Us đã phản ánh nỗi sợ người bên ngoài của dân Mĩ - từ người nhập cư, đến bộ phận những cư dân muốn bước vào cường quốc hoa lệ này để sinh sống. Vì thế, cây kéo của Jordan Peele cũng chính là thứ sẽ cắt bỏ mọi rào cản, biên giới ngăn trở con người, mang lại tự do cho những ai cần đến nó.
" Ở một viễn cảnh vĩ mô hơn, bộ phim này chính là nước Mĩ. Và khi tôi quyết định viết kịch bản, tôi bị chấn đông bởi sự thật rằng chúng ta đang sống trong thời điểm mà ai ai cũng kinh sợ lẫn nhau, dù cho đó là những kẻ xâm lược mà chúng ta nghĩ rằng sẽ đến và lấy mạng ta, cướp nhà, việc làm và mọi thứ. Chúng ta đều có xu hướng chĩa ngón tay và phán xét, và tôi muốn cho chính con người thấy rằng có lẽ con quái vật mà chúng ta cần đối mặt lại mang dung nhan của chính bản thân ta, và có lẽ chính ta mới là kẻ xấu trong cuộc chiến."
Theo Peele, hai đầu tay cầm của cây kéo vàng còn liên quan đến đôi tai của những chú thỏ: " Chúng là loài động vật đại diện cho tính hai mặt, dễ thương mà cũng làm tôi sợ mất vía."
Nhiều khán giả khi xem xong Us cũng đùa rằng chắc cả đời sẽ chẳng dám xài kéo nữa. Thế nhưng, chính cây kéo lại là yếu tố quan trọng trong mạch truyện của Us, rằng đây chính là giải pháp để chúng ta cắt bỏ phần xấu xa của bản thân mình, giữ lại những bản ngã tốt đẹp mà đối xử với nhau.
Xem qua trailer chính thức của Us.
Us chính thức công chiếu vào ngày 22/3/2019.
Theo saostar
Xem xong phim 'Us - Chúng ta', bạn có biết rốt cuộc 'Jeremial 11:11' nghĩa là gì? Chắc chắn rất nhiều khán giả đã có những thắc mắc khác nhau sau khi thưởng thức siêu phẩm kinh dị của Jordan Peele - "Us - Chúng ta". Vậy là tác phẩm kinh dị của đạo diễn Get Out - Us sắp sửa chính thức ra mắt khán giả Việt. Trên các hệ thống rạp, những suất chiếu sớm luôn chật kín...