Thôn Thượng Sơn – Vẻ đẹp mộc mạc làng quê vùng cao
Nằm cách trung tâm huyện Quản Bạ gần 6 km, khu dân cư thuộc Đội 1, thôn Thượng Sơn, thị trấn Tam Sơn vẫn giữ được một vẻ đẹp nguyên sơ, mộc mạc của một làng quê người dân tộc Dao nơi vùng Cao nguyên đá Đồng Văn.
Toàn cảnh thôn Thượng Sơn nằm dưới một thung lũng.
Đội 1, thôn Thượng Sơn tọa tại nơi thung lũng được bao bọc bởi những rặng núi trùng điệp của vùng Cao nguyên đá Đồng Văn. Đến với Thượng Sơn những ngày này, bức tranh làng quê nơi đây thật yên bình đến lạ. Từ những nếp nhà trình tường truyền thống, mái lợp ngói âm dương tạo sự cổ kính, trầm ân. Những trang phục bắt mắt của người phụ nữ Dao. Hay là nghề làm hương truyền thống được lưu giữ, truyền lại qua nhiều thế hệ, cũng như phong tục nhảy lửa, lễ cấp sắc mỗi dịp đầu Xuân nơi đây… Đều đã thể hiện được của một nền văn hóa đậm đà, bản sắc truyền thống mà người dân tộc Dao tại thôn Thượng Sơn vẫn được gìn giữ trọn vẹn.
Phụ nữ người dân tộc Dao tại bản với bộ quần áo trang phục truyền thống dân tộc
Được sự quan tâm của các cấp tại huyện, sự đoàn kết của đồng bào nơi đây, cơ sở hạ tầng đường giao thông tại Đội 1 thôn Thượng Sơn đã từng bước được đầu tư kiên cố. Nhân dân phấn khởi hăng say trong thi đua, lao động sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế hộ gia đình. Đặc biệt, với những tiềm năng về cảnh quan, văn hóa truyền thống.
Video đang HOT
Bốn mùa muôn hoa đua sắc.
Thôn Thượng Sơn hiện đang xây dựng khu dân cư kiểu mẫu tiêu biểu của thị trấn Tam Sơn với 19 hộ gia đình tham gia thực hiện. Mục tiêu của khu dân cư kiểu mẫu này, đó là xây dựng đời sống đẹp, tích cực bảo tồn và phát huy những nét đẹp văn hóa, làng nghề truyền thống gắn với lĩnh vực phát triển du lịch trải nghiệm trong cộng đồng người dân tộc Dao của thị trấn Tam Sơn. Đặc biệt, thôn Thượng Sơn sở hữu hệ thống hang động tự nhiên có chiều dài gần 4 km với nhiều cột, nhũ đá đẹp mắt. Ngoài ra thôn cũng sở hữu những diện tích chè Shan tuyết cổ.
Hệ thống hang động tự nhiện tại thôn Thượng Sơn
Bản Thượng Sơn nay đã được đổi thay, một bức tranh làng quê nông thôn của thị trấn Tam Sơn ngày một tươi mới. Tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm, phát huy nghề làm hương truyền thống đã cho người dân thu nhập ổn định. Việc cải tạo vườn tạp, chuồng trại chăn nuôi đã góp phần thay đổi tư duy về chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vấn đề vệ sinh môi trường.
Nghề làm hương truyền thống của người dân tộc Dao
Những con đường bê tông được kiên cố vững chắc, rộng rãi, sạch sẽ. Những hàng hoa ngũ sắc hai bên đường đua nhau nở rộ. Tuyến đường điện nông thôn được bà con nhân dân xã hội hóa lắp đặt, như thắp lên tinh thần “tình làng nghĩa xóm” trong xây dựng cuộc sống đủ đầy nơi đây. Và hứa hẹn Thượng Sơn sẽ là điểm đến thật lý tưởng dành cho những du khách ưa sự trải nghiệm.
Cao nguyên đá Đồng Văn - Miền đất gây thương nhớ
Trên con đường quốc lộ 4C (đường Hạnh Phúc), vượt qua dốc Bắc Sum, du khách sẽ đến với cao nguyên đá Đồng Văn hay còn gọi là công viên địa chất toàn cầu UNESCO cao nguyên đá Đồng Văn.
Đến với cao nguyên miền đá xám là đến với quê hương của 17 dân tộc anh em đã đoàn kết vượt qua thiên nhiên khắc nghiệt, biến những dãy núi đá tai mèo khô cằn thành những vùng đất của sự sống, những vùng đất nở hoa.
Mùa hoa tam giác mạch. Ảnh: Vũ Quang Ngọc
Bản hùng ca từ đá
Cao nguyên đá Đồng Văn trải rộng trên 4 huyện vùng cao của tỉnh Hà Giang gồm: Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc và Đồng Văn ở độ cao trung bình 1.000 - 1.600m so với mực nước biển. Nơi đây có bạt ngàn đá núi trải rộng trên diện tích hơn 2.354km. Đá dựng thành giăng lũy, đá bao phủ khắp núi non hiểm trở, lớp nọ chồng lớp kia đủ các hình thù kỳ dị. Đá vốn rắn đanh khắc khổ mà khi quần tụ bên nhau trên cao nguyên Đồng Văn như biết khoe mình làm dáng với thiên hình vạn trạng tạo nên những "vườn đá", "rừng đá" độc đáo. Ở nơi đây, đá như có số phận, đá như có linh hồn. Trẻ em sinh ra, núm ruột hồng được vùi vào trong đá. Trai gái yêu nhau, tỏ tình bên bờ rào đá. Người chết đi, lại được vùi vào trong lòng đá. Những phiên chợ rực rỡ sắc màu, cũng hiện lên từ đá. Đá làm nhà, làm bờ rào và giữ nước cho những mùa khô.
Sắc màu Lô Lô. Ảnh: Bùi Việt Đức
Với gần 3/4 diện tích là núi đá tai mèo, cộng với địa hình núi cao, khí hậu khắc nghiệt trên cao nguyên đá Đồng Văn, ngoài cây lương thực là ngô ra, thì diện tích đất trồng được lúa và những cây hoa màu khác là rất hiếm. Nếu ai đến cao nguyên đá Đồng Văn vào tháng 2, tháng 3 sẽ thấy trên những triền đá xám người dân nơi đây từ trẻ nhỏ, người già, đàn bà, đàn ông còng lưng gùi đất từ những thung sâu đổ vào từng khe đá để có đất tra từng hạt ngô. Qua ba lần vun gốc và bón phân, qua những đêm dài khắc khoải cầu cho mưa thuận gió hòa, những cây ngô mới trổ hoa và ra bắp. Mỗi hạt ngô, hạt thóc là một giọt mồ hôi. Để tháng 8 về, mọi người lại cùng nhau lên nương thu hoạch vụ mùa, những căn bếp lại thơm lừng mùi ngô mới, những khát vọng no ấp, hạnh phúc lại thôi thúc đồng bào mạnh mẽ vươn mình lên trong lòng đá khô cằn.
Quản Bạ trong nắng sớm. Ảnh: Trịnh Thắng
Bốn mùa đá nở hoa
Cao nguyên đá Đồng Văn đã từng được nhận xét là "nơi có phong cảnh tuyệt đẹp", "không có cảnh nào hùng vĩ và đáng kinh ngạc hơn". Với nhiều du khách từng đặt chân tới đây, thì cao nguyên đá Đồng Văn là "miền đất gây thương nhớ". Còn với riêng tôi, cao nguyên đá Đồng Văn vừa gần gũi thân quen, vừa xa lạ, ngỡ ngàng. Bởi nơi đây cảnh sắc thiên nhiên luôn thay đổi từng ngày, từng mùa trong năm với những loài hoa muôn sắc hương. Một vùng đất khô cằn bạt ngàn đá xám, đến cây ngô cũng phải một nắng hai sương trải qua nhiều tháng mới được ra bắp, cây bí, cây đậu cũng chẳng thể nảy mầm trong tiết trời mùa Đông băng giá kéo dài nhưng thật ngỡ ngàng khi các mùa trong năm ở cao nguyên đá Đồng Văn lại bật lên sức sống của nhiều loài hoa.
Mùa Xuân, khi những hạt mưa phùn rơi nhẹ trong tiết trời ấm áp cũng là lúc cao nguyên đá Đồng Văn rực rỡ sắc hồng của đào phai, miên man sắc trắng tinh khôi của hoa mận, hoa lê trên những đỉnh núi cao hay ngay bên dọc đường quốc lộ. Cuối Xuân, khi tiết trời tháng 3 dịu nhẹ, trên dải đèo Mây, trai gái khắp nơi lại rộn ràng tụ hội trong phiên chợ tình phong lưu Khâu Vai. Còn khi Hè sang, những địa danh như Na Khê, Lao Và Chải hay Tráng Kìm, Pả Vi, Xín Cái, Sơn Vĩ... lại tràn ngập sắc trắng của hoa trẩu, sắc đỏ rực lửa của những bông hoa gạo trải dài trên khắp các đỉnh núi in bóng xuống dòng Nho Quế, sông Miện. Hòa cùng sắc xanh của trời đất, là những nương ngô bung phấn xanh mướt, là những cành đào, cành lê, cành mận trĩu quả... và ai đó lại nói: "mùa no ấm lại về". Tới mùa Đông thì thật lạ kỳ, đây lại là thời điểm cao nguyên đá Đồng Văn rực rỡ nhất, là thời điểm "đá thật sự nở hoa". Đi dọc quốc lộ 4C, trong các bản làng, trên những triền đá hay dưới thung sâu ta dễ dàng bắt gặp sắc tím hồng của loài hoa tam giác mạch, màu cam của hoa cúc và màu trắng của những bông xuyến chi, màu vàng rực rỡ của những cánh đồng hoa cải vàng miên man đi từ mùa Thu sang Đông và qua cả mùa Xuân... để cho đá nở hoa suốt bốn mùa.
Phố Cáo vào mùa hoa cải. Ảnh: Ninh Mạnh Thắng
Với những giá trị địa chất, địa hình, tính đa dạng sinh học và các giá trị văn hóa độc đáo, cao nguyên đá Đồng Văn đã trở thành Công viên địa chất toàn cầu đầu tiên ở Việt Nam vào ngày 1/10/2010. Trải qua hơn 10 năm xây dựng và phát triển, qua 3 lần tái thẩm định, cao nguyên đá Đồng Văn luôn giữ vững danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu vàtrở thành địa chỉ đỏ không thể bỏ qua đối với các nhà khoa học, du khách trong nước cũng như quốc tế khi đến với Hà Giang.
Không những vậy, việc được công nhận là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn là nền tảng để Hà Giang phát triển ngành kinh tế du lịch. Du lịch không chỉ tạo thêm việc làm mà còn là động lực để người dân an tâm sản xuất, giữ vững an ninh biên giới; là cầu nối đưa đồng bào tiếp cận với những văn minh, tiến bộ của xã hội; là chìa khóa mang lại ấm no, hạnh phúc cho cuộc sống của người dân nơi địa đầu Tổ quốc.
Sắc Xuân Y Tý Ấn tượng đầu tiên khi đặt chân lên vùng cao Y Tý vào mùa xuân là không gian tràn ngập sắc hoa ẩn hiện giữa biển mây bồng bềnh tựa chốn bồng lai tiên cảnh. Cảm giác lâng lâng khi chỉ khẽ với tay là có thể chạm tới mây trời thật khó diễn tả thành lời. Rồi, cảm nhận cái lạnh tê...