Thôn 15 năm không rượu bia, thuốc lá
Từ đám cưới cho đến kỵ giỗ, lễ Tết, người thôn Cu Pua (huyện Đăkrông, Quảng Trị) chỉ mời nhau ly nước trà.
Nhờ bỏ rượu, tích cực lao động nên Hồ Ê Nót vừa mua thêm được 3 con bò và một con dê. Ảnh: Hoàng Táo.
Thôn Cu Pua uốn lượn bên dòng sông mang cùng tên với xã Đăkrông (thuộc huyện Đăkrông, Quảng Trị). Là bản của bà con dân tộc thiểu số Vân Kiều, từ 15 năm nay, Cu Pua nổi lên như điểm sáng giữa núi rừng miền Tây Quảng Trị bởi không dùng rượu bia, thuốc lá trong cuộc sống và tiệc tùng.
Rót ly trà mời khách, anh Hồ Ê Nót nhớ lại những câu chuyện buồn ở Cu Pua hơn 15 năm trước. Thời đó, đàn ông trong bản đều sử dụng rượu bia và thuốc lá. Thậm chí, nhiều người còn lâm vào cảnh nghiện rượu.
Lấy bản thân ra làm câu chuyện minh họa, Hồ Ê Nót kể không ít lần đánh vợ con, có lần phải nhập viện rồi chính Nót lại đi thăm nuôi. “Mình đi làm về mệt mà vợ nó không cho tiền mua rượu nên đánh”, anh Nót ngại ngùng kể lại.
Cả bản triền miên trong cơn say, kinh tế gia đình đi xuống, cuộc sống bất hòa. Nhiều người trong bản còn gặp bệnh đại tràng, dạ dày và phổi vì hút thuốc, uống rượu. Cho đến một ngày, thấy đứa con thơ khóc ngặt nghẽo vì thiếu ăn trên căn nhà sàn, anh Nót sực tỉnh và hạ quyết tâm cai rượu.
Từ đó, Nót bỏ rượu, bỏ thuốc lá, phát triển kinh tế. Vừa là trưởng thôn, vừa là cán bộ y tế thôn bản, thấy cái lợi của việc bỏ rượu và thuốc lá nên anh Nót đi vận động, tuyên truyền để cả bản học theo. “Lúc đầu, bà con phản đối dữ lắm vì là con nghiện rồi, nhất là người già”, Nót kể về những khó khăn ban đầu khi vận động người dân bỏ rượu vào những năm 2000.
Trong gia đình, đám cưới của mấy người em, Hồ Ê Nót không dọn rượu bia, chỉ mời tiệc cà phê, trà và nước ngọt. “Rất khó để thay đổi bà con nhưng cũng phải làm, từ từ rồi bà con thấy cái lợi là theo mình thôi”, Ê Nót nói.
Bỏ rượu, khoản tiền dư ra dùng để mua mì tôm, thức ăn cho con cái. Sức khỏe dành để lao động trên nương rẫy. Gia đình Ê Nót dần trở thành điển hình về kinh tế trong thôn.
Video đang HOT
Ngoài vận động, già làng thôn Cu Pua lập ra “quy ước”, phạt mỗi người trong thôn uống rượu, hút thuốc 10.000 đồng. “Ban đầu chỉ nhắc nhở, nhưng tái phạm thì thôn nhất quyết thu tiền. Số tiền này cuối năm dùng để mua quà biểu dương những gia đình làm tốt việc nói không với rượu bia, thuốc lá”, trưởng thôn Cu Pua hiện nay Hồ Văn Thoi thông tin.
Bài thơ về tác hại của rượu do Hồ Ê Nót sáng tác để có động lực bỏ rượu. Ảnh: Hoàng Táo
Dần dà, bà con thấy Nót nói được, làm được, cơm ăn ngày ba bữa, vợ chồng đầm ấm nên thuận theo lời của Nót. Ông Hồ Văn Chước ở cạnh nhà anh Nót cũng thấy được cái ích lợi của bỏ rượu mà làm theo. “Không uống rượu thì gia đình không cãi cọ, không cờ bạc. Thanh niên thay vì uống rượu thì lên nương rẫy giúp vợ con, từ đó mà kinh tế gia đình khá giả hơn”, ông Chước nói.
Đến năm 2008, cả thôn Cu Pua không còn ai uống rượu, hút thuốc nữa, ngay cả tiệc cưới, kỵ giỗ hay lễ Tết đều chỉ dùng trà, nước ngọt hay cà phê để mời khách. “Bây giờ ngay cả việc gửi rượu trong nhà dân thôn Cu Pua cũng không được đồng ý, dù thuê họ tiền triệu đi nữa”, chị Hoàng Vân Trinh, cán bộ văn hóa xã Đăkrông cho hay.
Chủ trương không rượu bia, thuốc lá không chỉ thực hiện trong ranh giới thôn Cu Pua mà người Cu Pua khi ra ngoài vẫn phải nghiêm chỉnh thực hiện. Chị Hồ Kê Nít vừa lập gia đình rất phấn khởi kể: “Chồng không uống rượu thì yêu thương vợ con hơn, có thời gian làm việc nhà, cải thiện cuộc sống rất nhiều. Những lúc cãi nhau thì dùng lời nói để làm hòa”.
Nhờ kiêng rượu bia, chí thú làm ăn mà nay anh Hồ Ê Nót cùng với một người em trai gầy dựng lên đàn dê 50 con và hơn 10 con bò. Cả thôn Cu Pua với 61 hộ, 278 nhân khẩu thì nay đều có đời sống ấm no, sung túc. “Thôn chúng tôi đang phấn đấu vào câu lạc bộ 100 triệu”, trưởng thôn Hồ Văn Thoi cười nói và lý giải đó là mục tiêu thu nhập của một gia đình trong một năm.
Cán bộ xã Hoàng Vân Trinh khẳng định nhờ không rượu bia, thuốc là mà đời sống kinh tế Cu Pua ngày một nâng lên, xóa bỏ được nhiều tập tục lạc hậu. “Chúng tôi mong muốn những thôn khác cũng học tập Cu Pua để xã hội cùng đi lên, và tương lai nhân rộng mô hình này”, chị Trinh nói.
Hoàng Táo
Theo VNE
'Nông dân lăn lộn làm ruộng chỉ ngang tiền uống bia liệu có đáng không?'
"Việt Nam xuất khẩu gạo được 3 tỷ USD, 3 tỷ USD chỉ bằng lượng rượu bia tiêu thụ ở Việt Nam. Nông dân lăn lộn làm ruộng chỉ ngang tiền uống bia liệu có đáng không?', bà Phạm Chi Lan đặt câu hỏi.
Một lượng lớn gạo Việt được xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc. Ảnh: TL
"Thua trên sân nhà là tất yếu"
Tại Diễn đàn Chính sách Nông nghiệp thường niên 2015, PGS.TS Vũ Trọng Khải, chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp chỉ ra một thực tế rằng, khối lượng lúa gạosản xuất và xuất khẩu tăng lại tỷ lệ nghịch với thu nhập của nông dân và tỷ lệ thuận với ô nhiễm môi trường.
Đặc biệt, ông Khải cũng cho biết, người dân Philippines mua gạo Việt Nam với giá rẻ, chỉ bằng 2/3 giá gạo tiêu thụ trong nước. "Vô tình chúng ta, trước hết là nông dân Việt Nam đang phải bất đắc dĩ làm nghĩa vụ quốc tế về an toàn lương thực", ông Khải nhận định.
Ông Khải cũng bày tỏ quan ngại, khi kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn không còn phân biệt ranh giới giữa trong và ngoài nước, việc bỏ trống thị trường trong nước tức là Việt Nam tạo cơ hội để các doanh nghiệp nước ngoài tấn công thị trường, việc thua ngay trên sân nhà là tất yếu.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, bà Phạm Chi Lan cũng cho biết, gạo Việt đang mải miết sung sướng với thành tích số lượng mà quên chất lượng, vị trí gạo Việt cũng đang bị đe doạ, về gạo chất lượng Việt Nam đã thua Thái Lan, Campuchia.
"Theo con số thống kê tôi được biết, Việt Nam xuất khẩu gạo được 3 tỷ USD, 3 tỷ USD này chỉ bằng lượng rượu bia tiêu thụ ở Việt Nam. Nông dân lăn lộn làm ruộng chỉ ngang tiền uống bia liệu có đáng không?", bà Phạm Chi Lan đặt câu hỏi.
Cũng theo bà Lan, không thể trách người nước ngoài mang sản phẩm tốt hơn, vệ sinh an toàn thực phẩm tốt hơn vào bán tại Việt Nam. Ngành nông nghiệp cũng không có quyền trách cứ hay đòi hỏi người dùng phải yêu nước, thương nông dân và dùng hàng Việt.
Từ trái qua: Bà Phạm Chi Lan, PGS.TS Vũ Trọng Khải, GS. Võ Tòng Xuân
"Nếu không thay đổi căn bản khi vào cuộc hội nhập tới, việc chúng ta thua trong ngành gạo là thấy trước", bà Lan nhấn mạnh.
Việt Nam chưa biết làm thương hiệu gạo
Chia sẻ bên lề Diễn đàn, GS. Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp thành viên Liên minh Nông nghiệp cho biết, các doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp lúa gạo hiện nay làm ra sản phẩm có thương hiệu rất ít, hàng trăm thương lái thu mua gạo của hàng nghìn nông dân dẫn đến việc truy xuất nguồn gốc của sản phẩm là khó khăn. Thương hiệu để người tiêu dùng yên tâm là điều mà Việt Nam chưa làm được.
GS. Xuân cũng nhận xét, nông dân Việt Nam là những người tự do nhất thế giới, vì họ thích trồng gì thì trồng, chặt gì thì chặt, thiếu sự định hướng của các ban ngành liên quan.
Theo đó, ông Xuân đề xuất, nhà nước cần có chính sách đầu tư đào tạo nông dân một cách chuyên nghiệp hơn, doanh nghiệp cũng được hưởng chính sách phù hợp để có điều kiện thuận lợi trong việc chế biến các sản phẩm thu mua từ nông dân thành các sản phẩm có thương hiệu đưa ra thị trường trong và ngoài nước.
Cũng theo vị chuyên gia này, thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam nên sản xuất và xuất khẩu gạo trắng cấp thấp nhiều hơn loại gạo thơm cao sản vì thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam chủ yếu là Philippines, Indonesia, Malaysia... và một số nước châu Phi phần lớn người dân ăn gạo thấp cấp.
"Gạo thấp cấp tuy giá rẻ hơn nhưng năng suất rất cao, Hiện nay, gạo thơm cấp cao được bán với giá 800 - 900 USD/tấn, gạo trắng cấp thấp ở mức 420 - 450 USD/tấn. Trung bình với 1 ha, nông dân thu hoạch được từ gạo thơm cao sản khoảng 2,5 - 3 tấn gạo, gạo trắng cấp thấp khoảng 7 - 8 tấn. Tuy nhiên, loại gạo thơm cấp thấp này phải có thương hiệu mới có thể cạnh tranh bền vững với các thị trường khác", ông Xuân phân tích.
Theo Bizlive
Không dùng ngân sách chi tiếp khách bia rượu Việt Nam đang là nước tiêu thụ bia rượu lớn nhất trong khu vực. TS Lê Đăng Doanh cho rằng không thể dùng ngân sách chi cho việc tiếp khách bia rượu. Bác sĩ Phạm Hoàng Anh - chuyên gia của Tổ chức HealthBridge (Canada) cho biết: Theo số liệu nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam,...