Thơm ngon xôi mít
Nếu từng một lần nếm thử miếng xôi mít nhỏ xinh, bạn sẽ không thể không xao xuyến với cái dẻo mềm của cơm nếp, giòn thơm của mít, beo béo của nước cốt dừa, bùi ngậy của lạc rang và dừa tươi nạo.
Mãn nhãn với xôi mít – Ảnh: Lan Oanh
Xôi mít là một món ăn có xuất xứ từ đất nước Thái Lan, được du nhập vào Việt Nam cách đây không lâu nhưng đã trở thành món ăn yêu thích của giới trẻ hiện nay. Một món ăn không chỉ đẹp mắt mà còn thơm ngon, bổ dưỡng và trở thành món quà thân tình dành cho những người thân yêu.
Có thể dễ dàng bắt gặp một quán xôi mít trên các con phố của Hà Nội nhưng ngon và nổi tiếng nhất phải kể đến xôi mít phố Tô Hiến Thành. Nhâm nhi miếng xôi mít cảm giác như được nếm trọn tinh hoa của đất trời.
Hương mít thơm nồng đưa tôi về miền ký ức của một tuổi thơ êm dịu đã qua, nơi chôn nhau cắt rốn. Đó là những chiều tinh nghịch, hái trái mít còn ương trên cây, cùng lũ bạn đá “bóng mít” quanh sân cho tới khi nứt cả vỏ ra. Những múi mít mới chín tới vàng nhạt, sường sượng nhưng đủ khiến chúng tôi thèm đến nao lòng. Và tôi đặt cho nó cái tên “mít đá” – món ăn tuyệt hảo của tuổi thơ tôi.
Xôi mít là sự kết hợp hoàn hảo của các nguyên liệu đơn giản, dễ kiếm. Nguyên liệu gồm mít chín, gạo nếp, nước cốt dừa, đậu phộng rang giã nhỏ, muối, đường, bột bắp, dừa nạo. Gạo nếp vo sạch, ngâm nước khoảng 6-8 giờ. Sau đó để ráo nước rồi trộn với một chút muối.
Video đang HOT
Cho gạo vào nồi hấp chín thành xôi. Nước cốt dừa đun sôi, cho ít bột bắp, ít muối, đường vào đến khi thấy nước dừa sệt. Mít tách múi, dùng dao rạch bỏ hạt, khéo léo để múi mít không bị rách. Xúc xôi nén vào từng múi mít sau đó bày xôi mít ra đĩa, cho nước cốt dừa, đậu phộng, vừng, dừa nạo lên trên và thưởng thức.
Hương vị ngọt ngào đến khó quên của xôi mít – Ảnh: Lan Oanh
Bí quyết để xôi thơm dẻo và có màu sắc đẹp mắt hơn là ngâm gạo nếp với nước lá cẩm hoặc lá dứa đã xay nhuyễn, lọc bã. Với những ai ưa ngọt, ghiền xôi, chắc chắn sẽ không thể cầm lòng trước món xôi mít quyến rũ.
Xôi mít không ngọt đậm, ngọt sắc mà là vị ngọt thanh, dịu. Cái béo ngậy của nó không khiến ta ngán hay ngấy mà cuốn hút đến kỳ lạ. Chẳng thế mà dù mùa đông lạnh giá hay mùa hè nóng nực, xôi mít vẫn là sự lựa chọn hàng đầu của giới trẻ khi gặp gỡ, tụ tập bạn bè.
Ngoài mít, người ta còn dùng các hoa quả khác như sầu riêng, xoài, thậm chí bạn cũng có thể chế biến xôi vải, xôi nhãn hay xôi chôm chôm tại nhà cùng thưởng thức với người thân. Để rồi cái đặc sánh của nước cốt dừa trong xôi – hoa quả trở thành sợi dây vô hình gắn kết tình thân.
Món ăn từ mít đậm đà hồn quê
Chiều chiều ngồi bên bờ tre nhà ngoại, cắn múi xôi mít chan ngập nước cốt dừa béo ngậy, cả một trời ký ức ùa về... Ba miền Bắc- Trung- Nam trên dải đất hình chữ S, đâu đâu cũng có mít, đâu đâu cũng có những món ăn đậm đà nghĩa tình quê nhà.
Món xôi mít ngũ sắc đậm đà hồn quê.
Cây mít là loài cây độc đáo ở chỗ, người ta có thể sử dụng từ thân, lá, trái non, trái chín và cả hạt. Với nghệ nhân làng mộc, gỗ mít màu vàng nhạt, có mùi thơm dịu nhẹ, tuy vân gỗ không nhiều thớ nhưng chất gỗ lại rất mịn, được dùng làm nhiều sản phẩm gia dụng như bàn, ghế, giường, tủ, thớt,...
Mít cũng là loại gỗ quen thuộc được dùng làm mõ, làm trống, guốc mộc. Tiêu biểu nhất là vào năm 2010, nhân dịp kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, các nghệ nhân ở Huế đã sử dụng 3 cây gỗ mít trên 500 tuổi, làm nên chiếc trống sấm lớn nhất Việt Nam.
Trẻ con lớn lên ở miền quê không thể nào không biết món "dái mít". Hái trái mít non là phần bé xíu trên thân cây khi vừa mọc ra chấm với muối ớt. Món ăn hội tụ đủ phần "cay đắng cuộc đời" với vị chua chua, chát và cay xè. Vị chát vương mãi trên đầu lưỡi ấy thế mà đứa nào đứa nấy tranh nhau ăn, lại hóa ngon.
Từ bàn tay khéo léo của ngoại, của mẹ tạo nên những món ăn từ mít có hương vị không thể nào quên. Ở miền Tây, bánh lá mít phảng phất mùi hương của rau mơ, lớp bột thì dai dai, khi ăn chấm cùng nước cốt dừa béo ngậy. Mít non lúc chưa chín còn có thể dùng để kho mặn, ăn rất bắt cơm.
Khi mít chín, những múi mít vàng ươm thơm dậy hương được dọn tráng miệng cuối buổi. Nhưng cái xơ mít không vứt bỏ, mà bà lại làm thêm món chả xơ mít dọn ngày ăn chay hoặc phơi khô rồi kho với cá lòng tong. Nồi thịt kho rệu của mẹ thì không bao giờ thiếu lá mít để nước kho được trong và thịt dậy màu cánh gián.
Nếu là người con xứ Nghệ, dù sống ở phương trời nào vẫn luôn nhớ về vại nhút, chum tương quê nhà. Trái mít chưa chín được hái xuống, băm múi mít thành từng sợi nhỏ rồi đem muối cùng với riềng, ớt, bột bắp rang, gia vị cộng thêm vài lát mía giúp cho món nhút có thể để được quanh năm.
Nhút Thanh Chương có màu trắng nõn, thơm ngon, ăn có vị bùi và béo, đem trộn gỏi, hoặc xào với tóp mỡ. Sợi nhút sánh lên quyện lấy mỡ của thịt ăn vừa béo và giòn, ngon không thể cưỡng lại.
Những buổi trưa mùa hè nắng chang chang, tụi con nít chẻ mít chín ra ăn, mủ mít dính trên cán dao, dính trên tay, vừa ăn mít mà vừa nghe chí chóe tiếng chọc ghẹo, "trét" mủ lên người nhau. Trẻ con lại "kết" nhất ở mít không phải là múi mít ngọt mà là hạt mít. Hạt mít lùi tro hoặc luộc đều thơm ngon, có vị bùi bùi.
Vị ngon của món ăn từ mít làm ta no bụng mà không no miệng. Món ăn tưởng chừng dân dã ấy lại gói gọn hồn quê và những ký ức tuổi thơ không thể trở lại. Mỗi bận về thăm ngoại, lại muốn ăn xôi mít, ăn bánh lá mít, ăn cá lòng tong kho xơ mít... Thưởng thức cho thỏa nỗi nhớ, cho trọn niềm thương...
Nhìn qua tưởng niêu cá kho tộ, soi kỹ mới phát hiện ra là bánh gato, tác phẩm "gây lú" của 9X Bình Dương được cư dân mạng rần rần khen ngợi Đây chắc hẳn là niêu cá kho có hương vị ngọt ngào nhất từ trước tới nay! Chẳng cần hoa lá lòe loẹt, trend bánh gato đơn giản như này khiến hội chị em ngắm mãi không chán Chẳng cần lò nướng, chỉ dùng duy nhất chiếc chảo chống dính tôi đã làm được món bánh gato khoai lang Tây - Ta kết...