Thơm ngon mì Quảng Phú Chiêm
Mỗi sáng tinh mơ, từ làng quê Phú Chiêm (Điện Bàn, Quảng Nam) thanh bình, những gánh mì theo chân các mẹ, các chị tỏa khắp các nẻo đường quê, lên phố huyện hay theo những chuyến xe đò sớm nhất về các huyện lân cận.
Giữa bao nhiêu món quà điểm tâm thơm ngon và quyến rũ, hàng mì Phú Chiêm luôn khá dân dã và thân thương với đôi quang gánh, vài chiếc bàn cùng vài cái ghế trên một khoảng đất trống dưới gốc cây đa, cây bàng,…. Nhưng hàng mì Phú Chiêm lúc nào cũng đông khách, cô bán mì hai má ửng hồng bên bếp than, nụ cười xinh tươi, đôi tay dịu dàng, thoăn thoắt chan mì cho khách.
Để làm nên sức hút diệu kỳ cho những gánh mì Phú Chiêm ấy là cả một tấm lòng cùng sự khéo léo, tinh tế và nhạy cảm mà những người phụ nữ Phú Chiêm đã gửi gắm vào món hàng của mình. Nguyên liệu để làm mì phải là gạo từ loại lúa ngon do gia đình làm ra từ vụ trước. Gạo được vuốt sạch, ngâm nước cho mềm, xay thành bột mịn rồi tráng trên bếp lò. Công việc này đòi hỏi người thợ phải thật khéo tay và nhạy cảm mới có thể tráng được những lá mì mỏng, chín đều. Mì sau khi được vớt ra khỏi khuôn gọi là mì lá. Người thợ tiếp tục dùng dao xắt mì lá thành từng sợi mì, rất nhịp nhàng và đều tay.
Nước nhưn chan mì được nấu từ những con cua biển tươi ngon, những chú tôm đất khi mua về hãy còn nhảy tưng tưng, những lát thịt heo ba chỉ thơm ngon và cả trứng cút. Tất cả các nguyên liệu ấy được chế biến tỉ mỉ, hòa quyện hương vị vào nhau, tạo nên nồi nước nhưn rất đậm đà và thơm ngon.
Video đang HOT
Ăn mì Phú Chiêm phải có rau sống (gồm hoa chuối sứ thái sợi và các loại rau thơm), trái ớt sừng tươi xanh, lát chanh mỏng vắt lấy nước cốt, một ít đậu phụng rang cùng bánh tráng nướng mới cảm nhận được hết hương vị đặc trưng và thơm ngon của tô mì. Dùng đũa lùa một miếng mì, cắn ngang một miếng ớt, cảm nhận vị đậm đà của nước nhưn, vị béo của dầu phụng, giòn tan của bánh tráng, tươi ngon của rau sống, cay cay của trái ớt, dai dai của sợi mì trắng muốt và chua nhẹ của chanh. Tất cả hòa quyện vào nhau, làm nên những hương vị không thể lẫn vào đâu được của tô mì Quảng Phú Chiêm.
Bao nhiêu năm rồi, ngày nắng cũng như ngày mưa, những gánh mì Phú Chiêm vẫn đi về trên những nẻo đường xứ Quảng, góp phần làm nên một nét văn hóa ẩm thực đặc sắc của quê nhà. Những người con xứ Quảng dù ở đâu, làm gì thì mỗi khi có dịp về thăm quê, cũng tìm ăn cho bằng được món ngon này. Để rồi khi xa quê hương, lại quay quắt nhớ về hương vị thơm ngon, đậm đà, ấm nóng của món mì dân dã cùng nụ cười ấm áp, thấp thoáng trong màn sương mỗi buổi sớm mai của cô hàng mì Phú Chiêm quen thuộc nơi quê nhà.
Theo Lao Động
Thân thương phở sắn
Không đi vào sách vở và không danh phận như mì Quảng nhưng phở sắn là một phần không thể thiếu trong văn hóa ẩm thực của người dân xứ Quảng quê tôi.
Vào mùa thu hoạch sắn, hầu như nhà nào cũng thức thật khuya, cạo lớp vỏ sắn bên ngoài, xắt lát mỏng rồi đổ ra nong phơi khô. Sắn phơi khô được mang đi xay thành bột mịn để làm ra đủ mọi loại bánh từ bánh sắn, bánh ít, bánh chập chập đến bánh bột lọc. Nhưng hầu như nhà nào cũng không quên làm thật nhiều phở sắn để dành ăn dần trong năm, hay làm quà biếu người thân xa quê.
Để làm phở sắn, phải ngâm bột sắn đã được xay mịn vào một cái thau to, khuấy đều cho bột lắng xuống dưới. Khi nước đứng, đổ lớp nước vàng ở trên đi. Lại thay nước rồi đổ nước, cho đến khi nước ngâm bột sắn trong veo. Làm như thế thì phở sắn sẽ trong veo và ngon hơn. Vớt bột ra cho vào nồi hấp chín. Khi bột đã được hấp chín thì múc ra để cho nguội rồi đổ vào khuôn kéo sợi.
Một người kéo chày ép lên khuôn để cho bột thoát ra từ các lỗ nhỏ phía dưới khuôn. Bên dưới khuôn, người khác nhanh tay đưa tấm vỉ tre theo hình thoi để những sợi phở được dàn đều trên vỉ. Khi vỉ đầy sợi phở thì mang ra giàn phơi cho khô.
Phở sắn phơi khô được gỡ ra khỏi vỉ và bảo quản ăn dần. Khi ăn, bẻ ra thành từng miếng nhỏ. Đem phở ngâm vào nước ấm cho mềm rồi vớt ra để ráo, chỉ cần khử dầu cho vào tô phở sắn, chan nước mắm chanh, tỏi, ớt, thêm chút rau thơm và đậu phụng rang là có ngay một món ăn ngon lành và khá lạ miệng. Vị dai dai và bùi của phở, thơm của dầu , đậu phộng và rau thơm, cộng với hương vị tuyệt vời từ nước mắm chanh, tỏi, ớt khiến mọi người không khỏi ngạc nhiên với những hương vị rất riêng, rất đặc trưng khi thưởng thức tô phở sắn tưởng như rất bình dị này.
Sang hơn thì ăn kèm với nước nhưn nấu từ xương heo, tôm hoặc cá ngừ. Nhưng ngon nhất có lẽ là ăn kèm với nhưn cá tràu. Phải chọn cá tràu đồng thì thịt mới ngọt, dai và thơm được. Cá được làm sạch, cắt lát vừa ăn, ướp gia vị cho thấm, đặt biệt phải ướp thật nhiều nghệ tươi, tiêu bột cho thơm.
Đun sôi chảo dầu với hành (nén) rồi cho cá vào um cho cá chín và thấm gia vị, cắt vài lát ớt chín cho vào nồi, có thể thêm vào nồi một vài lát thơm hay cà chua cho đẹp mắt, đổ vào một ít nước sôi, thêm gia vị cho vừa miệng. Chan nước lèo vào tô phở sắn, kèm theo một ít rau thơm, hoa chuối sứ thái sợi mỏng, đậu phụng rang, thêm quả ớt đỏ tươi là được một tô phở sắn thật đậm đà khiến ai đã một lần thưởng thức sẽ khó lòng mà quên được hương vị của cá tràu, nghệ tươi hoà quyện trong vị dai và bùi của phở sắn vùng đất Quảng Nam.
Những người con xứ Quảng dù đi đâu và làm gì thì khi về quê hương cũng tìm ăn cho bằng được món ngon này. Đặc biệt, bà con Việt kiều khi về quê luôn tìm mua cho mình vài chục tấm phở sắn làm quà cho những người thân ở bên kia bán cầu.
Theo Lao Động
Món mì Quảng của mẹ tôi Mẹ tôi nói rằng, bánh tráng mì sẽ ngon hơn nếu được đun bằng gốc củi tre. Nó vừa thơm mùi bánh tráng lại thơm mùi tre, như thấm đậm ân tình của người dân xứ Quảng. Năm nào cũng vậy, sau ngày hai mươi tháng chạp là nhà tôi lại đúc bánh tráng. Trước khi tráng bánh, mẹ tôi thường dậy sớm...