Thơm ngon bún mắm Châu Đốc giữa lòng Sài Gòn
Tọa lạc trên con phố nhộn nhịp, quán bún mắm Châu Đốc giản dị được chủ quán người Trà Vinh chế biến vừa miệng nhiều thực khách.
Bún mắm Châu Đốc ở đường Võ Văn Tần
Quán nằm trên tuyến phố Võ Văn Tần đông đúc, nếu di chuyển từ hướng đường Bà Huyện Thanh Quan thì rẽ phải đi thẳng qua Cách Mạng Tháng Tám chừng 10 phút chạy xe là tới. Còn nếu đi từ hướng đường Cao Thắng, thì rẽ phải chạy thẳng sẽ thấy quán nằm bên tay trái khá dễ tìm.
Tô bún mắm đầy đặn với tôm, cá, mực, chả, thịt heo quay
Bún mắm là món ăn quen thuộc của người miền Tây, đặc biệt là An Giang, Trà Vinh. Quyết định khăn gói lên Sài Gòn mưu sinh, ông chủ quán đã chọn món ăn đặc trưng quê mình để mở tiệm. Bát bún mắm Châu Đốc được chế biến đầy đặn với đủ vị đặc trưng của miền quê sông nước.
Sợi bún to, dai, trắng mượt được xếp gọn trong tô, bên trong có tôm đỏ, mực, 2 miếng nhỏ cá lóc, cà tím cùng thịt heo quay thái thớ dày và 2 miếng chả vàng thơm. Các nguyên liệu này được xào săn cùng gia vị để giảm mùi tanh và đượm mùi thơm. Rồi thêm nước lèo chế biến từ mắm cá đậm đà chan trên bát bún ngọt mềm.
Video đang HOT
Rau ăn kèm
Ăn kèm bún là đĩa rau sống đủ loại đặc trưng của miền tây như kèo nèo, bông súng, rau muống, bắp chuối, giá, rau nhút… Bạn có thể chọn rau sống hoặc rau trụng tùy thích để dễ ăn.
Quán phục vụ khá nhanh, thân thiện, đồ ăn bày biện sạch sẽ. Giá một phần bún mắm là 45.000 đồng. Ngoài ra quán còn bán thêm cơm chiên, mì, nui, bánh mì ốp la, bít tết… phục vụ đầy đủ nhu cầu của thực khách.
Sữa đậu xanh tự nấu khá ngon
Nước uống của quán khá đa dạng, từ nước cam, chanh muối đến sâm lạnh, la hán và đậu xanh …được pha chế khá ngon. Giá dao động từ 10.000 – 25.000 đồng/đồ uống tùy loại.
Ngon, giá thành dễ chấp nhận nhưng quán sẽ ghi điểm hơn nếu khắc phục được những hạn chế như: không gian nhỏ, chật hẹp nên người ăn khó thoải mái khi tiệm đông khách. Đặc biệt, nếu ăn vào tầm trưa, quán khá nóng, quạt điện không phục vụ đủ.
Thêm nữa, quán không có khăn giấy, trà đá miễn phí, thay vào đó khách ăn phải dùng khăn lạnh giá 2.000đồng/chiếc, trà đá 2.000đồng/ly. Chưa hết, quán đưa singum thêm khi khách không yêu cầu, nhưng dù bạn không ăn vẫn bị tính tiền vào hóa đơn, giá singum là 2.500đồng/chiếc.
Ngoài ra, đường Võ Văn Tần luôn có nhiều xe cộ lưu thông, vì thế kẹt xe vào giờ cao điểm sẽ gây khó khăn cho nhiều thực khách muốn thưởng thức món bún mắm Châu Đốc đúng điệu này.
Theo TTVN
Xe bánh mì hơn nửa đời người
Ngày qua ngày, đúng 22h, bà Tư lại lom khom đẩy xe bánh mì ra ngay góc đường Trần Huy Liệu - Lê Văn Sỹ (quận 3) bắt đầu một đêm mưu sinh.
Cứ thế, đều đặn suốt mấy mươi năm qua, hình ảnh người đàn bà có dáng người lọm khọm bên xe bánh mì đã trở nên quen thuộc với người đi đường ở khu vực này. Ít ai biết tên thật của bà, người ăn cứ quen miệng gọi là bánh mì bà già ngã tư.
Đã gần 80 tuổi nhưng bà Tư vẫn cặm cụi mưu sinh bên chiếc xe bánh mì của mình.
Xe bánh mì của bà Tư cũng không có gì đặc biệt so với những xe bánh mì khác, cũng một tủ kính nhỏ để các nguyên liệu như: bơ, chả, thịt heo quay, xíu mại.... Tuy nhiên, bánh mì bà Tư được nhiều người ưa thích vì cái hương vị thơm ngon của nó. Mặc dù trời đêm trở lạnh nhưng ổ bánh mì ở đây luôn nóng và giòn rụm, đó là nhờ có bếp than hồng đặt cạnh chiếc xe.
Bánh mì bà Tư có nhiều loại cho người mua lựa chọn, từ bánh mì thịt, bánh mì xíu mại, đến bánh mì chả lụa, heo quay... món nào cũng hấp dẫn và ngon miệng. Ngoài ra, nhiều người thích ăn bánh mì của bà Tư vì nồi nước sốt. Nồi nước sốt to đùng sóng sánh ánh vàng, không quá ngọt cũng không quá mặn, cái thứ nước sền sệt hơi béo thấm vào ổ bánh mì đem đến cho người ăn hương vị đậm đà thật khó diễn tả.
Nồi nước sốt sền sệt là điểm ưa thích của thực khách khi ăn bánh mì ở đây.
Vừa nhấm nháp ổ bánh mì, vừa trò chuyện dăm ba câu cùng bà Tư. Bà cho biết, tên thật của bà là Phạm Kim Mai, nhà ở trong một con hẻm nhỏ trên đường Lê Văn Sỹ (quận 3). Bà bán bánh mì tính ra đã hơn 50 năm, từ khi con trai lớn của bà mới hơn một tuổi, bây giờ đã năm mươi lăm tuổi. Vừa làm ổ bánh mì cho khách, bà vừa kể: "Ngoại đi bán bánh mì khi con trai mới hơn một tuổi, lúc đó còn trẻ, khỏe, nên ngoại gánh bánh mì bán rong qua các con đường. Từ khu chùa Khmer bên bờ kênh Nhiêu Lộc qua đến bên ga xe lửa. Ngày nào cũng đi từ sáng đến tối mịt. Giờ ngoại lớn tuổi, không còn sức đi nữa nên đứng bán ở đây, cũng được mười mấy năm".
Nhìn dáng người hom hem, mái tóc bạc phơ của bà mà không khỏi ái ngại. Khi được hỏi sao ngoại lớn tuổi rồi không ở nhà nghỉ ngơi mà đi bán đêm hôm khuya khoắt như vậy, bà Tư vừa cười vừa trả lời: "Ngoại còn khỏe, còn kiếm sống được mà. Mấy đứa con, cháu cứ bảo ngoại ở nhà nghỉ đi, đừng đi bán nữa nhưng ngoại không chịu. Gắn bó với nó (xe bánh mì) mấy chục năm nay rồi, giở bỏ nó không được, nghỉ ở nhà cứ thấy thiếu thiếu cái gì đó".
"Ngoại ơi!" là tiếng gọi quen thuộc của thực khách khi ghé mua bánh mì của bà Tư.
"Ngoại ơi, cho con ổ bánh mì!" "Chờ ngoại một tí!". Nghe bà Tư và khách trò chuyện, cứ như người trong một nhà. Gần 80 tuổi nên bà Tư không còn nhanh nhẹn, cứ từ từ làm từng ổ một, người mua cũng nhẫn nại đứng chờ, không ai hối thúc hay cằn nhằn một điều gì. "Giờ già cả rồi, có làm nhanh được đâu, cũng may là ai cũng thương ngoại nên cứ đứng chờ" bà Tư vừa cười móm mém vừa nói.
Cứ thế, khách ghé đến rồi lại đi, suốt bao nhiêu năm qua, xe bánh mì của bà Tư cứ lặng lẽ tồn tại nơi góc vỉa hè. Trong cái lạnh của Sài Gòn khi đêm về, ổ bánh mì nóng giòn không chỉ giúp người đi đường đỡ đói lòng mà còn mang đến cảm giác ấm áp, thân thương.
Địa chỉ: Vỉa hè đường Trần Huy Liệu, đoạn gần giao nhau với đường Lê Văn Sỹ. Trước cửa hàng tiện ích Shop & Go. Bà Tư bắt đầu bán từ 22h đến 2h sáng.
Huấn Phan
Theo ngôi sao
[Chế biến] - Lẩu cá bóp măng chua Mùi thơm phức của nước dùng lẩu phảng phất, quyện trong từng sớ thịt cá bóp dai và ngọt, cùng vị măng chua giòn giòn và xen lẫn vị cay của ớt rất thú vị. Nguyên liệu: Cá bóp: 600gr Bún tươi: 500gr Măng chua và kèo nèo: 400gr Rau muống và bắp chuối: 400gr Me: 100gr 1,5 lít nước dùng heo, Ớt,...