Thơm ngon bánh ít lá gai Cù Lao Chàm
Bánh với lớp vỏ mỏng có sắc xanh sẫm, bao lấy khối nhân bóng vàng bên trong.
Cách trung tâm phố cổ Hội An (Quảng Nam) khoảng 25 hải lý, đảo Cù Lao Chàm vẫn còn giữ được vẻ hiền hòa, thuần khiết. Đặc biệt cư dân nơi đây còn giữ nếp nghề truyền thống gói bánh ít lá gai dẫu đã trải qua bao thăng trầm.
Thơm ngon những chiếc bánh ít Cù Lao Chàm – Ảnh: T.Ly
Thuở ban đầu, bánh ít lá gai Cù Lao Chàm chỉ xuất hiện trong dịp lễ, tết truyền thống. Nhưng nhờ hương vị thơm ngon, bánh ít Cù Lao Chàm thành thương hiệu riêng, nổi tiếng. Và không biết tự bao giờ, tấm bánh ít quà quê nơi đảo nhỏ đã trở thành hương vị khó quên với nhiều du khách ghé thăm.
Để cho ra đời một chiếc bánh ít lá gai ngon phải trải qua rất nhiều công đoạn, đòi hỏi người làm bánh phải khéo léo và tỉ mỉ. Riêng tại vùng đảo Cù Lao Chàm quy trình làm bánh rất riêng, khó có thể nhầm lẫn.
Đầu tiên chọn loại lá gai tươi. Người nấu bánh phải vào tận rừng trên đảo để tìm bằng được những gùi lá gai xanh đậm. Lá đem về xé làm hai, tước bỏ xơ, sống lá, rửa sạch, luộc cho lá mềm nhừ rồi vớt ra để nguội, vẩy cho thật ráo nước. Cho vào cối hoặc máy nghiền từng ít một, giã cho lá nhuyễn mịn.
Video đang HOT
Công đoạn tiếp theo là quết bột bằng cách trộn đều bột nếp (loại bột nếp lúa mới, vừa thơm vừa dẻo) sau đó quết hỗn hợp bột với lá gai đã giã mịn. Khâu quết bột quyết định bánh có ngon hay không. Phải quết thật kỹ, nếu không hỗn hợp bột sẽ bị lợn cợn làm bánh không mịn. Sau khi quết, trộn đều nước đường tỉ lệ vừa ăn với hỗn hợp bột và lá gai, nhồi kỹ lần nữa cho thật mịn bóng.
Riêng phần nhân bánh làm bằng đậu xanh được hấp chín, giã nhuyễn mịn trộn với ít đường. Tuy nhiên, để có được chiếc bánh ít “đặc hạng” như ở vùng đảo Cù Lao Chàm, phần nhân bánh không chỉ thuần túy làm bằng đậu xanh mà còn trộn chung với dừa nạo sợi trụng qua nước sôi để ráo và không quên nhỏ thêm vài giọt dầu hoa bưởi.
Cuối cùng là gói và mang bánh đi hấp. Người ta chọn lá gói bánh ít là lá chuối chát (chuối hột), không dùng lá chuối khác. Người gói bánh phải đảm bảo bánh gói cho nhanh, cho khéo. Từng cục bột được dàn mỏng, cho nhân vào, vo tròn. Lót từ hai đến ba miếng lá chuối xếp mí lên nhau, thoa lên mặt lá trong cùng ít dầu ăn rồi đặt viên bánh vào giữa. Chỉ cần vài ba động tác khéo léo từ đôi bàn tay người thợ là đã có những chiếc bánh ít lá gai hình tam giác, hình tháp xinh xắn.
Những thau bánh chờ du khách ghé mua – Ảnh: T.Ly
Bánh gói xong mang đi hấp cách thủy trong nồi nước sôi để lửa lớn. Khâu hấp bánh tưởng đơn giản nhưng cũng khá kỳ công và quyết định chất lượng bánh. Bánh phải xếp thưa, không quá hai chồng để dễ chín đều. Hấp đúng 30 phút sau khi nước sôi là được. Nhanh tay lấy bánh ra, để chỗ thoáng gió cho lá mau ráo.
Không khoe mùi tỏa hương như bánh ram, bánh khoai…, chỉ tới khi bóc bánh đặt lên đĩa người ta mới thật sự ngỡ ngàng, lớp vỏ mỏng với sắc xanh sẫm bình dị, bao lấy khối nhân bóng vàng bên trong.
Từ lâu, bánh ít lá gai là niềm tự hào của người dân nơi phố cổ Hội An. Người con xa quê trên mỗi bước đường cứ nhớ hoài mùi hương gạo nếp, hương lá gai phảng phất trong từng chiếc bánh ít nhỏ nhắn. Mỗi du khách khi đến Hội An cũng tìm đường vượt sóng đến được đảo Cù Lao Chàm để tha hồ thưởng thức những chiếc bánh ít hay tận mắt chứng kiến cách làm bánh rồi mua về làm quà cho người thân.
Theo Thanh Ly (Tuoitreonline)
Bánh ít lá gai, quà quê nơi phố thị
Bánh gai bé xíu với lớp vỏ đen xì, bóc ra có phần vỏ bánh bóng mịn, nếm cái dai của bột nếp, vị ngọt nhân đậu xanh hay béo béo của nhân dừa, cùng hương thơm đặc trưng nhờ lớp lá chuối gói bên ngoài.
Bánh ít lá gai là loại bánh đặc sản của người dân Bình Định nói riêng và miền Trung nói chung, không thể thiếu trong các dịp lễ tết hay cưới, hỏi...
Lá gai có màu xanh rất đẹp mắt, cây mọc tự nhiên dọc theo các bờ rào. Ảnh: T.T.
Làm bánh ít lá gai không khó nhưng đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ của người làm bánh. Nguyên liệu đầu tiên là gạo nếp, muốn có loại bột nếp dẻo, thơm, phải chọn loại gạo nếp nguyên, không gãy và còn thơm hương lúa mới. Vo thật sạch, ngâm trong nước vài giờ cho hạt gạo nếp mềm, vớt ra và đem đi xay. Sau khi xay xong thì đăng khô bột bằng cách cho bột nếp vào trong một chiếc túi vải, buộc chặt lại dùng một phiến đá nhỏ đè lên bên trên để nước trong thoát ra ngoài, chỉ còn lại phần bột nếp.
Thành phần làm nên đặc trưng của bánh là lá gai. Lá gai là loài cây nhỏ, có lá mọc so le, lá có lớp lông nhỏ bao phủ xung quanh, bên trên có màu xanh, bên dưới có màu hơi trắng, mép lá hình răng cưa. Đây là một loại cây mọc nhiều ven bờ rào ở quê. Lá gai sau khi hái về, ngắt bỏ cuống, rửa sạch, cho vào luộc chín, vớt lá gai ra, để ráo. Cho vào cối giã nát, vắt lấy nước và trộn với bột nếp. Có nơi người ta cho lá gai vào giã chung với bột nếp. Quá trình này đòi hỏi nhiều công sức, vì nếu giã không kỹ sẽ để lại những lợn cợn của xác lá gai, không ngon.
Bánh được gói bằng lá chuối, tạo hình mô phỏng theo nóc những ngôi chùa ở miền Trung. Ảnh: Khánh Hòa.
Bánh ít lá gai thường có hai loại nhân là nhân đậu xanh và nhân dừa. Đậu xanh ngâm qua đêm cho nở, nấu chín và tán nhuyễn với đường cát. Nếu là nhân dừa thì chọn loại cùi dừa già, bào ra thành từng sợi nhỏ, bò vào chảo xào chung với đường cho chín tới.
Sau khi đã chuẩn bị xong tất cả nguyên liệu thì bắt đầu gói bánh, ngắt một ít bột nếp, vo tròn lại, ép mỏng ra, cho lên bề mặt một ít nhân dừa hoặc đậu xanh, ép phần vỏ bánh lại cho khít, vo tròn lại, thoa một ít dầu lên lá chuối, gói bánh lại và đem đi hấp.
Bánh có vỏ màu đen, nhân bánh làm từ nhân dừa hay nhân đậu xanh. Ảnh: Khánh Hòa.
Khi ăn, bóc lớp vỏ lá chuối bên ngoài, lộ ra bên trong là phần vỏ bánh bóng mịn, đen tuyền cùng hương thơm dịu nhẹ rất quyến rũ. Cắn một miếng bánh để thưởng thức hương thơm của lá gai hòa lẫn trong cái dẻo mềm của nếp, vị ngọt nhẹ của nhân rất ngon ngọt, đậm đà và quyến rũ.
Ở Sài Gòn, nếu muốn thưởng thức món bánh nhà quê này, bạn có thể tìm mua ở các ngôi chợ như: chợ Bà Hoa (quận Tân Bình); chợ cây Quéo, chợ Long Vân Tự (quận Bình Thạnh), chợ Thủ Đức...
Khánh Hòa
Theo VNE
Sức hấp dẫn khó cưỡng của bánh giò gấc xứ Lạng Nhìn chiếc bánh đỏ au, mòng mọng, thoang thoảng mùi dịu mát của gấc chín quện với vị béo béo của thịt, ngòn ngọt của nhân đậu xanh khiến bất cứ ai nhìn thấy cũng muốn được thưởng thức. Trong một lần đi xuống chợ phiên của người dân tộc Tày, Dao ở tít trong xã Trấn yên (Bắc Sơn - Lạng Sơn)...