Thơm lừng chả thịt lam của người Mường
Người dân tộc Mường của vùng miền núi xứ Thanh vẫn giữ tục mổ lợn ăn tết như nhiều đồng bào vùng cao khác. Chú lợn béo tròn dù được chế biến thành bao nhiêu món ngon, người ta vẫn nhớ chừa lại phần nạc vai ngon nhất để làm món chả thịt lam.
Từ ngày xưa, chỉ với ngọn lửa hồng, nước suối trong và những ống nứa xanh ong óng giữa đại ngàn, người dân tộc đã chế biến ra bao nhiêu món ngon. Món chả thịt lam cũng mộc mạc và sơ khai như vậy.
Phần nạc vai vừa pha còn nóng ấm, tươi roi rói được cho ngay vào cối đá giã nhuyễn. Bàn tay của con gái Mường vừa mềm, vừa dẻo, cứ thoăn thoắt cây chày một loáng là đã có mẻ thịt nhuyễn mịn, hồng tươi.
Bấy giờ thì bóp gia vị cho thật thấm, không thể thiếu một ít hạt mắc khén thơm lừng đặc trưng của ẩm thực xứ Mường. Nhồi thịt vào những ống nứa bánh tẻ đã được chặt xéo một đầu, vẫn còn xanh mướt và non tơ ngơ ngác, rồi nút kín bằng tàu lá chuối hườm hườm vừa được hơ qua lửa.
Đống lửa cháy bùng lên, từng ngọn lửa đỏ rực nóng bỏng liêm liếm vào thân ống nứa đã ngả màu xanh đen, thứ nước nguyên sơ còn sót lại trong thân ống reo xèo xèo hòa cùng với những tia lửa nhỏ bắn ra tí tách. Từng thớ thịt trong thân ống trở mình, đón lấy lửa than nóng bỏng để rồi bung tỏa ra hương thơm ngây ngất.
Video đang HOT
Thịt gặp lửa đã thơm, lại còn quyện thêm cái hương ngai ngái, nguyên sơ của gióng nứa non xanh. Hương thơm len lén luồn ra từ nút lá chuối, bung nở giữa đại ngàn, mặc sức mà bay bổng, chẳng hề bị thứ mùi nào pha tạp, chỉ khiến cho lòng người say thêm giữa ngọn gió nồng nàn.
Mùi thơm của ống thịt lam thử thách lòng người cho đến khi gióng nứa đã cháy đen lại. Thong thả nhấc từng ống ra khỏi lửa cho nguội bớt, rồi vừa xuýt xoa vừa róc từng lớp vỏ đã cháy đen, chỉ để lại lớp màng lụa trắng tinh.
Chỉ cần nhẹ tước lớp màng ấy thôi là lồ lộ khúc thịt vàng ươm tươm mỡ, khe khẽ làn khói mờ quyện với mùi thơm ngây ngất bốc lên mời gọi.
Không giống như chả thịt của người Hà Nội khi cái thơm ngon dường như đã bay mất một nửa trong lúc nướng, cái thơm, cái ngon của món chả thịt lam được ủ kín trong ống nứa, cứ quyện vào nhau tầng tầng lớp lớp, để đến lúc này mới ùa lên xoắn xuýt làm mê mẩn người thưởng thức.
Từng khúc chả vàng óng cộng thêm vị ngọt ngai ngái thanh thanh của ống nứa non cứ đậm đà, thơm nức đến lạ kỳ. Bẻ thêm khúc cơm lam dẻo quẹo, chấm vào bát muối đâm trái ớt hiểm rắc tí hạt mắc khén thì chẳng còn gì tuyệt hơn.
Trong mâm cơm, bên cạnh ống cơm lam có thêm ống chả thịt lam nóng hổi, chủ khách cứ mặc sức mà bẻ từng miếng thịt vàng ươm, rồi lại kề môi say sưa bên ché rượu cần đầy, giản dị mà đậm đà.
Theo ihay
Mì Quảng thịt ếch
Thưởng thức món mì Quảng thịt ếch, bạn sẽ được nhấm nháp đầy đủ hương vị đồng quê dân dã.
Trong cái nắng chói chang ngày hạ, bất chợt có những chiều trời đổ mưa giông xối xả xuống dải đất miền Trung. Những ngày này, nước đồng xâm xấp đến mắt cá chân. Trời vừa sụp tối, từ đầm, ao hay trên các cánh đồng, các loài ếch, nhái, ễnh ương lâu ngày bị cảnh khô hạn nay gặp mưa thì kéo ra nhiều vô kể.
Thuở nhỏ, những hôm rảnh rỗi tôi thường theo cậu đi soi ếch. Sau vài giờ lặn lội, trong giỏ của cậu cháu tôi đã có được chục con, đủ cho một bữa ăn cả nhà hay đem bán buổi chợ sớm mai.
Không chỉ là món ngon, thịt ếch còn là vị thuốc quý lưu truyền trong dân gian, điều trị các bệnh còi xương, biếng ăn cho trẻ; trị suy nhược, mất ngủ đối với người lớn. Phổ biến và quen thuộc là những món ếch rô ti, chiên giòn, nấu cháo, canh chua... ăn với cơm. Đặc biệt, mì Quảng thịt ếch là một món ngon độc đáo.
Mì Quảng thịt ếch - Ảnh: Thanh Ly
Ếch bắt về làm thật sạch để tránh mùi tanh. Thường phải lấy lá tre hoặc tro xát vào thân ếch để loại bỏ hết chất nhờn. Dùng dao lột nhẹ lớp da, bỏ hết nội tạng chỉ để lại phần đùi và phần thân. Những con ếch lớn có thể lấy ruột, trứng. Rửa thật sạch với gừng, rượu và để cho ráo nước, cắt thành từng miếng vừa ăn.
Ruột ếch làm sạch ngâm muối cho giòn, cắt nhỏ cùng với da ếch. Thơm gọt vỏ, cắt bỏ mắt, rửa sạch, thái thành những miếng nhỏ. Hành tím, tỏi, nghệ tươi băm nhỏ. Cà chua thái lắt mỏng hoặc bổ múi cau. Hành hoa, sả rửa sạch, cắt nhỏ.
Ướp thịt, ruột và da ếch với các thứ: sả, hành, tỏi, nghệ, bột cà ri, nước mắm, bột ngọt, thêm chút ớt cho thấm. Bắc chảo lên bếp, phi tỏi băm với dầu ăn, xào ếch ngấm gia vị chừng mươi phút. Khi thịt ếch chín, cho thơm vào xào cùng. Đảo đều vài lần rồi cho tiếp cà chua vào xào.
Xào tới khi nếm thử thấy đã thấm gia vị thì cho nước sôi vào, đợi sôi vài dạo, khuấy đều, nêm nếm lại lần cuối trước khi cho hành cắt khúc vào rồi tắt bếp. Khi ăn, chỉ cần chan nước ếch còn nóng hổi vào tô mì đã chuẩn bị sẵn.
Thưởng thức món mì Quảng thịt ếch, thực khách sẽ được nhấm nháp đầy đủ hương vị đồng quê dân dã. Trước tiên là những sợi mì mỏng, mềm, trắng tinh, được chế biến theo cách thủ công của người Quảng xưa; đĩa rau là hỗn hợp nhiều loại rau vườn nhà như cải non đương nụ, rau muống xanh chẻ nhỏ, ngò ta xắt dài để ngọn, bắp chuối xắt mỏng như tơ.
Cả vị beo béo vừa phải của dầu phộng, vị cay nồng của chén nước mắm tỏi cùng với ớt xanh, cái giòn tan của hạt đậu phộng và miếng bánh tráng mè.
Theo ihay
Đi ăn bánh cuốn trứng gần sân bay Tân Sơn Nhất Bánh cuốn trứng vốn dĩ là một món khó tìm ở Sài Gòn khi số lượng quán chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhưng một quán ăn gần khu sân bay lại có những biến tấu hết sức hấp dẫn cho món bánh có nguồn gốc từ Lạng Sơn này. Như có lần nhắc về món bánh cuốn trứng có bán ở quán...