Thời tiết nóng: Cẩn trọng với nhiều dịch bệnh bùng phát, đặc biệt là bệnh viêm não và sự thất thường của bệnh sởi
Theo PGS.TS Trần Minh Điển cho biết, mùa viêm não ở miền Bắc được xác định là từ tháng 4 đến tháng 6 hàng năm do thời tiết thuận lợi cho muỗi gây bệnh phát triển.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, đến thời điểm này đã ghi nhận 7 trường hợp mắc viêm não Nhật bản B, từ đầu năm đến nay cũng có khoảng 20 trường hợp mắc các loại viêm não khác… 100% ca bệnh đều chưa được tiêm chủng vaccine phòng bệnh viêm não.
Tuy so với các bệnh khác, số bệnh nhân viêm não không đông song hầu hết bệnh nhân viêm não vào điều trị là những ca bệnh nặng, đã có co giật, kèm các biến chứng nhiễm trùng khác, dù các bác sĩ rất cố gắng nhưng tỷ lệ để lại di chứng rất cao.
Cụ thể, tỷ lệ chữa khỏi khoảng 50%, tỷ lệ bị di chứng nhẹ chiếm khoảng 25%, tỷ lệ di chứng nặng khoảng 20-25%, trong đó nhiều trường hợp phải sống thực vật, tỷ lệ tử vong cũng khoảng 2-3%.
Còn tại BV Bạch Mai, TS.BS Đỗ Duy Cường – Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, là bác sĩ nhiều năm nhưng ông cũng rất ngạc nhiên với diễn biến bất thường của dịch sởi năm nay, bởi dù đã vào giữa hè mà số ca mắc vẫn lên tới hàng trăm ca/tháng… Tuy số ca mắc sởi năm nay chưa phải cao đột biến như vụ dịch sởi năm 2014 nhưng diễn biến của dịch thì có thể nói là rất bất thường. Thông thường, dịch sởi bùng phát mạnh vào mùa đông xuân, khi vào hè thì số ca mắc sẽ giảm mạnh và hết. Thế nhưng năm nay, dù hiện đã vào giữa mùa hè, số ca bệnh vẫn tiếp tục gia tăng.
Cụ thể, trong tháng 5/2019, tại khoa Truyền nhiễm của bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận khoảng 70 ca bệnh sởi, và thời điểm này số ca mắc cũng vẫn cao, chưa có xu hướng giảm. Điểm bất thường nữa là số bệnh nhân người lớn mắc sởi chiếm tỷ lệ cao hơn hẳn so với mọi năm, nhất là độ tuổi từ 25-35 tuổi.
Ngoài sởi, tại khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai, thời điểm này cũng tiếp nhận nhiều ca thủy đậu, quai bị. Đây cũng có thể coi là bất thường vì thủy đậu, quan bị được coi là các bệnh mùa đông xuân. Cùng đó, số trẻ mắc bệnh cúm nhập viện cũng rất nhiều, trong tháng 5/2019 ghi nhận hàng trăm ca bệnh…
Bộ Y tế khuyến cáo đối với người dân và cộng đồng cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh
Video đang HOT
Tiêm chủng phòng bệnh: Các gia đình đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, thực hiện đúng các hướng dẫn của cán bộ y tế về chăm sóc, theo dõi các phản ứng sau tiêm chủng.
Các bà mẹ cần chủ động thông báo về tình trạng sức khỏe hiện tại của con mình như trẻ đang bị ốm, đang dùng thuốc, tiền sử dị ứng đặc biệt có phản ứng mạnh với lần tiêm chủng trước như sốt cao, quấy khóc kéo dài, phát ban, sưng nề vùng tiêm.
Để phòng chống bệnh tay chân miệng: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
Để phòng chống bệnh sốt xuất huyết: Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn. Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay kể cả ban ngày. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng dịch.
Sáng nay 11/6, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh, công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng năm 2019.
Hội nghị kết nối trực tuyến 63 điểm cầu tỉnh, thành phố và gần 700 điểm cầu quận, huyện, thị xã nhằm cập nhật hướng dẫn về các biện pháp chuyên môn, kỹ thuật cụ thể cho các tuyến tỉnh, huyện, xã theo hướng “cầm tay chỉ việc”, trong đó tập trung vào:
(1) Hướng dẫn kỹ thuật về công tác giám sát, xử lý và phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng.
(2) Hướng dẫn cập nhật phác đồ điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết cho trẻ em và phác đồ điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết cho người lớn.
(3) Hướng dẫn thực hiện tiêm chủng an toàn và hướng dẫn xử lý, cấp cứu các trường hợp tai biến sau tiêm chủng.
Theo Helino
Hè đến, cẩn trọng với bệnh nguy hiểm trẻ nhỏ dễ mắc phải
Mùa hè với nền nhiệt độ cao, độ ẩm cao khiến các bệnh có khả năng bùng phát thành dịch. Đặc biệt với trẻ nhỏ, nhiều loại bệnh nguy hiểm có biểu hiện gần giống với những căn bệnh thông thường dễ khiến trẻ mắc bệnh rơi vào nguy hiểm, cha, mẹ hãy chú ý!
Mùa hè với nền nhiệt độ và độ ẩm cao dễ khiến trẻ nhỏ mắc các bệnh nguy hiểm
Viêm màng não - nguyên nhân khiến trẻ tử vong nếu điều trị muộn
Những ngày qua, tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành thuộc khu vực Bắc Bộ đã liên tiếp xuất hiện những đợt nắng nóng kỷ lục với mức nhiệt cao nhất trong vòng vài năm trở lại đây. Chính sự thay đổi về thời tiết này khiến nhiều dịch bệnh dễ bùng phát. Đặc biệt, chỉ mới đầu hè tại Trung tâm Y học các bệnh nhiệt đới trẻ em BV Nhi Trung ương đã tiếp nhận, điều trị cho khoảng 30 trẻ bị mắc viêm não, viêm màng não.
Không chỉ vậy, theo PGS.TS Trần Minh Điển - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương: "Trung bình mỗi năm Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận 300-500 ca mắc viêm não màng não. Hiện tại, khoa Điều trị tích cực - Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh Nhiệt đới của Bệnh viện cũng đang điều trị cho gần 30 bệnh nhi mắc viêm não màng não với nhiều lứa tuổi khác nhau. Hầu hết các trẻ này đều được chuyển từ tuyến dưới lên trong tình trạng bệnh đã nặng và có biến chứng thần kinh. Điều đáng nói, phần lớn các cháu đều chưa được tiêm phòng vắc-xin", PGS.TS Trần Minh Điển - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương.
Theo các chuyên gia, viêm não, viêm màng não là bệnh do viêm nhiễm hệ thần kinh trung ương (nhu mô não và màng não). Nguyên nhân có thể do vi khuẩn, virus, nấm và kí sinh trùng. Theo thống kê, tỷ lệ trẻ bị mắc các bệnh lý về viêm màng não nhiễm khuẩn đứng thứ 3 trong số các bệnh lý vào điều trị và là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 2 cho trẻ dưới 5 tháng tuổi. Đây là một bệnh lý có tỷ lệ tử vong lên tới 50% nếu không được điều trị, 10-20% bị di chứng về thần kinh, giảm thính lực. Điều đáng nói, nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời trong vòng 24h - 48h khởi bệnh thì tỷ lệ tử vong giảm xuống chỉ còn hơn 10%. Do đó, nhận biết các triệu chứng và hành động nhanh là rất quan trọng.
Theo TS.BS Nguyễn Văn Lâm - Giám đốc Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo, hiện đang là thời kỳ cao điểm của bệnh viêm não và viêm màng não, vì vậy để phòng tránh bệnh, các gia đình cần cho trẻ đi tiêm vắc-xin phòng bệnh theo đúng độ tuổi, đúng thời gian. Đặc biệt, khi phát hiện trẻ có những dấu hiệu sốt cao, đau đầu, buồn nôn và cứng gáy, các gia đình cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời.
Viêm não virus - để lại di chứng thần kinh và có nguy cơ tử vong cao
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh viêm não vi rút là một tình trạng bệnh nguy hiểm do nhiều loại vi rút gây nên thường gây tổn thương ở não, để lại di chứng thần kinh và nguy cơ tử vong cao. Tính từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận 130 trường hợp mắc bệnh viêm não vi rút với 4 trường hợp tử vong; 7 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do mô cầu.
Các căn nguyên gây viêm não thường là các virus arbo - trong đó có virus viêm não Nhật Bản, virus herpes, các virus đường ruột, sởi, quai bị và các virus khác. Do triệu chứng lâm sàng rất khó phân biệt giữa các chủng virus nên việc chẩn đoán nguyên nhân phải thông qua việc xét nghiệm xác định virus.
Biểu hiện chính của bệnh là sốt cao và kèm theo các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương bao gồm: nhức đầu dữ dội, buồn nôn và nôn mửa, cứng cổ, lú lẫn, mất định hướng, thay đổi nhân cách, co giật, rối loạn nghe nói, ảo giác, mất trí nhớ, đờ đẫn, hôn mê... Người già và trẻ em là những người có nguy cơ cao bị mắc bệnh nặng, dễ biến chứng và tử vong.
Đặc biệt, với bệnh viêm não do virus, tác nhân gây bệnh thường tấn công trực diện vào nhu mô não, tỉ lệ tử vong từ 10-15% và 35-45% để lại các di chứng về thần kinh, vận động. Trẻ cũng có thể mắc viêm não thứ phát sau khi mắc các bệnh như cúm, sởi, thuỷ đậu quai bị... do virus biến thể, gây viêm não, thường sau 1-2 tuần.
Ngoài hai căn bệnh viêm màng não, viêm màng não mủ, viêm não virus, vào thời điểm mùa hè, trẻ nhỏ rất dễ bị "đe dọa" bởi nhiều loại bệnh khác: viêm não Nhật Bản, tay chân miệng, sốt xuất huyết, sốt phát ban dạng sởi, ngộ độc thực phẩm...
Cụ thể, theo số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê trong tháng 4/2019, cả nước có 2,9 nghìn trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, 9,5 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, 67 trường hợp mắc bệnh thương hàn, 46 trường hợp mắc bệnh viêm não vi rút, 1 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do mô cầu và 413 người bị ngộ độc thực phẩm. Đáng lưu ý là bệnh sởi có dấu hiệu gia tăng vào thời điểm giao mùa đông xuân, trong tháng 4/2019 (từ 19/3 đến 18/4/2019), cả nước đã phát hiện 5,9 nghìn trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 942 trường hợp mắc sởi dương tính. Tính chung 4 tháng đầu năm, cả nước có 16,1 nghìn trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó 2,2 nghìn trường hợp mắc sởi dương tính (2 trường hợp tử vong).
Do vậy, để phòng tránh bệnh, viêm màng não, viêm não virus Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần:
Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở, chuồng gia súc sạch sẽ để hạn chế nơi trú đậu của muỗi. Nên dời chuồng gia súc xa nhà, xa nơi sinh hoạt của trẻ em, loại bỏ các ổ bọ gậy.
Đối với các virus arbo, bệnh lây qua côn trùng tiết túc do muỗi, ve... đốt, quan trọng nhất là hạn chế các nguy cơ bị côn trùng, muối đốt khi sinh hoạt hoặc làm việc ngoài trời. Đặc biệt là vào lúc bình minh hoặc hoàng hôn (thời điểm muỗi hoạt động mạnh nhất) thông qua việc mặc áo quần phủ kín tay, chân như mặc áo dài tay, mang tất cùng với việc sử dụng các chất xua đuổi côn trùng, nằm màn khi ngủ.
Tiêm vắc-xin phòng bệnh viêm não, đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất hiện nay.
Ngọc Nga - Tuấn Anh
Theo baophapluat
Bác sĩ chỉ cách nhận biết sớm trẻ bị viêm não, cha mẹ nào cũng cần biết Vào mùa nắng nóng, số lượng trẻ nhập viện vì viêm não, viêm màng não tăng cao, tuy nhiên hầu hết đều đến trễ vì cha mẹ không biết những dấu hiệu sớm. Sau 4 ngày sốt cao, bác sĩ phải mở hộp sọ cứu sống bé 13 tuổi Dùng tăm bông ngoáy tai, người đàn ông bị nhiễm trùng não Quý ông...