Thói quen yêu thương
Trong cuộc sống, mỗi người đều có những thói quen của riêng mình. Có thói quen tốt, thói quen xấu, có thói quen trung lập chả tốt cũng chả xấu. Tôi muốn bàn đến một thói quen nhiều người có nhưng đôi khi bị đánh giá là… xấu – thói quen yêu thương.
Phạm Lan Phương
Tôi có một cô bạn. Cô bạn này có người yêu. Cô ấy nghĩ mình rất yêu người yêu và anh ấy cũng rất yêu cô ( chính xác là anh ấy nói thế và cô ấy cho là như thế. Còn tôi, người ngoài cuộc, hẳn nhiên không phán xét độ xác thực của điều đó). Nhưng dù ở bên nhau hàng ngày, nhắn tin hàng giờ và trò chuyện mỗi đêm trước khi ngủ, đôi khi cô vẫn thấy nhói trong lòng một nỗi sợ mơ hồ. Cô nói với tôi (chứ không dám nói với người yêu cô, có lẽ con gái dễ hiểu nhau hơn) rằng thì là mà nỗi sợ đó mang tên “người yêu cũ”. Vâng, có lẽ với rất nhiều cô gái, “người yêu cũ” của người yêu mình là điều gì đó đáng sợ và nguy hiểm lắm.
Cô lo lắng về điều đó nhiều đến mức, mỗi khi anh và cô đang ở cao trào của hạnh phúc, mỗi khi cùng nhau làm một điều gì đó, trong cô lại xuất hiện cái ý nghĩ “liệu anh ấy từng làm như thế với người yêu cũ bao giờ chưa?”. Cô không ngăn được cảm giác ghen tị, chạnh lòng khi nghĩ rằng anh không bao giờ yêu cô được như đã yêu người ta… Không phải cô không tin anh, cũng không phải cô mất tự tin vào bản thân mình. Nhưng cô sợ… thói quen yêu thương ngày xưa sẽ mang anh đi khỏi cô… bất cứ lúc nào.
Vì chẳng ai biết trước được khi nào nó trỗi dậy. Vì bản thân người yêu cô vốn là một người sống rất tình cảm, và anh chia tay người yêu cũ không phải vì lý do gì quá nặng nề, chỉ là cảm thấy hết yêu. Cô hoang mang không biết những điều anh ấy làm, tình cảm anh ấy dành cho mình, có phải chỉ là thói quen như với người trước? Nỗi sợ đó lớn đến mức có đôi khi hoảng hốt giật mình trong đêm, cô đã nghĩ đến việc chia tay, vì sợ không giữ nổi anh ấy và cô sẽ không đứng dậy được vì điều đó mất?
Tôi lại nhớ đến chuyện tình cảm của mình và mối tình đầu. Chúng tôi đã ở bên nhau, chia sẻ và thương yêu nhau rất nhiều, trước khi chúng tôi nhận ra là mình yêu nhau. Dường như tình cảm của chúng tôi dành cho nhau là bản năng vậy. Nó đến rất tự nhiên, gắn bó chúng tôi bằng mối quan hệ khó hiểu, đến nỗi tôi coi anh ấy quan trọng như người trong gia đình, là một phần của cuộc đời mình, rằng tôi có thể hy sinh vì anh ấy, y như tôi có thể hy sinh vì những thành viên khác trong gia đình mình vậy.
Hiển nhiên tôi biết anh ấy cũng có những cảm giác giống như mình, hay gần giống, như anh đã nói: “Em luôn là một phần trái tim anh. Dù thế nào đi nữa”. Nhưng lúc đó và ngay cả bây giờ, chúng tôi đều còn quá trẻ, quá non nớt, nên có chung suy nghĩ: “Điều nguy hiểm và đáng sợ nhất của một mối quan hệ là khi tình cảm trở thành thói quen”. Và chúng tôi quyết định rời xa nhau, để tìm kiếm những cảm xúc mới mẻ và cuốn hút hơn? Hay đơn giản là tìm cho mình một lời khẳng định. Hoặc vì lo sợ rằng nếu không chia tay hôm nay, thì một ngày nào đó, người ta cũng sẽ rời bỏ mình để đi tìm điều mới lạ.
Video đang HOT
Nhưng thời gian trôi đi, những mối quan hệ mới, những chuyện tình mới, của tôi, của anh ấy hay của những cô bạn, cậu bạn xung quanh tôi, đã dần khiến tôi nhận ra điều giản đơn: “Nếu hạnh phúc cứ phải là thứ bạn kiếm tìm, chờ đợi và mong ngóng, thì nó không còn là hạnh phúc nữa đâu…”. Chẳng phải mục đích phấn đấu, hay mong ước cuối cùng của đời người, cũng chỉ là một bến đỗ bình yên hay sao? Vậy tại sao khi đang bình yên, con người ta lại cứ muốn đánh đổi cái hạnh phúc lớn nhất đời mình để lấy những điều không thực, không xác định?
Thật ngớ ngẩn khi muốn gạt bỏ một người chỉ vì nghĩ rằng sẽ rất khó khăn để giữ người ấy ở bên mình. Sống hết mình vì tình yêu và niềm tin, hay đơn giản được ở bên nhau như là duyên số thì đó cũng là hạnh phúc rồi.
Tôi chia sẻ suy nghĩ của mình với cô bạn, thật may cô ấy đã bình tĩnh và vui vẻ hơn với tình yêu đẹp của cô. Vậy cuối cùng, thói quen yêu thương đâu có xấu, nhỉ?
Có thể, trong tương lai (xa hoặc gần, tùy nhận thức của mỗi người nữa), tình yêu đầu tiên của tôi cũng sẽ nhận ra (hoặc không) những điều đơn giản đó. Và chúng tôi có thể lại ở bên nhau, như thói quen trước đây không? Cũng không còn quan trọng nữa, vì tôi biết, chúng tôi nên trân trọng những tình cảm hiện tại của mình, để không bao giờ phải hối tiếc thêm một lần nào nữa.
Và bạn, cũng vậy nhé.
Theo Bưu Điện Việt Nam
Đôi khi tình yêu cũng khiến bạn phát ốm
- "Yêu nhiều thì ốm, ôm nhiều thì yếu" xem ra không phải chỉ là một câu nói bông đùa. Quả thực đôi khi tình yêu cũng khiến ta phát ốm vì những biểu hiện của nó.
Bạn có biết tại sao mình lại đỏ mặt khi yêu? Hay tại sao bạn thấy đau đớn trong tim mỗi khi chia tay?
Tình yêu là một trải nghiệm tuyệt vời, nhưng cũng có rất nhiều điều kỳ lạ.
1. Tình yêu làm chúng ta phát điên
Việc yêu có thể khiến cho lượng serotonin (một chất tiết ra bởi cơ thể để điều khiển cảm xúc) trong não bị giảm sút, có thể dẫn đến việc một người bị ám ảnh bởi người yêu của anh ta. Đây cũng là những triệu chứng ở những người bị mắc bênh rối loạn ám ảnh cưỡng chế (obsessive-compulsive disorder), và họ cũng có mức serotonin thấp.
Tiếp đến, tình yêu thúc đẩy sự sản sinh của hormone stress, dẫn đến việc bạn bị tăng huyết áp và dễ bị mất ngủ. Những nhà khoa học của trường đại học London đã tìm hiểu rằng khi một người nhìn người yêu của họ, cơ quan trung ương chịu trách nhiệm cho việc đánh giá xã hội sẽ bị "đàn áp" tạm thời.
Tóm lại, tình yêu khiến bạn trở nên ám ảnh, mệt mỏi và mù quáng!
Chia tay bao giờ cũng luôn đau đớn (Ảnh minh họa)
2. Chia tay luôn đau đớn
Một nghiên cứu mới đã cho thấy rằng sự tổn thương về tâm lý cũng nghiêm trọng không kém gì sự tổn thương về mặt thể chất. Hai vùng trong não có trách nhiệm phản ứng với những đau đớn cơ thể cũng bị kích hoạt khi một người phải đối mặt với những phiền muộn về xã hội hay tình cảm, ví dụ như khi bị "đá" hay bị lừa.
Các tác giả của nghiên cứu tại học viện UCLA đã sử dụng một máy chụp cộng hưởng để theo dõi hoạt động của não các người tham gia trong lúc họ chơi một trò mô phỏng việc bị từ chối. Những nhà nghiên cứu này tin rằng nỗi đau khi bị từ chối đã tiến hóa thành một động lực để khiến con người tìm đến tương tác xã hội, một yếu tố quan trọng cho sự sống sót của các loại động vật có vú.
3. Trò khỉ
Vì chúng ta tiến hóa từ khỉ nên những cặp má hồng đóng một vai trò quan trọng trong &'trò chơi" hẹn hò. Những nhà khoa học ở đại học Stirling, Anh đã khám phá rằng những loài linh trưởng thường thích "kết bạn" với những con khác giới có khuôn mặt đỏ. Vì vậy, cặp má hồng cũng có thể đóng một vai trò tương tự đối với con người, chúng gửi đi một thông điệp về ham muốn tội lỗi. Và đó cũng có thể là một lý do để giải thích cho việc tại sao phụ nữ lại dùng phấn má màu hồng.
Những giận hờn, cãi vã luôn khiến cho cả hai mệt mỏi (Ảnh minh họa)
4. Hôn đúng cách
Vậy làm thế nào để không phát điên vì yêu? Hãy hôn thật nhiều nhưng phải đúng chiều. Bạn có biết có một cách không bao giờ sai để hôn? Đa số mọi người thường nghiêng đầu về bên phải khi hôn thay vì bên trái. Một nhà nghiên cứu từ đại học Rurh đã phân tích 124 cặp hôn nhau và phát hiện rằng 65% số cặp nghiêng đầu về bên phải. Và đó chính là một cách đúng để hôn.
Theo Bưu Điện Việt Nam
Trước tôi đã có 5 chị dâu ra đi Nhiều lúc cáu với bà mà tôi trút giận lên chồng, đôi khi anh an ủi, đôi khi cũng tỏ thái độ bực tức cho cả tôi và mẹ anh Tôi tốt nghiệp đại học - đây là hành trang để đưa tôi vào đời và rồi niềm vui cũng nhanh chóng đến với tôi khi tôi cầm trên tay tờ giấy quyết...