Thói quen sử dụng Internet của giới thượng lưu Triều Tiên
Tại Triều Tiên, có một nhóm nhỏ có xuất thân thượng lưu không bị cách ly hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Họ vẫn sử dụng mạng Internet mà không bị kiểm soát, thoải mái lên các trang mạng xã hội nước ngoài cũng như mua sắm trên các trang web thương mại điện tử, Washington Post đưa tin.
(Ảnh minh họa: EPA)
Washington Post ngày 25/7 đã công bố bản nghiên cứu của công ty bảo mật Recorded Future hợp tác với tổ chức nghiên cứu an ninh Team Cymru. Bản báo cáo đã chỉ ra rằng, tại Triều Tiên, có một nhóm người có thói quen sử dụng mạng Internet giống phần còn lại của thế giới. Họ dùng điện thoại thông minh để truy cập thư điện tử Gmaiil, mạng xã hội facebook, tìm kiếm đồ trực tuyến. Bà Priscilla Moriuchi, từ Recorded Future, cho biết họ không bị tách biệt so với thế giới bên ngoài.
Cơ chế mở chỉ áp dụng đối với một nhóm nhỏ người Triều Tiên, vì thực tế tại đây phần lớn trong dân số 25 triệu người không được tiếp cận hoặc tiếp cận hạn chế với mạng Internet. Mặc dù vẫn có người sở hữu điện thoại di động, tuy nhiên con số này chỉ rơi vào khoảng 4 triệu, và họ buộc phải sử dụng mạng điện thoại bị kiểm duyệt kỹ càng của nhà nước, có tên Kwangmyong.
Tuy nhiên, vẫn có một nhóm người Triều Tiên vẫn có thể kết nối Internet thông qua trường đại học, công việc kinh doanh, có khi là nhà của các quan chức cấp cao hoặc của thuộc chính phủ. Theo thống kê, có 65% lưu lượng sử dụng mạng Internet dành cho các nội dung trò chơi hoặc phát sóng trực tiếp.
Báo cáo cho biết, giới thượng lưu Triều Tiên đã sử dụng mạng ảo riêng nhằm che giấu nguồn gốc của hoạt động trên mạng Internet. Theo điều tra từ những thiết bị sử dụng mạng riêng ảo, những nhà nghiên cứu đã phát hiện ra những hoạt động sử dụng dịch vụ trang web của phương Tây, xem các nội dung người lớn, thậm chí thực hiện mua bán ảo bằng tiền ảo Bitcoin.
Qua việc tiếp cận với những nguồn thông tin bên ngoài những thông tin tuyên truyền chỉ được chính phủ cung cấp từ 1 chiều, một số người đã nhận thức được vấn đề của chính quốc gia họ từ góc nhìn đa dạng hơn.
Bản báo cáo cũng cho thấy không có dấu hiệu của hoạt động tấn công mạng từ chính lãnh thổ Triều Tiên. Theo các chuyên gia tình báo Mỹ, Triều Tiên có thể đã thực hiện các hoạt động mạng từ nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc và một số nước khác. Gần đây nhất, Mỹ đã cáo buộc Triều Tiên có liên quan trong vụ vi-rút WannaCry tấn công hệ thống mạng thế giới.
Video đang HOT
Bản báo cáo cũng thừa nhận không thể tiếp cận được hoạt động trao đổi thông tin việc phóng tên lửa hay các hoạt động khác của chính phủ của Triều Tiên. Rất có thể, Triều Tiên đang sử dụng một mạng lưới khác để kết nối những thông tin này.
Đức Hoàng
Theo Dantri
Thói quen lướt mạng của giới thượng lưu Triều Tiên
Triều Tiên kiểm soát chặt chẽ việc truy cập Internet, nhưng giới thượng lưu được tiếp cận mạng nhiều hơn người dân bình thường.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sử dụng máy tính trong một buổi thị sát. Ảnh: Reuters.
Triều Tiên có thể bị cô lập trên trường quốc tế, nhưng giới thượng lưu ở nước này vẫn lướt web giống như phần còn lại của thế giới: họ sử dụng mạng xã hội, mua sắm trên trang thương mại điện tử, kiểm tra email, tải torrent và nghe nhạc trên thư viện trực tuyến.
Đó là thông tin được công bố trong tuần này bởi công ty bảo mật Recorded Future, hợp tác với đối tác tình báo Team Cymru. Họ kết luận rằng hoạt động của số ít người có quyền truy cập Internet tại Triều Tiên "không khác với hầu hết người phương Tây".
Dự án đã phân tích hoạt động Internet của Triều Tiên từ ngày 1/4 đến ngày 6/7. Họ chọn khoảng thời gian này vì đây là giai đoạn Triều Tiên tiến hành nhiều vụ phóng tên lửa.
Sinh viên đại học, nhà khoa học và quan chức chính phủ Triều Tiên có thể truy cập mạng nội bộ với các tính năng cơ bản, gọi là Kwangmyong.
Hàng triệu chiếc điện thoại thông minh có thể kết nối Internet đã được bán hợp pháp ở nước này, nhưng người dùng chỉ được truy cập mạng 3G bị kiểm soát chặt chẽ gọi là Koryolink.
Tuy nhiên, các quan chức cao cấp và giới cầm quyền Triều Tiên thường được tiếp cận với thế giới kỹ thuật số rộng lớn hơn.
Recorded Future phát hiện thấy "một số lãnh đạo Triều Tiên và giới cầm quyền tham gia các hoạt động mạng nhiều hơn người bên ngoài nghĩ". Họ cũng quan tâm đến văn hóa đương đại và các sự kiện trên thế giới.
"Giới lãnh đạo được kết nối với xã hội Internet hiện đại và có thể nhận thức được tác động từ các quyết định của họ về thử tên lửa và các hoạt động khác đối với cộng đồng quốc tế", nghiên cứu cho hay.
Giống như tất cả mọi người, giới cầm quyền Triều Tiên cũng sử dụng mạng xã hội, tìm kiếm trang web, download dữ liệu và chơi game. Trò chơi trực tuyến về chiến đấu xe tăng rất được người Triều Tiên ưa chuộng.
Facebook là mạng xã hội được sử dụng rộng rãi nhất trong nước, mặc dù hồi tháng 4/2016 có thông tin rằng Facebook, Twitter, YouTube và một số trang khác bị chặn ở Triều Tiên. Thứ hai và thứ ba là những ngày có nhiều hoạt động trực tuyến nhất.
Hoạt động đáng ngờ
Khả năng bảo mật kém của các kết nối Internet từ Triều Tiên đã hỗ trợ cho nghiên cứu của Recorded Future. Họ tiết lộ rằng "chưa đến 1%" các hoạt động trên mạng của giới thượng lưu Triều Tiên được bảo vệ để tránh bị theo dõi. Một số người dùng dựa vào mạng riêng ảo (VPN) thông qua đăng ký nhà nước hàng tháng.
Những biện pháp bảo vệ yếu ớt này cho phép nhóm nghiên cứu theo dõi hàng loạt hoạt động đáng ngờ - một số dường như trùng hợp với với sự bùng phát của mã độc WannaCry, được cho là có thể liên quan đến đơn vị tội phạm mạng Triều Tiên "The Lazarus Group".
Ngày 17/5, một số người dùng bí ẩn đã bắt đầu sử dụng bitcoin, một dạng tiền mã hóa. Yếu tố thời điểm này đáng chú ý vì nó diễn ra ngay trước vụ tấn công mã độc hồi tháng 5 của WannaCry. Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) cho rằng vụ tấn công mạng này liên quan đến tình báo Triều Tiên.
Chính quyền Triều Tiên đã bị cáo buộc liên quan đến một loạt cuộc tấn công mạng trong nhiều năm, trong đó nổi tiếng nhất là vụ tấn công mạng Sony Pictures hồi năm 2014.
Recorded Future ủng hộ giả thuyết rằng các tin tặc được nhà nước bảo trợ không hoạt động từ bên trong Triều Tiên, mà thay vào đó là từ các nước thứ ba.
Mặc dù một số nhà nghiên cứu và học giả cho rằng có thể có liên hệ giữa hoạt động mạng của Triều Tiên và các vụ phóng tên lửa, nghiên cứu của Recorded Future không phát hiện liên kết như vậy. Hoạt động Internet chưa thể được sử dụng như phương pháp để dự đoán hành vi của giới cầm quyền Triều Tiên.
"Có vẻ như không có sự tương quan giữa hoạt động Internet của Triều Tiên với các cuộc thử nghiệm tên lửa", báo cáo có đoạn viết.
Phương Vũ
Theo VNE