Thói quen phân biệt “đẳng cấp” xấu xí của teen thành phố
Đi xe biển số tỉnh, nói giọng địa phương hay chỉ đơn giản là “style” mặc đồ cũng khiến cho các bạn teen ở tỉnh bị cô lập và bàn tán. Đó chính là một thói quen kì thị xấu xí của một số ít teen thành phố ngày nay…
Chân dung những teen thành phố xấu xí.
Vừa bước vào năm học, với môi trường đại học mới đầy bỡ ngỡ, nhóm “ngũ long công chúa” đã nhanh chóng kết thân với nhau vì cả 5 cô nàng đều tự cho rằng mình là sành điệu, là xì tin và quan trọng nhất đều là người thành phố chứ không phải từ dưới quê lên như những tân sinh viên khác. Các cô đều tỏ ra xa cách với những bạn muốn làm quen vì theo lời 1 cô nàng trong nhóm thì: “Nhìn nó quê quê sao đó, lại còn nói cái tiếng gì khó nghe quá.” Thật ra đó là một cô bạn mới từ Quảng Ngãi lên thành phố học nên bạn í nói chuyện bằng ngôn ngữ địa phương, chỉ vì như thế mà năm nàng nhóm “ngũ long” đáp lại bằng một cái nhìn lạnh lùng và bỏ đi mất một nàng còn nói với theo: “Nó nói gì tao hiểu tao chết liền á.”
Tiếp theo đi đâu năm cô nàng cũng kè kè bên nhau, kể cả khi một cô trong nhóm cao hứng đòi cúp học thì bốn cô còn lại cũng cúp theo vì không muốn ngồi chung bàn với mấy đứa khác.(!?)
Một lần thấy cô bạn cùng lớp (quê Bình Thuận) diện một cái áo hơi màu sắc, kiểu rườm rà một tí là cả năm cô nàng thi nhau bình loạn và chê bai đủ điều. Không may cô bạn đó nghe được, thế là một trận cãi vã ngay tại lớp diễn ra. Nếu không có ban cán sự lớp thì có lẽ “đại chiến” đã nổ ra.
Những cô bạn đã từng bị nhóm “ngũ long” chê bai vì giọng nói hay trang phục cũng lên tiếng chỉ trích năm cô nàng. Hầu như không ai đồng tình với việc làm xấu xí đó. Trang (18 tuổi, trường PT) nói: “Coi thường người khác, chỉ vì bạn may mắn sinh ra tại thành phố là điều không nên chút nào.”
Thái độ kênh kiệu của bạn đang làm bạn mất điểm trong mắt mọi người xung quanh đấy! (Ảnh minh họa)
Trường hợp của Trúc (19 tuổi, trường KT) có người yêu là sinh viên quê ở Lâm Đồng. Trong một lần đi chơi trên đường, bỗng nhiên Trúc thấy hai cô nàng khác cứ nhìn chằm chằm mình. Tưởng có chuyện gì, ai ngờ sau một lúc nhìn thì hai cô nàng chạy sát lại nói với âm lượng khá lớn: “Ý, biển số tỉnh kìa mày.” Xong hai nàng cười hơ hớ rồi chạy mất.
Hay như Mai (trường S) vốn xinh đẹp lại hiền lành nhưng gia đình ở dưới quê cũng thuộc dạng bình thường. Khi Mai quen được Tuấn thì lập tức những cô nàng xấu tính cũng ác miệng mà đồn rằng vì Mai ham giàu nên mới quen Tuấn, rằng ở dưới đó chỉ có ruộng thôi làm gì có SH mà chạy nên lên đây thấy Tuấn là bám chặt theo liền. Mai nghe xong thì khóc tức tửi vì không ngờ cô lại là nạn nhân tiếp theo của sự phân biệt xấu xí này.
Như (trường PT, quê Ninh Thuận) trong một lần lên thuyết trình, vì không thể nói rõ và chuẩn như người thành phố nên một số bạn thiếu ý thức đã ngồi phía dưới cười to và nhại theo làm Như mất bình tĩnh và phải rất khó khăn Như mới có thể hoàn thành bài thuyết trình của mình.
Hãy “stop” ngay thái độ phân biệt đó.
Dù ở thành phố hay từ tỉnh khác thì bạn vẫn là người Việt Nam. Bạn sẽ trở nên xấu xí khi bạn miệt thị và vô tình làm tổn thương người khác chỉ vì họ không được sinh ra tại thành phố giống như bạn. Sinh ra ở đâu, giọng nói như thế nào tùy thuộc vào từng vùng miền của mỗi người và quan trọng nhất vẫn là ý chí vươn lên học hỏi của chính bản thân họ. Đừng bao giờ nghĩ rằng bạn sống ở thành phố thì bạn có “đẳng cấp” cao hơn những người bạn khác đang sống ở tỉnh.
Nơi sống không phải là thước đo giá trị của một con người mà chính những hàng động của mỗi người sẽ nói lên bản chất thật sự của người đó. Bạn nghĩ sao khi bạn luôn tỏ thái độ giỏi hơn người khác, “đẳng cấp” hơn người khác, nhưng kết quả là bạn luôn học kém hơn so với người ta, cách sống của bạn “nghèo” hơn người ta? Thật ra, chỉ riêng việc bạn đối xử phân biệt như thế đã làm cho giá trị bản thân bạn bị giảm đi rất nhiều rồi.