Thói quen đơn giản có ích cho sức khỏe trong mùa đông
Bạn nên nhớ không nên ăn đồ quá nóng, bởi vì nếu ăn đồ quá nóng dễ gây ra nóng bên trong cơ thể. Nóng làm tổn thương âm vị, từ đó cũng làm tổn thương dạ dày.
Không khí lạnh, thiếu ánh sáng mặt trời của mùa đông khiến vi khuẩn hoạt động mạnh hơn, cơ thể dễ bị “đánh bại”. Những lưu ý dưới đây sẽ giúp bạn có một sức khỏe tốt trong mùa đông.
- Ăn đúng giờ, đúng định lượng, không nên vì một món ăn quá ngon mà ăn quá nhiều.
- Mùa đông thời tiết rất lạnh, không nên ăn đồ sống, đồ lạnh. Đặc biệt là những người cao tuổi, trẻ em lại càng phải ăn thức ăn nóng, chín.
- Không nên ăn đồ quá nóng, bởi vì nếu ăn đồ quá nóng dễ gây ra nóng bên trong cơ thể. Nóng làm tổn thương âm vị, từ đó cũng làm tổn thương dạ dày.
- Kiêng uống rượu mạnh. Tuy vậy, mùa đông rất thích hợp với uống rượu nồng độ thấp, tốt nhất là uống rượu vang. Nhưng bạn không nên uống quá nhiều vì uống nhiều sẽ ảnh hưởng đến dạ dày.
- Có thể lấy 10g sơn tra, 10g sơn dược, 10g táo đỏ (bỏ hạt), 5g gừng tươi, 5g vỏ quýt, 6g trà xanh, nấu nước sôi, pha trà uống rất tốt cho sức khỏe.
- Gừng tươi có tác dụng giúp cho chúng ta hồi phục nhanh sau bệnh tật và cải thiện tuần hoàn trong cơ thể. Vì thế, bạn nên thêm một ít gừng tươi vào trong bữa ăn thường ngày hoặc trong khi uống nước.
Theo BS Thu Hương
SK&ĐS
Phòng tránh các bệnh trong thời tiết lạnh
Ảnh:jupiterimages.com
Bình thường nhiệt độ cơ thể người được duy trì hằng định khoảng 37oC với sự cân bằng giữa quá trình sinh nhiệt và thải nhiệt qua môi trường. Nhiệt độ môi trường lạnh là một stress đối với cơ thể người. Cơ thể của chúng ta khi tiếp xúc với môi trường lạnh đáp ứng bằng cách tăng chuyển hóa sản sinh nhiệt để duy trì thân nhiệt. Ngoài ra, khi tiếp xúc với lạnh, cơ thể phản ứng co các mạch máu ở ngoại vi như ở dưới da nhằm làm giảm cung cấp máu tới da, giúp cơ thể giữ nhiệt. Ở người bình thường thì mạch máu nuôi các cơ quan nội tạng sẽ giãn thêm để điều tiết lượng máu dư ra do co mạch dưới da. Những người bị tăng huyết áp, xơ vữa động mạch khả năng này bị rối loạn, dễ dẫn tới các bệnh lý tim mạch như rối loạn nhịp tim, cơn tăng huyết áp gây tai biến mạch máu não... Khi da hoặc một số phần của cơ thể tiếp xúc lâu với nhiệt độ dưới 0oC có thể gây "bỏng lạnh" do sự hóa đông tế bào, dẫn đến huyết khối các vi mạch máu, thiếu máu, hoại tử tổ chức.
Khi hít thở, không khí được niêm mạc đường hô hấp trên như niêm mạc mũi-họng sưởi ấm, làm ẩm và lọc sạch một phần trước khi đi vào khí quản. Trên bề mặt niêm mạc khí phế quản có những tế bào hình đài bài tiết chất dịch nhầy và lớp tế bào biểu mô với nhiều lông chuyển nhỏ (nhung mao) trên bề mặt. Lớp dịch nhầy kết dính các phân tử bụi, vi khuẩn, virut có trong không khí hít vào. Trong lớp niêm dịch này có một số yếu tố bảo vệ như kháng thể làm ức chế hoạt động của các virut, vi khuẩn. Các nhung mao trên bề mặt phế quản chuyển động đẩy lớp niêm dịch theo hướng từ các phế quản nhỏ lên các phế quản lớn và từ đó được ho khạc ra hoặc ta tự động nuốt xuống đường tiêu hóa trong khi ngủ. Ở dưới lớp niêm mạc phế quản và trong vách các phế nang còn có các đại thực bào, bạch cầu giúp bảo vệ cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh như virut, vi khuẩn.
Khi thời tiết quá lạnh, niêm mạc đường hô hấp trên không thể sưởi ấm đủ cho luồng không khí như lúc bình thường, không khí hít vào đường hô hấp có nhiệt độ thấp gây nên tình trạng co các mạch máu nuôi lớp niêm mạc đường hô hấp. Yếu tố lạnh và sự giảm tưới máu này làm cho các lông chuyển trên bề mặt niêm mạc khí phế quản hoạt động kém, thiếu các tế bào bảo vệ có mặt ở đường hô hấp. Khi cơ thể bị nhiễm lạnh, bộ phận đầu tiên bị ảnh hưởng là đường hô hấp trên gây nên viêm mũi, họng, xoang, từ đó nhiễm khuẩn có thể lan lên gây viêm tai giữa, lan xuống khí phế quản và nhu mô phổi gây viêm phế quản, viêm phổi. Tuy nhiên, cũng có trường hợp bị viêm phổi luôn mà không có biểu hiện viêm đường hô hấp trên rõ rệt.
Vì hệ hô hấp từ mũi họng đến phế quản phổi là cơ quan tiếp xúc trực tiếp với không khí lạnh trên một diện tích rộng tới gần 100 m2 nên đường hô hấp là cơ quan chịu ảnh hưởng nhiều nhất với không khí lạnh. Ở trẻ nhỏ, do trọng lượng cơ thể thấp, khả năng sinh nhiệt để duy trì nhiệt độ cơ thể cũng hạn chế nên càng dễ bị các biến chứng do lạnh.
Như vậy thời tiết lạnh kéo dài là một nguy cơ lớn cho sức khỏe con người, đặc biệt là người già và trẻ em. Để phòng tránh bệnh tật, bảo vệ sức khỏe trong mùa lạnh, mọi người cần chú ý một số điểm sau:
Tránh bị nhiễm lạnh: Cần mặc ấm khi ra lạnh, giữ ấm mặt, cổ, ngực bằng cách đeo khẩu trang, đội mũ, quàng khăn ấm khi ra đường, đặc biệt là những người làm việc ngoài trời. Khi không cần thiết thì không nên đi ra ngoài trời lúc sáng sớm hoặc đêm khuya vì lúc đó trời lạnh hơn.
Khi trời lạnh không nên cho các cháu nhỏ ra ngoài trời. Nếu buộc phải cho cháu ra ngoài khi trời lạnh cần hết sức chú ý, cho mặc ấm, tránh gió thổi trực tiếp vào người. Nếu nhiệt độ ngoài trời dưới 10oC phải cho các cháu học sinh tiểu học nghỉ học.
Khi đi xe và nhất là đi xe máy nên đội mũ bảo hiểm loại che kín được cả đầu, mặt và cằm để tránh bị lạnh. Trong nhà ở, nơi công sở, trường học cần chú ý đóng kín các cửa, các khe, tránh gió lùa.
Nếu có điều kiện thì dùng lò sưởi nhất là các gia đình có trẻ nhỏ vì khả năng chịu lạnh của các cháu kém. Tuy nhiên, cần tránh các kiểu sưởi mà chất đốt cháy không hoàn toàn như dùng lò than, bếp than ủ ở phòng kín vì sẽ ngộ độc khí CO nguy hiểm tính mạng.
Các gia đình có điều kiện dùng điều hòa nhiệt độ cũng không nên để nhiệt độ phòng ngủ quá cao, nhất là đối với gia đình có trẻ em đi học, người lớn đi làm vì khi chênh lệch nhiệt độ trong và ngoài nhà quá cao sẽ dễ bị viêm đường hô hấp trên hoặc đột quỵ do tai biến mạch máu não. Thông thường nên để nhiệt độ khoảng từ 20 - 25oC.
Điều trị hợp lý các bệnh hệ thống tim mạch: Đặc biệt là người có bệnh tăng huyết áp cần dùng thuốc thường xuyên, đến khám đều đặn ở các cơ sở y tế để được kiểm tra, tư vấn và điều chỉnh thuốc phù hợp.
Điều trị sớm nhiễm khuẩn đường hô hấp trên: Khi bị viêm nhiễm đường hô hấp trên cần điều trị sớm và triệt để tránh nhiễm khuẩn lan xuống phế quản, phổi. Ví dụ khi trẻ nhỏ bị viêm mũi: mũi trẻ bị chất tiết làm tắc, trẻ sẽ thở bằng mồm, như vậy không khí trẻ hít vào phế quản phổi sẽ không được sưởi ấm, làm ẩm và lọc sạch như khi trẻ thở bằng mũi bình thường nên trẻ rất dễ bị viêm phế quản, viêm phổi với diễn biến nặng. Vì vậy, việc đầu tiên cần làm là khai thông đường hô hấp trên của trẻ bằng cách rửa mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý NaCl 0,9% theo sự hướng dẫn của thầy thuốc. Với các cháu đã biết xỉ mũi hoặc người lớn thì sau khi bơm nước muối sinh lý vào mũi, cho ngồi dậy xỉ mũi ra khăn. Đối với người lớn cũng cần làm sạch mũi theo cách tương tự.
Điều trị triệt để các ổ nhiễm khuẩn mạn tính ở răng, lợi, miệng, tai, mũi, họng để tránh vi khuẩn lan xuống đường hô hấp dưới. Viêm phổi thường có xu hướng nặng hơn ở người già trên 65 tuổi, hoặc ở những người mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, các tình trạng bệnh lý khiến người bệnh phải nằm lâu; những người có tổn thương cấu trúc phổi-phế quản như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, giãn phế quản, xơ phổi,... Do vậy, những bệnh nhân này cần tuân thủ đúng chế độ điều trị bệnh đang mắc. Ở những bệnh nhân nằm lâu cần thay đổi tư thế thường xuyên kết hợp với việc vỗ rung lồng ngực.
Khám bệnh khi có dấu hiệu bất thường: Tất cả mọi người khi phát hiện mình có những biểu hiện khác thường như sốt, ho khạc đờm, khó thở, đau ngực, chóng mặt, đau đầu,... phải tới ngay bác sĩ khám để xác định bệnh và điều trị kịp thời. Không nên tự dùng thuốc, đi khám muộn hoặc dùng thuốc không đều để bệnh tiến triển nặng gây các biến chứng nguy hiểm.
Tránh một số thói quen có hại như hút thuốc lá, thuốc lào, uống rượu, bia: Hút thuốc lá làm giảm rõ rệt sức đề kháng của niêm mạc đường hô hấp. Khi hút thuốc, các lông chuyển trên bề mặt tế bào biểu mô bị tê liệt, chuyển động rối loạn không đẩy chất nhầy lên được, các tế bào bảo vệ khác như đại thực bào hoặc bạch cầu cũng hoạt động không hiệu quả làm cho dễ bị nhiễm khuẩn. Khói thuốc không chỉ ảnh hưởng đến người hút mà còn ảnh hưởng đến người xung quanh hít phải khói thuốc, đặc biệt là trẻ nhỏ vì vậy không nên hút thuốc trong nhà.
Nghiện bia, rượu cũng làm suy giảm sức đề kháng chung của cơ thể. Khi uống bia, rượu nhiều gây giãn mạch ở dưới da làm cho người ta có cảm giác nóng nên thường cởi bớt quần áo, khăn, mũ nên dễ bị nhiễm lạnh, dẫn đến nhiễm khuẩn phế quản, phổi. Chưa kể đến các trường hợp uống rượu say nôn ra thức ăn, trong khi nôn dễ bị sặc thức ăn, chất tiết vào phế quản phổi gây viêm phổi nặng. Những người lạm dụng bia, rượu (uống trên 60 gam ethanol/ngày) tăng nguy cơ bị tai biến mạch máu não gấp khoảng 2 lần so với người không uống. Nguy cơ này càng tăng cao khi thời tiết lạnh.
Cần nâng cao sức đề kháng bằng việc tập thể dục đều đặn, đảm bảo chế độ dinh dưỡng đủ năng lượng, cân đối để có sức chống lạnh. Thường xuyên vệ sinh răng miệng, giữ đều nếp đánh răng sau khi ăn và trước khi đi ngủ để tránh nhiễm khuẩn răng miệng. Tiêm vaccin phòng cúm hàng năm, tiêm vaccin phế cầu, vaccin phòng vi khuẩn Hemophilus cho trẻ em, người trên 65 tuổi, nhất là người có bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh tim, đái tháo đường, bệnh gan hoặc suy giảm miễn dịch. Có thể dùng một số thuốc có các kháng nguyên của vi khuẩn làm tăng cường miễn dịch nhằm tăng cường sức đề kháng của niêm mạc đường hô hấp. Trẻ em cần được tiêm phòng đầy đủ các loại vaccin khác như sởi, bạch hầu theo chương trình tiêm chủng mở rộng... Theo TS. Lý Ngọc Kính - Sức Khoẻ & Đời Sống