Thói phân biệt giàu nghèo xấu xí của teen
Chỉ thích chơi với bạn nhà giàu, coi thường người nghèo khó; phân biệt đối xử giữa giàu và nghèo; với người giàu thì xu nịnh, người nghèo thì chê bai… đó chính là đặc thù của thói phân biệt đẳng cấp xấu xí ở teen.
Phân biệt từ cuộc sống
Khôn khéo, thông minh, tiến bộ, nhưng nhiều teen lại có kĩ năng sống rất kém. Nó xuất phát nhiều nhất ở thói quen trọng giàu, khinh nghèo của nhiều teen hiện nay. Không chỉ hiển hiện rõ rệt trong môi trường lớp học. Trong cuộc sống, nhiều teen vẫn chỉ thích chơi với bạn giàu, bạn sang, bạn cùng đẳng cấp mà đánh giá thấp những người khác.
Như hai anh chàng Hoàng UK và Benny Vũ (18 tuổi): Đã bao năm nay, hai quý công tử này chỉ chơi với nhau bởi không tìm được ai có cùng đẳng cấp để gia nhập nhóm với mình. Chơi với ai thua kém hơn, cả hai đều xem thường và mau chóng cho “văng”. Muốn chung nhóm với Hoàng và Vũ chỉ có thể là những người cùng tầng lớp “con quan, nhà biệt thự, đi xe hơi, dùng đồ hiệu”. Chính cái cách thức kén chọn vô lí ấy khiến cả hai cô lập mình và chẳng hề có bạn.
Không phải ai cũng có thể xài được hàng hiệu, hay xài sang.
Một số teen tuyển chọn bạn bè rất lạ lùng, chỉ có những ai xứng tầm đại gia mới khiến teen nể phục. Tiêu chí bạn bè không chỉ dựa vào tình bạn mà còn dựa vào đẳng cấp giàu sang. Với những bạn có nhã ý làm quen mà không xứng tầm thì: “Thôi, chơi với mấy đứa quê phiền lắm”.
Không ngoại trừ người lớn, nhiều bạn tỏ ra coi thường cả những người lao động tay chân mà theo teen là làm nghề thấp hèn. Những câu nói trống không, cách người khác hỏi không thèm trả lời, còn nếu teen có đáp lại thì cũng là những câu nói cấm cảu, không có đầu có đuôi, thưa gửi lại càng không hề có. Nói chuyện với người lớn mà một số teen tỏ thái độ vô cùng xấc láo. Bị hỏi thì khó chịu cứ như đi ban ơn cho người khác!
Không chỉ khi giao tiếp ngoài xã hội với những người không quen biết mới có hiện tượng này. Cả trong gia đình của teen cũng vậy! Nhiều teen tỏ ra rất hỗn với cô, dì, chú, bác – những người có địa vị thấp hơn trong xã hội. Đặc biệt những cô chú nào còn khó khăn, cần nhờ vả gia đình của mình thì nhiều bạn lại tỏ ra cực kì xem thường và hống hách (?).
Đến thói ham bạn giàu trong trường học
Video đang HOT
Trong môi trường học đường, thì điều này càng hiển hiện rõ rệt. Những nhóm bạn được xem là giàu có, hàng hiệu, đẳng cấp thường tụ tập chơi với nhau. Những bạn không biết hàng hiệu là gì, điện thoại cổ lỗ, đi xe cọc cạch thì không thể nào bước chung hàng với các teen “quý-sờ-tộc”.
Đừng chỉ chơi với những bạn khá giả, mà hãy hòa hợp với tất cả bạn bè nhé.
Cô nàng Thúy LV, 17 tuổi là điển hình của thói phân biệt đẳng cấp trong trường học của những quý-sờ-tộc. Đến trường nhưng chẳng khác gì đi dự tiệc, Thúy LV luôn khoác lên mình những phục trang đắt tiền. Gọi Thúy LV là do cô nàng rất chuộng nhãn hiệu LV, nên toàn bộ đồ dùng của Thúy đều thuộc hiệu đắt tiền này. Những người bạn chơi chung với cô nàng cũng chẳng mấy thua kém đẳng cấp. Nào là Long Gucci, Linda Buberry, Jimmy CK… Tất cả đều là con nhà quý-sờ-tộc tiêu tiền không gớm tay.
Thời gian gần đây, một số teen nhà mình bớt đi cái tính phân biệt đến độ dưới quê hay trên tỉnh? Nhưng quan trọng là phải giàu có, hợp với đẳng cấp và cách chơi của nhau thì mới tham gia nhóm được. Dù sao như vậy vẫn còn khá khẩm hơn trước kia. Nhiều bạn ở quê, khi lên thành phố thường bị trêu chọc.
Như nhóm bạn của cô nàng Thúy LV trước nay chẳng ưa gì dân quê. Chỉ cần thấy những bạn nào nói giọng “lạ” mà lại không biết dùng hàng hiệu, Thúy LV chẳng ngại xăm xoi cùng nhóm bạn lên tiếng chê bai. Có lần, thấy người bạn quê ở Cà Mau được tặng chiếc túi hiệu mới, cô nàng giở giọng mỉa mai: “Ôi, dạo này thấy có mấy đứa nông dân cũng tập đòi làm sang thế. Đã quê rồi mà có xách túi hiệu thì cũng chẳng đỡ nông dân đâu. Đeo vào chỉ làm xấu đi cái nhãn hiệu. Quê thì cứ chấp nhận quê bày đặt học đòi. Hay là mua hàng giả ngoài chợ rồi học làm sang. Bọn nhà quê chỉ thế thôi”.
Khổ nhất là những ai không được tham gia nhóm nào, thường là những bạn từ tỉnh chuyển lên mà hoàn cảnh cũng khó khăn. Nhất là nếu một cô bạn nghèo dưới tỉnh mà yêu một anh chàng thành phố điển trai, thì sẽ trở thành mục tiêu chính để những người xấu tính rèm pha, bàn tán những lời độc ác kiểu: “Con nhỏ quê, lên thành phố thấy trai là tít mắt. Nó là nó yêu tiền chứ yêu gì thằng đó. Dân quê con nào cũng mám như nhau thôi”.
Quan trọng là nhân cách con người
Các teen nhà mình tụ tập thành nhóm, phân chia giàu nghèo không còn là mới. Thế nhưng ít ai biết rằng có rất nhiều người giàu có lại đi lên từ những công việc mà teen cho là thấp kém. Những người tự dựa vào bản lĩnh của mình đi lên như vậy mới đáng nể và đáng trọng.
Trọng giàu, khinh nghèo là một thói quen rất xấu xí cần bỏ ngay. Một người giàu về nhân cách còn tốt hơn hàng ngàn lần người giàu về vật chất nhưng nhân cách yếu kém. Đó là chưa nói đến, đồng tiền là do cha mẹ làm ra, teen là người được sử dụng thì không có quyền gì coi thường những người lao động, hay bạn bè cùng ăn cùng học như mình.
Theo PLXH
Nỗi khổ của những teen quá "hot"
Bị chú ý, soi mói từ A đến Z
Chỉ cần có bề ngoài xinh xắn, đặc biệt một tẹo và tính tình dễ thương một chút là nhiều teen thường bị cộp ngay cho cái mác "hot teens". Không có chuẩn mực rõ ràng, không có quy định cụ thể, tất cả đều có thể thành danh "hotteens" nếu có gì đó nổi bật. Nhưng nổi bật thì hay bị người ta chú ý, mà khi bị chú ý đến thì thật lắm cái khổ.
Như cô bạn Thảo Huyền, 16 tuổi, từ ngày học lớp 9, Thảo Huyền đã nổi bật với chiều cao 1m70. Sở hữu khuôn mặt thanh tú với làn da trắng mịn, gia đình lại có điều kiện, Thảo Huyền được rất nhiều tờ báo mời chụp ảnh và đóng quảng cáo cho nhiều sản phẩm tuổi teen. Nổi tiếng vì xinh bao nhiêu thì cô bạn bị chú ý nhiều bấy nhiêu. Một phần vì Huyền khá nổi bật, mặt khác vì các teen khác hay chú ý xem hot girl thì có gì "khác người"!!! Facebook cô bạn lúc nào cũng đầy ắp người add, full friend đến độ người ta không thể add được nữa. Nhất cử nhất động của Huyền, dù chỉ là vài dòng status trên facebook cũng có thể trở thành đề tài bàn tán nóng hổi của nhiều người.
Từ chuyện học hành, chuyện ăn ở đâu đến chuyện yêu đương của các hot teens đều gây chú ý. Và hậu của chuyện chú ý là việc bàn tán về hot teens và những câu chuyện đời tư của các bạn í. Thậm chí, chuyện những hot teens yêu ai, người đó như thế nào? Hay chuyện gia đình, người thân, học hành của hot teens cũng dễ dàng trở thành đề bàn tài bàn tán nóng bỏng.
Chỉ cần xinh đẹp một chút, nổi bật một chút,
một số teen có thể bị muôn vàn rắc rối khi "được" gắn mác"hot teens". (Ảnh minh họa)
Bị phân biệt đối xử
Hot teens cũng là những con người bình thường như bao người khác. Thế nhưng chuyện được và bị phân biệt đối xử lại rất nổi cộm. Đơn giản như khi giải một bài toán khó, nếu một teen bình thường không giải được thì cũng ít ai đả động đến. Nhưng nếu lỡ "hot" mà thành tích học tập không cao sẽ bị quy ngay cho cái tội "có sắc mà chẳng có óc".
Hay như câu chuyện tình yêu của những hot boy, hot girl đang nổi cũng đầy rẫy những lời đồn thổi quanh tình yêu của họ. Nhất là các hot girl, chuyện người này người kia đồn thổi rằng họ cặp kè với đại gia không phải thiếu. Chỉ một tấm ảnh tình cảm tung lên cũng làm cư dân mạng xôn xao tò mò. Những tấm ảnh như vậy, hẳn sẽ chẳng ai quan tâm nếu là một teen bình thường. Nhưng khi bị cộp cho cái mác hot teen thì lại khác, kèm theo cái mác đó là đủ thứ chỉ trích, tránh nhiệm, áp lực.
Không chỉ thế, ngay cả chuyện ăn uống cũng vậy. Nếu bỗng thấy hình ảnh của một hot teen nào đó ăn hàng lề đường, ăn những món ăn vặt như bánh tráng nướng, phá lấu hay cá viên thì sẽ khối người nói đi nói lại, thậm chí chụp cả hình đề làm bằng chứng. Lập tức chỉ vài giờ sau đó, tấm hình đó đã được tung đi khắp nơi và trở thành đề tài nóng bỏng trên các forum như kiểu: "Cùng ngắm những hình ảnh mới nhất của hot teen ABC ăn hàng nào".
Dễ bị ghét lại hay gặp "quái nhân"
"Quái nhân" ở đây là kể đến những nhân vật có cách hành xử lập dị. Gặp nhiều nhất những người như vậy là các teengirl, thỉnh thoảng các teenboy cũng hay đụng độ nhưng với tần suất thấp hơn nhiều. Chuyện các hot teens ra đường gặp những người chạy đến cuồng nhiệt thái quá, hay có những hành động khó hiểu chẳng phải là hiếm.
Không chỉ thế, khi nhất cử nhất động bị chú ý thì rất dễ bị ghét, khó có ai có thể làm để hài lòng tất cả mọi người. Chưa kể đến chuyện, nhiều người lại có tính xấu ghen tị, thế là họ đi nói xấu đủ kiểu để xóa nhòa tên tuổi và tạo thêm scandal làm những hot teens cảm thấy suy sụp. Nhiều người dành thời gian để lập ra những web anti-fan và tìm cách tạo ra facebook giả để bêu rếu. Chuyện các hot teen bị những người lạ mặt add rồi nói xấu ngay tại facebook của mình là chuyện chẳng hề hiếm hoi.
Nhiều hot teen cảm thấy sợ chính cái danh hiệu hot của mình. Một hot teen tên S còn chia sẻ rằng: "Mình cảm thấy sợ cái cuộc sống của một hot girl. Nó quá phức tạp và khiến mình bị áp lực"
Các hot teens rất dễ vướng vào những câu chuyện tình cảm. Đơn giản vì họ xinh xắn và chẳng thiếu những cô gái, chàng trai khác yêu mến. Thế nhưng đó cũng là nỗi khổ của họ, bởi vì khi yêu mà không được đền đáp thì một số teen chẳng ngại đi kể lể khắp nơi, tìm người chia sẻ và bắt đầu buôn chuyện. Rồi chuyện bạn A thích bạn B, mà bạn B lại cảm mến hot teen tên X, thì chắc chắn hot teen đó sẽ có thêm một người... chẳng mấy ưa.
Thay lời kết
Một người bình thường, chẳng ai thích đời tư bị soi mói, hay bị những áp lực kể trên. Hot teens cũng là người và có cuộc sống của riêng họ. Thay vì dành cho hot teens những cái nhìn tò mò, hãy cảm thông hơn bạn ạ!
Theo PLXH