Thôi lang thang, về làng nuôi chó cảnh, trai trẻ kiếm hơn 100 triệu
Sau nhiều năm lang thang kiếm sống đó đây, Lê Công Huy (SN 92) đã trở về quê ở Sơn La lập nghiệp với nghề nuôi, buôn bán chó cảnh. Mỗi năm Huy cung cấp khoảng 400 con chó cảnh các loại ra thị trường và… nhẹ nhàng “bỏ túi” hơn 100 triệu đồng tiền lãi.
Đến bản KaLáp ( xã Chiềng Ngần, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La) hỏi nhà Huy nuôi chó cảnh, không ai là không biết. Khu nuôi nhốt chó cảnh của Huy nằm gần nhà ở; đó là những chiếc lồng sắt với nhiều kích cỡ khác nhau, được kê ngay ngắn trên nền bê tông. Bên trong là những con chó cảnh các loại, đang thi nhau sủa. Khi chúng tôi đến, Huy đang mở cửa lồng thả chó ra “tắm nắng”. Được dịp xổng chuồng, đàn chó cảnh, con nào, con nấy mừng rỡ, lăng xăng chạy ngược xuôi, nô đùa trong khu đất trống đã được quây lưới xung quanh.
Chàng trai trẻ Lê Công Huy nuôi chó cảnh từ cuối năm 2014.
Trò chuyện với chúng tôi, Huy kể về quãng thời gian của mình trước khi “bén duyên” với nghề nuôi chó cảnh. Không được may mắn như nhiều bạn bè cùng trang lứa khác, tuổi thơ của Huy thiếu thốn tình cảm của bố mẹ. Năm Huy vừa tròn 3 tuổi, bố mẹ bỏ đi, Huy được ông bà ngoại đưa về nuôi nấng. Thiếu thốn tình yêu thương của bố mẹ, Huy sống trong mặc cảm, tự ti. 17 tuổi, Huy bỏ học rồi bỏ đi lang thang, khi thì Hà Nội, lúc ở Bắc Ninh…
“Sau mấy năm trời đằng đẵng sống không mục đích, không có lý tưởng, tương lai mù mịt, năm 2014, Huy trở về thị trấn Hát Lót (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) phụ giúp cậu trông sân bóng. Hồi đó, cậu em nuôi mấy con chó cảnh. Giống chó cảnh Samoyed khá hiền và đáng yêu, Huy rất thích. Ý tưởng nuôi, buôn bán chó cảnh của em cũng bắt nguồn từ đó” – Huy nhớ lại.
Trại chó của Huy hiện lên đến hớn 50 con chó cảnh bố mẹ.
Bắt tay vào thực hiện ý định của mình, Huy gặp phải trở ngại lớn, đó là không có vốn. Sau nhiều lần hỏi vay mượn người thân không thành, Huy trở nên chán nản. “Qua mạng xã hội, Huy quen với anh Cao, quê ở Hà Nội. Anh ấy chuyển 10 triệu đồng nhờ tôi mua hộ con chim chào mào mơ. Không mua được chim, mình định chuyển trả thì anh ấy bảo em giữ lại mà mua con chó cảnh về nuôi. Em có được như ngày hôm nay là nhờ có sự giúp đỡ, động viên của anh Cao” – Huy chia sẻ.
Cuối năm 2014, Huy quyết định mua 1 con chó cảnh Samoyed với giá 10 triệu đồng, về nuôi. 2 tháng sau, kiếm được ít tiền vốn từ việc buôn bán chó cảnh, theo kiểu mua đi, bán lại, Huy mua thêm một con chó đực cũng thuộc dòng Samoyed về làm bạn với con chó cái mà mình mua trước đó.
Niềm đam mê với chó cảnh trong Huy ngày một nhân lên. Chàng trai phố núi này không ngừng sưu tầm, mua thêm các giống chó cảnh đang được thị trường ưa chuộng, về nuôi nhân giống.
Theo Huy, việc cho chó ra sưởi nắng mỗi ngày sẽ góp phần hạn chế dịch bệnh xảy ra ở đàn chó.
Việc nuôi, buôn bán chó cảnh của Huy diễn ra khá thuận lợi. Đàn chó cảnh ngày một nhiều lên, Huy làm chuồng nuôi nhốt và chia thành nhiều khu tách biệt: khu nhốt chó chửa, đẻ, khu nuôi chó con, khu dành cho chó “tắm nắng”. Khu nào, khu nấy đều được dọn dẹp vệ sinh đều đặn mỗi ngày, đảm bảo chuồng trại luôn sạch sẽ, thoáng mát. Ngoài ra, Huy còn lắp đèn sưởi cho chó con vào những ngày đông rét buốt.
Video đang HOT
Hiện trại chó của Huy có hơn 50 con chó bố, mẹ, trong đó có 35 con cái và 20 con đực, với các dòng chủ yếu như: Samoyed, Alaska, Bully, Phốc sóc, Poodle… Đây là những dòng chó cảnh đang được nhiều khách yêu thích trên thị trường.
Đàn chó cảnh của Huy, con nào, con nấy cũng sạch sẽ, ai thấy cũng mê.
Chia sẻ với Dân Việt về kĩ thuật chăm sóc chó cảnh, Huy cho biết: Việc chăm sóc chó cảnh khá cầu kỳ. Nếu không chăm sóc cẩn thận, khi chó bị dịch bệnh xảy ra thì mất hàng trăm triệu như chơi. Ngoài cho ăn thức ăn sạch còn phải đảm bảo đủ dinh dưỡng cho đàn chó sinh trưởng, phát triển tốt.
“Hàng ngày, em cho đàn chó ăn 2 bữa, thức ăn chủ yếu của chúng là cơm trộn với thịt lợn, rau xanh. Đối với chó chửa thì ngoài cho ăn như bình thường cần cho chúng uống thêm sữa tươi. Sau khi chó con đẻ được khoảng 6 tuần thì em tiêm phòng và tẩy giun sán cho chúng” – Huy bảo vậy.
Mỗi con chó đều được Huy đặt cho một cái tên như: mèo, bông…
Để đàn chó sinh trưởng, phát triển tốt, ngoài việc dọn dẹp vệ sinh mỗi ngày 2 lần, cứ cách 3 ngày, Huy lại khử trùng chuồng trại nuôi, nhốt 1 lần. Việc tắm cho đàn chó cảnh cũng được Huy thực hiện đều đặn mỗi tuần 1 lần.
Theo Huy, giá bán chó cảnh trung bình từ 5 – 6 triệu đồng/con. Có con giá bán lên đến 30 triệu đồng, còn thấp nhất cũng phải hơn 1 triệu đồng/con. Mỗi năm, cung cấp ra thị trường khoảng 400 con chó cảnh các loại, Huy thu hơn 200 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, Huy “bỏ túi” hơn 100 triệu đồng tiền lãi.
Theo Danviet
Cận cảnh: Trại rau thủy canh đẹp như phim của trai phố núi Sơn La
Hướng tới việc cung cấp nguồn hàng rau "Nói không với thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng kim loại có trong môi trường tự nhiên", anh Phạm Đình Cường, tổ 9, phường Quyết Thắng (T.P Sơn La, tỉnh Sơn La) đã mạnh dạn đầu tư trang trại trồng rau thủy canh đầu tiên ở phố núi Sơn La.
Trại rau thủy canh xanh mướt mát của anh Cường nằm tại bản Phường (xã Chiềng Ngần, T.P Sơn La, tỉnh Sơn La).
Tâm sự với phóng viên Dân Việt, anh Cường chia sẻ: Cơ duyên khiến mình quyết định đầu tư trồng rau thủy canh xuất phát từ những lý do sau: Sơn La là một tỉnh sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khá lớn, khoảng 300.000 lít/năm; nhiều hợp tác xã (HTX), trang trại trên địa bàn vẫn sử dụng thuốc kích thích để tạo ra mẫu mã đẹp cho rau, quả; trong khi đó, nhu cầu về rau sạch hiện nay của người dân rất lớn.
Anh Cường "khăn gói" đi khắp các tỉnh miền núi phía Bắc, cứ chỗ nào có mô hình hay về trồng rau sạch là nơi đó có dấu chân anh. Từ Điện Biên, Lai Châu, xuôi xuống tận Bắc Ninh để tìm hiểu các trại trồng rau hữu cơ, rau thủy canh và anh Cường quyết định gắn bó vời nghề trồng rau thủy canh.
Theo anh Cường, so với trồng rau theo phương pháp truyền thống thì trồng rau thủy canh cho năng suất, sản lượng gấp từ 2 - 3 lần, mẫu mã đẹp, chất lượng rau sạch rất an toàn, rất ít bị sâu bệnh.
"Để phòng trừ sâu bệnh, chúng tôi dùng dung dịch tỏi, ớt xay nhuyễn rồi ngâm với rượu phun, phòng trừ ở ngoài chứ không phun trực tiếp lên cây. Trung bình, mỗi tháng phun 2 lần. Nếu có cây nào bị nhiễm sâu bệnh, chúng tôi khoanh vùng và và xử lý triệt để." - anh Cường cho biết.
Thời gian trung bình để thu hoạch các loại rau là khoảng hơn một tháng. Do sản lượng còn ít nên chủ yếu anh Cường cung cấp rau cho các khách hàng thân quen trên địa bàn thành phố Sơn La.
Trang trại có đầy đủ các loại rau như: Rau xà lách (xà lách xanh, xà lách tím, xà lách xoăn, xà lách roman); rau muống; các loại rau cải (cải thìa, cải ngọt...); rau thơm...
Cũng theo anh Cường, thời gian tới sẽ lắp thêm hệ thống phun sương, khi nhiệt độ nóng quá thì hệ thống sẽ tự động phun sương để ổn định nhiệt độ trong nhà màng.
Ngoài trồng rau, anh Cường còn trồng cây dưa, cây cà chua
Anh Cường dùng 2 loại giá thể để trồng rau: Giá thể xơ dừa dùng để trồng rau muống, rau thơm, trồng cây ăn quả... Giá thể xốp trồng các loại rau còn lại.
Bể hồi lưu chứa chất dinh dưỡng được đặt chìm xuống dưới đất. Anh Cường pha chế dung dịch dinh dưỡng cho vào bể hồi lưu, máy bơm sẽ thực hiện chức năng cung cấp chất dinh dưỡng đến từng gốc rau, rồi lại chảy xuống bể hồi lưu, tạo thành hệ thống thủy canh tuần hoàn.
Mỗi giàn, có 7 ống nhựa dài hơn 13 m, khoảng 1.200 rọ. "Trồng rau thủy canh cho thời gian quay vòng rất nhanh, một năm có thể trồng được 12 vụ rau" - anh Cường thông tin.
Trang trại rau của anh Cường được trồng trong nhà màng, lưới chắn nhập khẩu từ Israel, vừa hạn chế thời tiết bất lợi, cách ly được côn trồng.
Hiện tại, diện tích trại rau thủy canh của anh Cường rộng 1.200 m2. Trong đó: 600 m2 trồng rau quả, số diện tích còn lại trồng dâu tây có giống từ Nhật và New Zealand. Dự kiến, khoảng 2 - 3 tháng nữa, mỗi ngày, trại rau của anh Cường sẽ cung cấp từ 30 - 40 kg các loại ra thị trường.
Theo Danviet
Chiềng Ngần đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại bền vững Phát huy lợi thế về khí hậu, đất đai, những năm gần đây, người dân xã Chiềng Ngần (thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La) đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với kinh tế trang trại, sản xuất tập trung, mang lại hiệu quả kinh tế cao... Chuyển đổi cơ cấu cây trồng Xã Chiềng Ngần nằm...