Thôi đành…
– Ra tòa, chị chỉ khóc. Những giọt nước mắt tủi thân, tức tưởi, xen lẫn oán giận. Không hẳn chị hận người đàn ông mình sắp ly hôn, vì thâm tâm chị cũng hiểu, anh đâu thể lựa chọn nơi mình sinh ra…
Anh ngồi đó, lúng túng cố tránh nhìn vào mắt chị. Họ không ồn ào trách móc nhau, càng không hơn thua, chỉ lặng lẽ trả lời những câu hỏi cần thiết. Không có đông người đến dự phiên tòa. Những ai có mặt đều tò mò nhìn một cụ ông gần bảy mươi tuổi có phần lam lũ, đang lăng xăng trông giữ hai đứa trẻ lên ba và lên sáu, con của anh chị, đang vô tư chơi đùa trong sân tòa. Đến khi tòa tuyên thuận tình ly hôn, ông cụ vội nắm tay anh chồng kéo kéo, miệng bảo: “Xong rồi, đi về với ba”. Anh chồng rụt mạnh tay lại, hoảng hốt nhìn hai đứa trẻ vừa được tòa xử cho ở với mẹ. Rồi, anh quay sang người từng là vợ mình, giọng nhỏ đến run run: “Để anh đưa mấy mẹ con về”.
Chị im lặng lắc đầu.
Ngày về làm dâu, chị nhận được lời hứa hẹn của ba mẹ chồng, lúc đó đã nghỉ dưỡng già, rằng sau này sẽ cho vợ chồng chị căn nhà đang ở. Cuộc sống chung chẳng mấy dễ dàng gì, bởi gánh nặng kinh tế, bởi ba chồng chị là người có tính so đo, khắc nghiệt với cả vợ con của mình, nói gì đến con dâu. Sau nhiều năm bệnh tật, mẹ chồng mất, căn nhà được bán, chia chác cho các anh chị khác. Phần còn lại, ba chồng chị lập ngay một sổ tiết kiệm cho mình. Gom góp lại, vay mượn mắc nợ khắp nơi, anh chị mua một căn nhà nhỏ, tất cả dọn về nhà mới ở. Bi kịch cũng bắt đầu từ đây.
Khách khứa đến nhà bất kể thân sơ đều được nghe một bài ca dằng dặc từ ông cụ, rằng đã bỏ tiền ra mua căn nhà này cho vợ chồng chị, thế mà ông đang phải sống khổ sở, thiếu thốn rằng cái gì cũng do chồng chị lo, chồng chị sắm. Rằng nhà này tiêu xài tốn kém lắm… Chị nghe, thầm mừng vì mình còn có thể tự kiếm tiền lo cho mấy mẹ con, nếu không, chắc còn khổ tâm đến mức nào. Không bao giờ chị dám mời bạn bè, khách khứa đến nhà. Cả cha mẹ, anh em của mình, chị cũng ngại. Ngay mấy đứa cháu bên chồng thi thoảng đến ở nhờ vài bữa cũng ngán ngại ông…
Cuộc sống chung ngột ngạt, chị vốn đã vất vả kiếm sống, càng thêm mỏi mệt. Anh cũng chẳng sung sướng hơn vì không thể thay đổi được gì. Thương chồng, không muốn gia đình tan vỡ vì lý do chẳng ai tin được, nhưng sức chịu đựng của chị cũng có hạn. Chị không muốn con mình phải lớn lên trong không khí gia đình như vậy. Chị nhắc chồng khuyên cha mở lòng hơn với con cháu, nhưng anh luôn gạt đi, cho rằng làm con thì phải có hiếu. Chữ “hiếu” sai đường của anh làm chị và cả nhà khổ sở. Được anh hậu thuẫn, ông cụ coi dâu và cháu như cái gai trong nhà, cho rằng mẹ con chị chỉ lăm lăm chiếm lấy tài sản của hai cha con ông. Giọt nước tràn ly khi một lần, anh chị cãi nhau, nhắc đến việc ly hôn, ba chồng chị thẳng thừng: “Tụi bây bỏ nhau sớm tao còn mừng…”.
Ra tòa, anh cầu xin chị nghĩ lại. Khó khăn lắm mới có được cuộc sống tạm ổn như hiện nay, cha mẹ cũng đâu ăn đời ở kiếp với mình. Người già cũng như trẻ nhỏ, trách chi… Nhưng chị làm sao sống nếu cứ phải suy nghĩ bất nhẫn mong ngóng một ngày mình được “giải thoát”, khi tuổi xuân đã qua gần hết trong khổ sở tủi nhục. Chị chấp nhận ra đi dù chút tiền còm cõi thuộc phần chị chẳng đủ để mấy mẹ con mua một chỗ nương thân. Gần mười năm đi làm, chị chưng hửng nhận ra mình tay trắng… Chị uất nghẹn nghĩ, giá như ba anh không tỉnh táo đến chi li lạnh lùng như vậy và anh không thờ ơ dửng dưng với nỗi khổ triền miên của mấy mẹ con chị, chuyện có lẽ đã khác…
Thôi thì, chị nắm chặt tay con tự nhủ, thà trễ còn hơn chịu đựng mãi…
Theo Bưu Điện Việt Nam
Video đang HOT
Ai sinh ra dưới chòm sao hạnh phúc?
Tôi thường được hỏi sinh ra dưới ngôi sao nào, mà họ thấy tôi tự tại thế.
Hạnh phúc là thứ ta nghĩ chứ đâu phải là việc ta có được những gì?
Người Việt Nam chú trọng tới ngày giờ sinh và tử vi ra sao, thì người Hoa quan tâm tới chòm sao chiếu mệnh. Chúng ta cùng chung một điều mê tín, rằng: Ngày tháng năm sinh sẽ ảnh hưởng tới tính cách của bạn, và quyết định cuộc đời cùng phẩm chất của bạn.
Thế hệ 7X và 8X người Hoa lên mạng làm quen thường hỏi nhau sinh ra dưới chòm sao Hoàng đạo nào, chứ không hỏi bạn bao nhiêu tuổi, hoặc hỏi bạn quê ở đâu, người miền nào, tính cách ra sao. Ngày tôi sinh đứa bé út, bạn bè người Việt luôn hỏi cháu sinh ra nặng mấy kg, "giai tháng Tám" là rất đầu gấu đấy nhé, cẩn thận mà dạy bảo nó! Còn bạn bè người Hoa lại hỏi, cháu sinh ngày nào, để tính ngôi sao chủ mệnh. Hoặc tính toán ra linh vật hoặc thứ tượng trưng cho cháu. Họ bảo: A, em bé Thiên Bình (Libra) dễ thương đáng yêu và mẫn cảm lắm đây!
Tôi nghĩ thầm, không lẽ cuộc đời ta là một hành trình được viết sẵn ngay từ thời điểm ta chào đời? Hay hạnh phúc là một món quà tặng đã được số phận trù định cho ta, từ ngày cha mẹ cho ta làm người?
Tuổi và ngày giờ sinh của một con người, theo cách nghĩ duy tâm và truyền thống, sẽ rất quan trọng khi bạn làm đám cưới và xây nhà. Tuổi của chủ nhân sự kiện - bất kể nam hay nữ - đều sẽ được cân nhắc bởi cả đại gia đình, được nâng lên đặt xuống xem xét trong dữ liệu của những vị bô lão duy tâm. Đó không đơn thuần là mê tín, điều ấy chỉ phản ánh mong ước chính đáng sẽ được hạnh phúc suôn sẻ thuận lợi tới tận cùng của một gia đình mà thôi.
Không ít đôi uyên ương đã chia tay nhau vì gia đình ngăn cản hôn lễ và tình yêu. Họ sợ không hợp tuổi, yêu nhau bằng mười hại nhau, cố quá sẽ quá cố.
Vợ chồng tôi khắc tuổi với nhau.
Và chúng tôi tự quyết định ngày cưới, không phải nhờ cậy một cẩm nang "Lịch vạn niên" hay một ông thầy bói mù đoán ngày lành tháng tốt hộ. Ông xã tôi nói, năm xấu thì cũng phải có một ngày tốt, một ngày xấu thì cũng phải có giờ tốt chứ. Mà làm thằng đàn ông, cứ bị trói vào hôn nhân ngày nào là ngày đó... trở thành ngày xấu nhất đời của gã đàn ông đó rồi, xem xét cái gì!
Còn tôi thì thực tế và kém hài hước hơn ông xã, tôi cho rằng: Hãy nhìn xã hội Việt Nam xem, vô vàn gia đình bất hạnh đều đã cưới nhau vào một ngày lành tháng tốt nào đó đấy thôi! Bao nhiêu gia đình lục đục tan vỡ, họ cũng chọn ngày giờ tốt để lấy nhau đó chứ! Vậy, rõ ràng, ngày giờ tốt và tuổi hợp nhau đâu có quyết định hôn nhân của bạn có mỹ mãn hay không? Nên em cũng chẳng tin vào ngày lành tháng tốt!
Tôi có một cô bạn, chờ phải được tuổi mới cưới. Chưa được tuổi, cô ấy dứt khoát chỉ dọn đồ về sống chung với người yêu thôi. Một thời gian sau, cô ấy sinh đứa con đầu lòng, thế mà vẫn chưa đến tuổi tốt để kết hôn! Cách đây mấy năm, khi cô ấy sắp 35 tuổi, cô ấy thông báo với ông chồng chưa cưới rằng, giờ đã đến ngày tháng tốt để kết hôn rồi đấy! Cô ấy vẫn chăm chỉ tập Yoga để giữ vòng eo lý tưởng cho chiếc váy cưới. Ông xã của cô ấy phì cười và nói, em thật là ấu trĩ. Đàn bà mà đã ba mươi trở ra rồi thì năm nào cũng là năm tốt để kết hôn, ngày nào cũng là ngày Hoàng đạo để lấy chồng! Với lại, đang yên đang lành sao giờ tự nhiên lại phải tốn thêm một món tiền để... làm đám cưới?
Thì ra, lý do của hạnh phúc là nằm ở chỗ, bạn nghĩ gì, bạn sống ra sao, chứ không phải được quyết định bởi bạn sinh ra dưới chòm sao nào, bạn cưới chồng có vào ngày tốt, có lấy được người hợp tuổi? Nhiều khi, hạnh phúc còn không hề liên quan gì tới tình ái hay hôn nhân, hạnh phúc chỉ giản đơn là hài lòng với cuộc sống, biết đủ, không đòi hỏi, càng không ràng thêm những ràng buộc vô lý lên đời mình.
Kiểu như, bạn nói với chàng, anh ở cung Nhân Mã phải không, bốc đồng lắm, khó làm người chồng tốt được! (Bạn làm sao biết được, chính bạn mới đang là một kẻ bốc đồng!)
Tôi thường ghen tị với hạnh phúc của những phụ nữ xinh đẹp có được một cuộc hôn nhân êm ấm, giàu có, sự nghiệp hiển vinh. Tôi cũng thèm muốn cuộc sống của những người vợ có thể không cần đi làm mà gia đình vẫn không chết đói. Người vợ có thể ở nhà, làm nội trợ, nuôi con, may vá, chăm sóc cửa nhà và người thân, như bạn tôi, cưới xong, chồng nuôi từ đó đến giờ, để ở nhà ngồi viết văn.
Không hiểu vì sao, vào những lúc long đong vất vả kiếm sống nuôi gia đình, trên những chặng đường xa bụi bặm, trong những bữa cơm đường cháo chợ một mình theo đuổi niềm đam mê, tôi lại thường nhớ quay quắt đến hình ảnh sum vầy của gia đình, ông bà bố mẹ con cái, như một biểu tượng của hạnh phúc. Thèm đính một bông hoa lên váy con gái, thèm nấu một món canh cua hoa mướp cho cả gia đình.
Tôi nghĩ, có lẽ hạnh phúc phải là một cuộc hôn nhân không sóng gió. Hoàn hảo từ giờ phút trao nhẫn, trân trọng từ ngày tháng trở đi.
Nên vào những lúc phải lăn lộn vì cuộc sống, tôi thường tự nhủ, có khi ông bà bố mẹ chúng ta đã đúng. Ngày lành tháng tốt của một đám cưới có thể ít nhiều ảnh hưởng đến cuộc hôn nhân êm đềm hay sóng gió. Mà vào những ngày còn trẻ, còn ngông nghênh và chưa biết sợ, chúng tôi đã cười khẩy vào mọi lý lẽ duy tâm, chỉ tin rằng hạnh phúc là thứ ta nghĩ trong đầu và ta cảm nhận trong tim, chứ không phải là thứ ta muốn và ta có. Và rằng, giá như nghe lời các bậc trưởng lão, biết đâu giờ đây tôi đang được ngồi bàn giấy công sở, mưa không tới mặt nắng chẳng tới đầu, không bị dày vò bởi những cơn khát sáng tạo, và hôn nhân của chúng tôi cũng êm đềm phẳng lặng như mọi gia đình khác, không thách thức nhau và không phủ nhận nhau. Và tôi có thể mặc áo màu dịu dàng, ngồi trong bếp thái rau, luộc thịt, chứ không phải một thân một mình vác máy ảnh và laptop cùng máy quay phim đi liên miên như một kẻ độc thân.
Trong tâm trạng cô đơn, tôi viết một bức thư cho một thần tượng của tôi, một phụ nữ xinh đẹp, hôn nhân êm ấm, giàu có, sự nghiệp hiển vinh. Tôi nói, tôi là Trang Hạ, tôi vẫn thấy chị trên bìa tạp chí và trên truyền hình. Tôi thần tượng chị. Vì chị thật hạnh phúc theo cách được cả xã hội tán dương.
Thần tượng của tôi reply sau đó một ngày:
"Chị vẫn kín đáo theo dõi Trang Hạ nhiều năm nay, vì em mới chính là một thần tượng của chị. Em có thể làm tất cả những gì mà chị không có quyền làm. Em có thể nói lời mà em nghĩ, đi nơi mà em muốn. Còn chị, ngay cả khi chị muốn một ngày "không mặc áo đẹp" thì cũng không ai cho phép chị làm điều đó cả. Chị muốn một ngày của riêng mình, không chồng con nào và công chúng nào cho chị một ngày đó cả! Nên hãy quý lấy cuộc sống của chính em."
Và sau đó không lâu, tôi cũng nhận được một lá thư đẫm nước mắt của một cô bạn gái, người bạn mà sau đám cưới, chồng không để cô ấy thiếu thứ gì, và cô ấy chỉ ở nhà làm chức phận người vợ. Cô ấy nói, đã mười năm nay, từ sau khi lấy chồng, cô ấy không viết văn được nữa.
Tôi hỏi vì sao.
Cô ấy nói, xinh đẹp giỏi giang mấy, lấy người chồng đẹp trai giàu có mấy, mà bản thân không ra được khỏi cửa, thì khác gì cầm tù trong một cái hộp vàng? Viết văn làm sao khi ngồi giữa cái tháp ngà, cảm xúc yêu và sống hàng ngày chỉ thu gọn trong khoảng cách từ chợ rau cạnh nhà về đến cửa là 300 mét? Tiền thì chồng có cho nhiều đấy, nhưng cô ấy không dám uống một tách cà phê, chỉ vì đó không phải là tiền của cô! Và cô thèm muốn làm sao được như tôi, mỗi sáng ngủ dậy ở một khách sạn khác nhau, tiêu những đồng tiền do chính tay mình làm ra, được hít thở không khí theo cách tôi muốn!
Vậy hạnh phúc là thứ ta nghĩ chứ đâu phải là việc ta có được những gì?
Tôi nhớ tới đám cưới của một nghệ sĩ thế hệ trước. Bà là một nghệ sĩ đích thực, bà rất trân trọng hôn nhân, bà không chỉ chọn ngày tháng tuyệt đẹp, còn chọn nơi làm đám cưới đúng phong thủy, chọn màu trang phục cho đám cưới theo đúng bản mệnh, và cưới xong, bà chia tay môi trường nghệ thuật để ở nhà làm một bà vợ đúng nghĩa. Bà nghĩ, đám cưới chu đáo và hoàn hảo, hôn nhân chung thủy và tuyệt đối, vậy là hạnh phúc.
Sau mười tháng, bà ly hôn. Chỉ vì, thứ bà nghĩ là hạnh phúc, hóa ra là sự tẻ nhạt của một căn hộ chung cư cao cấp cộng với sự nhạt nhẽo của một gia đình mà ở đó, chồng thì nghĩ tiền và tình dục là đủ còn vợ thì nghĩ hình như mình đang làm gái bao vô thời hạn vì chỉ nhận được có tiền và tình dục.
Tôi nghĩ, luôn có chòm sao hạnh phúc chiếu mệnh cho chúng ta. Chỉ có điều, ta có nhìn nhận đó là hạnh phúc hay không, mà thôi.
Theo Bưu Điện Việt Nam
Hạnh phúc của gái hoàn lương Ký ức về người cha trong Hương hoàn toàn là một khoảng trống. Cô được sinh ra bởi một người đàn bà khổ hạnh và nghèo khó. Vết xe đổ của mẹ Mẹ cô có một mối tình lầm lỡ với người đàn ông đã có gia đình. Khi bà mang thai Hương, ông ta đã chối bỏ cả hai mẹ con. Ở...