Thời đại mạng xã hội
Mạng xã hội là một câu chuyện cũ, một đề tài không mới… Nhưng dẫu cũ hay mới gì thì cũng phải thừa nhận mạng xã hội đang được mặc định có đời sống song song với đời sống thực.
Và rõ ràng khi một phương tiện chuyển tải thông tin hay kết nối mọi cá nhân được thừa nhận và sử dụng ngày một đông đảo hơn, mạng xã hội bắt đầu phát huy vai trò của nó về nhiều mặt, tích cực lẫn tiêu cực.
Tin giả, là một vấn đề nghiêm trọng mà người sử dụng mạng xã hội đang đối mặt. Tuy nhiên, tin thiệt trên mạng xã hội cũng cần được nhìn nhận trong việc uốn nắn, chỉnh sửa các hành vi không phù hợp trong đời sống…
Những địa chấn thông tin
Một status, một clip, một hình ảnh… ghi lại điều gì đó trái tai gai mắt được chuyển tải lên mạng xã hội nhanh chóng tạo thành một cơn địa chấn thông tin. Nếu như trước đây, cơn địa chấn ấy khoanh vùng trên mạng xã hội thì hiện tại đã gây rung lắc ở đời thực.
Thích hay không thích, ghét hay không ghét gì thì rõ ràng nếu mình không làm sai thì không việc gì phải lo lắng, dẫu cho có hoặc không có mạng xã hội.
1. Tôi vừa đọc được bài báo rất thú vị kể chuyện về giới giải trí ở Trung Quốc, giới giải trí nước này đang gặp vấn đề khó chịu với những cá nhân sống bằng nghề livestream (phát trực tuyến dựa vào ứng dụng của mạng xã hội). Những nghệ sĩ luôn cảm thấy bị làm phiền, bị trở thành miếng mồi của những người sống dựa vào mạng xã hội.
Minh hoạ: Ngô Xuân Khôi
Họ livestream mình đang đứng cạnh các nghệ sĩ nổi tiếng ở sân bay, ở show trình diễn hay trên đường phố, họ muốn đám đông tin rằng họ am tường đời sống nghệ sĩ, thân thiết với nghệ sĩ và từ đó nếu ai muốn mua tin tức (thường là các cơ quan báo chí, trang tin giải trí) có thể liên hệ giao dịch với họ.
Nghệ sĩ bị họ quấy rối rất nhiều, thậm chí có người còn bị tấn công nếu cố ngăn cản họ livestream. Tuy nhiên, nghệ sĩ sẽ chọn cách nhờ nhân viên ngăn cản họ thay vì cãi vã hoặc tìm cách tấn công lại để trả thù.
Có nhiều vụ việc đã xảy ra ở nước ta xung quanh những câu chuyện trên mạng xã hội ở cả hai khía cạnh, người đưa tin giả bị xử phạt và người bị phản ánh đúng trên mạng xã hội bị xử lý.
Một đoạn clip tấn công nhân viên an ninh sân bay, vài giây hình ảnh tấn công người khác ở trạm dừng chân… hai vụ việc ầm ĩ đã được lãnh đạo Bộ Công an xử lý rất dứt khoát, đúng quy trình, đúng quy định, không bao che, không vị nể.
Tất nhiên hành vi giao tiếp thông thường phản ánh trình độ nhận thức và tư duy của cá nhân, dẫu vậy làm người cũng không tránh được những hỉ nộ ái ố tức thời. Ngay trong chúng ta (quý độc giả và tôi), có ai chắc mình chưa một lần hồ đồ, có ai tự tin mình chưa một lần sai quấy, có ai quả quyết mình chưa một lần hối hận vì làm sai…
Rõ ràng, hành vi tấn công nhân viên an ninh sân bay hay người khác đều là những việc pháp luật không cho phép và tôi hoàn toàn không có ý định bênh vực cho các cá nhân này.
2. Có lần khi đang tham gia lưu thông trên đường, bất ngờ một phụ nữ lao xe gắn máy vào phương tiện di chuyển của tôi. Hôm đó, tôi có cuộc họp nên mặc đồ đúng quy định của ngành. Thiệt ra, xe thì có bảo hiểm, điều không may không ai muốn miễn sao người không bị gì là may mắn lắm rồi. Thật ngạc nhiên là ngay khi tôi chưa kịp hỏi thăm, thì người phụ nữ đã gào lên những từ ngữ thô tục, tay lăm lăm điện thoại.
Tôi có thưa với người phụ nữ ấy là tôi không đôi co những chuyện không đáng, thêm nữa tôi hoàn toàn không e ngại khi người phụ nữ to tiếng hay livestream. Vì sự thật chưa bao giờ bảo vệ cho người sai quấy. Sau khi tôi nói dứt câu thì người phụ nữ cũng dịu xuống, trao đổi thêm chút thì chào nhau rồi mỗi người một hướng.
Tôi không có ý định khoe khoang hay cho rằng cách hành xử của tôi là phù hợp để độc giả có thể tham khảo hoặc thực hiện theo. Bởi mỗi cá nhân phải chịu trách nhiệm trước hành vi của mình, quan trọng hơn, mỗi người một tư duy riêng.
Nhưng, tôi nghĩ rằng thời đại mạng xã hội là thời đại mà nạn nhân hay thủ phạm bị tố cáo trên mạng xã hội đều có khoảng cách rất gần. Và cảm xúc của đám đông thì rất khó để kiềm chế, nhất là khi người bị phản ánh lại thuộc về phạm trù yêu ghét đầy định kiến.
3. Tiền nhân dạy, “Chưa đánh được người mặt đỏ như vang, đánh được người rồi mặt vàng như nghệ”, cũng không phải ngẫu nhiên mà người Nhật khúc triết, “Sông sâu tĩnh lặng, lúa chín cúi đầu”.
Nhường nhịn nhau trong cuộc sống, lấy lời nói phân tích làm chìa khóa giải quyết mâu thuẫn… không phải là ngại va chạm, không phải là ngại rắc rối, cũng không phải là hèn nhát hay nhu nhược. Mà là vì chúng ta còn có nhiều mối quan tâm hơn, còn có nhiều người cần chăm sóc hơn, còn có nhiều việc phải tập trung hơn, còn có nhiều vấn đề phải giải quyết hơn.
Hành động trong cơn giận dữ hệt như cố giương buồm thi cuồng phong đang hiện hữu ở biển khơi, nhất là trong bối cảnh mọi hành động ấy đều được quay phim lại (hoặc từ camera giám sát) rồi sau đó chuyển tải lên mạng xã hội. Nghĩ đến hậu quả không phải là điều gì quá khó khăn, bất cứ ai có nhận thức đủ để giữ sự bình tĩnh trong các tình huống “bất ngờ” này đều có thể nghĩ về hậu quả trước khi muốn hành động.
Video đang HOT
Ứng xử phù hợp trong thời đại mạng xã hội không làm cá nhân trở nên suy yếu hay mất sự kiêu hãnh của bản thân, mà thay vào đó, nó sẽ giúp cho cá nhân tiệm cận hơn với sự văn minh lẫn bặt thiệp.
Xét tới xét lui, suy đi suy lại cho đến tận cùng thì chỉ có lợi cho cá nhân ấy mà không mảy may tiềm ẩn bất cứ rủi ro nào.
( Ngô Nguyệt Lãng)
Giám sát sự ủy nhiệm
Mạng xã hội đã phát triển như một cái chợ trời, rao bán niềm vui, trả giá nỗi buồn, và cũng đầy rẫy những thô lỗ, tục tằn. Thế nhưng, mạng xã hội đã chứng minh được một ưu điểm là góp phần uốn nắn những hành vi ứng xử hơi xô lệch.
Mạng xã hội tạo ra sức ép dư luận buộc những cá nhân và những tổ chức có liên quan phải hành động phù hợp với chuẩn mực chung. Rất nhiều trường hợp đã cho thấy hiệu quả tích cực của mạng xã hội. Tuy nhiên, một giá trị cần tiếp tục được phát huy ở mạng xã hội chính là thái độ giám sát sự ủy nhiệm.
Người bình thường luôn phải sống theo pháp luật và đạo đức cộng đồng. Và những người được làm công việc đặc biệt hơn, như nhân viên công vụ hoặc lãnh đạo tổ chức, thì càng phải tuân thủ tuyệt đối các quy ước cao nhất về pháp luật và đạo đức.
Vì sao, vì họ đã nhận được sự ủy nhiệm quyền lực của xã hội. Khi một người đã nhận sự ủy nhiệm của xã hội, nghĩa là đồng thời được ủy nhiệm sự quản trị và ủy nhiệm sự gương mẫu. Hai thứ gánh vác ấy phải tồn tại song song, không thể chỉ quan tâm về ủy nhiệm sự quản trị mà không chú ý về ủy nhiệm sự gương mẫu.
Ủy nhiệm sự quản trị được đánh giá bởi nhiều đơn vị hành chính và đơn vị chuyên môn, còn ủy nhiệm sự gương mẫu được theo dõi bởi bá tánh, mà mạng xã hội đang giữ vai trò không thể phủ nhận.
Minh hoạ: Ngô Xuân Khôi
Mạng xã hội có quá khắt khe với những người được ủy nhiệm quyền lực không? Nếu có, cũng không phải điều gì đáng sợ hãi. Cái câu cửa miệng rất xưa cũ nhưng chưa bao giờ lỗi mốt là “Bụt trên cao, gà nào mổ mắt”. Thực sự ở đẳng cấp Bụt thì không cần lo lắng mấy trò trêu chọc của đám gà. Ngược lại, nếu chưa đạt được tầm vóc của Bụt, thì vài tiếng gáy lao xao từ phía đám gà cũng có ý nghĩa cảnh tỉnh thiết yếu.
Đã là con người, ai cũng có khiếm khuyết ở mặt nọ hoặc mặt kia. Thế nhưng, khi đã nhận sự ủy nhiệm quyền lực thì phải tích cực vận động để hoàn thiện bản thân. Dù tập thể ủy nhiệm có quy mô nhỏ hay lớn, thì người nhận ủy nhiệm sự quản trị phải biết cống hiến và nhận ủy nhiệm sự gương mẫu phải biết tu dưỡng. Đó là sự tự trọng tối thiểu đối với nghề nghiệp và đối với chính mình.
Mạng xã hội cũng chưa thanh lọc hết những biểu hiện cực đoan. Ngôn từ hàm hồ, lời lẽ miệt thị vẫn chiếm một tỉ lệ không nhỏ trong các status hoặc các comment. Đôi khi cơn hào hứng thiếu kiềm chế khiến đối tượng được giám sát cảm thấy tổn thương và xúc phạm.
Hạn chế ấy của mạng xã hội khó có thể khắc phục trong ngày một ngày hai, nhất là khi nhiều người vẫn tin rằng cái tài khoản ảo không ai biết được và không ai khống chế. Trong bối cảnh nhiều bức bối và nhiều ngột ngạt, chúng ta tạm thời chấp nhận mảng tối của mạng xã hội như một nhu cầu giải tỏa nhân danh đám đông.
Còn về hướng tích cực, cũng nhờ mạng xã hội mà nhiều vấn đề ít lành mạnh đã được giải quyết. Những tiếng nói thiện chí và tích cực trên mạng xã hội đã giúp tinh thần dân chủ được triển khai tương đối mạnh mẽ trong việc giám sát sự ủy nhiệm.
Mạng xã hội cũng có không ít tin giả, tin dỏm, tin gán ghép, tin bịa đặt… Thế nhưng, mạng xã hội được hỗ trợ một công cụ đồng hành cực kỳ hữu dụng chính là cái điện thoại thông minh. Lời nói thì có thể gió bay, biện giải thì có thể cãi qua cãi lại, nhưng hình ảnh và âm thanh từ clip thì rõ ràng mười mươi. Khi ai cũng có thể dùng cái điện thoại trong tay mình để quay lại những gì xảy ra, thì có muốn “trọng cung” cũng phải thua “trọng chứng”.
Đã có hàng ngàn clip gây bão trên mạng xã hội, và qua từng clip có thể phân xử đúng sai, hay dở cho từng con người, cho từng sự việc. Nếu không có clip, thì hành vi chửi bới đồng nghiệp kiểu thô bỉ của anh chàng phóng viên một Đài truyền hình kỹ thuật số, không thể nào bị phơi bày và bị xử lý nhanh chóng như vậy được. Chính giới truyền thông cũng bị giám sát bởi mạng xã hội, thì sự điều chỉnh hành vi ứng xử luôn mang lại kết quả thấu lý đạt tình hơn.
Mạng xã hội giám sát sự ủy nhiệm quyền lực, quan trọng nhất vẫn nằm ở giám sát ủy nhiệm sự gương mẫu. Bởi lẽ, trình độ và năng lực chuyên môn của một người nào đó có thể có tính riêng biệt, nhưng nền tảng văn hóa phải tuân thủ khung thước cơ bản đã định vị. Sự tham lam, sự hung hãn, sự táo tợn… vì cậy giàu, cậy mạnh ở chốn đông người đều không thể qua mắt được cư dân mạng. Mà cậy vô văn hóa để làm càn, làm quấy thì càng dễ bị mạng xã hội phát hiện dễ dàng và lên án gay gắt.
Ở vài trường hợp, cá nhân được ủy nhiệm quyền lực có thể trách giận mạng xã hội đã phũ phàng với họ. Tuy nhiên, hãy thật bình tĩnh để có được bản lĩnh tiên trách kỷ, hậu trách nhân.
Nếu một người đã được ủy nhiệm sự gương mẫu mà lại dùng sự ủy nhiệm ấy để tác oai tác quái nhằm mưu cầu lợi ích hoặc mưu cầu biệt đãi cho mình, thì đã đi ngược lại với mong muốn chung của mọi người. Được ủy nhiệm sự gương mẫu thì không thể lấy lý do gì để không gương mẫu. Bởi lẽ, từ sự ủy nhiệm của xã hội, họ đã được gửi gắm cả uy phong lẫn hy vọng.
Không thể có chuyện, một cá nhân nhận ủy nhiệm sự gương mẫu để làm họa sĩ, tham dự lễ hội của họa mi, hưởng thụ danh vọng của họa mi, đi đứng khụng khiệng của họa mi, ăn trên ngồi trước của họa sĩ… rồi khi bị phơi bày những sai sót và lầm lạc thì lại quay ngược 180 độ để la toáng lên với mạng xã hội rằng: “Đừng đòi hỏi gì ở tôi, tôi chỉ là một con chim sẻ!”. Làm người, ai lại làm thế. Mà muốn làm thế cũng không yên với mạng xã hội.
(Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn)
Những đôi mắt hình viên đạn
Cách đây chưa lâu, tôi được mời tới dự một buổi tiệc nhỏ mà thành phần tham dự chỉ dưới 10 người. Giữa buổi tiệc, bỗng dưng có một nhóm 3 người kéo vào nhập tiệc chung. Họ là bạn của một người trong số chúng tôi. Kiểu “ghép bàn” này thực tế khá phổ biến trong các cuộc chơi lai rai nên tất cả đều niềm nở đón tiếp những người mới.
Nhưng mọi chuyện không suôn sẻ như mọi cuộc ghép bàn khác. Khi tôi được hỏi về bản thân mình và có lời tự giới thiệu tên tuổi, nơi công tác, một người mới nhập bàn đã giở một cái giọng rất kẻ cả: “À, chú làm ở toà soạn đấy hả? Chú có biết cái thằng nhà báo X không?”. Tôi lập tức căng thẳng. Và tôi nghiêm mặt, nhìn thẳng vào mắt đối tượng: “Xin lỗi anh, cơ quan em không có ai tên là X và càng không có thằng nhà báo nào ở cơ quan em cả. Ở chỗ em làm, không có ai có thể bị gọi bằng thằng”.
Cái “xúc động” ấy của tôi sau này được một đàn anh đồng nghiệp nhắc lại. Cũng là người dự buổi tiệc đó, anh nói: “Chú hơi nóng. Anh biết là chú đúng hoàn toàn nhưng sao không kệ chúng nó đi?”. Tôi hiểu người anh muốn khuyên nhủ điều tốt cho mình. Nhưng nếu quay lại thời khắc ấy, tôi vẫn sẽ nghiêm mặt mà nói những điều như thế. Là người làm báo, tôi không cho phép ai được quyền lăng mạ nghề của mình, đồng nghiệp của mình.
Kể lại câu chuyện ấy để thấy rất rõ rằng đã, đang và vẫn có một thái độ rất khó chịu của một bộ phận đối với những người làm báo. Trên những diễn đàn, tôi đọc được nhiều mỉa mai về nghề ký giả kiểu như “không biết làm gì thì đi làm báo” hay “cái bọn thi đại học khối C”, “bọn thi đại học 3 môn 9 điểm”. Cách miệt thị này thực chất có lý do của nó.
Minh hoạ: Ngô Xuân Khôi
Không phải là không có những người tạm gọi là nhà báo đang trục lợi một cách trắng trợn bằng nghề của mình. Không phải là không có những người tạm gọi là nhà báo mà viết một câu cũng không ra hồn. Nhưng không phải là tất cả các nhà báo đều như thế. Và cái thái độ miệt thị, thái độ nhìn nghề báo bằng “đôi mắt hình viên đạn” theo kiểu vơ đũa cả nắm kia là không thể chấp nhận được.
Từ cái thái độ đối với nghề báo, nghề của tôi, nếu chúng ta nhìn nhận lại chính bản thân mình, và nhìn rộng ra cả xã hội, chúng ta sẽ thấy rất rõ đang có một xu hướng mang “đôi mắt hình viên đạn” để soi xét mọi lĩnh vực, ngành nghề. Cách đây chỉ chục hôm, ngày Hiến chương các nhà giáo Việt Nam, ta có thể thấy ngập tràn facebook là những lời có cánh cho nghề giáo. Nhưng đi qua ngày ấy thì sao? Thái độ với ngành giáo dục thực sự rất nặng nề. Tất nhiên, ngành giáo dục của chúng ta đầy rẫy vấn đề rồi nhưng hãy nghĩ rằng chỉ những cá nhân đại diện cho ngành đang chưa làm tốt việc của họ chứ không phải toàn bộ ngành giáo dục là tồi tệ. Về câu chuyện giáo dục, tôi cũng có một việc mới gặp gần đây có thể chia sẻ cùng bạn đọc. Đó là trường hợp ở lớp của con trai lớn của tôi.
Cháu học lớp 7 và ở buổi họp phụ huynh, tôi thấy có vài phụ huynh kiến nghị với giáo viên chủ nhiệm rằng “cô giáo dạy Vật lý giảng rất khó hiểu. Các con không hiểu gì”. Lập tức, tôi về hỏi con trai mình. Cháu nói “Cô dạy cũng dễ hiểu. Chỉ có điều, thi thoảng cô vào dạy muộn 5-10 phút gì đó và nếu cô vào dạy muộn thì cô cũng cho tiết học tan muộn nên tụi con ra chơi hay bị trễ”.
Và ở trên diễn đàn chung của phụ huynh trên mạng xã hội, tôi thấy cả một cuộc đấu tố giáo viên Vật lý diễn ra. Tôi chỉ lẳng lặng vào hỏi đúng 1 câu rằng: “Các anh chị có thống kê tỷ lệ cháu cảm thấy khó hiểu hay chưa? Nếu tỷ lệ ấy cao thì ta kiến nghị Ban Giám hiệu. Còn nếu là thiểu số, ta nên xem lại con cái mình”. Câu hỏi của tôi tất nhiên không nhận được sự ủng hộ. Đơn giản, định kiến về ngành giáo dục đã làm các phụ huynh nhìn giáo viên Vật lý kia bằng đôi mắt hình viên đạn.
Có vẻ như ở ta đang tồn tại hiện tượng thiếu công bằng trong đánh giá sự vật, hiện tượng? Chính vì cái thái độ ấy mà những gì tiêu cực, giật gân thì được xem, chia sẻ và bình luận nhiều gấp trăm lần những gì tích cực. Đọc báo, đọc mạng xã hội, chúng ta nhận thấy rằng những gì tích cực lọt thỏm và nhạt nhòa. Và như một vòng quay, từ cái lấn át của tin tức tiêu cực kia, thái độ chống lại tất cả lại càng được dung dưỡng để phát tác.
Và trong số những đối tượng bị định kiến, dường như quan chức, công chức là bị định kiến nặng nề nhất. Điều này có thể lý giải bởi về hiện tượng và bản chất, sự thoái hoá của quan chức, cán bộ là có thật, và nổi cộm. Chính bức xúc với những con sâu đó đã khiến công chúng có thái độ với những người trong bộ máy.
Song nuôi dưỡng thái độ lên tới mức kỳ thị và hằn học cũng lại tạo ra vấn đề khác. Sự cực đoan ấy sẽ gây ra một tâm lý tiêu cực thực sự và tâm lý tiêu cực ấy sẽ chỉ bị triệt tiêu vào một ngày nào đó chủ thể được gặp một cán bộ công quyền tận tụy và chu đáo với họ. Nhưng, sự triệt tiêu kia, tiếc thay, cũng chỉ là tạm thời mà thôi.
Vấn đề mâu thuẫn xã hội này quả thực rất đáng được nghiên cứu và mổ xẻ. Một xã hội tích cực mới có thể thúc đẩy sự phát triển, thúc đẩy các hành vi văn minh. Và sự tích cực cũng cần phải được nuôi dưỡng mà cách nuôi dưỡng lâu bền nhất chính là phải khai trừ lập tức những con sâu đã khiến cả bộ máy bị nhìn nhận bằng đôi mắt hình viên đạn.
Một đơn cử nhỏ, là chuyện ở Thừa Thiên – Huế. Một đàn anh đồng nghiệp của tôi đã vô cùng bức xúc khi những chia sẻ hàng tuần của anh về tín hiệu vui là cả tỉnh Thừa Thiên – Huế cùng tham gia làm vệ sinh đều đặn để thay đổi diện mạo của địa phương đã bị bình luận đại ý rằng “À, lại dọn dẹp để cho chúng nó bán đất đây mà”.
Rõ ràng, phải từng có chuyện tài nguyên đất đai bị xâm phạm trái phép mới nảy sinh suy nghĩ như thế. Muốn cải tạo suy nghĩ đó, trước tiên phải thay mới bộ máy tận gốc rễ. Sau đó, cải thiện hành vi và hành động. Nói thẳng ra là mỗi ngành mỗi nghề phải tự chứng minh rằng chúng tôi đang làm tốt. Còn sau đó, những ai nhìn nhận tiêu cực, định kiến hẳn sẽ trở thành thiểu số và theo hướng xu thời, để tốt cho bản thân mình, chắc chắn rồi họ cũng sẽ phải chọn đứng về phe đông hơn.
(Hà Quang Minh)
Ngô Nguyệt Lãng – Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn – Hà Quang Minh
Theo congannhandan
Lấy giáo dục pháp luật trong nhà trường làm nền tảng
Thực tế có những mâu thuẫn, tranh chấp không lớn nhưng do nhận thức, hiểu biết pháp luật còn hạn chế nên đã tạo ra những bức xúc, không kiềm chế được hành vi ứng xử của mình, từ đó gây ra những hậu quả vô cùng đáng tiếc.
Còn thiếu ý thức tự giác tìm hiểu pháp luật
Cổng Thông tin Chính phủ vừa tổ chức tọa đàm "Để pháp luật đi vào cuộc sống", nhằm cung cấp cho bạn đọc thêm một góc nhìn về những hoạt động trong phong trào hưởng ứng "Ngày Pháp luật Việt Nam 2019" sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32- CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.
Ông Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp cho hay, chặng đường triển khai Chỉ t thị số 32- CT/TW đã gặt hái được những thành quả rất đáng khích lệ.
Đó là nhận thức, ý thức trách nhiệm của cấp ủy, Đảng, chính quyền trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) đã được cải thiện. Thể chế chính sách của công tác PBGDPL ngày càng được hoàn thiện, nguồn nhân lực phục vụ cho công tác PBGDPL cũng cải thiện cả về số lượng và chất lượng. Các hình thức PBGDPL được thay đổi, đảm bảo tính linh hoạt, hấp dẫn...
Cũng theo Vụ trưởng Lê Vệ Quốc, suốt 15 năm qua, bên cạnh việc huy động nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, công tác PBGDPL đã được sự hỗ trợ từ phía xã hội rất lớn, giúp cho công tác PBGDPL được triển khai rộng khắp, có chiều sâu trên phạm vi cả nước.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, ông Quốc cũng cho hay, vẫn còn tồn tại một số hạn chế, bất cập. Đó là ở một số nơi cấp ủy Đảng "khoán trắng" công tác PBGDPL cho chính quyền. Mặc dù vấn đề này dần được khắc phục nhưng vẫn chưa dứt điểm hoàn toàn.
"Phải thừa nhận một cách thẳng thắn, một bộ phận cán bộ, công chức còn thiếu gương mẫu trong việc tìm hiểu pháp luật, đặc biệt là vấn đề nêu gương trong ý thức chấp hành pháp luật. Một bộ phận người dân chưa có ý thức tự giác tìm hiểu pháp luật để tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của bản thân mình, của người thân của mình và sự công bằng chung của xã hội", ông Quốc nói.
Thực tế có những mâu thuẫn, tranh chấp không lớn nhưng do nhận thức, hiểu biết pháp luật còn hạn chế nên đã tạo ra những bức xúc, không kiềm chế được hành vi ứng xử của mình, từ đó gây ra những hậu quả vô cùng đáng tiếc.
Các vị khách mời trao đổi tại tọa đàm "Để pháp luật đi vào cuộc sống". Ảnh: P.Thảo
Thiếu hiểu biết sẽ dẫn đến vi phạm pháp luật
Ông Bùi Xuân Phái, Phó Trưởng bộ môn Lý luận Nhà nước và pháp luật, trường ĐH Luật Hà Nội cũng cho rằng, thực tế cho thấy, thiếu hiểu biết sẽ dẫn đến vi phạm pháp luật. Vì vậy biện pháp đầu tiên là phải tăng cường giáo dục pháp luật để tăng cường sự hiểu biết pháp luật.
Hiện nay các hình thức của giáo dục pháp luật còn có những hạn chế nhất định, chưa thực sự đa dạng, sinh động, chưa hấp dẫn, thu hút. Cùng với giáo dục, cần phải có biện pháp xử lý nghiêm khắc vi phạm cũng như cần có sự phối hợp trong hoạt động giữa các cơ quan chức năng, đặc biệt là giữa các cơ quan Bộ Tư pháp, các cơ quan truyền thông, các cơ sở giáo dục và đặc biệt trong mỗi gia đình.
Ông Bùi Xuân Phái cũng cho rằng, hiện nay, nhiều thanh thiếu niên quên mất đạo đức truyền thống, xa rời giá trị căn bản để đi tìm những giá trị phù phiếm, thậm chí trong thế giới ảo. Họ bị ảnh hưởng của truyền thông tiêu cực trên mạng xã hội do thiếu bản lĩnh, bị lôi kéo. Rất nhiều nước phát triển trên thế giới họ cũng phát triển mạng xã hội, nhưng tình trạng tội phạm không đến mức nghiêm trọng như vậy.
"Chúng ta phải xem xét liệu có việc giáo dục ý thức trách nhiệm công dân chưa được sự quan tâm đúng mức? Qua việc biên soạn sách giáo khoa Giáo dục công dân (GDCD), tôi thấy có một số nội dung chưa chính xác, còn hình thức khá đơn điệu, không hấp dẫn người học.
Nếu học với tư cách là nghĩa vụ thì chỉ học cho có, học cho xong, học để đi thi. Thậm chí, như tôi biết, hiện nay, học sinh chỉ cần thoát điểm liệt môn GDCD là có thể đạt yêu cầu nhờ điểm môn khác bù lại. Đây là một sai lầm.
Môn GDCD rất quan trọng, vì nó bao hàm trách nhiệm công dân và sự hiểu biết về pháp luật. Tôi cho rằng chúng ta cần xem xét lại để có thái độ và đầu tư đúng mức cho môn GDCD, đồng thời thay đổi phương pháp giảng dạy gần với cuộc sống hơn", ông Phái nói.
Bà Nguyễn Thị Thược, GĐ Sở Tư pháp tỉnh Tuyên Quang cũng cho rằng, công tác giáo dục trong nhà trường cần được quan tâm chú trọng hơn nữa, từ cấp mẫu giáo, tiểu học.
"Tôi đã giật mình khi có lần được tiếp xúc với bộ môn GDCD ở cấp tiểu học. Đó là khi dạy một tiết học về an toàn giao thông, giáo viên lại dẫn những văn bản đã hết hiệu lực từ rất lâu rồi. Chính vì vậy, ngoài việc quan tâm giáo trình giảng dạy thì đội ngũ giáo viên dạy môn GDCD, môn pháp luật cũng phải được chuẩn hóa", bà Thược chia sẻ.
Theo ông Lê Vệ Quốc, chất lượng môn GDCD vẫn đang có vấn đề. Ví dụ chương trình sách giáo khoa có những nội dung không phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi và nhu cầu cuộc sống của các em. Để PBGDPL thành công, phải lấy giáo dục pháp luật trong nhà trường làm nền tảng, là kim chỉ nam. Bên cạnh văn hóa học đường, các em phải hình thành được những phẩm chất, nhân cách để có thể trở thành công dân trong tương lai.
Cũng theo Vụ trưởng Lê Vệ Quốc, để pháp luật đi vào cuộc sống, đến với mọi người dân, không chỉ đến trong nhận thức, trong hiểu biết mà còn phải đến trong trái tim của mọi người dân thì có rất nhiều yêu cầu đặt ra. Điều kiện cần là pháp luật phải phù hợp, khả thi, đồng bộ thống nhất. Điều kiện đủ là có cơ chế thực thi pháp luật nghiêm minh. Như vậy người dân vừa hiểu biết pháp luật, đồng thời tin vào pháp luật, tin vào cơ chế thực thi pháp luật. Từ đó tạo nên ý thức tuân thủ pháp luật.
Phương Thảo
Theo PLXH
Tọa đàm "Văn hóa ứng xử của giới trẻ trên mạng xã hội": Tỉnh táo trong thế giới ảo Ngày 29/10, báo Tiền Phong phối hợp cùng trường ĐH Mở TPHCM tổ chức tọa đàm "Văn hóa ứng xử của giới trẻ trên mạng xã hội - MXH". Buổi tọa đàm đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp giá trị. Giới trẻ cần có văn hóa ứng xử trên MXH Mê hồn trận Mới đây, một nghệ sĩ nổi tiếng đã...