Thời của Xuân Trường đã đến
Cánh cửa lấy lại phong độ của Xuân Trường tưởng như khép chặt, cho đến khi huấn luyện viên Kiatisuk xuất hiện.
Huấn luyện viên (HLV) Park Hang-seo luôn coi Lương Xuân Trường là học trò đặc biệt. Trong buổi họp báo chuyên môn trước thềm trận gặp Afghanistan, ông Park nói “chưa thuộc tên nhiều cầu thủ Việt Nam”. Xuân Trường là cái tên hiếm hoi HLV Park ghi nhớ. Tiền vệ sinh năm 1995 có 2 năm đá ở K.League và biết đôi chút tiếng Hàn.
Tấm băng đội trưởng ở vòng chung kết U23 châu Á 2018 chưa nói lên hết tình cảm của HLV Park dành cho Xuân Trường. “Ông Park yêu lứa cầu thủ ở Thường Châu quá, nên luôn có sự ưu tiên”, một cựu HLV tuyển Việt Nam kể lại. Có thời gian, Xuân Trường được lên tuyển dù không có phong độ cao nhất.
Tuy nhiên, lần tập trung này là ngoại lệ. Sau 2 năm lặng lẽ, Xuân Trường đang bừng sáng trở lại để thách thức một suất đá chính ở khu trung tuyến.
Đẳng cấp của Xuân Trường
Ngày 1/10/2019 là cột mốc buồn trong sự nghiệp của Xuân Trường. Anh đứt dây chằng chéo trước, chỉ 9 ngày trước trận gặp Malaysia ở vòng loại World Cup 2022. Xuân Trường chấn thương trong lúc tập, không va chạm với ai. Không nhiều cầu thủ có thể lấy lại phong độ sau chấn thương dây chằng, mà ở thời điểm trước chấn thương, Xuân Trường đang chững lại.
Sau 9 tháng nghỉ, tiền vệ gốc Tuyên Quang chập chững những bước chạy đầu tiên vào giữa năm 2020. Màn trở lại của Xuân Trường cuối năm 2020 thiếu ấn tượng với 14 trận và 904 phút (trung bình đá 65 phút một trận), 7 lần bị thay ra và đá đủ 4 trận. HAGL trải qua quãng ngày tăm tối với 6 trận thua liên tiếp ở giai đoạn hai. Xuân Trường, với băng đội trưởng, chìm nghỉm giữa áp lực, thất vọng và đôi chân thi thoảng đau nhức.
Điểm yếu của Xuân Trường hầu như không thay đổi sau 5 năm. Anh là mẫu cầu thủ kén chiến thuật. Khi HLV Kiatisuk cập bến Pleiku, lo ngại cho Xuân Trường còn lớn hơn. Giai đoạn đỉnh cao của “Zico Thái” trên cương vị HLV tuyển Thái Lan gắn với những tiền vệ giàu năng lượng, nhiệt huyết và tranh chấp giỏi như Chanathip Songkrasin, Sarach Yooyen, Tanaboon Kesarat.
Kiatisuk muốn HAGL đá bóng ngắn, nhuần nhuyễn và phản công bài bản. Hàng tiền vệ sẽ đóng vai trò chìa khóa, mà Trần Minh Vương, Nguyễn Tuấn Anh, trên lý thuyết, là những cầu thủ phù hợp với cách đá này.
Xuân Trường đang chơi tốt trong màu áo HAGL. Anh đá chính 11/12 trận đầu mùa, chỉ nghỉ 1 trận do án treo giò. Ảnh: Y Kiện.
Xuân Trường là cầu thủ kén lối đá, phải có một tiền vệ phòng ngự “dọn dẹp” phía sau để yên tâm chơi bóng. Ở AFF Cup 2016, anh được Ngô Hoàng Thịnh hỗ trợ. Tại giải U23 châu Á 2018, Phạm Đức Huy đóng vai trò này, còn ở HAGL, tiền vệ phòng ngự bảo bọc cho Xuân Trường năm 2019 là Kelly Kester.
Mùa này, Kiatisuk không thể cho Xuân Trường đặc ân. HAGL cần bổ sung ngoại binh cho những vị trí cần thiết hơn (trung vệ, tiền đạo). Đội bóng này cũng không có tiền vệ đánh chặn thuần túy. Xuân Trường phải thay đổi để tồn tại. Ở tuổi 26, trong mùa giải đóng vai trò bước ngoặt, anh đang bừng sáng.
Video đang HOT
11 trận đá chính từ đầu mùa, chỉ nghỉ 1 trận do án treo giò, Xuân Trường là cái tên quan trọng của Kiatisuk ở tuyến giữa, miễn là cầu thủ này khỏe mạnh. So với hai tiền vệ tổ chức là Nguyễn Công Phượng (ghi 6 bàn) và Minh Vương (4 bàn), Xuân Trường ghi bàn và kiến tạo ít hơn. Song, giá trị của Xuân Trường nằm ở những đường chuyền chuyển đổi trạng thái, giúp HAGL chuyển từ phòng ngự sang tấn công.
Cú sút xa tung lưới CLB Hà Nội là khoảnh khắc đẹp nhất của Xuân Trường sau 12 vòng, nhưng pha dứt điểm chỉ là hệ quả. Một loạt tình huống xử lý tinh tế trước đó mới cho thấy đẳng cấp của tiền vệ số 6. “Đó là tình huống Xuân Trường xoạc bóng trong chân đối thủ rồi rướn người cứu bóng để tổ chức tấn công. Hai hình thái giữa phòng ngự và phản công được chuyển đổi chỉ trong hai động tác đến từ cá nhân Xuân Trường”, HLV Vũ Hồng Việt nhận xét.
Với sơ đồ 3-5-2, HLV Kiatisuk siết lại khâu phòng ngự, sử dụng số đông ở tuyến giữa để bóp nghẹt vòng tròn trung tâm và lấy bóng trong chân đối thủ. Chuỗi hành động sau khi giành lại quyền kiểm soát bóng sẽ quyết định thành bại, bởi khi vừa mất bóng, hầu hết đội bóng đều cần thời gian để tổ chức lại đội hình nên rất dễ tổn thương.
HAGL mùa này giỏi cắt bóng và tổ chức phản công, khi dịch chuyển khối đội hình từ trạng thái phòng ngự sang tấn công với tốc độ chóng mặt. Để vận hành cách đá tân thời này, Kiatisuk cần đòn bẩy, tạo ra xung lực để kẻ săn mồi, đang ở thế lùi xuống lấy đà, có thể bật mạnh về phía trước để đả thương con mồi.
Cầu thủ đòn bẩy này cần tạo ra xê dịch trong hàng ngũ đối thủ chỉ bằng một đường chuyền. Nhiệm vụ này được giao cho Xuân Trường và anh làm quá tốt. Khả năng tranh chấp tay đôi, đeo bám của tiền vệ này đang dần được cải thiện sau thời gian cải thiện thể trạng cùng chuyên gia thể lực riêng.
“Cậu ấy tiến bộ nhiều, đặc biệt ở khả năng tranh chấp. Xuân Trường chịu khó áp sát, phạm lỗi chiến thuật khi cần và biết phân phối thể lực hợp lý”, chuyên gia Phan Anh Tú đánh giá.
Cú sút cháy lưới HAGL hội tụ những phẩm chất tốt nhất của Xuân Trường. Cầu thủ của HAGL tranh chấp, hỗ trợ phòng ngự và chiến đấu tốt hơn. Ảnh: Y Kiện.
“Quân bài tẩy” của Park Hang-seo
“Mục tiêu của tôi là lấy lại suất đá chính ở tuyển Việt Nam”, Xuân Trường chia sẻ cuối năm 2019. Sau 2 năm, tiền vệ gốc Tuyên Quang phải chấp nhận sự thật, rằng đó vẫn là hành trình dang dở.
Giải đấu cuối cùng HLV Park sử dụng Xuân Trường thường xuyên là AFF Cup 2018. Tiền vệ sinh năm 1995 đá cặp với Nguyễn Quang Hải trong sơ đồ 5 tiền vệ. Giải đấu này, Xuân Trường được trọng dụng bởi tuyển Việt Nam vượt trội hầu hết đối thủ về chuyên môn, nên áp lực phòng ngự đặt lên vai Xuân Trường không lớn. Đến Asian Cup, sân chơi quy tụ những đối thủ sừng sỏ hơn, Xuân Trường bị loại. Cặp Nguyễn Tuấn Anh – Đỗ Hùng Dũng được đóng đinh cho khu trung tuyến tuyển Việt Nam đến hôm nay.
Cuộc cạnh tranh ở ĐTQG sẽ khác nhiều so với CLB, điều Xuân Trường tái khẳng định trong buổi trả lời phỏng vấn ở buổi tập ngày 9/5. Tiền vệ Cao Văn Triền nói anh từng bị “sốc” khi chứng kiến cường độ chơi bóng và chất lượng thi đấu khác biệt của tuyển Việt Nam so với V.League. 4 năm “ăn cơm tuyển”, Xuân Trường hiểu rõ guồng quay khốc liệt và đòi hỏi chiến thuật khắt khe của HLV Park Hang-seo.
Tuy nhiên, cơ hội dành cho tiền vệ của HAGL vẫn rộng mở. Thứ nhất, công thức Hùng Dũng – Tuấn Anh của HLV Park đã sụp đổ. Hùng Dũng nghỉ thi đấu 6 tháng sau pha vào bóng ác ý của Hoàng Thịnh, còn Tuấn Anh cũng đang vật lộn với chấn thương.
Tiền vệ gốc Thái Bình đá trọn vẹn 1 trận từ đầu giải, đó là cuộc so tài với CLB Hà Tĩnh mà Tuấn Anh chơi thiếu ấn tượng. HLV Kiatisuk chỉ không thay Tuấn Anh khỏi sân vì đã hứa với cầu thủ này như vậy. Vỏn vẹn 238 phút thi đấu từ đầu mùa, tích lũy thể lực của Tuấn Anh kém hơn nhiều so với Xuân Trường.
Xuân Trường thẩm thấu chiến thuật tốt và biết rõ HLV Park Hang-seo cần gì. Ảnh: Minh Chiến.
HLV Park Hang-seo phải tìm kiếm bộ đôi tiền vệ trung tâm mới, mà Xuân Trường có lợi thế ở cuộc đua nội bộ này khi anh hiểu rõ chiến thuật đội tuyển và đòi hỏi của HLV Park. So với một tân binh chưa thấu hiểu được sự phức tạp mà một tiền vệ trung tâm phải đáp ứng, Xuân Trường đã được ôn bài rất kỹ.
Thứ hai, HLV Park đang muốn nâng cấp hàng tiền vệ đội tuyển. 10 tiền vệ được gọi ở đợt tập trung tháng 11/2020 cho thấy chiến lược gia Hàn Quốc sẵn sàng đập đi làm lại. Để thay đổi hình thái lối chơi nhằm tránh bị bắt bài như đã tuyên bố, HLV Park cần cách vận hành mới ở tuyến giữa.
Trong 5 bàn tuyển Việt Nam ghi ở vòng loại World Cup, chỉ có 2 bàn in dấu ấn của các tiền vệ, đó là pha lập công của Quế Ngọc Hải trên chấm 11 m (Hùng Dũng mang về quả phạt đền) và Nguyễn Tiến Linh (Nguyễn Trọng Hoàng kiến tạo), đều vào lưới đội yếu nhất bảng là Indonesia.
Các trận gặp UAE, Thái Lan hay Malaysia, tuyển Việt Nam từng phải đẩy bóng thẳng từ tuyến hậu vệ lên tiền đạo, minh chứng là đường chuyền của Ngọc Hải cho Quang Hải lập công vào lưới Malaysia. Hàng tiền vệ Việt Nam tranh chấp tốt, nhưng thiếu sáng tạo, kiểm soát cũng như chuyển trạng thái để tổ chức phản công.
Tuyển Việt Nam không thể cứ nhồi bóng dài, bóng bổng và đá trực diện từ hàng thủ khi các đối thủ đã đọc bài. Ông cần tuyến tiền vệ phải chơi sáng tạo, năng động hơn. Xuân Trường, với những phẩm chất đặc biệt và nhãn quan tinh tế, là làn gió đem đến sự khởi sắc.
Yếu tố quan trọng sau cùng là Xuân Trường không còn mong manh, mảnh khảnh như 3-4 năm trước. Một cầu thủ giàu khát vọng đến mức bật khóc sung sướng sau trận thắng 1-0 của HAGL trước CLB Hà Nội, chắc chắn biết phải làm gì để đấu tranh và khẳng định.
Sút xa - vũ khí bí mật của Kiatisuk ở HAGL
Cầu thủ HAGL đã sút xa ghi bàn trong bốn vòng gần nhất ở V-League 2021, để xoay cục diện trận đấu như tuyển Thái Lan của Kiatisuk ngày trước.
Công Phượng sút phạt dội xà ngang Thanh Hoá cuối hiệp một trận hôm 28/4. Ảnh: Lâm Thoả
Sút xa từng là một vũ khí đáng sợ của Thái Lan, mỗi khi đối đầu Việt Nam trong quá khứ. Từ Tawan Sripan và Natipong Sritong-In ở SEA Games 18, Damrong-Ongtrakul và Dusit Chalermsan ở SEA Games 20 đến Datsakorn Thonglao và Pipat Thonkanya ở AFF Cup 2007, hay Pokklaw Anan và Kroekrit Thaweekarn ở vòng loại World Cup 2018. Ý niệm về Thái Lan là những cú sút xa khiến giới mộ điệu Việt Nam thổn thức.
Những lúc thế trận giằng co, những cú sút xa có thể giúp đội bóng cởi bỏ nút thắt trận đấu và khiến đối thủ suy sụp tinh thần. Trong khi Thái Lan đã ghi trên dưới chục bàn mỗi khi gặp Việt Nam, điều ngược lại hiếm khi xuất hiện.
HLV Kiatisuk đem lại nhiều thay đổi đáng kể từ khi đến HAGL mùa này. Ảnh: Đức Đồng.
Sút xa vốn không phải thế mạnh của cầu thủ Việt Nam, nhưng vũ khí này dần được họ mài giũa ở V-League. Cùng kỳ năm ngoái, V-League chứng kiến 27 bàn từ ngoài cấm địa, trong đó chỉ 13 bàn do cầu thủ nội ghi, chiếm 48%. Mùa này, cầu thủ nội đã ghi 19 trong 25 bàn từ ngoài cấm địa, chiếm đến 76%.
Chất lượng sút xa của cầu thủ nội nâng lên phần nhiều nhờ vào các cầu thủ HAGL. Cả mùa trước, không cầu thủ nào của HAGL sút xa thành bàn . Nhưng mùa này, họ đã ghi năm bàn, chiếm 20% số bàn sút xa của V-League.
HAGL cũng ghi nhiều bàn nhất từ ngoài cấm địa mùa này, trong khi hai đội đứng sau là Bình Dương và Nam Định mới ghi ba bàn. Trùng hợp khi HLV của HAGL là Kiatisuk Senamuang, một trong những cầu thủ sút xa đáng sợ của Thái Lan năm xưa. Nếu như sút xa từng là nỗi sợ của Việt Nam khi đối mặt Thái Lan, giờ đây nó trở thành nỗi sợ của các CLB V-League khi gặp HAGL.
HAGL không sút xa ghi bàn nào mùa trước, nhưng mùa này đã có năm bàn từ ngoài cấm địa. Ảnh: Đức Đồng
Cả năm bàn sút xa của HAGL mùa này đều xoay chuyển cục diện trận đấu. Đầu tiên là cú sút mua lai má bằng chân trái của Công Phượng từ 26 mét, mở tỷ số trong trận thắng chủ nhà Viettel 3-0 tại vòng 5. Còn ở bốn vòng gần nhất, các cầu thủ phố núi không còn giữ miếng nữa. Văn Toàn xé lưới để mở tỷ số trước Đà Nẵng với cú sút từ cự ly 29 mét. Rồi Minh Vương vô-lê từ rìa cấm địa để nâng tỷ số lên 2-0 trước Nam Định. Sau đó Xuân Trường ghi bàn duy nhất vào lưới Hà Nội với cú sút kiểu chặt bóng từ 26 mét. Gần nhất lại là Minh Vương mở tỷ số trên sân Thanh Hoá với cú cứa lòng ở cự ly 24 mét.
Ngoài bàn của Minh Vương vào lưới Nam Định, bốn bàn còn lại đều mở tỷ số, và tới sau những pha dàn xếp để đặt người sút vào vị trí thuận lợi chứ không phải đá cầu may. Công Phượng ghi bàn từ một pha phản công, và anh dám sút ngay cả bằng chân không thuận. Văn Toàn lập công từ một đường chuyền xuyên tuyến của Triệu Việt Hưng, và tận dụng việc trung vệ Đà Nẵng không che chắn tốt. Xuân Trường toả sáng nhờ một tình huống gây áp lực của HAGL sau tình huống Hà Nội phát bóng. Rồi Minh Vương kết thúc đợt triển khai nhanh từ biên trái vào với cú cứa lòng trong tư thế trống trải vào lưới Thanh Hoá.
Không rõ Kiatisuk đã làm gì để kích hoạt khả năng sút xa của học trò, nhưng lối chơi của HAGL có thể tạo cho cầu thủ cơ hội sút thuận lợi. Trung bình họ chỉ cần 4,8 pha dứt điểm để ghi một bàn mùa này, hiệu suất chỉ sau Nam Định. Còn hiệu suất trung bình của V-League là 9,2 pha dứt điểm cho một bàn.
Công Phượng, Xuân Trường, Minh Vương hay Tuấn Anh cũng từng nhiều lần sút xa thành bàn trước đây. Nhưng dưới thời Kiatisuk, họ chăm sút hơn và có nhiều góc độ và tư thế thoáng để cú sút đó dễ thành bàn hơn. Và nếu cầu thủ HAGL đem theo sự tự tin này lên đội tuyển, Việt Nam sẽ có thể hưởng lợi ở vòng loại World Cup 2022 sắp tới. Những siêu phẩm như của Tiến Linh vào lưới UAE tại Mỹ Đình có thể sẽ xuất hiện nhiều hơn và giúp Việt Nam phá thế giằng co.
HAGL làm khách Thanh Hóa: HLV Petrovic 'giăng bẫy' Kiatisuk Kiatisuk cùng HAGL gặp đối thủ thực sự trong chuyến làm khách trên sân của Thanh Hóa ở vòng 11 LS V-League. Ngay từ khi LS V-League 2021 còn chưa khởi tranh, cuộc đối đầu giữa HLV Kiatisuk và Petrovic đã rất được chờ đợi. Cả hai đều là những nhà cầm quân giàu kinh nghiệm, có danh tiếng, và thực tế đang...