Thời của Văn Toàn đã đến?
Văn Toàn là chân sút nội hiệu quả bậc nhất V.League trong 3 năm qua, nhưng trong màu áo đội tuyển quốc gia, cầu thủ sinh năm 1996 chỉ là “cái bóng mờ”.
Độ chênh về mặt phong độ cầu thủ giữa CLB và ĐTQG là chuyện thường tình của bóng đá. Một ngôi sao đá tốt ở CLB chưa chắc đã chơi hay ở tuyển Việt Nam, và ngược lại. Khác biệt giữa hệ thống chiến thuật, yêu cầu của HLV, hay đôi khi là thời vận, giúp một cầu thủ tỏa sáng ở môi trường này, nhưng chật vật ở môi trường khác.
Tuy nhiên, tương phản phong độ quá lớn như trường hợp của Nguyễn Văn Toàn là vấn đề khác. Cầu thủ số 9 là tiền đạo nội tốt nhất V.League trong 3 năm qua với 21 bàn thắng sau 58 trận cho HAGL, nhưng anh không ghi nổi một bàn nào trong màu áo tuyển kể từ khi HLV Park Hang-seo nắm quyền.
Phong độ đối lập
Văn Toàn đang là một trong những cầu thủ nội chơi tốt nhất ở V.League 2021. Sau 12 vòng, cầu thủ gốc Hải Dương ghi 7 bàn, đứng đầu danh sách lập công. Sau 6 năm chìm nổi ở V.League, Văn Toàn đang chơi thứ bóng đá đẹp nhất sự nghiệp.
Số 9 của HAGL ghi bàn đều đặn, cùng với Nguyễn Công Phượng và Trần Minh Vương tạo ra tam tấu tấn công có 17 pha lập công, nhiều hơn tổng bàn thắng của 10 đội khác ở V.League và bằng hàng công trứ danh của CLB Hà Nội – đội ghi nhiều bàn nhất V.League mùa trước.
Nhìn rộng trong 3 năm qua, Văn Toàn ghi 21 bàn trong 58 trận ra sân, đạt hiệu suất 0,38 bàn/trận. Cùng quãng thời gian này, Nguyễn Tiến Linh – chân sút đang chiếm suất đá trung phong ở tuyển Việt Nam, chỉ có 18 bàn. Hà Đức Chinh ghi 8 bàn, còn Công Phượng có 12 bàn.
Văn Toàn từng trải qua cơn khô hạn bàn thắng với chỉ 1 pha lập công trong 4 năm cho tuyển Việt Nam. Ảnh: Thuận Thắng .
Video đang HOT
Đẳng cấp của Văn Toàn không chỉ thể hiện trên phương diện bàn thắng. Trước khi HLV Kiatisuk Senamuang cập bến, tiền đạo sinh năm 1996 phải đảm nhiệm khối lượng công việc khổng lồ trên HAGL.
Dưới thời HLV Lee Tae-hoon, HAGL phòng ngự thụ động, phó mặc nhiệm vụ ghi bàn cho Văn Toàn và Chevaughn Walsh. Khi HLV Dương Minh Ninh nắm quyền, HAGL chơi tấn công với hàm lượng kiểm soát bóng nhiều hơn, nhưng nhân sự tuyến tấn công luôn biến động. Văn Toàn là cầu thủ duy nhất trong dàn sao trưởng thành từ Học viện HAGL khóa I và II luôn chơi ít nhất 20 trận/mùa tính từ năm 2016 đến nay.
Năm tháng trui rèn ở V.League giúp Văn Toàn ngày càng tiến bộ. Dù vậy, trong màu áo tuyển Việt Nam, tiền đạo gốc Hải Dương đang trải qua cơn khô hạn bàn thắng. Sau 12 trận với 636 phút trải dài từ vòng loại Asian Cup 2019, AFF Cup 2018, Asian Cup 2019, vòng loại World Cup 2022 và giải giao hữu Kings Cup, Văn Toàn không ghi được bàn thắng nào.
Bàn thắng gần nhất của Văn Toàn trong màu áo tuyển được ghi trong trận hòa 1-1 với Afghanistan ngày 28/3/2017. Suốt 4 năm, tiền đạo này chỉ 1 lần ăn mừng bàn thắng cùng ĐTQG. Pha lập công duy nhất Văn Toàn ở một cấp độ đội tuyển dưới thời HLV Park là bàn thắng vào lưới Olympic Syria ở tứ kết ASIAD 2018, trong màu áo Olympic Việt Nam.
Khó khăn của Văn Toàn xuất phát từ hai nguyên nhân. Thứ nhất, anh vốn không phải lựa chọn số 1 của HLV Park Hang-seo ở giai đoạn năm 2018 và nửa đầu 2019. Tại AFF Cup 2018, Văn Toàn dính chấn thương nặng nên chỉ chơi 14 phút, nhưng ngay cả khi bình phục, số 9 của HAGL vẫn không có cơ hội. Ở Asian Cup 2019, Văn Toàn chỉ chơi 4 trận, đều vào sân từ ghế dự bị với tổng thời gian là 122 phút, quá ít để tìm kiếm bàn thắng.
Văn Toàn đang cải thiện kỹ năng săn bàn dưới bàn tay uốn nắn của Kiatisuk. Ảnh: Quang Thịnh.
Tại vòng loại World Cup 2022, Văn Toàn được đá chính cả 5 trận. Dù vậy, đây là lựa chọn “cực chẳng đã” của HLV Park Hang-seo khi Phan Văn Đức chấn thương, và anh cũng không ghi bàn nào trong 358 phút góp mặt. Theo BLV Vũ Quang Huy, điều này chủ yếu đến từ yếu tố chiến thuật.
“Tuyển Việt Nam đá sơ đồ 3-4-3, trên danh nghĩa là có 3 mũi tấn công, nhưng HLV Park Hang-seo luôn ưu tiên lối chơi chặt chẽ. Văn Toàn đá tiền đạo, song được giao vai trò quấy phá, chủ yếu bám biên để tạo khoảng trống cho đồng đội. Trận đấu cuối cùng của Văn Toàn cho tuyển Việt Nam là ngày 19/11/2019. Giai đoạn này, thực ra Văn Toàn vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện, tích lũy kinh nghiệm, nên khó đòi hỏi anh phải ghi bàn đều đặn”.
Trong số các tiền đạo HLV Park cho là giỏi nhất Việt Nam, Văn Toàn không có tên. Cầu thủ sinh năm 1996 còn không được đánh giá cao bằng Đức Chinh – tiền đạo mới có 2 bàn từ đầu mùa. Tuy nhiên, mùa giải 2021 sẽ rất khác, khi Văn Toàn đang hoàn thiện để trở thành “sát thủ vòng cấm” đáng sợ.
Thay đổi của Văn Toàn
Trong màu áo HAGL, Văn Toàn đang chói sáng. Sau trận thua 1-2 của CLB Bình Định trước HAGL, HLV Nguyễn Đức Thắng nói đã dặn học trò phải kèm Văn Toàn, bởi “không kèm được cậu ấy thì rất mệt”. Lời khen của chiến lược gia CLB Bình Định phần nào nói lên đẳng cấp của tiền đạo sinh năm 1996. Bàn thắng là thước đo đẳng cấp của một tiền đạo, nhưng dù ghi bàn hay không, Văn Toàn luôn tạo được rắc rối cho đối thủ nhờ tốc độ, khả năng giữ thăng bằng tốt và rê dắt quãng ngắn hiệu quả.
Vấn đề cản trở Văn Toàn ghi bàn đều đặn, là cầu thủ này phải thi đấu rất xa khung thành, thường xuyên phải bứt tốc, rê dắt với khối lượng động tác lớn trước khi thực hiện công đoạn dứt điểm. Ngoài ra, kỹ năng sút bóng một chạm của Văn Toàn chưa hoàn thiện. “Văn Toàn từng bỏ lỡ nhiều cơ hội, dẫn đến tự tin bị ảnh hưởng và tạo cho người ta cảm giác khó ghi bàn”, BLV Quang Huy phân tích thêm.
Nhưng, sự xuất hiện của Kiatisuk đã mở ra chương mới của tiền đạo này. Chiến lược gia có biệt danh “Zico Thái” rèn lại cho học trò cách chạy chỗ, che chắn, sút bóng và tận dụng các tình huống chạm một để tạo khác biệt. Trên sân tập, Kiatisuk yêu cầu Văn Toàn, Công Phượng phải sút liên tục đến khi “tin chân” và có cảm giác vị trí khung thành tốt.
“Tôi thấy vui và tự hào khi được làm việc cùng Kiatisuk. Ông ấy đã dạy tôi những kỹ năng của một tiền đạo. Vì vậy, kỹ thuật của tôi đã được cải thiện. Tôi tiến bộ rõ rệt về nhiều mặt, tự tin hơn khi thi đấu và cảm thấy mọi thứ trở nên dễ dàng hơn”, Văn Toàn nhấn mạnh. Dưới thời Kiatisuk, Văn Toàn xử lý nhanh, gọn và sáng tạo hơn. Không còn đi bóng “tối tăm” và ngại sút, cầu thủ này mạnh dạn dứt điểm và sút xa ngay khi có cơ hội. Đó là sự ích kỷ và hiệu quả cần có của một tiền đạo.
Song trên hết, cách tân chiến thuật của “Zico Thái” đã giúp Văn Toàn tiến gần hơn tới khung thành. Ở các mùa giải trước đây, Văn Toàn thường đảm nhận vị trí tiền đạo cánh trong sơ đồ 4-3-3 hoặc 3-4-3. Anh chủ yếu dạt biên, dùng tốc độ để quấy phá và mở ra khoảng trống. Khi HLV Kiatisuk gò HAGL vào hệ thống 3-5-2, Văn Toàn được tiếp cận vòng cấm nhiều hơn.
Với Văn Toàn, Công Phượng (ảnh) và cả Tiến Linh, HLV Park Hang-seo đang có nhiều chân sút giỏi. Ảnh: Quang Thịnh .
Tiền đạo sinh năm 1996 được đồng đội Washington Brandao nhường khoảng trống, nên thường xuyên được nhận bóng ở vị trí dễ ghi bàn. Văn Toàn không còn là cầu thủ tạo đột biến thuần túy. HLV Kiatisuk kéo Công Phượng xuống đá tiền vệ tổ chức, nghĩa là ông giao cho Văn Toàn nhiệm vụ săn bàn. Cầu thủ gốc Hải Dương không làm phụ lòng người thầy khi có tới 7 bàn thắng, với 6 trong số đó đến từ phối hợp bóng sống.
“Phong độ, đẳng cấp, trình độ Văn Toàn hiện tại rất cao. Cậu ấy đang là cầu thủ hay nhất Việt Nam hiện tại”, HLV Kiatisuk khen ngợi học trò. Rất hiếm khi chiến lược gia Thái Lan một cầu thủ của ông ở mức “hay nhất”. Điều này cho thấy Văn Toàn có nhiều tiềm năng phát triển ra sao.
Sự phát triển về kỹ năng săn bàn và dứt điểm sẽ tiếp thêm cho Văn Toàn sự tự tin trong cuộc cạnh tranh với những chân sút cừ khôi khác như Văn Đức hay Tiến Linh. Màn trình diễn chói sáng ở V.League 2021 cho thấy bên cạnh việc quấy phá, rê dắt, Văn Toàn có thể trở thành cây săn bàn đáng sợ nếu HLV Park Hang-seo có đấu pháp hợp lý.
Chiến lược gia người Hàn Quốc rất khó thay đổi toàn bộ hệ thống chỉ trong 1 tháng huấn luyện. Tuy nhiên, minh chứng từ thành công của HLV Park trước đây cho thấy một thay đổi nhỏ có thể dẫn đến hiệu quả to lớn, như niềm tin dành cho Văn Đức, vai trò tiền đạo ảo giao cho Công Phượng hay việc trao suất đá tiền vệ trung tâm cho Nguyễn Tuấn Anh.
Được tạo điều kiện, Văn Toàn sẽ đá tốt ở cả CLB và ĐTQG, tại sao không?
Phố núi mở hội
Sân Pleiku chỉ đón 6 ngàn khán giả nhưng thực tế là cao hơn rất nhiều khi 10 ngàn ghế được lấp gần hết.
Có quá nhiều điều đặc biệt ở trận đấu trong ngày V.League trở lại Phố núi. Rất đông người Bình Định sinh sống, lập nghiệp tại Gia Lai (bản thân "bầu" Đức cũng quê Bình Định); đã 13 năm sau ngày đội bóng đất võ rớt hạng, 2 đội bóng mới gặp nhau và cuộc đối đầu trên băng ghế huấn luyện giữa 2 đại diện tiêu biểu trong thế hệ cầu thủ vàng của bóng đá Thái Lan và Việt Nam: Kiatisak - Đức Thắng.
Văn Toàn góp công lớn trong chiến thắng của Hoàng Anh Gia Lai trước Bình Định
Và Phố núi đã mở hội với chiến thắng thứ 2 liên tiếp trong mùa giải. Vị trí hạng 3 hiện tại chỉ là tạm thời và mong manh khi có đến 5 đội cùng 6 điểm, nhưng là thành tích cao nhất mà "những đứa trẻ của bầu Đức" vươn tới kể từ khi xuất hiện ở V.League 2015. Càng vui hơn khi bộ tứ "con cưng" cùng tỏa sáng: Công Phượng trong vai trò tiền vệ kiến tạo cho Văn Toàn lập công, Văn Toàn lùi về có đường thả bóng như vẽ tạo nên bàn thắng thứ 2, Tuấn Anh có lần đầu tiên ra sân nhịp nhàng hợp cùng Xuân Trường. Mừng hơn nữa, nỗi ám ảnh ngoại binh nhiều mùa phần nào được giải tỏa khi chân sút Brasil Brandao sau 1,5 tháng nghỉ ngơi được "Zico" Thái gò nắn đã trở lại nhẹ nhàng, thanh thoát hơn rất nhiều và có màn "nổ súng" chào sân ở V.League.
Tuy nhiên, như HLV Kiatisak chỉ hài lòng 70% với các học trò, HAGL đã đánh mất thế trận trong hiệp 2 và suýt đã bị gỡ hòa, thậm chí thua ngược. Nhưng cứ vui đi đã, quan trọng nhất là "những đứa trẻ của bầu Đức" đã tìm lại được cảm hứng và niềm vui chơi bóng.
Sau vòng 3 V-League 2021: HAGL đua vô địch với Đà Nẵng Chiến thắng 2-1 trước Bình Định ở vòng 3 V-League 2021 giúp HAGL lọt vào tốp 3, đua vô địch với Đà Nẵng, đội có thành tích toàn thắng. Sau hơn 1 tháng tạm hoãn vì dịch Coid-19, bóng đá Việt Nam đánh dấu sự trở lại bằng 5 trận đá bù của vòng 3 V-League 2021. Dù quãng thời gian nghỉ không...