Thời của tệ nạn “PR”
Ngày trước, khi vào quán nhậu, mấy ông khách thích có em út ngồi cùng thường hỏi quản lý là quán có tiếp viên không. Còn bây giờ, người ta hỏi có “PR” không? “PR” ở đây không phải hiểu theo nghĩa thông thường là quan hệ công chúng ( viết tắt của cụm từ Public Relations) mà là một cách gọi cho “lịch sự” nhằm ám chỉ những cô gái bia ôm
Nhưng diện mạo của họ bây giờ đã khác, không còn chịu sự quản lý của “má mì”, bị kìm kẹp bởi những tên ma cô mà có thể “độc lập tác chiến” ở bất cứ quán nhậu, nhà hàng nào. Và tất nhiên, họ cũng dễ dàng trở thành gái mại dâm mà không phải thông qua đường dây hay tụ điểm mại dâm nào…
“PR” trên từng cây số
Những ông khách có thói trăng hoa, nhất là những người có địa vị trong xã hội hiện giờ chẳng ai dại dột gì mà vào một quán bia ôm thuần túy (tức nơi có những cô tiếp viên túc trực, ăn mặc hở hang, thậm chí chẳng có “nội y”) để mà vui vẻ. Vì nếu lỡ có bị cơ quan chức năng kiểm tra thì ít nhiều cũng gây phiền toái. Giải pháp tốt nhất mà họ chọn đó là một nhà hàng, quán nhậu bình thường rồi nhờ quản lý gọi “PR” vào phục vụ. Chính vì vậy mà rất nhiều quản lý ở các nhà hàng, quán nhậu có phòng lạnh ở nội, ngoại thành TP HCM có quan hệ mật thiết với nhiều cô gái “PR” để có nguồn em út phục vụ cho “thượng đế”.
Cuối tháng 8 vừa qua, khi chúng tôi vào một nhà hàng nằm trên đường Cao Thắng (quận 3), chưa kịp ngồi xuống ghế thì quản lý ở đây đã hỏi: “Có cần “PR” không anh?”. Anh bạn đi cùng tôi gật đầu, chỉ 15 phút sau, 4 cô gái “PR” trong trang phục mát mẻ bước vào phòng và tự bắt cặp chứ chẳng cần đợi ai xếp chỗ để ngồi. Rồi như một thói quen, họ rót bia, gắp mồi và chăm sóc khách y như hai người đã yêu nhau từ kiếp trước. Nói cười vui vẻ, nựng nịu qua từng chai bia thì cũng đến lúc chia tay. Anh bạn tôi chìa ra 1 triệu đồng bảo 4 em chia nhau rồi rời khỏi quán. Các em cũng rút lui và không quên dúi vào tay quản lý tờ bạc 100.000 đồng gọi là tiền “biết điều” để khi khách cần quản lý lại alô.
Bên cạnh “PR” cơ động, một số quán nhậu nổi tiếng trên địa bàn TP HCM còn có lực lượng “PR” tại chỗ mà cô nào cũng trẻ trung, xinh đẹp. Đình đám nhất hiện nay là quán Tr.C. nằm trên đường Điện Biên Phủ (quận 3), H.L. trên đường Ngô Văn Năm (quận 1), 4… trên đường Phan Đăng Lưu (Bình Thạnh)… mỗi nơi đều có hàng chục “PR”. Tuy nhiên, theo quy định của người chủ thì các “PR” này không được phép ngồi với khách mà chỉ được đứng… ôm! Vì vậy mà nhiều tay nhậu gọi vui là “bia ômđứng”!.
Nhiệm vụ chính của các cô là ôm ấp, rót bia, tán gẫu và… nhổ tóc sâu! Riêng ở Tr.C. nhiều cô hát vọng cổ khá mùi mẫn làm say mê biết bao thực khách và tất nhiên tiền “boa” kiếm được cũng thuộc hạng ít ai bằng. Hiện tại vào quán này mà “boa” 200.000 đồng là các cô ngúng nguẩy bỏ đi, lẩm bẩm chửi thề “… đồ Hai Lúa!”. Vậy đó, nhưng chẳng thấy ai buồn, khi khác lại đến và cũng lại yêu cầu có “PR”!
Qua nhiều lần tiếp cận các cô gái “PR” ở nhiều quán nhậu, nhà hàng cho thấy hầu hết các cô gái đều còn trẻ đẹp và đến từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Khi mới chân ướt chân ráo lên Sài Gòn họ thường làm nhân viên phục vụ cho các quán ăn, nhà hàng. Chừng “quen nước quen cái”, họ muốn kiếm được nhiều tiền “boa” mà không phải nai lưng bưng bê, phục vụ, thế là gia nhập vào những nhóm “PR” đi trước. Thấy các chị ai cũng có xe tay ga, điện thoại Iphone, quần áo mượt mà, nước hoa thơm phức, đua đòi, họ cũng muốn bằng chị bằng em nên dễ dàng bán thân phục vụ cho nhu cầu chưng diện. Thế là mỗi sáng, diện bộ cánh xinh tươi họ “ngồi đồng” ở quán cà phê hay đi mua sắm để chờ khách gọi.
Để tăng thêm phần hấp dẫn cho các ông khách, các cô thường mạo danh mình là sinh viên của trường này, trường nọ. Muốn vậy họ bỏ công tìm hiểu về ngôi trường, về ngành học để có thể trả lời một vài câu hỏi sơ đẳng khi khách hỏi han. Tuy nhiên, nếu như trước đây những ông khách giàu có và có thói trăng hoa thường chọn mấy em chân quê, sinh viên… có ngoại hình đẹp để làm “bồ nhí”, cung cấp tiền bạc, mua xe sắm nhà thì nay chuyện này đã lỗi thời. Các ông bây giờ chẳng muốn vướng víu chuyện yêu đương gây nhiều phiền toái mà chọn giải pháp tốt nhất là “ăn bánh trả tiền”! Ý thức được điều đó nên các “PR” cũng chẳng mơ có ngày được đại gia “nuôi nấng” mà chỉ cốt làm sao để được nhiều tiền “boa” trong mỗi bàn nhậu hay mỗi lần “đi khách”.
Để “bao vây” khách sộp, các cô thường liên kết thành một nhóm để “hỗ trợ” lẫn nhau theo kiểu đôi bên cùng có lợi. Một trinh sát của Đội 5, PC45, Công an TP HCM cho biết, khi gặp khách làng chơi tiêu tiền như nước các cô sẽ giới thiệu cho nhau để cùng “xẻ thịt”, tất nhiên người được giới thiệu sẽ trích phần trăm tiền “cò” để hai bên cùng vui vẻ. Và bàn nhậu sẽ là nơi để họ ngã giá qua đêm hay “đi dù”. Để rồi đến sáng hôm sau, họ bắt đầu “một ngày làm việc” mới như bao ngày đã qua. Lực lượng này hiện tại đã có mặt ở khắp nơi từ quán nhậu bình dân đến nhà hàng cao cấp mà theo nhiều chủ quán cho biết, thời buổi này bán quán nhậu mà thiếu “PR” thì coi như “chết” sớm!
Video đang HOT
Hết thời xuân sắc rơi vào hố sâu
Tôi hỏi Thủy (21 tuổi, quê Đồng Tháp), một “PR” thường xuyên hoạt động ở quận Thủ Đức là mỗi ngày ngồi với bao nhiêu khách và kiếm được bao nhiêu tiền “boa”. Thủy cho hay, lúc đắt sô khoảng 4-5 lượt khách, bình thường chừng 2-3 lượt. Bây giờ vật giá leo thang nên tiền “boa” mỗi lần “bèo” lắm cũng 200.000 đồng, nhẩm ra các cô kiếm ít nhất cũng trên 10 triệu đồng/ tháng. Đó là chưa kể tiền bán dâm, kiếm năm bảy triệu mỗi tháng là chuyện thường tình.
Với mức thu nhập cao như vậy, thế nhưng, chỉ vài ngày ế khách, nhiều cô chẳng có tiền ăn sáng. Tôi hỏi Thủy sao lạ vậy, Thủy đưa mắt nhìn xa xăm, bảo khó nói lắm rồi lảng sang chuyện khác. Tôi cố tìm hiểu thì mới hay, để có tiền mua xe tay ga, sắm điện thoại đắt tiền hầu hết các “PR” ở khu vực Thủ Đức đều vay “đứng” tiền của các tay trùm cho vay nặng lãi. Vay 30 triệu đồng mỗi ngày phải trả 200.000 đồng tiền lãi mà vốn thì cứ giữ nguyên. Bên cạnh tiền lãi, hàng tháng mỗi cô còn gửi về cho gia đình 3-5 triệu đồng rồi tiền thuê phòng trọ, tiền quần áo, phấn son cũng hết ngần ấy… Còn lại thì chơi đề, đánh bài và… nuôi trai.
Một nhóm “PR thuần túy” bị kiểm tra.
Vì trên thực tế, dù ngày ngày “làm dâu trăm họ” nhưng các “PR” hầu như ai cũng có bạn trai. Mà người bạn của họ nếu không “đầu trộm đuôi cướp” thì cũng là giang hồ ăn không ngồi rồi, nghiện hêrôin, bài bạc. Sở dĩ các cô chọn những gã trai này vì với công việc của mình họ khó có thể tìm được người bạn đứng đắn để chia sẻ những buồn vui. Nhưng trên hết, những gã giang hồ này còn là chỗ dựa cho họ trong thế giới tệ nạn đầy rẫy bạo lực, lọc lừa, xảo trá. “Nhiều đứa gặp thằng “bồ” chơi “hàng đá” (ma túy tổng hợp) chưa kịp đưa tiền là bị nó đánh đập dã man nhưng cũng phải cắn răng mà chịu. Vì bỏ nó thì nó đâu để cho yên…” – một “PR” buồn bã nói.
Rất nhiều cô gái “PR” mà chúng tôi từng gặp hầu như chưa ai vượt quá tuổi 25. Vì trong thế giới tệ nạn, sau tuổi 25 đã là quá già, khách chê nên quản lý chẳng bao giờ gọi đến. Từ chỗ làm ra tiền mỗi tháng gần 20 triệu đồng, bỗng chốc trở nên trắng tay trong khi nợ nần thì vẫn còn đó, tiền gửi về cho gia đình cũng phải làm tròn nghĩa vụ thì lấy tiền đâu ra?
Đi làm công nhân hay làm mướn làm thuê mỗi tháng vài triệu đồng? Điều đó là không thể, vì vậy, con đường đã định gần như tất yếu đó là trở thành một gái mại dâm thực thụ, một “má mì” chăn dắt đám hậu sinh, một “tú bà” của đường dây gái gọi… Hậu quả là có kẻ vào tù, có người “thân tàn ma dại” bởi sự tàn phá của ma túy, có kẻ “ra đi” vì căn bệnh thế kỷ… không chỉ gây tác hại ghê gớm cho xã hội mà còn làm tan nát biết bao gia đình mà chính người thân của họ là nạn nhân.
Trước đây, Chuyên đề ANTG từng tiếp nhận đơn kêu cứu của một cô gái “PR” bị bọn giang hồ cho vay nặng lãi đe dọa tính mạng vì cô không đủ tiền để trả số nợ 20 triệu đồng. Cô gái ấy tên V. quê ở Cần Thơ. Năm 2010, V từ quê lên TP HCM làm nhân viên cho một quán nhậu nằm trên đường Nguyễn Văn Đậu, quận Bình Thạnh. Nhờ có ngoại hình dễ nhìn nên sau đó V. không làm nhân viên nữa mà theo chân một “PR” chân dài có mặt ở khắp quán nhậu trong thành phố. Thấy làm được nhiều tiền nên V. vay một đối tượng giang hồ 20 triệu đồng (thế chấp CMND) với lãi suất 60% để gửi về cho mẹ sửa lại căn nhà dột nát.
Cuối năm 2011, bà ngoại của V. bệnh nặng nên V. về quê rồi ở luôn nửa tháng. Tưởng V. trốn nợ, kẻ cho vay tìm đến nhà V. quậy một trận tưng bừng rồi buộc gia đình V. phải trả cả vốn lẫn lãi nếu không sẽ “giết chết cả nhà”. Sau khi tiếp nhận đơn của V., Chuyên đề ANTG đã liên hệ cơ quan chức năng và giải quyết ổn thỏa vụ việc này. Tuy nhiên, V. bảo mình chẳng còn mặt mũi đâu để mà nhìn thiên hạ nên cô sẽ mãi mãi không trở lại quê nhà, còn tương lai ra sao thì vô định hướng…
Theo ước tính của UBND TP HCM, hiện trên toàn địa bàn có khoảng 3.500 gái bán dâm. Tuy nhiên, đây chỉ là phần nổi của tảng băng trôi vì số lượng gái mại dâm bổ sung từ nguồn “PR” là rất lớn nhưng chưa được đề cập đến. Và trên thực tế thì cũng khó có thể kiểm soát được số lượng gái mại dâm loại này vì chúng chẳng hoạt động trong cơ sở dịch vụ, nhà chứa hay đứng đường mà là hoạt động riêng lẻ ở các khách sạn, nhà nghỉ. Kiểm soát đã khó nên công tác truy bắt cũng cực kỳ khó khăn. Chính vì vậy mà các ban ngành, đoàn thể của các cấp chính quyền luôn chú trọng đến công tác tuyên truyền, vận động. Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động giúp đỡ người hoàn lương với nhiều mô hình như câu lạc bộ “Phụ nữ vươn lên”, “Phụ nữ xa quê”, “Mai vàng”…
Tuy nhiên, điều tréo ngoe ở chỗ, người được tuyên truyền chủ yếu là những người có hộ khẩu thường trú tại TP HCM, trong khi đó hầu hết tiếp viên, “PR” ở các nhà hàng, quán nhậu và gái mại dâm lại đến từ các tỉnh miền Tây. Do vậy, để công tác tuyên truyền đi đúng mục đích thì cần phải tác động trực tiếp đến các đối tượng là nam, nữ thanh niên làm việc tại các cơ sở dịch vụ, lao động nhập cư, những người có việc làm di biến động như kiểu “PR”.
Ngoài ra, theo một chuyên gia trong lĩnh vực này thì công tác tuyên truyền (thông qua phương tiện thông tin đại chúng hoặc công tác phối hợp giữa TP HCM và các tỉnh) tốt nhất là phải đến với gia đình có con em là nữ từ các vùng nông thôn các tỉnh đến TP HCM làm việc. Bởi lẽ, hầu hết các cô gái này thường nói dối với gia đình là làm nghề lương thiện nhưng hàng tháng lại gửi về một số tiền lớn nhưng cha mẹ vẫn tin. Vì vậy mà cần phải tuyên truyền để họ thấy được rằng, với trình độ văn hóa thấp, không có tay nghề thì con em họ khó có thể tìm một việc làm với mức lương cao ngất…
Theo báo cáo của UBND TP HCM, tính đến tháng 6/2012, toàn thành phố có 27.597 cơ sở dịch vụ “nhạy cảm” dễ phát sinh tệ nạn xã hội.
Trong 6 tháng đầu năm 2012, Đoàn kiểm tra liên ngành văn hóa – xã hội các cấp đã kiểm tra hơn 8.000 lượt cơ sở kinh doanh, phát hiện 4.481 cơ sở vi phạm, trong đó 49 cơ sở liên quan đến hoạt động mại dâm và 75 cơ sở có liên quan đến hành vi khiêu dâm, kích dục.
Về phía công an, trong thời gian trên cũng đã tổ chức 431 lượt truy quét gái mại dâm tại nơi công cộng và 79 vụ mua bán dâm, khiêu dâm, kích dục tại cơ sở kinh doanh dịch vụ.
Theo Vietbao
3 đối tượng làm hơn 1.000 bằng giả lĩnh án tù
Ngày 27/9, TAND TP Huế đã mở phiên xét xử sơ thẩm đối với 3 đối tượng trong đường dây làm bằng giả lớn nhất bị công an phát hiện và bắt giữ vào tháng 5/2012.
Như Dân trí đã đưa tin, Công an TP Huế sau 2 tháng phá án, trong tháng 5/2012 đã bắt khân câp Lại Văn Quyết và Đinh Hồng Đức (đêu SN 1986, trú ở TP Huế) - là 2 đối tượng liên quan đường dây làm giả các loại văn bằng, chứng chỉ, con dấu của các cơ quan, tổ chức có qui mô liên tỉnh. 3 đối tượng móc nối với 1 đối tượng tên Nam ở Hà Nội và Bùi Nguyên Ánh (SN 1985, trú tại Tam Phước, TP Biên Hòa, Đông Nai) để làm giả các văn bằng, chứng chỉ. Công an đã bắt được đối tượng Ánh sau khi Quyết, Đức sa lưới.
Thủ đoạn của nhóm làm bằng giả này là liên hệ với những người có nhu cầu mua bằng cấp, chứng chỉ để xin việc làm, lên lương, bổ nhiệm và phục vụ các mục đích cá nhân khác. Sau đó, các đối tượng mẫu văn bằng, chứng chỉ kèm theo ảnh, thông tin cá nhân, chứng minh nhân dân và tiền gửi ra Hà Nội, vào Đồng Nai để Nam và Ánh thực hiện, sau đó chuyển trở lại Huê giao cho khách hàng.
Đặc biệt nguy hiểm hơn, chúng còn làm giả các con dấu, chữ ký của các cơ quan tổ chức không có thật để làm chứng chỉ giả, nhằm thu lợi bất chính, và tùy vào từng loại bằng, chứng chỉ mà giá trị tiền sẽ khác nhau.
Các bị cáo Quyết, Đức, Ánh (từ phải sang trái) tại tòa
Theo cáo trạng của Viện KSND TP Huế, qua quen biết trên mạng, Quyết biết Đức nằm trong đường dây làm giả bằng tốt nghiệp cấp 3, chứng chỉ Anh văn và Tin học đồng thời, biết Ánh có đường dây làm giả bằng tốt nghiệp đại học giả và bằng THPT nên đã móc nối, thống nhất với nhau để làm bằng giả.
Quyết và Đức thống kê những người có yêu cầu mua bằng, lấy ảnh, chứng minh nhân dân và những thông tin cần thiết rồi giả con dấu, chữ ký của các cá nhân, tổ chức để công chứng. Chúng gửi hồ sơ cho Ánh và Nguyễn Hữu Nam (SN 1985, trú quận Thanh Xuân, Hà Nội) làm bằng giả.
Từ tháng 11/2011 đến ngày bị bắt, bốn đối tượng đã làm giả gần 1.000 tấm bằng đại học, bằng tốt nghiệp cấp 3, chứng chỉ Tin học, Anh văn. Nhiều người ở Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Đồng Nai... đã mua bằng với giá 4 - 8 triệu đồng/bằng, trong đó có một số cán bộ làm ở cơ quan nhà nước, doanh nghiệp. Tuy nhiên các đối tượng khai nhận không biết cụ thể người mua bằng làm việc ở cơ quan, tổ chức nào.
Những tấm bằng giả mà nhóm đối tượng này làm
Kết thúc phiên xét xử, tòa đã tuyên phạt Đinh Hồng Đức (SN 1986, quê Hà Tĩnh) 2 năm tù, Lại Văn Quyết (SN 1986, quê Thanh Hóa cùng tạm trú TP Huế) 3 năm tù và Bùi Nguyên Ánh (SN 1986, quê Nghệ An, tạm trú TP HCM) 2 năm 6 tháng tù, cùng được hưởng án treo về tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức".
Theo Dantri
Giận vợ, tưới xăng đốt xe làm cháy rụi cả nhà Sau khi đánh đập vợ con bị thương người chồng dùng dây xích buộc 4 xe máy lại với nhau rồi dùng xăng tưới đốt xe, ai ngờ cháy luôn cả nhà. Vụ việc xảy ra vào khoảng 13 giờ chiều ngày 25/9 tại ngôi nhà 2 tầng bán tạp hóa trên đường Phùng Khắc Khoan (thuộc phường Đống Đa, TP Quy Nhơn,...