Thời của Ngôi sao không còn ồ ạt, chật vật “Nam tiến” ?
Nhiều sao trẻ phía Bắc đang dần chiếm được tình cảm của khán giả mà không cần phải lệ thuộc vào vấn đề Nam tiến.
Miền Nam nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng luôn được xem là thị trường giải trí lớn nhất nước. Mỗi ngày đều có hàng chục tụ điểm, sân khấu sáng đèn, cùng vô vàn những quán bar, vũ trường, sự kiện văn hóa cần đến sự góp mặt của ca sĩ. Tuy được xem là miền đất hứa với vô vàn cơ hội, nhưng cũng chính tại đây, không ít người đã hoàn toàn trắng tay vì không thể vượt qua cả rừng thử thách.
Có nhiều sân khấu để biểu diễn, hoàn toàn không có nghĩa là ca sĩ có quyền lựa chọn, cho dù đó là nơi nhỏ bé, hoặc sao trẻ đã có chút tên tuổi. Chính sự đa dạng đã khiến các bầu show phải tăng cường tính cạnh tranh, họ luộn cân đong đo đếm kỹ lưỡng để đảm bảo mỗi ngôi sao xuất hiện trong chương trình đều đủ sức mang lại lợi nhuận ở mức tối đa. Không có chỗ cho sự “thể nghiệm”, và niềm tin vào một lính mới nào đó có thể “làm nên chuyện” gần như là một trò mạo hiểm không đáng để tham gia. Từ đó cho thấy, cơ hội ở Miền Nam tuy nói là nhiều nhưng thực sự chúng luôn rất khó để nắm bắt.
Rào cản về văn hóa vùng miền cũng là trở ngại lớn cho nhiều ngôi sao phía Bắc khi quyết định vào Nam lập nghiệp. Từ giọng nói, cách chào hỏi, lấy lòng công chúng đều có thể khiến ca sĩ bối rối, chỉ vì một lẽ đơn giản “ở dưới khán giả nghe chả hiểu gì”. Đặc thù nhiều sân khấu tại miền Nam thường mang nặng tính tạp kỹ, với phần pha trò là chủ yếu, khán giả tìm đến các chương trình chủ yếu là để giải trí, không chuộng những thể hiện mang nặng tính chiều sâu về nội dung. Và chính điều này đã khiến yếu tố “thanh lịch” của nhiều ca sĩ gốc Bắc trở thành chướng ngại vật bất đắc dĩ, khó lòng vừa ý giới bầu show.
4 Diva Việt – Mỹ Linh, Hồng Nhung, Thanh Lam, Trần Thu Hà
Không phải lẽ tự nhiên mà chúng ta có 4 “Diva” đều là dân xứ Bắc, trong khi các thành phần “nữ hoàng giải trí” đình đám còn lại đa số vẫn chen nhau tề tựu cả về miền Nam. Điều này phần nào cho thấy, để có thể thành danh được trên xứ Nam Kỳ, các ngôi sao phía Bắc luôn phải khẳng định được chất lượng chuyên môn của mình, để có thể bù lại điểm thiếu hụt ở mặt giải trí. Và cơ hội dành cho họ luôn đi kèm với những thử thách khá khắt khe.
Từng có một dạo, khán giả mang nặng định kiến: tất cả ca sĩ phía Bắc đều thuộc diện… hàn lâm. Ai thích thể hiện đẳng cấp thì “cố mà ngồi nghe”, sự góp mặt của họ ở những sự kiện dành cho giới trẻ cũng khiêm tốn hơn rất nhiều. Nhưng rồi theo thời gian, thị trường đã dần đón nhận những sản phẩm đến từ phía Bắc của Tổ quốc. Đầu tiên là sự xuất hiện của lứa ca sĩ vừa đảm bảo được cả tính thị trường lẫn yếu tố chuyên môn như Hồ Quỳnh Hương, Tuấn Hưng, Năm dòng kẻ… Sau đó, họ dần phát triển và được bổ sung thêm hàng loạt gương mặt mới, giúp tăng tính đa dạng để đủ sức kéo lại lượng khán giả trẻ vốn dĩ đang nghiêng hẳn về “phe” miền Nam. Giai đoạn này, người yêu nhạc đã bắt đầu chú ý hơn đến những tân binh như: Yanbi, Mr T, Emily, Tăng Nhật Tuệ. Trong khi đó các tên tuổi quen thuộc khác bao gồm Lưu Hương Giang, Cao Thái Sơn, Hoàng Hải thì ngày một khẳng định được vị trí vững chắc trong làng Showbiz.
Trước mật độ phủ sóng rất khả quan trên các bảng xếp hạng âm nhạc online, chí ít thì họ cũng phần nào góp phần giúp V-Pop đẩy lùi nhạc chợ. Đã có một thời gian dài, nhu cầu cần lấp đầy khoảng trống đã khiến nhiều trang chia sẻ âm nhạc trực tuyến phải chấp nhận sự trà trộn bởi những “mặt hàng” kém chất lượng, ngay cả các show ca nhạc cũng gặp phải tình trạng tương tự. Sự ra đời của một thế hệ nghệ sĩ mới có đầy đủ khả năng thuyết phục người nghe mà vẫn đảm bảo được “độ chất” đã giúp thị trường có thêm sản phẩm tốt để lựa chọn.
Mặc dù đã có được tín hiệu đáng mừng, nhưng hiện tại số lượng ca sĩ miền Bắc đang giữ vững được đà phát triển tên tuổi vẫn chưa hề tương xứng với thực lực của họ. Điển hình như 4 vị Diva Lam, Linh, Hà, Nhung đợi mãi mà vẫn chưa thấy thành quả âm nhạc mới nào mang tính đột phá, trong khi đó các lứa sao đàn em thì chỉ đang quẩn quanh ở mức hâm nóng tên tuổi, như Tùng Dương thỉnh thoảng lại lên sân khấu tìm cách nhắc nhở khán giả về độ quái của mình, còn Minh Quân thì đang mải miết làm “anh chàng lắm chiêu” tại các show truyền hình thực tế. Liệu đến bao giờ họ mới cho ra đời 1 album đúng tầm đẳng cấp?
Sự mở rộng tầm ảnh hưởng của các nghệ sĩ miền Bắc không hề mang tính phân biệt cạnh tranh giữa hai miền ai hơn, ai kém, chỉ đơn giản là làng nhạc đã có thêm sự tham gia của những ngôi sao mang chất lượng ổn định và những nét đặc trưng riêng, góp phần là đời sống giải trí của người yêu nhạc thêm phong phú.
Vài năm trở lại đây, nhiều nghệ sĩ phía Bắc đã dần khẳng định được vị trí vững chắc của mình trên “sân nhà”, không còn phải băn khoăn lo nghĩ về chuyện Nam tiến, đó cũng là dấu hiệu đáng mừng, cho thấy sự phát triển ổn định ảnh hưởng tích cực đến tình hình chung của V-Pop. Hi vọng đây không phải là một cơn sóng nhỏ nhất thời, và liệu trong tương lai, các ca sĩ sẽ ngày càng đưa chất lượng sản phẩm đi lên, hay rồi cũng dần chùn bước tham gia vào phong trào “chợ hóa” âm nhạc? Đó vẫn còn là những khả năng được bỏ ngõ trước làn sóng biến chất hiện nay của V-Pop.
Video đang HOT
Trung Kiên
Theo VNN
Tăng Nhật Tuệ giải thích về thời gian 'Nam tiến' thất bại
Rơi vào bế tắc, tâm trạng chán nản, các nhạc phẩm bị "trùm mền" cả năm là những khó khăn mà chàng ca sĩ - nhạc sĩ Hà thành gặp phải khi thời gian đầu Nam tiến.
Hình ảnh mới của Tăng Nhật Tuệ trong album vừa mới phát hành
- Anh đã tạo được chỗ đứng tại thị trường miền Bắc, vì sao còn quyết định Nam tiến?
- Bây giờ, các bạn của tôi ngoài Hà Nội đều khá, các ca sĩ miền Bắc đang giữ những vị trí cao trên các bảng xếp hạng âm nhạc. Tôi mừng lắm mặc dù luôn hiểu các bạn vẫn gặp nhiều khó khăn, bởi muốn đi hát thường xuyên nhưng ngoài Bắc ít sân khấu. Tôi chưa bao giờ tiếc nuối khi vào Sài Gòn sống. Tôi muốn được hát và đứng nhiều sân khấu khác nhau.
- Chắc hẳn anh biết rõ nhiều ca sĩ và nhóm nhạc sau thời gian dài Nam tiến đã phải trở về mái nhà xưa vì thất bại. Anh sẽ đối phó với nguy cơ này ra sao?
- Tôi nghĩ việc thất bại và trở về không có gì xấu. Ngoài Hà Nội tôi còn nhà, đất, về được thì về. Tôi biết mình phải làm gì. Hiện tại, tôi quá bận rộn, không có thời gian nghĩ nhiều điều trắc trở. Đất không phụ người nếu người hiểu đất và chăm chỉ lao động. Điều quan trọng là đi một ngày đàng học một sàng khôn.
- Cảm giác của anh trong những ngày đầu sống tại Sài Gòn ra sao?
- Tôi thích sự khác biệt giữa hai nơi Hà Nội và TP.HCM. Điều này giúp tôi tỉnh táo, cẩn trọng, nhạy bén hơn trong công việc, phán đoán sự việc và khéo léo hơn trong việc tiếp xúc, giao lưu với các đồng nghiệp.
- Liên tục gặp trục trặc khi phát hành các sản phẩm riêng, anh có mất đi sự hứng thú đối với âm nhạc?
- Tôi đã thực hiện được ba album, trong đó, album đầu tiên tên Đom đóm đêm sau khi thu âm, master hoàn tất, phải đợi hơn một năm mới có người nhận phát hành, nhưng họ vẫn để lại. Tôi mất tích trên thị trường. Album vol 2 có số phận tương tự. Tôi rơi vào bế tắc và chán nản.
Gần một năm qua, tôi "trùm mền" cho các nhạc phẩm, không muốn thực hiện album khác. Nhưng lần này, tôi may mắn nhận được sự giúp đỡ từ Thanh Thảo Production. Sự hứng thú, tự tin của tôi đã tăng thêm. Công ty phụ trách những phần việc liên quan đến truyền thông. Thành quả đạt được đã vượt mức tưởng tượng của tôi.
- Điều gì đã khiến anh quyết định thay đổi phong cách âm nhạc khác hoàn toàn so với trước đây?
- Tôi đã tìm hiểu kỹ thị hiếu của khán giả và dành tặng cho họ những điều họ muốn. Khó nghe hay dễ không quan trọng, điều tôi mong muốn là khán giả tìm thấy chính mình, hạnh phúc, khắc khoải trong tác phẩm của tôi. Người nghe là khách hàng, họ là thượng đế.
- Là một ca sĩ trẻ, vì sao anh hát toàn ca khúc dành cho những người trung niên?
- Tại miền Nam, tôi vẫn là một tên tuổi mới, nhưng tuổi nghề của tôi không còn trẻ. Tôi khó lòng thể hiện trước khán giả rằng, tôi trẻ trung, đẹp trai, là hot boy. Vì vậy, tôi chọn cách thể hiện cho khán giả thấy tôi đã chững chạc, trưởng thành và tạo được sự tin tưởng từ phía họ.
- Thuận lợi và khó khăn anh gặp phải khi vừa sáng tác, vừa hát là gì?
- Thuận lợi nhất là tôi có thể thống nhất tinh thần ca khúc, truyền tải đến khán giả đúng với những gì tôi mong muốn nhất, không sai lệch về ý tưởng chủ đạo. Còn khó khăn là việc dễ bị đóng khung vào một màu sắc âm nhạc cá nhân, quên mất thị hiếu và mở rộng tầm quan sát với thị trường rộng lớn.
- Anh vượt qua sự một màu trong âm nhạc như thế nào?
- Có khi cả năm tôi chỉ hát 8 bài trong đĩa, nhưng viết 80 bài cho các ca sĩ khác. Tôi đang bị ngập lụt trong đơn đặt hàng của đồng nghiệp. Giống như một diễn viên, người nhạc sĩ nên thay vai liên tục để đáp ứng tinh thần cho các tác phẩm khác nhau, thấu hiểu tâm tư của đám đông. Nếu tôi cứ lôi chuyện riêng kể, người nghe cũng nhàm chán. Việc hóa thân vào nhiều dạng nhân vật khác nhau sẽ giúp tác phẩm luôn có những màu sắc âm nhạc mới mẻ hơn.
- Ngoài phim ảnh và ca hát, anh còn những dự án gì?
- Tôi đang ấp ủ nhiều nhiều việc lắm. Bây giờ, quan trọng nhất là tôi muốn chăm sóc thêm cho phần chuyên môn của công ty âm nhạc của Thanh Thảo. Các ca sĩ trẻ rất đông, họ cần có những dự án âm nhạc mang cá tính riêng.
Tôi biết chị Thảo là người tâm huyết và luôn muốn giúp đỡ các bạn trẻ, nhưng một mình chị không làm hết việc. Vì vậy, tôi muốn hợp tác với chị để giúp các bạn ca sĩ khác cùng công ty. Còn dự án riêng, tôi sẽ giữ bí mật để gây bất ngờ cho khán giả.
- Vì sao một thời gian dài anh rất ít xuất hiện trên truyền thông?
- Thời gian đó tôi ít xuất hiện vì bản thân chẳng có gì đáng được lên báo.
- Hiện tại, anh có bằng lòng với cuộc sống riêng?
- Nếu tôi là người dễ bằng lòng, tôi đã rời bỏ showbiz từ lâu, không quay lại. Tôi chỉ cảm thấy yên lòng vì còn có người dũng cảm đứng ra giúp đỡ, đưa tôi đến gần khán giả hơn dù nhiều người tin rằng: "Tăng Nhật Tuệ... thế là hết rồi".
Tôi sẽ không bằng lòng cho đến khi tôi trả hết ơn cho họ. Sự thật là ơn nghĩa không phải trả bằng tiền, một lần hai là xong, tôi có những tâm nguyện riêng.
- Chuyện khủng khiếp nhất mà anh từng trải qua là gì?
- Tôi chưa bao giờ được nghe về chuyện của ba, trừ việc ông qua đời khi tôi còn rất nhỏ. Tôi chưa nhìn thấy ba bao giờ, nhưng mỗi ngày tôi đều dành nhiều thời gian để nói chuyện với ông.
Tôi tin ngoài tổ nghiệp, nhờ ông phù hộ, tôi đã có được ngày hôm nay. Còn mẹ, tôi không nhắc đến bà trên báo, bởi bà thích sự yên ổn. Cuộc sống của mẹ con tôi rất hạnh phúc, dù nghèo. Mẹ thích tôi làm nghệ sĩ, chưa bao giờ đòi hỏi tôi phải mang tiền về nhà. Bà đâu phải doanh nhân, nhưng bà vẫn một thân nuôi 3, 4 anh em ăn học đầy đủ. Vì vậy, bà không cần tôi trở thành một doanh nhân.
- Khi gặp bế tắc, anh thường cứng rắn để suy nghĩ hay buông xuôi tất cả?
- Tôi thường tìm hiểu rõ nguyên nhân của sự bế tắc, sau đó, nhanh chóng giải quyết. Nhưng nhiều khi, buông xuôi lại là một giải pháp để gỡ rối. Tóm lại, sống ở Sài Gòn nên tôi tập trung lắng nghe lý trí một chút. Tôi sẽ tự biết phải làm gì để tiếp tục làm việc, chỉ cần nghỉ ngơi hơn người khác đôi phút, tôi sẽ mất những cơ hội lớn nhất.
LÊ TUẤN - LỮ
Theo Infonet
Tăng Nhật Tuệ muốn tìm 'một nửa' Chàng nhạc sĩ Hà thành từng rất được các teen yêu thích qua vai diễn Đô Đô trong "Bộ tứ 10A8" bật mí chuyện tình cảm riêng. Sau thời dài một mình Nam tiến, Tăng Nhật Tuệ có vẻ đang dần chán cảnh "đi sớm về khuya một mình" nên thổ lộ, anh muốn tìm "một nửa" vừa dịu dàng, vừa tâm lý...