Thời của MV lên ngôi
Có một điều dễ dàng nhận ra là thị trường nhạc Việt đang ngày càng đông đúc, sôi động với đủ các thế hệ ca sỹ già, trẻ, với đủ các thể loại nhạc từ pop, ballad đên rock… Vã dĩ nhiên, dân số tăng lên thì đất đai chật lại. Các ca sỹ ngày càng chật vật hơn trong việc thu hút khán giả về phía mình. Và giờ đây, hình thức tung ra những clip ca nhạc như phim với hình ảnh lung linh, tình tiết lắt léo đang được các ca sỹ Việt tận dụng triệt để.
Những khoản đầu tư cực “khủng”
Mấy trăm triệu đồng để quay một MV ư? Chuyện đó quá bình thường rồi. Quay MV bây giờ phải là tiền tỷ kia. Thế mới đủ làm cho dân tình xôn xao, bàn tán, vừa ngưỡng mộ vừa tò mò, vừa lén giấu đi cái nhìn ghen tỵ.
Hình ảnh trong MV “Fly” của Vy Oanh
Mới đây, ca sỹ Vy Oanh – một cô ca sỹ mà mấy năm trước đây vẫn chỉ là một cái tên thường thường bậc trung thì giờ đã bật lên hẳn nhờ những MV hết sức long lanh. Và gây chú ý nhất phải kể đến MV “Fly” của cô nàng.
Mặc dù Vy Oanh luôn khéo léo từ chối tiết lộ kinh phí nhưng người trong nghề dễ dàng nhẩm ra số tiền dành cho MV Fly phải lên đến cả tỉ đồng.
Trong MV này, Vy Oanh đã phá thùng xe container để dựng thành sân khấu biểu diễn lưu động thuê dàn cẩu để nâng chiếc xe hơi bay lên trời và mời những tên tuổi nổi tiếng trong lĩnh vực làm phim ảnh tham gia thực hiện. MV Fly thực sự gây choáng với những cảnh quay hoành tráng. Từ việc một cô ca sĩ ngồi trên xe không người lái rồi cùng chiếc xe bay lên không trung với gần 2.000 quả bóng bay.
Trước Vy Oanh, MV “Vẫn mãi yêu anh” của Thủy Tiên trước khi được công bố đã gây nhiều chú ý bởi khoản tiền quá lớn mà cô đổ vào. Mặt sàn catwalk được Thủy Tiên chi mạnh tay như lót gạch bóng đắt tiền để phục vụ cho việc ghi hình, rất nhiều vải trắng được thả rơi khắp bốn bề tạo nên một không gian huyền ảo, lộng lẫy. Đặc biệt MV này của Thủy Tiên được quay bằng máy quay ARRI là đời máy cao hơn một bậc so với máy RED – thường được sử dụng hiện nay.
MV “Vẫn mãi yêu anh” của Thủy Tiên
Video đang HOT
Những ý tưởng có một không hai
Đàm Vĩnh Hưng – người không bao giờ thiếu những chiêu trò khác lạ đã chứng minh ngay bằng một MV mang hơi hướng kinh dị với cốt truyện như một bộ phim ngắn. Để khẳng định đẳng cấp, MV Tuổi hồng thơ ngây đã được Mr Đàm cho quay tại những nơi đẹp nhất của Đà Lạt với sự tham gia diễn xuất của những gương mặt quen thuộc trong làng giải trí như: Dương Triệu Vũ, “ốc” Thanh Vân, Trương Minh Cường, Cao Lâm Viên…
Đông Nhi là một cô ca sỹ trẻ được đông đảo khán giả tuổi teen yêu mến. Sau một thời gian ngắn chặt với hình ảnh dễ thương của một ca sỹ tuổi teen, Đông Nhi đang từng bước khẳng định sự trưởng thành của mình qua những sản phẩm âm nhạc được đầu tư công phu hơn. Mới đây, cô đã cho ra mắt một MV được quay hoàn toàn dưới nước. Đông Nhi và Ông Cao Thắng phải diễn xuất liên tục dưới làn nước lạnh nhiều ngày liền và MV của cô được đánh giá cao vì sự cố gắng thực hiện ý tưởng độc đáo, mới lạ.
MV “Sau mỗi giấc mơ” của Đông NHi được quay hoàn toàn dưới nước
Những câu chuyện lắt léo, tréo ngoe, bi thương được tận dụng tối đa
Không hẹn mà gặp, hàng loạt các MV của sao Việt đều có chung một mô típ thực hiện MV là chết chóc, bệnh tật, yêu người yêu của bạn, bị bạn cướp người yêu… Có thể kể ra rất nhiều MV sử dụng cái chết để lấy nước mắt khán giả như “Chuyện như chưa bắt đầu” của Mỹ Tâm, “Tìm lại giấc mơ” của Hồ Ngọc Hà, “Nỗi đau xót xa” của Minh Vương… Còn mô típ của những cuộc tình ngang trái éo le thì hầu như đều được các ca sỹ thực hiện. Hoặc những MV dạng phim hàng động pha chút hài hước như Lý Hải đã từng thực hiện cũng được nhiều ca sỹ ăn theo. Thật khó để tìm được một MV chân chất mà vẫn đầy cảm xúc như thủa “ngày xưa”.
Mỹ Tâm mang bệnh nan y trong MV “Chuyện như chưa bắt đầu”
Họp báo rầm rộ
Cách đây không lâu, giới báo chí mắt tròn mắt dẹt khi đi dự buổi họp báo giới thiệu MV mới của Đàm Vĩnh Hưng. Nam ca sĩ tạo dựng một không gian huyền bí với những hình ảnh rùng rợn theo đúng như MV của single Tuổi hồng thơ ngây. Ngay từ những bậc thang dẫn đến phim trường, mọi người phải đi qua một đường hầm hẹp, ánh sáng mờ ảo, dặt dìu tiếng guitar của anh chàng lãng tử ngồi bên vệ đường.
Người tham dự phải qua nhiều cửa mới tiếp cận được chỗ họp báo. Khi bức màn thứ nhất được vén lên, mọi người nhìn thấy những vật dụng như bảng nội quy, giáo án, hình ảnh lớp học được trang trí gọn gàng. Mr Đàm cũng trở thành hướng dẫn viên, giới thiệu về lớp học cũng như những vật dụng trưng bày.
Trong khi một số phóng viên chưa kịp chụp lại ảnh ở phần một, bức màn thứ hai được vén lên với những hình ảnh là cuốn nhật ký Tường Vi, ngôi nhà hoang ẩn hiện một đôi nam nữ mặc áo trắng bay lượn theo điệu nhạc… Những hình ảnh này không khỏi khiến mọi người rùng mình.
Đột ngột, cả khán phòng tối om vì mất điện, lúc này bức màn thứ ba được mở ra. Đó là một không gian rộng dành cho cuộc họp báo với những hàng ghế được xếp ngay ngắn, thẳng tắp.
Đàm Vĩnh Hưng họp báo trong tiếng ghi ta
Còn cô ca sỹ Thu Thủy lại được phong là người tiên phong khi lần đầu tổ chức họp báo tại trung tâm thương mại. Những quan khách đi mua sắm ở khu vực này đều có thể tham dự buổi họp báo và đứng lại nghe cô hát những ca khúc mới nhất.
Thu Thủy tổ chức họp báo ở trung tâm thương mại
Tất cả sẽ chẳng có gì đáng nói nếu tất cả các MV đều có sự cân xứng giữa phần nghe và phần nhìn. Trong nhiều MV, giọng hát và hình ảnh cứ như một “đôi đũa lệch”. So với phần hình ảnh được đầu tư kỹ lưỡng, công phu thì âm thanh lại nhạt nhòa. Những “siêu xe”, “hot girl”, “hot boy” biến người hát trở thành nghệ sĩ trình diễn hơn là ca sỹ.
Ở cái thời mà người người, nhà nhà làm MV như này thì để có được một MV thực sự ấn tượng, thì ngoài những yếu tố như đã kể trên, các ca sỹ cũng nên đầu tư cho phần âm nhạc và nội dung bài hát. Tất cả sẽ chẳng là gì nếu nội dung bài hát nhạt nhẽo, vô nghĩa mà người hát chỉ như một con búp bê diễn trò.
Theo TTVN
Nhạc Việt: Thế hệ ba chỉ
Người "đứng đắn" nghe ca sĩ hát chêm dăm ba câu tiếng Anh trong một bài tiếng Việt, như nhai phải sạn. Người trẻ tuổi, khoái chí, đôi khi thuộc cả bài chính vì đoạn điệp khúc "hội nhập".
Đó là chuyện vài năm trước. Chuyện giờ này, thời của những cô cậu thuộc thế hệ có sự pha trộn tự thân, mà chúng tôi tạm gọi là "thế hệ ba chỉ". Ca sĩ tên Việt nghe thường quá, phải có chút ký tự riêng giống như một chữ ký chẳng giống ai. Nói hoài không xong, giờ "thế hệ đứng đắn" thở dài, "Bọn trẻ bây giờ nó vậy!". (Nhưng xin lỗi, thời nào chả có người thở dài ... "Bọn trẻ bây giờ nó vậy!")
Chuyện vụn ở Hà Nội
Hai chục năm trước, Hà Nội xuất hiện Ái Vân và Lệ Quyên, cứ gọi là "sáng bừng sức sống". Khái niệm về nhạc nhẹ, nhạc pop đã ra đời và mở ra một trào lưu ùn ùn làm nhạc nhẹ. Sau đó, nó lẫy lừng ở những năm đầu 1990 và thăng hoa ở cuối thập kỷ này với những cái tên hầu như bắt đầu từ Hà Nội: Thanh Lam, Hồng Nhung, Thùy Dung, Phương Đông, Hoa Sữa, Chìa Khóa Vàng, rồi sau đó là Mỹ Linh, Bằng Kiều, Ngọc Châu, Thu Phương, Anh Em...
Thanh Bùi, một trong những đại diện đầu tiên với trào lưu làm âm nhạc song ngữ
Mới đây, vài đại diện thế hệ này gồm Mỹ Linh - Anh Quân, Huy Tuấn, đạo diễn Đỗ Đức Thành, Việt Tú... đến dự rồi cười sung sướng trong buổi ra mắt MV mới của đạo diễn trẻ Triệu Quang Huy - "Beautiful girl", bản thu âm đầu tiên của cậu "hot boy" Hà Thành - Cường Seven. MV đẹp đẽ nắn nót, một bản thu âm nhạc electro house sôi động đủ để phô diễn khả năng nhảy múa của Cường Seven - nguyên là một biên đạo kiêm vũ công. Biết chắc và y như rằng, ngay sau đó trên mạng tràn ngập các comment "trên cơ": "bắt chước Hàn", "chả có gì" hoặc "lai căng từ âm nhạc đến lối sống"... Nhưng hiệu quả cuối cùng là gì, lượng view clip này tăng vùn vụt từng ngày...
Điều đáng nói ở câu chuyện thế hệ này lại khác, MV "Beautiful girl" là thành quả ham vui của toàn người trẻ: nhóm Film Ninja Productions của Triệu Quang Huy, Sacred Entertainment , Young Music and Free Flow của Space Speaker (sản xuất âm nhạc và hòa âm, phối khí), JussRecord (thu âm) của nhóm Hoàng Touliver, Young Uno, Justa Tee, rapper Mr.A... toàn cái tên nửa Tây nửa Ta lạ hoắc...
Nếu bạn khả kính và đứng đắn, nếu bạn nghe nhạc chính thống... thì đương nhiên bạn chẳng để ý đến những cô cậu chơi nhạc Hà Thành kia... Nhưng đừng coi thường, họ có một cộng đồng người nghe riêng biệt, có những diễn đàn và sân khấu âm nhạc riêng, họ có cả giá trị thương hiệu mà nhắc đến người trong nghề hoặc khán giả của họ sẽ cảm thấy tin cậy...
Đấy, đã bao nhiêu lần người "đứng đắn" lên lớp giới trẻ về truyền thống, về dân gian đương đại, rồi cau mày về những nghệ danh không rõ Tây Tàu...(nhắc chuyện này mới thấy phi lý, vì đã có lúc chúng ta chấp nhận kiểu lai Hoa: Châu Gia Kiệt, Lâm Chấn Huy... ,tại sao lại không đồng ý kiểu Mr.A, Mr.B...bây giờ?).
Nhưng trẻ có lý của trẻ, show "Bài hát yêu thích" của Đài TH quốc gia bắt đầu phải chấp nhận và chào đón những bản hit của giới trẻ như "Thu cuối" của Yanbi feat Mr.T, "Real love" của Kimese và Justa Tee... Họ sáng tác, sản xuất và đưa nó đến công chúng và được yêu thích, trước khi có những đề nghị được đổi tựa bài hay... đọc tên thật của nghệ sĩ... Chấp nhận giới trẻ thôi!
Trở lại câu chuyện thế hệ, giống như thời Hà Nội những năm 1980, Hà Nội bây giờ cũng đang nở rộ trào lưu "Tây hóa". Lớp trẻ họ nghe nhạc Tây và thích nhạc Tây, chờ người làm chuyên nghiệp mãi không thấy thì họ phải tự làm nhạc cho họ mà thôi. Cái gì cũng có nấc phát triển tự nhiên. Từ nghe thụ động đến làm chủ động là một bước phát triển đáng trân trọng đối với những người làm âm nhạc.
Trước hết họ cũng phải là những người có khả năng, có khuynh hướng âm nhạc riêng và có những xu thế cởi mở hội nhập nhất định... Có khác gì thời Lệ Quyên nhảy xì đùng như ca sĩ Đông Âu, thời Chìa Khóa Vàng chơi nhạc Queen Bee hay thời Anh Em khởi đầu nhạc funk soul đâu chứ...
Chính tai nghe của khán giả và chất lượng chuyên môn của từng sản phẩm qua thời gian sẽ khẳng định giá trị. Chứ còn tính thời điểm và dư luận chỉ mang tính nhất thời tham khảo mà thôi.... Cái hay nhất, lúc này đây, là nhìn thấy phong trào âm nhạc trẻ của Hà Nội rộn ràng, đông đảo và đoàn kết, nhìn chung về một hướng, báo hiệu những điều vui... Cứ để mặc họ tạo cho nhau những môi trường nghệ thuật riêng, với động lực thúc đẩy là chính những khán giả của họ, hơn là khả kính chau mày và cười nhạt quay đi.
Ca sĩ Thanh Bùi
Cái đích và cái thước đo
Sự kiện cuốn sách "Sát thủ đầu mưng mủ" và những cuộc tranh luận nảy lửa gần đây về việc đưa ngôn ngữ tuổi teen vào từ điển đã cho thấy, thực tế là phần đông giới khả kính đã đành phải chấp nhận sự tồn tại của lối sống trẻ trong đời sống. Kiểu như mấy ai còn nói "đi tập thể dục thể hình" nữa (mà nói đi gym, đi tập gym). Chính phụ huynh cũng khuyến khích con cái học trường điểm, học song ngữ, học tiếng Anh giao tiếp từ bé... thì đến lúc họ nghe nhạc tiếng Anh, hát và viết tiếng Anh là chuyện thường ngày.
Chuyện song ngữ đến ngay từ đời sống và trở thành công cụ của họ trong mọi lĩnh vực. Trong một "góc nhìn" của Đẹp cách đây chưa lâu, chúng tôi có nhắc đến lứa ca sĩ của Hà Anh Tuấn, Thanh Bùi, Thảo Trang... về một trào lưu làm âm nhạc song ngữ. Nhen nhóm thì đã có nhiều ca sĩ lứa trước thực hiện nhưng đến thời điểm này mới thực sự có những dấu hiệu quyết liệt....
Sự bật lên nhanh chóng trong vai trò nhà sản xuất của Dương Khắc Linh đã đưa ra rất nhiều sản phẩm âm nhạc pha trộn. Linh cũng thuộc nhóm thế hệ âm nhạc mới, Tây học và trở về làm âm nhạc trong nước. Biến điểm yếu là khả năng viết lời tiếng Việt trở thành điểm mạnh là viết ca khúc quốc nội bằng ngôn ngữ quốc tế - cái mà thị trường âm nhạc đang thiếu sau bối cảnh Công ước Berne làm hạn chế việc cover ca khúc quốc tế.
Hầu hết những sản phẩm "thế hệ ba chỉ" đang hoạt động chuyên nghiệp gồm Hồ Ngọc Hà, Hà Anh Tuấn, Thảo Trang... và gần đây là Nguyễn Phạm Thùy Trang (Trang Pháp), Hà Okio... đều bắt đầu và có dính líu đến nhóm Early Riser của Dương Khắc Linh... Sự thành công của nhạc sĩ Việt kiều này đã lôi kéo khá nhiều những người làm âm nhạc Âu Mỹ trở về Việt Nam và xu hướng này sẽ còn nhiều... trong tầm quan sát của người viết, còn thêm một lực lượng làm âm nhạc trẻ nữa chưa xuất hiện hoặc đang "ủ mưu" được đào tạo chính quy tại châu Âu đã trở về...
Ở Hà Nội, nhóm nghệ sĩ underground (chuộng dòng nhạc Mỹ) đã xác định âm nhạc là công việc lâu dài cũng đang tự vận động để bứt ra khỏi thế giới mạng và cũng có những toan tính lớn hơn cho những sự xuất hiện đồng loạt như Hoàng Touliver, Justa Tee, Young Uno... Số lượng này hoàn toàn đáng đặt kỳ vọng, ít nhất Dương Khắc Linh không phải là kẻ độc hành.
Nói về con đường của "bacon generation - thế hệ ba chỉ", sẽ còn nhiều hơn những gì chúng ta đang thấy. Bên cạnh những đường lối âm nhạc phát triển truyền thống mà thế hệ đàn anh của họ coi là con đường duy nhất để hội nhập thì thế hệ trẻ hơn sẽ nghĩ khác. Thay vì đi cover hoặc "để mất" khán giả cho nhạc ngoại, họ hội nhập bằng cách làm sản phẩm quốc nội mang tính quốc tế. Trả lời cho nhiều bình luận thiếu thiện chí trên mạng cho sản phẩm Beautiful girl chẳng hạn - "bắt chước Hàn Quốc"? Xin thưa, Hàn Quốc cũng bắt chước Mỹ cả thôi! Với "thế hệ ba chỉ", họ đã quen phải nghe những điều như thế. Nhưng có hề gì! Chẳng phải thị trường nhạc Mỹ là cái đích tối thượng của nhiều người, và đang là thước đo chuẩn cho sự phát triển của thị trường nhạc Việt hay sao?
Theo Đẹp
Những giọng ngoại hát nhạc Việt nổi tiếng nhất Không phải là những giọng ca xuất sắc, những gì Richard, Kyo hay Lee mang đến chỉ mới thỏa mãn cảm giác lạ nhưng như thế cũng đủ giúp họ có được vị trí trong lòng nhiều người yêu nhạc Việt Nam Ngoài những nghệ sĩ thuộc lĩnh vực nhạc hàn lâm, yêu và quyết định lập nghiệp ở Việt Nam còn có...