Thời chia sẻ thông tin sức khoẻ… tào lao!
Trẻ bị thép đâm vào thịt chảy máu chỉ cần rửa vết thương rồi nhỏ sữa mẹ vào là ổn, không cần chích ngừa uốn ván; hoá trị ung thư đã lạc hậu, tế bào ung thư chưa suy suyển gì thì tế bào lành đã bị giết… Những chia sẻ kiểu này tràn lan trên mạng, quá phản khoa học nhưng không ít người vẫn tin.
Tháng qua, PGS.TS Trần Văn Thuấn, giám đốc bệnh viện K trung ương, đã gặp giới truyền thông nhờ phản bác lại một thông tin phản khoa học lan truyền mạnh mẽ trên mạng, cho rằng “phác đồ hoá trị ung thư hiện nay quá lỗi thời, không hiệu quả khiến bệnh nhân tử vong nhiều hơn, hoá chất chưa tìm diệt được tế bào ung thư đã tàn phá lục phủ ngũ tạng của người bệnh dẫn đến tử vong”.
Trị ung thư chết nhanh hơn không trị (!?)
TS Thuấn khẳng định: “Hoá trị là một trong các phương pháp điều trị ung thư quan trọng. Ngoài chữa khỏi một số ung thư, hoá trị còn có thể ngăn chặn được ung thư tiến triển, giúp cải thiện triệu chứng và kéo dài thời gian sống thêm cho người bệnh ung thư. Ngày nay y học hầu như có thể kiểm soát được hết các độc tính của hoá trị”.
Video đang HOT
Tìm một bác sĩ nắm rõ tình trạng sức khỏe của mình để tham khảo ý kiến là cách tốt nhất. Trong ảnh: khám bác sĩ gia đình tại bệnh viện quận 10, TPHCM.
Xuyên tạc giá trị khoa học của điều trị ung thư không chỉ có ở nước ta. Tại Hoa Kỳ, cách đây vài năm, một chuyên gia có tên Hardin B. Jones đã làm nhiều người sửng sốt khi khẳng định điều trị ung thư chỉ khiến bệnh nhân chết nhanh hơn không trị. Jones nói: “Những ai không chữa ung thư còn sống được trung bình 12,5 năm, nhưng ai chấp nhận phẫu thuật hoặc những liệu pháp chữa ung thư khác chỉ sống được ba năm. Không nghi ngờ gì nữa, điều trị ung thư gây hại hơn lợi”. Một số trang mạng của Mỹ trích dẫn phát biểu của Hardin B. Jones, cho rằng ông từng nghiên cứu ung thư hơn 23 năm, nhưng không trang nào chỉ ra được bằng nghiên cứu nào Jones cho ra được kết luận như thế.
Thời đại Facebook thống lĩnh, người người làm báo nhà nhà làm báo, ai cũng có thể lên mạng thoải mái chia sẻ và cho ý kiến, bất chấp những chia sẻ đó thiếu chứng cứ và phản khoa học.
Ngày 22.6, trên một diễn đàn chống vắcxin, người ta đọc được thắc mắc của một người mẹ có con nhỏ bị cây thép đâm rách thịt chảy máu, sau khi cầm được máu và sát trùng vết thương cho con, người mẹ không biết có nên đưa con đi chích ngừa uốn ván hay không, nên hỏi ý kiến mọi người.
Trong số hàng chục câu trả lời, có ít nhất ba người tư vấn cho bà mẹ này một giải pháp kỳ lạ: “Bạn cứ nhỏ sữa mẹ liên tục vào vết thương bé là tự khắc lành, không cần chích vắcxin làm chi (!?)”.
Nhưng ý kiến trên vẫn chưa là gì so với một mẹ bĩm sữa cách đây vài tháng viết trên một diễn đàn: “Theo em sữa mẹ chữa được hết mọi loại bệnh, từ HIV đến ung thư. Em có em bé bị tai nạn cụt ngón tay nhưng hai tháng sau ngón mọc trở lại nhờ nhỏ sữa mẹ. Chỉ sữa mẹ mới có tế bào gốc (!?)”.
Suýt trả giá vì bệnh uốn ván
Một ngày đầu tháng 4.2017, trong khi đạp xe từ trường về nhà, em N., học sinh lớp 9, ngụ tại tỉnh Bình Phước bị ngã xe, mu bàn chân bị sướt chảy máu. Thấy vết thương của N. không đáng, người nhà chỉ rửa sạch, không ngờ năm ngày sau đó em có biểu hiện co cứng, đến y tế địa phương thì được xác định là uốn ván. Tại bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, N. nằm hồi sức cấp cứu nhiều ngày vì bệnh uốn ván thể nặng. Em phải thở máy, dùng thuốc giãn cơ và kháng sinh loại mạnh mới qua khỏi. ThS.BS Nguyễn Văn Hảo, trưởng khoa hồi sức cấp cứu – chống độc người lớn bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, cho biết nhiều người bị vết thương nhỏ, tưởng chừng không nguy hiểm, nên chủ quan không đi chích ngừa uốn ván, đến khi bệnh phát ra thì quá nặng, chữa trị rất tốn kém, thậm chí khó giữ được tính mạng.
BS Đỗ Nguyên Tín, giảng viên bộ môn nhi đại học Y dược TP.HCM, cho biết ngày nay con người dường như đang chết đuối trong biển thông tin, nhưng lại chết khát vì thiếu thông tin chính xác, có ích. Ông nói: “Thời đại bùng nổ thông tin, ai cũng có thể nói bất kỳ chuyện gì trên mạng, xác định đúng hay sai tuỳ mỗi người. Nhưng nếu liên quan đến thông tin sức khoẻ, bạn nên tham khảo ý kiến chuyên gia và các trang mạng có uy tín”.
Chia sẻ kiến thức y tế không chính xác, phản khoa học đang là điều lo ngại cho nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Úc, một nghiên cứu của đại học Wollongong báo cáo ở hội thảo y tế quốc gia 2016 nước này, cho thấy gần 20% câu trả lời hoặc trao đổi với nhau trên mạng về các vấn đề sức khoẻ thai kỳ hay trẻ em là không chính xác.
Tương tự, một khảo sát của mạng News-Medical.Net (Úc) về những chia sẻ liên quan đến thai kỳ trên cộng đồng mạng Facebook, đã phát hiện một trong năm chia sẻ là không chính xác, thậm chí 2% chia sẻ “ẩn chứa nguy cơ gây hại”.
Tổng kết nghiên cứu, các tác giả khuyến cáo để bảo đảm an toàn, mỗi người cần tìm kiếm thông tin sức khoẻ từ một bác sĩ biết rõ mình, bệnh sử và tình trạng sức khoẻ của mình.
Mấy ngày qua, cộng đồng mạng chích vắcxin tại Việt Nam nổ ra một tranh luận sôi nổi về một nghiên cứu nước ngoài có tựa đề Trẻ không chích vắcxin có thể khoẻ hơn. Một thành viên sau khi đưa ra những luận điểm chặt chẽ, khoa học phản bác ý kiến này, đã khẩn thiết kêu gọi mọi người: “Đừng chia sẻ nếu như mình không hiểu rõ, nhất là các vấn đề sức khoẻ… Nếu không đủ lý lẽ, rất mong hãy vui lòng gỡ bài chia sẻ của mình xuống nếu là những người “vì cộng đồng”, như những gì mình nhân danh”.
Theo Bài, ảnh Bình Yên (Thế Giới Tiếp Thị)