Thời bình của cựu binh trận hải chiến Gạc Ma
“Tôi và nhiều đồng đội may mắn trở về, nhưng cũng bị số phận dập vùi, có lúc như bị lãng quên”, cựu binh Lê Hữu Thảo ngậm ngùi khi nhắc đến 64 đồng đội mãi nằm lại cùng Gạc Ma trong trận hải chiến cách đây 26 năm.
Kể từ cuộc gặp mặt những nhân chứng lịch sử dịp kỷ niệm 25 năm (14/3/2013) trận Gạc Ma ở Đà Nẵng, cái tên Lê Hữu Thảo được biết đến nhiều hơn với chiến công đối mặt lính Trung Quốc, tham gia tìm kiếm, đưa hai anh hùng Trần Văn Phương và Nguyễn Văn Lanh về đảo Sinh Tồn.
Cũng từ lần gặp đó, ký ức về trận chiến và sự hy sinh anh dũng của đồng đội giữa biển khơi đã thôi thúc người cựu binh Gạc Ma đi qua 9 tỉnh, thành từ Quảng Bình đến Nam Định gặp lại 6 đồng đội cũ còn sống và thắp hương cho 29 người đã mất trong cuộc chiến giữ đảo. Thông tin những chuyến đi này được ông cập nhật liên tục trên trang Facebook cá nhân, thu hút sự quan tâm của nhiều người, kết nối những nhà hảo tâm, giúp đỡ gia đình đồng đội cũ.
26 năm sau trận hải chiến Gạc Ma, cựu binh Lê Hữu Thảo vẫn đi thuê trọ. Ảnh: Nguyễn Đông
Sau sự kiện Gạc Ma, ông trở thành tâm điểm của báo chí, được ghi danh vào bảng vàng của Hải quân Việt Nam. Sau khi sang Nga lao động, cái tên Lê Hữu Thảo chìm vào quên lãng.
Vật lộn đủ nghề kiếm sống, ông yêu một cô gái người Bắc nhưng kết thúc không có hậu. Hai người có một con trai nay đã 14 tuổi. “Ngẫm lại, giờ gia tài của mình gần như chỉ là hai bàn tay trắng”, ông nói. 26 năm từ ngày xuất ngũ, ông vẫn độc thân, nay ở trọ tại phường Thạch Trung (TP Hà Tĩnh) để tiện làm ăn.
Những đồng đội may mắn như ông trở về từ Gạc Ma, “ngoài Nguyễn Văn Lanh được phong anh hùng, nhà đứa nào cũng khổ, bệnh tật, nhưng còn được mái nhà, vợ con”, giọng ông đượm buồn.
Vào sinh ra tử với ông Thảo còn có ông Phạm Xuân Trường ở huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh). Làm phụ hồ nay đây mai đó, năm 2007, ông Trường mới cất được căn nhà ngói nhưng còn nợ ngân hàng hơn 10 triệu đồng. Hai con trai ông Trường sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự đứa ở Hà Nội, đứa vào TP HCM làm thuê để gửi tiền về cho bố mẹ trả nợ.
“Nhà Trường có 3 đứa con nhưng kinh tế khó khăn, có lần tôi phải nhờ bạn bè ở Yên Bái nơi Trường đi làm phụ hồ cho mượn tiền về gặp mặt đồng đội. Về đến Hà Tĩnh, tôi còn cho Trường mượn quần áo mặc”, ông Thảo kể.
Vợ chồng cựu binh Trường vất vả với công việc thường ngày. Đến nay, ông chưa được hưởng chế độ. Ảnh: Nguyễn Đông
Chuyện trò với bạn đồng ngũ, ông Trường thấy tủi thân bởi nhiều người đi lính được hưởng chế độ, còn mình thì chưa. Ông cho hay đã nộp giấy xuất quân bản gốc đến cơ quan chức năng từ 2 năm trước nhưng giờ chưa có kết quả. Những lần lên xã hỏi, ông chỉ nhận được câu trả lời không rõ ràng. Gần nhất, hôm 10/3, ông Trường cùng ông Thảo lên xã thì được biết hồ sơ đã chuyển lên huyện và tỉnh đội, chưa rõ khi nào có chế độ.
Trận Gạc Ma năm ấy, 9 chiến sĩ bị phía Trung Quốc bắt giữ làm tù binh. Họ trở về khi giấy báo tử đã đến tay người thân, bàn thờ cùng di ảnh nghi ngút khói hương, nhiều người mẹ, người vợ đã khóc hết nước mắt. Chết hụt một lần, cuộc mưu sinh thêm lần nữa thử thách họ.
Video đang HOT
Cựu binh Trần Thiên Phụng (Đông Hà – Quảng Trị) ngày ngày giúp vợ bán quán bún ngay trong khoảng sân nhỏ căn nhà mượn của cha mẹ trên phố Kim Đồng. Vợ bị bệnh tiểu đường, ông vẫn gắng cho con cái ăn học dù phải vay nợ ngân hàng.
Cựu binh Nguyễn Văn Thống với thương tật hỏng mắt trái. Ảnh: Nguyễn Đông
Không được như ông Phụng, cựu binh Mai Xuân Hải ở huyện Bố Trạch (Quảng Bình) phải cho con nghỉ học vì nghề tiều phu không đủ trang trải. Mãi đến năm ngoái, ông mới cất được căn nhà nhờ sự giúp đỡ của tấm lòng hảo tâm.
Còn ông Nguyễn Văn Thống ở xã Nhân Trạch (huyện Bố Trạch), thương binh hạng 1/4, vẫn ngày ngày phụ vợ bán gạo ở chợ, đôi lúc đi mua thuốc thấy nhiều tiền quá, ông lại quay về.
Ông Thảo cho rằng, lịch sử nhiều khi chưa sòng phẳng bởi đến nay chỉ số ít cựu binh Gạc Ma được Nhà nước quan tâm, hỗ trợ về vật chất. Ông không cầu danh lợi, chỉ mong sao những linh hồn nằm lại Gạc Ma yên lòng khi thấy cha mẹ, vợ con mình có cuộc sống no ấm hơn.
“Tôi muốn đề cử phong anh hùng với liệt sĩ Nguyễn Mậu Phong, bởi anh ấy là người chỉ huy trên đảo Gạc Ma, hiên ngang đối mặt 50 lính Trung Quốc có vũ trang hiện đại, chỉ huy đồng đội giữ cờ, bám đảo cho đến khi ngã xuống. Hiện hai con trai của anh Phong cũng theo nghiệp hải quân”, cựu binh Thảo nói.
Theo VNE
Tại sao Trung Quốc xâm lược các đảo của Việt Nam vào tháng 3.1988?
Từ đầu năm 1988, Trung Quốc đã sử dụng một lực lượng lớn hải quân gồm nhiều tàu chiến nhằm chiếm đóng một loạt đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Cao trào của hành động xâm lược này diễn ra vào ngày 14.3.1988 khi biên đội gồm 6 tàu chiến, trong đó có 3 tàu hộ vệ có trang bị tên lửa và pháo 100 mm, của Trung Quốc đã bắn chìm và cháy 3 tàu vận tải của Việt Nam tại bãi đá ngầm Gạc Ma trong cụm đảo Sinh Tồn của Việt Nam.
Trong vụ thảm sát này, 64 binh sĩ Việt Nam đã anh dũng hy sinh. Sau đó Trung Quốc còn ngăn chặn không cho tàu mang cờ chữ thập đỏ ra cứu những người bị thương, bị nạn.
Điều phải lưu ý là đây là lần đầu tiên người Trung Quốc (lục địa) đặt chân đến Trường Sa. Trước đó, với tư cách quan phương, Trung Quốc chưa bao giờ có mặt ở vùng biển này.
Chỉ huy Tàu HQ505 Vũ Huy Lễ đã ra lệnh táo bạo lao tàu lên bãi ngầm ở đảo Cô Lin cắm cờ khẳng định chủ quyền Tổ quốc vào ngày 14.3.1988 - Ảnh: tư liệu
Đã một phần tư thế kỷ trôi qua, từ sự kiện 14.3.1988, có những điều cần phải nói rõ như sau:
Đầu tiên, ngay sau ngày 14.3.1988, thông qua hệ thống tuyên truyền khổng lồ của mình, Trung Quốc đã ngang nhiên bịa đặt trắng trợn với dư luận trong nước và quốc tế rằng: Các tàu Trung Quốc đang thả neo để yểm trợ cho tàu chở đoàn các nhà khoa học Liên Hiệp Quốc (LHQ) đi khảo sát khoa học tại Trường Sa thì bị các tàu chiến của Việt Nam tấn công. Vì thế hải quân Trung Quốc bắt buộc phải đánh trả tự vệ!
Sau đó thông qua người phát ngôn của Tổng thư ký, LHQ đã nói rõ: không hề có tàu của LHQ tổ chức khảo sát khoa học ở Trường Sa vào 3.1988!
Rõ là "cháy nhà ra mặt chuột" và chính quyền Trung Quốc đã "lấy thúng úp voi", đã "lấy thịt đè người" lại còn muốn lấy tay che mặt trời!
Đã không có tàu khảo sát khoa học của LHQ thì chắc chắn không có việc tàu chiến Việt Nam tấn công tàu Trung Quốc. Điều mà nhiều người đều biết đó là chuyện "ngậm máu phun người" là sở trường của các nhà cầm quyền Trung Quốc.
Lễ tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh ngày 14.3.1988 tại Cam Ranh (Khánh Hòa) - Ảnh: tư liệu
Trước đó, năm 1962 Trung Quốc phát động chiến tranh biên giới với Ấn Độ và chiếm của Ấn Độ hàng nghìn km2 nhưng lại vu cáo Ấn Độ xâm lược Trung Quốc. Năm 1979, Trung Quốc tiếp tục đem 60 vạn quân xâm lược Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía Bắc. Sự việc rõ ràng như vậy nhưng cũng được họ tuyên truyền là "phản kích tự vệ quân Việt Nam xâm lược"!
Thứ hai, có một câu hỏi cần đặt ra là, tại sao Trung Quốc lại tiến hành đánh chiếm các đảo của Việt Nam tại Trường Sa vào tháng 3.1988?
Cuối 1987 đầu 1988 là thời kỳ Việt Nam rơi xuống điểm thấp nhất của cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội. Tình hình trong nước chồng chất khó khăn: kinh tế đình đốn, đời sống của đại đa số người dân cực kỳ vất vả.
Cũng trong thời điểm đó, Liên Xô cũng bắt đầu lâm vào khủng hoảng chính trị - xã hội. Bắc Kinh cúi mình trước Washington, tự nhận là "NATO phương Đông" để nhận được nguồn tài chính và công nghệ, kỹ thuật từ Mỹ và phương Tây để phục vụ cho mục tiêu hiện đại hóa. Trong bối cảnh ấy, Trung Quốc cũng đã câu kết với Mỹ và hầu hết các nước trong khu vực (trừ Lào và Campuchia) siết chặt vòng bao vây, cấm vận đối với Việt Nam.
Lợi dụng tình thế khó khăn đó của Việt Nam, Trung Quốc đánh chiếm một số đảo của Việt Nam tại Trường Sa phục vụ cho ý đồ lâu dài.
Trung Quốc cũng là bậc thầy trong việc lợi dụng thời điểm. Mặc dù đã đưa lực lượng ra Trường Sa và có những hoạt động đe dọa từ đầu năm 1988, nhưng thời điểm được Trung Quốc lựa chọn nổ súng rơi đúng vào 14.3.1988 cũng là thời điểm lễ tang Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng được tổ chức tại Hà Nội! Một khi họ đã có dã tâm thì chuyện "tang gia bối rối" lại trở thành điều có thể lợi dụng được!
Độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc là tài sản lớn nhất, quý giá và quan trọng nhất của cả dân tộc - Ảnh: Chiến sĩ canh gác trên đảo Len Đao (quần đảo Trường Sa) - Ảnh: D.Đ.Minh
Câu chuyện xảy ra ngày 14.3.1988 tại Trường Sa đến nay vẫn còn nguyên ý nghĩa thời sự. Sự hy sinh của những người lính Việt Nam 25 năm trước là một lời nhắc nhở tới 90 triệu người đồng bào hôm nay, trước hết là những người có trọng trách với dân tộc, không bao giờ được quên những điều sau:
Một là, lòng tin phải được đặt đúng chỗ. Đối với Trung Quốc, điều quan trọng không phải là lời nói mà là hành động.
Hai là, cần phải hiểu về con đường mà Trung Quốc lựa chọn. Những toan tính và hành động của Trung Quốc liệu có phải là một quốc gia cộng sản đồng chí như họ từng miêu tả hay thực tế là chính sách dân tộc nước lớn vị kỷ?
Việc vô cớ đem quân đánh chiếm các đảo của một quốc gia láng giềng, bất kể quốc gia đó phát triển theo đường lối nào cũng là đi ngược lại những nguyên tắc sơ đẳng trong quan hệ quốc tế và phản bội đối với chủ nghĩa Marx - Lênin mà Trung Quốc từng sử dụng như một chiêu bài.
Phỏng vấn các chiến sĩ trên tàu 505, con tàu mặc dù đã bị quân Trung Quốc xâm lược bắn cháy vẫn lao lên đảo Cô Lin giữ đảo, khẳng định chủ quyền của Việt Nam.
Láng giềng là vĩnh viễn và không bao giờ thay đổi, trừ phi có một trận siêu động đất đẩy hai quốc gia ra xa nhau!
Việt Nam cần và mong muốn có một mối quan hệ hữu nghị, ổn định, lâu dài với Trung Quốc. Tuy nhiên quan hệ ấy cần được đặt trong sự tôn trọng lẫn nhau về nhiều mặt, đặc biệt là vấn đề "bất biến" là chủ quyền quốc gia, lợi ích dân tộc. Không tỉnh táo nhận thức được điều này, lệ thuộc vào những yếu tố "ứng vạn biến" như "mười sáu chữ", "bốn tốt" có thể dẫn đến những bước đi sai lầm mang lại hậu quả lớn cho quốc gia, dân tộc!
Chúng ta đã có được bài học đắt giá khi rơi vào cảnh bị cô lập trên trường quốc tế từ 1979-1990. Bài học ấy cùng với sự kiện 14.3.1988 mách bảo chúng ta rằng bị cô lập không đồng nghĩa với có độc lập, mà ngược lại, bị cô lập sẽ dẫn đến thảm họa, thậm chí mất cả độc lập và chủ quyền quốc gia.
Phía xa, trên góc trái ảnh là tàu chiến Trung Quốc luôn lượn lờ rình rập.
Các nhà sử học Việt Nam chân chính và những người Việt có lương tâm trong sáng sẽ còn mất nhiều thời gian và công sức nghiên cứu, mổ xẻ, soi xét sự kiện 14.3.1988 một cách khách quan để rút ra bài học bổ ích cho những người Việt hiện nay và các thế hệ mai sau.
Độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc không thuộc sở hữu riêng của riêng ai. Nó là tài sản lớn nhất, quý giá và quan trọng nhất của cả dân tộc.
Theo NTD
Cựu binh Trường Sa sống cùng giấy báo tử "Ngày tôi về, bàn thờ với di ảnh của tôi vẫn còn đó. 25 năm rồi, 9 anh em bị Trung Quốc bắt trong trận Gạc Ma vẫn còn giữ giấy báo tử, để luôn nhắc nhở mình được sinh ra lần thứ hai", cựu binh Trường Sa Nguyễn Văn Thống nói. Tìm gặp trung sĩ Thống giữa cơn mưa chiều cuối tháng...