Thời báo Hoàn Cầu: Thế hệ trẻ họ Kim củng cố quyền lực
Việc sa thải các chính trị gia kỳ cựu, vốn đóng vai trò quan trọng trong cuộc chuyển giao quyền lực sau cái chết của Chủ tịch Kim Jong-il, sớm hay muộn sẽ dẫn tới sự củng cố quyền lực của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và các anh em ruột của ông
Ông Kim Jong-un và anh trai Kim Jong-chol.
Thời báo Hoàn cầu, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, đã đưa ra nhận định trên trong bài viết ngày 12/12 với tựa đề “Thế hệ trẻ họ Kim củng cố quyền lực”.
Trong một bài phỏng vấn với tờ Chosun Ilbo, giáo sư Lee Yun-keol từ Trung tâm dịch vụ thông tin chiến lược Triều Tiên tại Hàn Quốc, khẳng định rằng chính anh trai của ông Kim Jong-un là Kim Jong-chol đã đích thân dẫn một nhóm binh sĩ tới bắt giữ ông Jang Song-thaek, người chú dượng và từng là nhân vật quyền lực số 2 tại Triều Tiên.
Trích dẫn một nguồn tin trong quân đoàn bảo vệ ông Kim Jong-un, ông Lee cho biết rằng vụ bắt giữ, diễn ra vào khoảng ngày 8/12, đã được lên kế hoạch kỹ càng.
Ông Kim Jong-un đã bị mật thành lập một lực lượng đặc nhiệm do Kim Jong-chol đứng đầu để lên kế hoạch vụ phế truất ông Jang. Lực lượng này gồm một số quan chức được lựa chọn từ đơn vị vệ sĩ của ông Kim Jong-un, theo ông Lee.
Ông Lee, người bỏ trốn khỏi Triều Tiên vào năm 2001, đã xác nhận thông tin trên với tờ Thời báo Hoàn cầu ngày 11/12. Ông Lee cho hay ông đã nói chuyện với một người cung cấp nguồn tin mật hôm 5/12.
Anh trai và em gái ông Kim Jong-un đều có chức
Kim Jong-chol, 32 tuổi, là con trai thứ của ông Kim Jong-il. Ông này từ lâu vẫn được tin là đứng ngoài chính trường Triều Tiên.
Theo ông Lee, Kim Jong-chol đã quay trở lại chính trường hồi đầu năm nay để đứng đầu Ponghwajo (Nhóm ngọn đuốc), một nhóm của con em các lãnh đạo đảng và quân đội cấp cao vốn quản lý các nguồn quỹ bí mật.
Trong khi đó, truyền thông Hàn Quốc cho hay người em gái của ông Kim Jong-un, Kim Yeo-jeong, 26 tuổi, giờ đây cũng nắm giữ một vị trí quan trọng trong Ủy ban quốc phòng quốc gia quyền lực của Triều Tiên.
Ông Lee khẳng định việc sa thải người chú dượng Jang Song-thaek đã được gia đình họ Kim tiến hành triệt để và nằm trong di chúc của cố Chủ tịch Kim Jong-il, vốn nói chi tiết về các cách thức nhằm củng cố sự lãnh đạo của thế hệ thứ 3.
Video đang HOT
Ông Jang, người bị tước mọi chức vụ vì các hành động bè phái chống phá đảng và cách mạng, không phải là quan chức cấp cao đầu tiên bị sa thải sau cái chết của ông Kim Jong-il. 5 trong số 7 quan chức cùng Kim Jong-un từng hộ tống chiếc limousine chở linh cữu cố Chủ tịch giờ đây đã bị mất chức.
Jin Qiangyi, giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Á tại Đại học Yanbian, nói với tờ Thời báo Hoàn cầu rằng sự chuyển giao quyền lực cho thế hệ trẻ họ Kim đã được dự đoán từ lâu, nhưng nó đến quá sớm và gây ra những lo ngại rằng họ thiếu kinh nghiệm.
“Các thành viên gia đình họ Kim có thể buộc phải đẩy nhanh cuộc chuyển giao quyền lực do sức mạnh ngày càng gia tăng của người chú dượng Jang và các tin đồn về việc ông này thách thức nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un”, ông Jin nhận định.
Tác động tới sự phát triển kinh tế
Việc phế truất ông Jang, người được tin là từng ủng hộ phát triển kinh tế, đã làm gia tăng những lo ngại về các khó khăn kinh tế của Triều Tiên, trong bối cảnh hãng tin Yonhap đưa tin rằng Bình Nhưỡng bắt đầu bán các khối lượng lớn vàng cho Trung Quốc vài tháng trước.
Tuy nhiên, ông Liu Ming giám đốc Trung tâm nghiên cứu Triều Tiên tại Viện khoa học xã hội Thượng Hải, nói với tờ Thời báo Hoàn cầu rằng việc sa thải ông Jang nhiều khả năng sẽ không khiến Bình Nhưỡng quay lưng với phát triển kinh tế, vì nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã cam kết theo đuổi vũ khí hạt nhân và hiện đại hóa kinh tế cùng lúc.
Cũng theo ông Liu, một loạt vụ phế truất sẽ diễn ra sau vụ sa thải ông Jang, vì vậy Triều Tiên sẽ không thay đổi chính sách ngoại giao hoặc gây ra các hành động khiêu khích quân sự trong ngắn hạn.
“Ít nhất tỏng 6 tháng tới, Bình Nhưỡng sẽ không làm gì”, ông Liu cho biết, và lưu ý rằng Triều Tiên cần phải duy trì sự ổn định kinh tế để loại bỏ các rủi ro gây ra từ sự biến động chính trị công khai.
Một quan chức tại sở thương mại ở Đan Đông, thành phố Trung Quốc giáp ranh với Triều Tiên, nói với Thời báo Hoàn cầu rằng không có dấu hiệu phục hồi thương mại Trung Triều mới đây và Triều Tiên đang thiếu tiền.
Ông Jang Song-thaek trước đây có nhiệm vụ quản lý thương mại Trung-Triều và các dự án kinh tế, trong đó có các khu kinh tế tại thành phố Rason và các đảo Hwanggumphyong và Wihwa.
Theo ông Liu, việc phế truất không ảnh hưởng nhiều tới các dự án này và sự phát triển của chúng đã bị trì trệ trong năm qua do các biện pháp trừng phạt của Liên hợp quốc nhằm vào vụ thử hạt nhân thứ 3 của Bình Nhưỡng.
Quan hệ với Trung Quốc
Tuy nhiên, ông Liu đã bày tỏ lo ngại rằng vụ phế truất ông Jang có thể làm giảm ảnh hưởng của Trung Quốc đối với các lãnh đạo Triều Tiên, và thế hệ trẻ trong chính quyền thiếu kinh nghiệm hợp tác với Trung Quốc.
“Tuy nhiên, các mối quan hệ cá nhân chưa bao giờ đóng vai trò quyết định trong mối quan hệ giữa hai nước”, ông Liu nói.
Cũng theo ông Liu, Triều Tiên sẽ cố gắng duy trì quan hệ thân thiện với Trung Quốc do vị thế cô lập của nước này.
Ông Jin Qiangyi cũng có chung quan điểm như vậy. Theo ông Jin, Triều Tiên sẽ nhanh chóng hàn gắn quan hệ với Trung Quốc, có thể là bằng cách cử một đại diện để trao đổi quan điểm với đảng Cộng sản Trung Quốc về vụ phế truất ông Jang.
“Trong khi đó, lo ngại tình hình có thể thêm phức tạp trên bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc có thể chủ động liên lạc với Triều Triều Tiên để thu hẹp khoảng cách”, ông Jin nói.
Trong khi đó, ông Lee và các chuyên gia khác của Hàn Quốc cho rằng vụ phế truất ông Jang có thể khiến ông Kim Jong-un tới thăm Trung Quốc sớm hơn vào năm tới.
“Ban đầu, chuyến thăm Trung Quốc của ông Kim Jong-un được lên kế hoạch vào tháng 11, nhưng Trung Quốc cũng được cho là đặt ra nhiều điều kiện tiên quyết”, ông Lee nói.
An Bình
Theo Thời báo Hoàn cầu
Anh trai ông Kim Jong-un chỉ đạo vụ phế truất người chú quyền lực?
Người chỉ đạo vụ phế truất ông Jang Song-thaek, từng là nhân vật quyền lực số 2 tại Triều Tiên, có thể chính là Kim Jong-chol, người anh trai kín tiếng của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Kim Jong-chol, anh trai của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Ông Lee Yun-keol, từ Trung tâm dịch vụ thông tin chiến lược Triều Tiên tại Hàn Quốc, nói với tờ Chosun Ilbo của Hàn Quốc rằng ông Kim Jong-chol "đã đích thân" dẫn một nhóm các binh sĩ bảo vệ ông Kim Jong-un tới bắt giữ người chú dượng Jang Song-thaek.
Theo ông Lee, ông Kim Jong-chol cũng đứng đằng sau các vụ xử tử các trợ lý thân thiết của ông Jang là Ri Yong-ha và Jang Soo-kil, đều từng là các quan chức cấp cao trong đảng Lao động cầm quyền.
"Chủ nhiệm tổng cục chính trị quân đội Triều Tiên Choe Ryong Hae không có quyền bắt giữ ông Jang và Cơ quan an ninh quốc gia cũng không được phép can thiệp", ông Lee nói. "Chính Kim Jong-chol đã dẫn đầu cuộc hạ bệ, huy động các vệ sĩ của ông Kim Jong-un và các mật vụ an ninh quốc gia".
Ông Lee khẳng định rằng thông tin trên đã được xác nhận bởi một nguồn tin trong quân đoàn bảo vệ nhà lãnh đạo Triều Tiên và rằng vụ bắt giữ xảy ra vào khoảng ngày 8/12 đã được lên kế hoạch rất kỹ càng.
Một di chúc của cố Chủ tịch Kim Jong-il không nhắc đích danh tên của ông Jang nhưng đã cảnh báo về "những nhân vật bè phái đứng sau hậu trường" và nhấn mạnh tới việc phải chuẩn bị chống lại họ. Do đó, ông Kim Jong-un, người anh trai Kim Jong-chol, chị gái Kim Sul-song và bà cô Kim Kyong-hui đã bắt đầu chuẩn bị cho cuộc lật đổ ông Jang từ năm ngoái, ông Lee cho biết.
Khi ông Jang trở thành nhà lãnh đạo tạm quyền sau khi ông Kim Jong-il bị đột quỵ hồi năm 2008, Jang đã loại bỏ vài nhân vật cấp cao trong đảng vốn ngáng đường ông và đưa các cố vấn của mình vào các vị trí chủ chốt.
Để đề phòng ông Jang, ông Kim Jong-un đã bổ nhiệm Chủ nhiệm tổng cục chính trị quân đội Triều Tiên Choe Ryong Hae.
Truyền hình quốc gia Triều Tiên đã công bố ảnh ông Jang đã bị bắt ngay tại một cuộc họp.
Ông Lee cho hay, "ông Kim Jong-un và Kim Jong-chol thường xuyên gặp nhau vào dịp cuối tuần để thảo luận công việc. Ông Kim Jong-chol chịu trách nhiệm về sự an toàn của em trai".
Ông Lee cho biết, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã bí mật thành lập một lực lượng đặc nhiệm do ông Kim Jong-chol đứng đầu để lên kế hoạch vụ hạ bệ ông Jang. Lực lượng này bao gồm một số các quan chức từ đơn vị vệ sĩ của ông Kim Jong-un.
Lực lượng đặc nhiệm đã trình một báo cáo về các tội danh của ông Jang cho ông Kim Jong-un vào đầu tháng 11, vốn dẫn tới việc xử tử công khai các cố vấn của ông Jang và sau đó là vụ bắt giữ chính ông này.
Hôm 9/12, truyền thông nhà nước Triều Tiên đã xác nhận việc ông Jang bị cách chức vì phạm phải một loạt tội danh. Kênh truyền hình quốc gia cũng phát các hình ảnh ông Jang bị bắt giữ ngay một cuộc họp của Bộ chính trị Triều Tiên.
Theo Dantri
Trung Quốc vẽ kịch bản chiến tranh với Mỹ-Nhật Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc ngày 07/12 vừa đăng tải một loạt ảnh với tiêu đề: "Trung-Mỹ đại chiến, Mỹ đặt J-20 vào thiết bị ngắm bắn".. Loạt ảnh này được trích trong video mang tiêu đề Trung Quốc quật khởi, giới thiệu trò chơi Battlefield-4 do công ty sản xuất trò chơi điện tử nổi tiếng của Mỹ là Electronic...