Thoát khỏi “vực sâu” nhờ một án tù
33 tuổi đời, gã trai Nguyễn Cao Lê đã từng có rất nhiều thứ, rất hạnh phúc song gã đã đánh mất tất cả! Tổ ấm gia đình, đứa con trai mới chập chững biết đi, sự yêu thương của người cha. Và gã quyết định phải làm lại cuộc đời, ngay ở chốn cách ly với cộng đồng…
Trong tâm sự với cán bộ giám thị, Nguyễn Cao Lê luôn bừng sáng niềm tin hướng thiện
“Anh, Lê nó lên rồi”. Tiếng nhắc khẽ của người chiến sỹ nghĩa vụ kéo tôi vuột khỏi 15 trang giấy viết tay đầy ắp chữ, trở lại với thực tại khuôn viên thư viện nhỏ nhắn của Trại tạm giam số 1 – CATP Hà Nội. Gã trai đứng ở cạnh cửa ra vào từ lúc nào, hai ngón tay trỏ níu chặt vào nhau và phải nói mãi, gã mới ngồi xuống ghế. Cao 1m65, dáng thư sinh, nước da trắng, hơi xanh, gã mặc bộ “đồng phục” của phạm nhân, và tôi để ý, quai hàm của gã khẽ đánh vào nhau lập cập. “Em lạnh à, tắt quạt trần nhé?”. “Dạ không, không… Lâu không nói chuyện với người lạ nên em chưa quen”. “Em bị bắt lâu chưa?”. “Tết này là tròn 2 năm anh ạ. Ngày em vào đây đúng 30 Tết năm 2009″. “Gia đình, người thân có hay vào thăm em không?”. Lặng một lúc gã mới trả lời được. “Chỉ có mấy đứa bạn em hồi học cấp 3 thôi. Chúng nó vào gửi tiền lưu ký cho em…”.
Nguyễn Cao Lê sinh ra trong một gia đình trí thức ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Bố là giáo viên dạy Toán ở một trường THPT. Không giàu có, nhưng gia đình đủ chu cấp cho đứa con duy nhất điều kiện học tập, sinh hoạt tươm tất. Từ cấp 1 đến khi bước chân vào đại học, Lê luôn được đánh giá là con ngoan, trò giỏi. Học hết năm thứ hai, Lê cưới vợ, cô bạn gái cùng lớp và có con.
Năm 2002, Lê ra trường. Điều kiện kinh tế của gia đình giúp cậu ta không gặp phải những vất vả của cuộc sống, ngay cả khi đứa con thứ hai chào đời. Gia đình hai bên nội ngoại vui lắm, nhất là bên ngoại. Mẹ vợ Lê ở nước ngoài đầu tư tiền cho con rể thành lập công ty TNHH. Lê làm giám đốc công ty chuyên cho thuê xe ô tô tự lái, lúc “đỉnh cao” sở hữu gần chục đầu xe. Hai mấy tuổi đầu, vợ con đề huề, thu nhập mỗi tháng vài chục triệu đồng, Lê bỗng dần mất đi cảm hứng kinh doanh, chán sự đủ đầy. Cậu ta đi tìm, khám phá những “thú vui” bên ngoài xã hội, trong đó có cờ bạc…
Trở về phòng giam, Nguyễn Cao Lê đã chuẩn bị hành trình “làm người” mới
“Cá không ăn muối cá ươn/ Con cưỡng cha mẹ, trăm đường con hư”. Hai câu ca dao ấy, Nguyễn Cao Lê tô đậm, in nghiêng trong 15 trang viết tự sự lát cắt đời mình. Tôi cảm nhận được sự thấm thía, xót xa của gã trai 33 tuổi đầu. Vị trí giám đốc công ty và mối quan hệ với những khách hàng thuê xe ô tô giúp Lê biết nhiều “đầu mối” cờ bạc. Đánh buổi trưa, tranh thủ trước cuối giờ chiều đón con đi học về, rồi qua đêm với lý do đi công tác tỉnh ngoài. Gia đình, vợ Lê không biết. Sự việc vỡ lở cho đến khi đám “bạn bạc” kéo đến tận nhà tróc nã, đòi tiền vì số nợ quá lớn. Tài sản của công ty buộc phải bán đi để trả nợ. Nhưng xấu hổ nhất, đó là danh dự, nhân cách của Nguyễn Cao Lê đã bị mất hết. Bố mẹ Lê phải tổ chức cuộc họp gia đình, và thống nhất sẽ tha thứ lần đầu tiên, cũng là lần cuối cùng cho gã. Một phần ngôi nhà được bán đi để trả nợ cho những canh bạc đen đỏ của Lê. Cha Lê, người giáo viên già chỉ biết nhẫn nhục dặn dò: “Con phải bỏ hẳn cờ bạc đi, phải tu chí làm ăn. Vận mệnh cả gia đình đã trao vào tay con rồi. Nếu con làm sao thì gia đình sẽ bị liên lụy đấy”.
Gã “nghỉ” tá lả, tiến lên được một thời gian, rồi tìm đến trò sát phạt mới với hình thức tinh vi hơn. Đám “bạn bạc” sau ngày đến xiết nợ bỗng trở nên thân thiết. Đứa gạ gẫm đỏ đen, đứa không ngại cho Lê vay tiền để đánh bạc. Rút “kinh nghiệm” lần trước, lần này Lê chọn là cá độ trên mạng Internet. Dù ở nhà hay đến công ty, Lê chỉ cần mang theo chiếc máy tính xách tay là tha hồ đen, đỏ. Sự trá hình, giả dối này đã một lần nữa đánh lừa được gia đình. “Nghiện cờ bạc còn hơn nghiện ma túy. Lúc nào cũng chỉ nghĩ đến những con số, máy tính, các trận bóng đá. Đêm nào không cá cược, cả đêm hôm ấy không ngủ được. Bóng đá không cần xem diễn biến ra sao, chỉ mong nhanh đến lúc kết thúc trận, để biết kết quả”, Lê viết như thế trong tự sự của mình.
Mỗi tác phẩm dự thi “Sự hối hận và niềm tin hướng thiện” lột tả được lát cắt trong số phận từng phạm nhân
Vận may không mỉm cười với gã. Trong hơn 1 năm đeo đuổi theo kết quả những trận bóng, Lê mắc nợ, số tiền lên đến 20 tỷ đồng! Công ty buộc phải giải thể. Mẹ vợ Lê phải bán căn nhà dưới Hải Phòng, cho con rể tiền để thanh toán nợ. Cuộc sống gia đình nguội lạnh cũng là lúc Lê đón nhận tin dữ: cậu con trai đầu lòng bị ung thư hạch. Chạy chữa khắp các bệnh viện trong 6 tháng trời, bệnh giảm nhưng tiền hết sạch. Đúng lúc ấy, mẹ Lê bị tai biến, liệt nửa người sau 2 tháng nằm viện. Những cú sốc quá lớn khiến gã trai dường như không còn làm chủ được bản thân. Trong đầu y chỉ duy nhất suy nghĩ: phải làm gì để có tiền, kể cả phạm pháp.
Video đang HOT
Đọc báo thấy công an bắt nhiều đối tượng dùng “vam” phá khóa lấy trộm xe máy, Lê về nhà hì hụi chế “vam”, và thí nghiệm bằng chính chiếc xe máy của mình. Thành công, gã bắt đầu tập… đi ăn cắp xe máy. Bộ dạng hiền lành khiến gã ít bị người ta chú ý, và trong thời gian khá dài, gã đã lấy trộm được tới 9 chiếc xe máy. Số tài sản này trị giá hơn 100 triệu đồng, nhưng Lê đem bán chỉ được hơn 30 triệu đồng. Phi vụ thứ 9, ngày 30-11-2009, tại địa bàn phường Ngã Tư Sở, quận Thanh Xuân, Lê bị bắt quả tang. “Trận đòn đau, nhưng ám ảnh hơn cả là nỗi nhục. Mình đã bị phát hiện, bị khinh bỉ là thằng ăn cắp”, đoạn viết này trong tự sự của Nguyễn Cao Lê, chợt nhòe.
Bị kết án 54 tháng tù về tội trộm cắp tài sản vẫn chưa phải là bi kịch cuối cùng của Nguyễn Cao Lê. Cuối năm 2009, cậu con lớn của Lê mất vì diễn biến bệnh tình quá nặng. Sau ngày biết đứa con của mình là kẻ vi phạm pháp luật, ông giáo già tuyên bố sẽ không vào thăm nom. Ông đau, nhưng phần cũng đã nhiều tuổi, sức yếu. Giữa năm 2011, vợ Lê dắt theo cậu con trai thứ hai vào trại, cùng lá đơn xin ly dị. Mẹ vợ Lê từ nước ngoài về, cũng vào thăm. “Thôi hai đứa bọn con chẳng nên duyên nên số, chia tay nhau là tốt nhất. Mẹ sẽ đưa hai mẹ con nó sang bên kia ở cùng. Con của con lớn lên, mẹ sẽ cho cháu về thăm. Con cố gắng cải tạo tốt”, gã nhớ mãi lời dặn dò của mẹ vợ, cùng gương mặt đẫm nước mắt của cô bạn đồng môn.
“Trong cuộc đời con người, các cơ hội tốt đến với mình như một đoàn tàu chạy qua, có rất nhiều toa tàu là các cơ hội khác nhau. Nhưng khi đã để tuột mất cơ hội, đoàn tàu đã chạy qua rồi thì không thể đuổi theo được nữa”. Những dòng này, Nguyễn Cao Lê đã viết một cách chân thành, từ suy ngẫm, cảm nhận trong gần 700 ngày sống cách ly với cộng đồng. Giá trị của sự tự do, tình cảm và sự quan tâm, động viên của đội ngũ các giám thị đã giúp gã trai 33 tuổi ấy nhận được chân giá trị cuộc đời. “Ngày về, em sẽ theo nghề cũ của gia đình, nghề in. Hôm rồi cô em vào thăm, chuyển lời nhắn của bố rằng sẽ cho em một cơ hội nữa để phục thiện. Ông đã già, đã buồn lâu lắm rồi…”, Nguyễn Cao Lê thủ thỉ với tôi, trước khi tạm biệt trở về buồng giam.
Theo ANTD
Nhan sắc chốn "lầu xanh" "vá" phận đời
Nhiều người tự hỏi, không biết những cô gái điếm, sau năm tháng bươn bải nghề bán hoa, khi nhan sắc lụi tàn, các cô sẽ làm gì để sống? Rất nhiều người trong số đó đã cố gắng quay lại cuộc sống lương thiện, họ làm lại cuộc đời mình sau quãng đời lầm lạc bằng sự vươn lên, vượt qua những định kiến, những lời dè bỉu và thói khinh bỉ của đời.
Ảnh minh họa.
Sau mùa giông tố
Thời gian dài làm nhà nghỉ, nên tôi được chứng kiến nhiều điều tưởng như rất khó xảy ra: Một nhóm làm nhân viên - gái gọi cho nhà nghỉ AD (Tại khu Đồng Quán - Cổ Loa - Đông Anh) đã lấy... được chồng. Mà có người lấy được chồng "ngon". Lại còn tổ chức liên hoan gặp mặt những "đồng nghiệp" cũ tại nhà nghỉ AD.
Vui hơn là các cô đã có con, tuy tất cả đều đẻ con gái, những niềm vui không vì thế mà giảm bớt. Phương châm "Con nào cũng là con" được các cô nghĩ thấu đáo. Chúng đều khoẻ mạnh. Buổi đó tôi cũng có mặt, vui lắm. Khương Thị Thơm, cô gái trẻ nhất trong bọn nói, giọng trong trẻo, mang đậm phong cách của người vùng dân tộc:
- Gặp các anh chị, vui quá. Mọi người trông vẫn thế nhỉ, chẳng khác tẹo nào. Chỉ mấy bác con trai là khác.
Thơm sinh năm 1983 xã Tả Bu - Lập Thạch - Vĩnh Phúc. Đi làm từ năm 16 tuổi, lúc đó cô còn rất ngơ ngác, một cô gái dân tộc hiền lành, lại ít tuổi nên nhiều khách thích và bo rất hậu. Vì hoàn cảnh nên phải theo các chị (cùng xóm) xuống làm. Ban đầu chỉ ý định đi giúp việc, rửa bát quét nhà. Tiền công dù ít ỏi nhưng vẫn còn hơn ở quê, vất vả, bố mẹ đông con, đâu được học hành.
Các chị lớn tuổi hơn đưa vào nhà nghỉ. Thấy nói đi khách được nhiều tiền. Bà chủ cũng bảo thế, bà xúi Thơm đi. Vậy là đi, tiếp thì tiếp. Lúc đó, cô không biết rằng tiếp khách có nghĩa là làm tất cả những gì người ta yêu cầu, sau này mới biết. Cô "nhắm mắt đưa chân" từ đấy.
Trung sang bên Đông Anh chơi, gặp Thơm, cũng làm theo kiểu bóc bánh trả tiền, đến rồi đi. Thế mà chẳng hiểu sao yêu được nhau, rồi cưới. Thơm thổ lộ : "Em cũng không biết anh ấy yêu em ở điểm gì, nhưng anh ấy tốt với em lắm. Lúc đó đã làm được hai năm rồi. Một đứa con gái như em mà vẫn còn được người quý người yêu, vui lắm chứ, em chấp nhận luôn".
Trung quê Thường Tín Hà Tây, lấy Thơm về, hai vợ chồng thầu ruộng, ao đầm làm trang trại, thả cá, nuôi lợn gà, phát triển kinh tế gia đình, khiến nhiều người nể phục. Chị em cùng làm độ đó, giờ gặp lại cũng thấy kinh ngạc "Hai vợ chồng trẻ mà làm ăn tài quá".
Thơm tâm sự:
- May mà những người hàng xóm không biết chuyện quá khứ nên em không bị áp lực nhiều, chứ không thì khó sống lắm đấy. Mẹ anh ấy là biết, nhưng bỏ qua cho em tất cả. Ba mẹ con sống với nhau, có thêm con bé nữa là bốn.
Trong số mười bốn cô gái làm ở nhà nghỉ AD đợt đó, Hoan là người nhiều tuổi thứ hai, có thâm niên hơn mười năm hành nghề. Hoan ở một vùng quê nghèo huyện Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Phúc. Ban đầu làm gái "chạy xô" ở Phủ Lỗ, qua tay mấy đời chủ. Một lần Hoan được cử xuống nhà nghỉ AD tiếp khách khi dưới này thiếu nhân viên. Thấy ở nhà nghỉ AD nhiều chị em đông vui, cuộc sống cũng thoáng đãng hơn, ông bà chủ lại "tử tế" với nhân viên, Hoan xin về đây làm.
Nhờ làn da trắng, sự nhiệt tình và cái "mẹo" nhà nghề nên Hoan đã có được nhiều khách quen, họ thường gọi và được bo rất hậu, nên có tiền gửi tiết kiệm.
Lấy anh chàng Tuấn ở quê sau khi cô ý thức được mình. Đời con gái đã sắp tàn, phải làm lại, làm gì đó cho mình, không thể bám mãi vào cái nghề bán chôn nuôi miệng. Khi đó, số tiền tiết kiệm Hoan giử đã được kha khá, cô cưới Tuấn. Chị em khen: "Hoan thế mà hay, lấy được chàng trai sạch..."
Tuấn không biết Hoan làm Nhà nghỉ, anh chưa bao giờ xuống thăm người yêu ở Đông Anh, chỉ có Hoan chủ động về. Hoan nói đi làm công ty.
Hiện tại, cuộc sống của hai vợ chồng rất hạnh phúc, trong nhà có đầy đủ tiện nghi. Hoan không có ý lừa chồng, chuyện quá khứ đã qua đi rồi thì không muốn nhắc lại nữa. Bỏ qua để còn sống cho tốt.
Các chị em từng làm ở nhà nghỉ AD thi thoảng vẫn liên lạc, thăm hỏi tình hình cuộc sống của nhau, giúp đỡ nhau lúc khó khăn. Buổi gặp nhau vừa rồi, chị Lành mời tất cả chị em về nhà mình tụ tập, liên hoan. Niềm vui không kể xiết. Có bia, có rượu, ai cũng uống được, mặt đỏ bừng bừng.
Hoan báo cáo con cô được 3 tuổi, còn Lệ có đứa con lên 4, đỏm dáng không khác mẹ một tí nào. Hoàn lại có một cuộc sống độc đáo với ông chồng gần 50 tuổi, thú vị với nghề trông dâu nuôi tằm. Biên trồng hoa lan cho một ông chủ tốt bụng... Những số phận đã đổi thay, khởi sắc, vượt lên bao cùng cực, khó khăn.
Chị em nâng cốc chúc mừng nhau, cố gắng đạt những thành quả mới. Tôi thấy rằng, dù đã làm cái nghề bị coi dưới đáy xã hội ấy, nhưng chị em tốt với nhau, thương yêu nhau. Ai nói rằng họ chỉ biết có tiền bạc, không có tình cảm. Họ cũng là con người, họ đáng thương...
Những khó khăn đời thường
Các cô đã quay lại cuộc sống lương thiện, giũ bỏ được quá khứ. Điều các cô cần là sự thông cảm và chia sẻ. Nhiều cô gái may mắn lấy được chồng, nhưng không phải ai cũng lấy được chồng tử tế. Nhiều cô lấy chồng rồi, cuộc sống với chồng còn cơ cực hơn. Vũng bùn đã bước qua, lại phải vũng bùn khác sâu hơn.
Tôi biết Hằng, trước đây làm ở nhà nghỉ ĐQ, trở về xây dựng gia đình, không may vớ phải anh chồng vũ phu. Lúc đầu cô không nhận ra, sau khi cưới được dăm ngày thì bộ mặt thật mới lộ ra. Cô bị chồng đánh đập, đuổi đi, làm lành với nhau, lại đánh nhau, lại bị đuổi đi. Cuộc sống tiếp diễn như thế. Gặp chị em cũ, cô tâm sự:
- Khốn thân em quá các chị ơi, anh ơi. Biết thế này em chả cưới chồng làm gì, các chị còn được yên thân. Còn em cứ khổ mãi.
Điều các cô cần sau khi trở về là những bàn tay nhân ái đứa ra với mình, sự thông cảm chứ không phải sự hắt hủi của xã hội. Người ta đã nghĩ và làm khác đi chưa, hay vẫn là con mắt cũ, không còn lối thoát nào cho các cô?.
Một gương sáng làm ăn kinh tế giỏi của đôi vợ chồng Oanh - Giỏi mới đáng nể. Oanh nói rõ với Giỏi cô từng làm gái nhà nghỉ. Lúc đó vì quá yêu nên Giỏi bỏ qua, chấp nhận cưới, hai vợ chồng có trục trặc nhỏ sau khi có một số người nói chen vào rằng "Giỏi là thằng ngu mới lấy nó". Giỏi đã hắt hủi vợ. Sau này, nhờ lời khuyên của hai bên gia đình, sự giỏi giang của Oanh, Giỏi đã chấp nhận hàn gắn lại cho người yêu những vết thương.
Bây giờ hai vợ chồng rời huyện Sông Thao, Phú Thọ xuống thuê nhà ở Hà Nội, buôn bán, chợ búa. Có khi về quê lấy hàng, mang xuống Hà Nội xuất. Chẳng bao lâu, họ đã tích cóp được tiền, sắm sửa vật liệu xây dựng để chuẩn bị xây nhà ở quê, sắm sửa đồ dùng gia đình.
Giỏi nhỏ thó, ngồi trên xe hàng chẳng thấy người đâu, nhưng được cái nhanh nhẹn tháo vát, mồm mép. Tiếp tôi khi vừa đi lấy hàng, mồ hôi còn rịn trên trán:
- Anh chịu khó quá nhỉ?
- Thường thôi, buôn thúng bán mẹt ý mà. U nó vẫn ngoài chợ. Hôm nay ở lại uống rượu với vợ chồng tôi.
Tôi đồng ý. Bữa đó, ở nhà Oanh - Giỏi, nói chuyện rôm rả đến khuya.
Lời cuối
Không phải cô gái nào, sau này cũng ngã được vào một cái bến bình yên. Cuộc sống vẫn tiếp diễn, khó khăn vẫn bay về vùng trời, bao phủ lên màu u ám của cuộc đời biết bao cô gái lầm lỗi. Không ít cô gái tâm sự với tôi rằng: Sau này, họ có được những bàn tay đồng loại đưa ra với mình, có được hưởng tình yêu của người sẵn sàng quên đi tất cả quá khứ? Không ai nói trước được, đó là một điều rất khó. Vậy, họ sẽ tìm cuộc sống ở đâu?
Theo PLVN
Gã giang hồ có "tuyệt chiêu" lè lưỡi đã..."chôm" được dây chuyền Lão tên Nguyễn Thanh Phong (SN 1956, ngụ ngõ 29, phố Trần Khát Chân, Hà Nội), có "biệt hiệu" thời trẻ là Phong "khỉ" hoặc Phong "sương gió". "Khỉ" có lẽ là vì bản mặt lão không được đẹp trai, lại còn hay nhăn nhó. "Sương gió", cũng vì câu nói cửa miệng của lão mỗi khi gặp khó khăn "Sợ cái gì?...