Thoát án tử hình, trở thành tấm gương sáng hoàn lương
Dù đã đầu năm 2015 nhưng cái không khí se lạnh vẫn đang len lỏi khắp nơi; đặc biệt tại cái vùng sỏi đá, nhiều cây cối của Trại giam Thủ Đức, là nơi mà tôi được gặp gỡ, tiếp xúc với anh Nguyễn Xuân Bàn, sinh năm 1956, trú tại Tiểu khu I, xã Tông Lạnh, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La – một con người từng chấp hành án tại đây, giờ quay trở lại tham dự Hội nghị gặp mặt đại diện người chấp hành xong án phạt tù tiêu biểu, tích cực tái hoà nhập cộng đồng do Trại giam Thủ Đức tổ chức.
Trong cái bắt tay ấm áp, chân thành tại bếp ăn của Trại giam Thủ Đức; tôi nhận thấy bàn tay của anh sần sùi, thô ráp, mặt hằn lên nét khắc khổ của một người từng trải. Anh tâm sự nhiều lắm, anh nói nơi này đã gắn bó với anh như máu thịt, những người nơi đây anh gặp gỡ, tiếp xúc thân thiết hơn cả người thân ruột thịt.
Quả thật, với cái án chung thân được Chủ tịch nước ân giảm từ bản án tử hình, Nguyễn Xuân Bàn đã ở cái mảnh đất đầy nắng gió, sỏi đá cằn cỗi này hơn 15 năm. Cái cảm giác dựng tóc gáy, lạnh xương sống trong những ngày biệt giam chờ án tử hình đến với mình như còn in sâu trong ký ức của Nguyễn Xuân Bàn.
Thoát khỏi cái chết, anh nhận rõ giá trị cuộc sống và càng trân trọng hơn những gì cuộc sống đã ban tặng. Tháng ngày chấp hành án tại Trại giam Thủ Đức, anh đã được rèn luyện bản lĩnh, nhất là giá trị lao động, giá trị đồng tiền vì chính nó đã khiến anh sa vào con đường tội lỗi – mua bán trái phép chất ma tuý. Anh kể, trong giai đoạn Đông Âu sụp đổ, đất nước ta vẫn còn đang khó khăn, bản thân anh là một người làm trong cơ quan Nhà nước, cuộc sống gia đình còn nhiều vất vả; trong một lần về thăm quê ở Thái Bình, anh ghé thăm một người bạn tại Hà Nội và lòng tham nổi lên, mong muốn chỉ trong một đêm giàu nhanh chóng khi bạn rủ buôn bán ma tuý kiếm lời.
Quả đúng là “Trời bất dung cho kẻ bất nhân”, anh đã bị bắt ngay trong lần đầu vận chuyển ma tuý vào TP HCM tiêu thụ. Anh ngậm ngùi, nuối tiếc cho bản thân, chỉ vì hám lợi mà mất tương lai, hối hận vì đã gây cho gia đình thân yêu của mình nỗi đau, buồn tủi với họ hàng, bà con, làng xóm; đã khó khăn về kinh tế lại càng khó khăn hơn vạn lần.
Mong muốn sớm trở về để làm lại từ đầu, đoàn tụ và bù đắp cho gia đình, anh tự dặn lòng mình không được ngại khó, ngại khổ, quyết tâm cải tạo để nhận được sự khoan hồng của Đảng và Nhà nước. Sau quá trình thử thách, chuyển từ đội nông nghiệp sang làm cá rồi đội mộc; với sự chịu khó, lại có khả năng viết văn làm thơ, anh được Ban Giám thị và Hội đồng cán bộ bố trí làm Trưởng ban tự quản văn hoá. Phát huy khả năng, thấu hiểu tâm lý của những phạm nhân đồng cảnh ngộ, Bàn đã viết ra bài thơ về Nội quy trại giam theo thể lục bát để những người không biết chữ dễ thuộc, dễ nhớ, biết mà tuân thủ, tránh vi phạm nội quy; anh cùng những phạm nhân khác trong Ban tự quản văn hoá sáng tạo ra Tập san – tập hợp các bài viết do phạm nhân tự sáng tác; đây là sân chơi văn hoá cũng là nơi phạm nhân thể hiện sự hối hận, hướng thiện, nguyện vọng mong muốn của mình về cuộc đời, về tương lai của bản thân. Với sự phấn đấu trong lao động, học tập, cải tạo không mệt mỏi, sau 15 cái tết xa cách, anh đã được đoàn tụ cùng gia đình ăn bữa cơm ấm áp vào đầu năm mới 2008.
Anh Nguyễn Xuân Bàn.
Không khí đang vui vẻ, bỗng anh Bàn trầm hẳn: “Tâm trạng háo hức, mong muốn làm lại cuộc đời, bù đắp cho gia đình của mình như bị giội phải gáo nước lạnh khi bắt gặp nhiều cái nhìn khắt khe từ xã hội lúc đó, chính quyền cũng chưa có sự giúp đỡ gì nhiều”. Giọng anh buồn buồn khi nhớ lại những ngày đó. Nhưng, được sự động viên từ gia đình cùng với bản lĩnh đã được rèn luyện trong thời gian chấp hành án, anh đã lấy lại tinh thần và bắt đầu từ việc trồng vườn cây ăn trái.
Video đang HOT
Phần thưởng cho sự chăm chỉ, hăng say lao động là vườn cây ngày càng xanh tốt, hoa trái sum suê; thu nhập của gia đình anh ngày càng tăng, đời sống được cải thiện, nâng cao. Kinh tế gia đình ổn định, anh tích cực tham gia vào các hoạt động chung của xóm làng, địa phương. Năng nổ, nhiệt tình, cộng với sự chín chắn, từng trải, anh đã được bà con bầu làm Trưởng ban Mặt trận Tổ quốc của thôn nơi cư trú.
Khi tôi hỏi hình như anh có duyên với chữ “Trưởng” thì phải? (Trưởng ban văn hoá khi ở Trại giam Thủ Đức và Trưởng ban Mặt trận Tổ quốc của thôn Tông Lạnh), anh chỉ cười hiền: “Mình từng là người mang tội, làm được gì cho gia đình và bà con, địa phương thì cố gắng làm, xem như là cách cảm ơn cuộc đời đã cho mình sống lại lần thứ hai”. Ánh mắt anh lại nhìn xa xăm, đăm chiêu của cái tuổi đã bắt đầu xế chiều…
Khi tôi đề cập đến Hội nghị gặp mặt đại diện người chấp hành xong án phạt tù tiêu biểu, tích cực tái hoà nhập cộng đồng, giọng anh Bàn sôi nổi hẳn: “Tôi nhớ các thầy ở Trại giam Thủ Đức lắm, vẫn mong muốn có ngày gặp lại để tỏ lòng cảm ơn những người đã dìu dắt, giáo dục tôi nên đã không quản đường sá xa xôi hơn 2.000 cây số để vào đây. Vợ tôi đang ốm nhưng cũng động viên chồng đi để làm trọn cái nghĩa cái tình với những người mà cả gia đình đều mang ơn”.
Sự hiện diện, những chia sẻ về cuộc đời của anh trong chương trình hội nghị này sẽ là tấm gương sáng về nghị lực, sự vươn lên trong cuộc sống; có tính giáo dục, thuyết phục rất lớn đối với những phạm nhân đang cải tạo trên con đường trở về nẻo thiện, tái hoà nhập cộng đồng, làm lại cuộc đời.
Theo Canh sat Toan câu
Bức tâm thư xúc động gửi mẹ của thầy giáo sa vào dây ma túy
Mẹ ơi, con đã sai thật rồi. Ngàn lời con xin mẹ tha thứ" và đoạn "Chưa bao giờ con thấy thấm đau, thấm khổ, thấm lỗi như bây giờ..." là dòng tâm thư phạm nhân Biên viết gửi mẹ.
Mang trên mình bản án chung thân, đường về xa ngút tầm mắt, nhưng gã vẫn may mắn khi có người vợ thủy chung đợi chờ, người mẹ già hết lòng vì con trông ngóng. 8 năm trong trại giam, gã đã phục thiện thực sự và đang trở thành thầy giáo của những trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật đang chấp hành án phạt tù tại đây.
"Mẹ ơi! Đã hơn 7 năm rồi kể từ ngày con phải xa mẹ, xa gia đình. Cũng ngần ấy thời gian, cứ sáng trưa chiều rồi lại tối, con luôn khao khát có được những giây phút bên mẹ, để được mẹ dạy bảo và bị mẹ mắng khi con sai. Những lúc như thế con mới thấy mình thật nhỏ bé trước mỗi bước đi của cuộc đời..."
Đó là những lời mở đầu trong lá thư có tựa đề "Thư gửi mẹ" của phạm nhân Nguyễn Chính Biên, hiện đang thụ án chung thân tội Mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy tại Đội 45, Phân trại số 1, Trại giam số 6, viết gửi mẹ hưởng ứng phong trào viết thư với chủ đề "Gửi lời xin lỗi" do Tổng cục VIII phát động. Bức thư đã làm lay động nhiều người và được Ban giám thị Trại giam số 6 khen thưởng.
Từ lời giới thiệu của Ban giám thị về trường hợp phạm nhân đặc biệt thường xuyên được khen thưởng trong phân trại này, tôi đã quyết định gặp Biên để nghe phạm nhân này trải lòng về sự sa ngã của đời mình.
Phạm nhân Phạm Chính Biên - Thư xin lỗi ở trại giam.
Bước chân lầm lỡ của một thầy giáo trẻ
Nguyễn Chính Biên (40 tuổi, ở xã Phú Hòa, huyện Lương Tài, Bắc Ninh), sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo có 3 anh em. Bản thân được bố mẹ cho ăn học, thoát ly và trở thành cử nhân quản lý giáo dục và làm công tác giảng dạy tại một trường tiểu học trên địa bàn. Trước thời điểm phạm tội, Biên đã có vợ là đồng nghiệp giảng dạy cùng trường và hai đứa con trai ngoan ngoãn, mạnh khỏe.
Kể về bước ngã cuộc đời mình, Biên cho biết, do công tác trong ngành giáo dục nên Biên có quen biết với nhiều người trong ngành, trong đó có Trần Đình Phi, lúc bấy giờ đang là kế toán tại một trường học trên địa bàn huyện Quế Phong (tỉnh Nghệ An). Trong những lần ra Bắc "công tác", Phi thấy cuộc sống của vợ chồng Biên còn khó khăn nên đã rủ rê tham gia đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy từ Lào về Việt Nam rồi đưa ra các tỉnh phía Bắc tiêu thụ.
Lóa mắt trước những đồng tiền bất chính, Biên đã nhắm mắt đưa chân mà không hề biết rằng, lúc bấy giờ Phi đã là "ông trùm" ma túy, thiết lập được đường dây liên tỉnh cỡ bự. Mỗi lần xách ma túy từ Nghệ An về Bắc Ninh, Biên được trả công từ 15 đến 20 triệu đồng, là số tiền quá lớn so với thu nhập công chức lúc bấy giờ nên đã không thể cưỡng lại được sự cám dỗ của đồng tiền.
Đến chuyến hàng thứ 3 vào ngày 6/11/2006 thì Biên bị bắt quả tang với 12 bánh heroin. Cùng với 21 bị cáo khác trong đường dây đã bị tuyên án vì vận chuyển 59 bánh heroin, Biên nhận mức án chung thân. Sau ngày tuyên án, Phạm Chính Biên được chuyển đến Trại giam số 6 vào ngày 8/8/2008, thụ án và cải tạo lao động tại Phân trại số 1, lao động trong nhà xưởng với ngành nghề là làm mi mắt giả.
Biên tâm sự, đã 8 năm kể từ ngày bị bắt và kết án, nỗi nhớ gia đình, vợ con ngày nào cũng thôi thúc. Ngày anh lên xe thùng vào trại giam, vợ đang mang thai đứa thứ hai, đến nay, đứa lớn đã học lớp 4 trường làng. Hằng năm, vào dịp lễ Tết, vợ con vẫn thường vào thăm nuôi, động viên để Biên gắng cải tạo tốt, sớm trở về sum họp gia đình. So với nhiều phạm nhân khác, Biên vẫn còn may mắn khi người vợ rất mực thủy chung, đã ở vậy nuôi con, chờ chồng và chăm sóc mẹ chồng năm nay ngoài 70 tuổi.
Biên cho biết, thời kỳ đầu khi mới vào Trại giam, tư tưởng chán nản và tuyệt vọng lắm. Khi được Ban giám thị và cán bộ quản giáo phân tích, động viên, Biên đã tỉnh ngộ và quyết tâm cải tạo tốt. Đến nay, Biên đã trở thành phạm nhân điển hình của Phân trại số 1, tham gia đầy đủ và thường xuyên các hoạt động do trại giam tổ chức. Ngoài việc được khen thưởng trong cuộc thi viết thư "Gửi lời xin lỗi", trong năm vừa qua, Biên cũng đã đoạt giải trong cuộc thi học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh do trại giam tổ chức.
Chia sẻ về việc chọn mẹ già để gửi thư chứ không gửi cho người vợ đang chịu nhiều thiệt thòi ở quê của mình, phạm nhân Nguyễn Chính Biên cho biết, bản thân được bố mẹ nuôi ăn học, đến lúc vừa trưởng thành đã vướng vào lao lý, thấy tội lỗi với đấng sinh thành. Mẹ của Biên, bà Vũ Thị Sen năm nay đã ngoài 70 tuổi, cuộc đời chịu quá nhiều thiệt thòi và mất mát khi chồng mất cách đây hơn 10 năm, mọi gánh nặng phận người đều đè nặng lên đôi vai gầy. Tâm thư gửi đến mẹ già
"Tình cảm vợ chồng cũng rất đáng quý, nhưng lần này muốn dành lời xin lỗi để gửi mẹ. Nếu có lần thứ hai được phép viết thư, sẽ viết thư cho vợ, người đàn bà thứ hai trong đời mình vướng nặng nợ trần gian", phạm nhân Biên chia sẻ.
Lá thư được kiểm duyệt và gửi về Bắc Ninh theo dấu bưu điện. Khi gọi vào, mẹ của Biên có thắc mắc, bình thường vẫn nhận được thư con nhưng không thấy có dấu đỏ của Trại giam như lần này. Khi nghe con trai giải thích, bà Sen đã ứa nước mắt nghẹn ngào: "Làm cha, làm mẹ bao giờ cũng mong điều tốt đẹp nhất cho con cái. Con sa ngã, mẹ rất giận nhưng lúc nào mẹ cũng mở rộng lòng thương đón con trở về...", lời nói ấy của mẹ, lúc nào cũng văng vẳng bên tai, trở thành động lực để Biên tự răn mình cải tạo tốt hơn mỗi ngày.
Được sự đồng ý của Ban giám thị Trại giam số 6 và của phạm nhân Nguyễn Chính Biên, chúng tôi xin trích một đoạn trong bức thư lay động lòng người của phạm nhân này viết gửi mẹ: "Thật may mắn khi 8 năm qua con được chấp hành án tại Trại giam số 6. Ở đây, chúng con luôn nhận được sự quan tâm, chỉ dạy tận tình của Ban giám thị, Hội đồng cán bộ nên con đã nhận rõ những sai lầm, những việc làm đã gây ra biết bao mất mát, đau khổ cho gia đình, người thân, gây ảnh hưởng xấu tới an ninh trật tự và an toàn xã hội. Tác hại từ ma túy là rất nghiêm trọng cho cuộc sống cộng đồng.
Mẹ ơi, con đã sai thật rồi. Ngàn lời con xin mẹ tha thứ, mong mẹ hãy tha thứ cho những lỗi lầm mà con đã gây ra. Chưa bao giờ con thấy thấm đau, thấm khổ, thấm lỗi như bây giờ. Mẹ già ngày đêm thổn thức, mẹ hiền con nhỏ bơ vơ. Nước mắt con giàn giụa trong những đêm dài không ngủ. Rồi con lại nghĩ đến lời khuyên dạy của mẹ. Cuộc sống của con bây giờ chỉ có một thứ có thể gột rửa hết lỗi lầm, đó là mồ hôi công sức, là nước mắt sự phục thiện của bản thân qua từng ngày tu dưỡng và rèn luyện nơi đây. Chính tình thương yêu và sự bao dung nơi mẹ đã tiếp thêm sức mạnh, niềm tin cho con trên bước đường trở về nẻo thiện. Ngày hôm nay con của mẹ đang bước trên con đường ấy, con đường của ngày trở về.
Thưa mẹ kính mến! Tuy con đã phạm sai lầm, nhưng chuyện đó đã là quá khứ. Con đã thực sự hối hận, đã nhìn rõ lỗi lầm và sẽ quyết tâm sửa chữa lỗi lầm, quyết tâm làm lại cuộc đời vì ngày mai tươi đẹp hơn. Con sẽ làm lại ngay từ bây giờ và ngay từ ngày hôm nay".
Thời gian gần đây, do đạt được những thành tích xuất sắc trong quá trình thụ án nên Biên đã được chuyển từ Đội 33 về Đội 45, là đội có 33 trẻ vị thành niên đang chấp hành án phạt tù để lao động, trực tiếp làm gương cho các cháu noi theo theo chính sách giáo dục của Ban giám thị. Bên cạnh việc hướng dẫn các cháu lao động đúng cách, Biên còn tham gia dạy bảo, giúp đỡ các em bằng văn hóa để các em cải tạo tốt hơn, rút ngắn ngày về lại với xã hội.
Biên cho biết, bản thân còn có một số "tài lẻ" như viết, vẽ và Tết năm nào cũng tham gia gói bánh chưng cho phân trại. Nhắc đến Tết, bản thân Biên lại xao xuyến bồi hồi, mong đợi ngày này hơn bao giờ hết. Bởi xuân đến, Tết về là lúc Biên lại được gặp gỡ vợ con, được tham vấn sức khỏe của mẹ già ở quê, từ đó tạo động lực để tu tâm cải tạo tốt, mong ngày về với xã hội ngắn lại.
(*) Tiêu đề đã được đặt lại
Theo Canh sat Toan câu
Giảm án, tha tù cho 305 phạm nhân về ăn Tết Trước dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, hơn 300 phạm nhân đang chấp hành án tại các trại tạm giam, nhà tạm giữ do Công an Hà Nội quản lý được giảm án, tha tù trước thời hạn. Ngày 10/2, Hội đồng xét giảm án, tha tù TP Hà Nội đã công bố giảm thời gian chấp hành hình phạt và tha...