Thoảng nhẹ hương nhài dọc đường ven sông Tô Lịch
Không biết tự bao giờ, hình ảnh của hoa nhài đã gắn bó với vẻ đẹp thanh lịch của đất và người Hà Nội.
Nhưng giờ đây, giữa nhịp sống hối hả, giữa những tòa nhà san sát cao ngất của phố phường hiện đại, những bông hoa trắng nhỏ với hương thơm thoảng nhẹ thanh khiết ấy trở nên vô cùng hiếm hoi.
Những ngày này, dọc đường đi bộ ven sông Tô Lịch hoa nhài nở rộ như những bông tuyết trên thảm lá xanh mướt. Đâu đó thoang thoảng hương hoa khiến nhiều người qua đây cảm thấy thư thái, dễ chịu.
Tuyến đường đi bộ ven sông Tô Lịch nằm trong dự án xén mở rộng đường Láng đoạn từ Cầu Giấy đến Ngã Tư Sở (quận Đống Đa) với tổng chiều dài khoảng 4km và được trồng 3 tầng cây xanh.
Hoa nhài là loài hoa khá phổ biến ở Việt Nam, có nguồn gốc từ dãy núi Himalayas, với hương thơm ngọt ngào, dễ chịu.
Hình ảnh của hoa nhài từ lâu đã gắn bó với vẻ đẹp thanh lịch của đất và người Hà Nội.
Có câu ca dao rằng: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài. Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”.
Video đang HOT
Chia sẻ với chúng tôi chú Trần Văn Hùng (52 tuổi) người thường xuyên đạp xe qua đây nói, thời gian này hoa nhài nở rộ nên mỗi lần đi qua đoạn này hương hoa thoang thoảng thanh khiết làm quyến rũ, mê hoặc dễ chịu vô cùng nhất là làm át mùi từ sông Tô Lịch bốc lên.
Đường Láng cũng được phủ trắng tinh bởi dải hoa nhài kéo dài từ nút giao Trần Duy Hưng tới đường Lê Văn Lương.
Nhiều người di chuyển qua đây cho biết, cảm thấy hương thơm hoa nhài dịu dàng, nồng đượm làm thấy người dễ chịu bớt mệt nhọc những ngày nắng nóng.
Cây hoa nhài là loại cây bụi nhỏ, phân cành nhánh nhiều với chiều cao khoảng 30 đến 100cm. Lá cây màu xanh đậm, bóng. Hoa có màu trắng tinh khôi, nhỏ xinh, đường kính hoa khoảng 2,5 đến 5cm.
Hoa nhài có nhiều loại dạng đơn, dạng kép, hoặc dạng leo dựa, dạng bụi.
Cây hoa nhài hầu như quanh năm đều ra hoa, nhiều nhất vào mùa hè và chủ yếu tỏa hương thơm ngát vào ban đêm.
Hoa nhài có những lớp cánh xếp xoáy ấn tượng đều từ tâm ra ngoài với màu trắng tinh trông rất duyên dáng.
Trong dòng người xe hối hả, chẳng mấy ai để ý hương thơm của một loài hoa đã từng gắn với hình ảnh của một Hà Nội êm đềm, thanh bình, xưa cũ.
Hoa nổi bật trên nền lá xanh bóng tràn đầy sức sống. Hoa nhài kết thành chùm từ 1 đến 5 bông ở đầu ngọn hoặc nách lá nên rất sai hoa, hoa nở nhiều lần trong năm đặc biệt là mùa hè kéo dài đến thu.
Hoàng Hà
Theo phapluatxahoi.vn
Lăng Thoại Ngọc Hầu - Điểm đến lịch sử
Lăng Thoại Ngọc Hầu (còn gọi là Sơn Lăng) là di tích văn hóa lịch sử, công trình kiến trúc cổ tiêu biểu dưới thời Nguyễn, nơi yên nghỉ của danh thần Thoại Ngọc Hầu, người có công lớn trong việc khai hoang, lập làng, đào kênh Thoại Hà và kênh Vĩnh Tế thông thương hàng hóa, bảo vệ biên cương phía Tây Nam của Tổ quốc.
Thoại Ngọc Hầu tên thật là Nguyễn Văn Thoại (quê quán huyện Duyên Phước (Quảng Nam) nay thuộc quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng). Theo Địa chí An Giang, vào cuối thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, ông cùng gia đình vào sống ở làng Thới Bình, huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long). Năm 1777, Nguyễn Văn Thoại theo phò Nguyễn Ánh lập được nhiều công trạng làm đến chức thống chế, được phong tước Ngọc Hầu.
Sau khi Nguyễn Ánh (vua Gia Long) lên ngôi vua, ông được cử làm Quản thủ đồn Long Hưng (Bà Rịa - Vũng Tàu), trấn thủ Lạng Sơn, thống quản biền binh bảo hộ Cao Miên nên còn được gọi là Bảo Hộ Thoại. Đến năm 1817, ông về trấn thủ trấn Vĩnh Thanh, đóng quân ở thành Châu Đốc. Khi Thoại Ngọc Hầu về trấn thủ trấn Vĩnh Thanh, thấy việc giao thông thương mại ở vùng đất này gặp nhiều khó khăn, mọi trao đổi hàng hóa thời bấy giờ giữa miền duyên hải Hà Tiên, Rạch Giá (nay thuộc Kiên Giang) đều phải đi vòng đường biển xa xôi, bất tiện và để tháo bớt một phần nước lụt của sông Hậu ra biển Rạch Giá, Thoại Ngọc Hầu đã tiến hành việc đào kênh.
Năm 1818, ông chỉ huy dân binh đào kênh nối liền sông Đông Xuyên (Long Xuyên) với Rạch Giá để việc qua lại giữa trấn Vĩnh Thanh và trấn Hà Tiên không còn ngăn cách trong mùa khô hạn. Khi công trình hoàn thành, để tưởng nhớ công lao, vua Gia Long lấy tên ông đặt cho núi Sập là Thoại Sơn và sông Đông Xuyên là Thoại Hà. Cũng trong thời gian từ năm 1819-1824, vâng lệnh vua, Thoại Ngọc Hầu đốc suất dân binh trấn Vĩnh Thanh đào con kênh dài gần 100km nối liền Châu Đốc và Hà Tiên (kênh Vĩnh Tế). Hiệu quả to lớn con kênh mang lại được sách Đại Nam nhất thống chí ghi nhận: "Từ ấy, đường sông lưu thông, từ kế hoạch trong nước, phòng giữ ngoài biên cho tới nhân dân buôn bán đều được tiện lợi vô cùng".
Khuôn viên lăng Thoại Ngọc Hầu
Lăng Thoại Ngọc Hầu xây dựng trên nền đá xanh, nằm kề trên Quốc lộ 91, mặt hướng về phía bắc đối diện miếu Bà Chúa Xứ, lưng tựa vào vách đá núi Sam do đích thân Thoại Ngọc Hầu đứng ra chỉ huy xây dựng vào cuối những năm 20 của thế kỷ XIX. Toàn khu sơn lăng là một khối kiến trúc hài hòa.
Xung quanh lăng được bao bọc bằng vách tường đúc dày vững vàng cao hơn đầu người, phía trước là 2 cửa lớn hình bán nguyệt theo kiểu kiến trúc của lăng tẩm xưa, 2 bên có 2 hàng liễn đối. Để vào lăng, phải qua 9 bậc đá ong được vận chuyển từ miền Đông. Phía trước lăng là khoảng sân rộng nổi bật với long đình, bên trong có bản sao bia Thoại Sơn. Khu chính giữa là lăng mộ và đền thờ, 2 bên là 2 dãy mộ vô danh. Ở giữa trong khuôn viên lăng chính là mộ của ông Thoại Ngọc Hầu, bên phải là mộ của bà chính thất Nhất phẩm phu nhân Châu Thị Tế, bên trái là ngôi mộ khiêm nhường hơn của bà thứ thất Diệc phẩm phu nhân Trương Thị Miệt. Trước mỗi đầu mộ đều có bức bình phong, chân mộ là bi ký. Ngoài ra, ở 2 bên khuôn viên lăng còn có những ngôi mộ có nhiều hình dạng khác nhau: hình bầu dục, hình voi phục, hình quả đào, cái nón...
Đây đều là những ngôi mộ vô danh của các cận thần, thân tộc và những người dân phu, dân binh đã chết khi tham gia đào kênh Vĩnh Tế. Tương truyền, mộ hình trái đào và cái nón là đào kép chánh trong đoàn hát bộ theo biểu diễn cho ông xem khi còn sống. Sau lăng là đền thờ trên nền cao hơn.
Sau lưng đền thờ là sườn núi Sam tạo thành thế vững chắc kiên cố, tôn lên nét cổ kính uy nghi. Trong đền thờ, nơi chính điện đặt bài vị của ông Thoại Ngọc Hầu và 2 phu nhân cùng với những liễn đối, hoành phi, văn bia, văn tế... luôn nghi ngút hương khói của người dân và du khách thể hiện lòng kính trọng với những tiền nhân đã có công vì dân vì nước.
Đền thờ Thoại Ngọc Hầu
"Đây là lần đầu tiên tôi đến viếng lăng Thoại Ngọc Hầu. Đến đây, tôi được chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc, văn hóa, lịch sử tiêu biểu dưới thời phong kiến nước ta, thưởng ngoạn không khí yên ả, thanh bình. Không chỉ vậy, tôi còn hiểu được sự giang lao, khổ cực trong công cuộc khai hoang mở mang bờ cõi để lại cho con cháu muôn đời sau của bậc tiền nhân ta thuở trước" - chị Nguyễn Lê Thanh Thúy (du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ.
TRỌNG TÍN
Theo baoangiang.com.vn
Săn mây trên đỉnh Mã Pì Lèng: Cảnh đẹp đến nín thở Cuối tháng 7 đầu tháng 8 là thời gian đẹp nhất để săn những áng mây bồng bềnh phiêu lãng trên đỉnh Mã Pì Lèng, Hà Giang. Ảnh: Huỳnh Kiên Nằm trên con đường Hạnh Phúc, nơi giao nhau giữa thị trấn Đồng Văn (huyện Đồng Văn) và thị trấn Mèo Vạc (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang), đỉnh Mã Pì Lèng hiện...