Thỏa thuận tạm thời
Chỉ cần tạm đóng băng điều định làm, chỉ cần dừng lại, chậm lại một nhịp thôi, chúng ta đã có thể giảm đi đổ vỡ, tổn thương, đau đớn, mất mát…
Clip cậu bé 17 tuổi mở cửa xe, nhảy xuống sông tự vẫn ngay trước mắt mẹ được lan truyền mấy ngày qua khiến nhiều người sốc, dù đó là chuyện xứ người.
Một câu chuyện khác được đăng trên mạng. Có cậu bé 14 tuổi tìm đến chuyên viên tư vấn qua tổng đài lúc 2g sáng, để nói rằng cậu cô đơn quá, và điều cậu muốn làm là không sống nữa, ngay lập tức. Sau cùng, không có cuộc tự tử nào diễn ra trong đêm đó.
Kể lại câu chuyện, chuyên viên tư vấn cho biết, điều chị làm được giây phút ấy không phải là thuyết phục cậu từ bỏ ý định chấm dứt cuộc sống, mà chỉ nỗ lực đạt được một thỏa thuận tạm thời: “Đêm nay, tạm thời không làm gì cả, ngoài lên giường ngủ một giấc”.
Ảnh minh họa
Rất khó để kết luận sau đó cậu bé có kết thúc cuộc đời mình trong sự cô đơn hay không, bởi thỏa thuận tạm thời ấy, trong một chừng mực nào đó, cũng chỉ là một cách tạm đóng băng ý muốn tự sát của cậu. Khi ánh sáng của ngày hôm sau rọi tới, băng tan, ý muốn ấy có thể bừng tỉnh, có thể dịu dần hay diễn tiến theo quá trình tâm lý nào đó. Nhưng, thỏa thuận tạm thời ấy đã mở ra cơ hội giữ lại một sinh mệnh.
Sinh mệnh của cậu bé 17 tuổi trong clip được lan truyền mấy ngày qua đã không thể giữ, dù mẹ cậu chỉ chậm một giây để bắt được cậu trước khi cậu gieo mình xuống sông. Không khó để đoán rằng đã có một sự tranh cãi trước khoảnh khắc cậu bé hành động nông nổi, chỉ là, người mẹ và cậu con trai đã không kịp (hoặc không biết) xác lập một thỏa thuận tạm thời, kiểu như: mẹ con ta sẽ nói tiếp khi mình về đến nhà.
Video đang HOT
Trong những ngày cuộc hôn nhân gặp khó khăn, câu nói tôi sử dụng nhiều nhất với chồng là “đợi em một chút”. Trong “một chút” ấy, có khi tôi chỉ đứng yên mà không làm gì cả. Dĩ nhiên, chúng tôi rồi vẫn phải nói điều mình muốn nói, vẫn phải làm điều mình cần làm, nhưng thỏa thuận tạm thời ấy giúp chúng tôi như thể thấu đáo hơn và nhìn rõ đối phương hơn, lựa chọn những từ ngữ phù hợp hơn.
Ảnh minh họa
Những ngày này, mọi cuộc va chạm trên đường giữa trời nắng dễ dẫn đến một kết quả: lao vào rủa sả nhau trước khi phân định đúng – sai. Tôi đã chứng kiến hai gã đàn ông dắt xe vào cửa hàng để “sửa xe xong rồi tính sổ” trong sự gằm ghè. May sao, sau khi xe sửa xong, họ đều dịu đi, dù chỉ trước đó vài phút, giữa 2 chiếc xe nằm chỏng vó trên mặt đường, họ giận dữ như sẵn sàng giết chết đối phương. “Sửa trước rồi tính sổ sau” tương đương một thỏa thuận tạm thời, được xác lập trong tình huống nhạy cảm. Và, khi ấy chỉ cần thế thôi, cũng có thể chỉ làm được thế thôi, mọi can ngăn không hợp lý có khi giống đổ dầu vào lửa.
Trong cuộc sống, chúng ta quá cần những thỏa thuận tạm thời để gỡ một tình huống khẩn cấp. Chỉ cần tạm đóng băng điều định làm, chỉ cần dừng lại, chậm lại một nhịp thôi, chúng ta đã có thể giảm đi đổ vỡ, tổn thương, đau đớn, mất mát…
Từ bé chúng ta đã nhận quá nhiều lời dạy, rằng phải cái này và không nên cái kia. Thế nhưng, “nên”, “phải” ấy mang quá nhiều tính mệnh lệnh mà cơ chế tự nhiên của mỗi cá thể là kháng lại những bắt buộc đến từ cá thể khác. Chưa kể, như nhà tâm lý học lừng danh Rogers từng nói, chúng ta có thể phản ứng với một trải nghiệm nào đó theo một cách khác xa với cách mà bạn bè thân thiết nhất của chúng ta phản ứng cũng với cùng trải nghiệm đó.
Thế nên, rất khó để khiến người khác từ bỏ, chấm dứt hay sửa đổi một hành vi, một suy nghĩ. Cái chúng ta có thể làm được dễ dàng hơn là đưa ra thỏa thuận tạm thời. Tạm thời không làm gì cả, chính là đã tìm được cách để làm đúng hơn, tốt hơn.
Lương Hàn
Theo phunuonline.com.vn
Nếu bạn bất ổn - hãy xem lại thời thơ ấu
Qua nghiên cứu, các nhà tâm lý học nhận ra, cha mẹ của những trẻ gắn bó an toàn (secure attachment) thường chơi với trẻ nhiều hơn.
Chúng ta hay tranh luận một người như thế nào thì được gọi là ổn. Các nhà tâm lý xác định rằng, có hai thứ trọng yếu của con người: cuộc sống của chính mình và tương quan của mình với người khác, đặc biệt là với những người thân thiết. Quan sát và làm việc trong ngành tâm lý nhiều năm, tôi thấy người Việt còn bị cản trở trong việc trưởng thành về cảm xúc và điều này liên quan mật thiết đến quá trình dưỡng dục của cha mẹ.
Chị Đức mà tôi quen hiện là giám đốc bán hàng trong một doanh nghiệp nước ngoài. Chị quản lý khoảng 50 nhân viên. Ở ngoài nhìn vào, ai cũng ao ước được như chị - thành đạt về tài chính, giỏi việc, hết lòng với nhân viên, ngoại giao tốt. Chị có đứa con gái học cấp II rất ngoan hiền và giỏi giang, chị sống trong gia đình có sự đùm bọc và chăm sóc nhau... Chỉ có điều, chị dễ căng thẳng khi một mình trong phòng riêng, đặc biệt khi đi công tác xa phải ở khách sạn, chị luôn cảm thấy lo sợ một điều gì đó không thể mô tả bằng lời.
Hồi nhỏ chị được nuôi dưỡng theo lối xa cách - nghĩa là cha mẹ không bận tâm đến những gì chị làm được. Chị là con cả, đương nhiên phải gánh vác việc chăm sóc đàn em đồng thời là hình mẫu cho chúng nhìn vào, cha mẹ chỉ tập trung kiếm tiền nuôi gia đình.
Một tuổi thơ thiếu vắng sự kết nối với cha mẹ khiến chị trở thành người tự chủ và có cuộc sống tự lập, nhưng mặt khác, chị cũng sợ phải thân thiết và gắn bó với người khác. Vợ chồng chị ly hôn khi con gái mới ba tuổi. Sau đó, chị vẫn cư xử với nhà chồng như một cô con dâu, cho đến khi anh chồng lấy vợ mới và hai người buộc phải công khai việc ly hôn. Chị đủ sức mạnh để sống đúng mực theo các tiêu chuẩn xã hội. Tuy nhiên, chị không thể kết nối an toàn với người thân hay bạn bè, xã hội đủ để chia sẻ tâm tư. Trong chị đã hình thành một kiểu sống gọi là gắn bó né tránh, hay còn gọi là lo âu né tránh.
Chị Trang là một điển hình khác, khi luôn cảm thấy nghi ngờ mọi mối quan hệ mà mình có. Điều đó vẫn ổn trong môi trường làm việc, thậm chí trong gia đình, khi chị có niềm tin hiển nhiên rằng người trong nhà thì cần phải tin nhau. Song niềm tin hiển nhiên đó dường như có mâu thuẫn với hành động và cảm xúc của chị với những người trong gia đình.
Sự việc trở nên trầm trọng khi chị lấy chồng và cứ cân nhắc việc nên có con hay không, do sợ anh chồng sẽ không sống với mình và con cả đời. Thâm tâm chị xuất hiện những lo lắng về sự "rời đi" của người chồng bất cứ khi nào, nhưng vì là người có hiểu biết, chị kiềm chế bày tỏ nỗi nghi ngờ. Chị luôn nhìn thấy các tín hiệu "báo động" anh chồng đã bắt đầu chán mình. Chị cũng quá nhạy cảm với sự gắn bó yêu thương của bất kỳ ai với mình, kể cả với anh chồng - người chị đã nghĩ khi lấy anh ấy làm chồng chị sẽ có một chỗ dựa đáng tin cậy và không cần bận tâm đến ai nữa.
Chị Trang là kiểu người đặc trưng của lối gắn bó lo lắng, được hình thành từ môi trường cha mẹ luôn mâu thuẫn trong việc giáo dục con cái. Từ ấu thơ, chị là đứa trẻ không thể nào biết lúc nào cha mẹ mình yêu thương mình, hay đột ngột trở nên tức giận, mất kiểm soát. Chị lớn lên trong bất an và điều ấy ảnh hưởng lâu dài tới cuộc đời chị.
Chị Minh là một trường hợp phức tạp khi chị thấy đau khổ vì phải chịu đựng anh Thắng, một ông chồng dễ căng thẳng và không có một chí hướng rõ ràng. Anh Thắng có ký ức đầy ắp đòn roi của cha mẹ. Thỉnh thoảng anh rùng mình nhớ lại lần cha xích anh ở bên ngoài và đóng cửa đến đêm khuya, giữa vùng quê heo hút. Tuổi thơ của anh là những trận đòn, là sự sỉ nhục và chỉ trích từ cha, trong khi mẹ anh chỉ biết nhìn con rồi quay lưng, lau nước mắt.
Sự nóng giận của cha, cộng sự nín chịu của mẹ đã hình thành nên con người anh - một kiểu gắn bó không có định hướng. Anh không thể hoàn tất được quá trình trưởng thành của mình, hoàn toàn không nhận diện hay hiểu được tâm tư và cảm xúc của bất kỳ ai, kể cả vợ.
Ba kiểu gắn bó trong ba câu chuyện trên đều là kiểu gắn bó không an toàn, hay nói cách khác là không khỏe mạnh. Trong khi những người thừa hưởng một sự giáo dục tốt được đặt trên nền tảng của sự yêu thương và quan tâm, khi lớn lên luôn cảm thấy tự tin và tự chủ. Những người có kết nối an toàn với cha mẹ cũng còn có các mối quan hệ khỏe mạnh với những người trong gia đình và xã hội.
Tuy nhiên, có điều thú vị là, như George Bernard Shaw - nhà soạn kịch người Anh đoạt giải Nobel Văn học năm 1925 - nói: "Cuộc sống không phải là tìm kiếm chính mình. Cuộc sống là tự hoàn thiện bản thân". Câu ấy gợi cho ta một ý: mỗi người nếu không thấy ổn với chính mình thì có thể cậy nhờ người khác - là những người có nền tảng lý luận và kỹ năng thực tế trong ngành tham vấn tâm lý để nhận diện và hoàn thiện chính mình, hướng tới một sự trưởng thành đúng nghĩa.
Ngô Minh Uy
Theo phunuonline.com.vn
Nhắm mắt lừa anh xe ôm đổ vỏ và cái kết không ngờ Cay đắng nhận ra mình là con giáp thứ 13 mà chẳng hề hay biết. Bụng tôi lại ngày càng lớn lên dần, tôi càng không thể làm theo phương án mà anh nói. Từ nhỏ tôi đã ý thức được về sự may mắn của mình. Không may mắn sao được khi tôi trời sinh đã được phú cho khuôn mặt xinh...