Thỏa thuận Nga-Mỹ-Anh về vấn đề Syria
Ba cường quốc Nga – Mỹ – Anh thỏa thuận thúc đẩy nỗ lực hòa bình, triệu tập hội nghị quốc tế và thống nhất lập trường của các bên về vấn đề Syria.
Tổng thống Nga Vladimir (trái) và Thủ tướng Anh David Cameron.
Tuần qua, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Thủ tướng Anh David Cameron đã tới Moscow hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin và trọng tâm của các cuộc hội đàm này chính là vấn đề Syria.
Video đang HOT
Cuộc khủng hoảng Syria một lần nữa lại trở thành trọng tâm của chương trình nghị sự quốc tế. Đầu tháng Năm, Không quân Israel hai lần oanh kích Syria. Damascus kiềm chế không trả đũa, nhưng cảnh báo sẽ không dung thứ cho lần thứ ba. Như vậy xung đột nội bộ Syria tiến gần đến tình trạng lan tràn ra bên ngoài.
Sau cuộc gặp Thủ tướng Anh David Cameron, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố bất chấp có sự khác biệt về phương án giải quyết xung đột Syria, nhưng mục đích và nhiệm vụ của các bên là khá tương đồng. Ông Putin nói: “Chúng tôi có chung mối quan tâm về nhanh chóng chấm dứt bạo lực và khởi động tiến trình hòa bình, bảo tồn Syria như một quốc gia chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Theo sáng kiến của Thủ tướng Anh, chúng tôi đã nói về hàng loạt bước đi chung”.
Về phần mình, Thủ tướng David Cameron phát biểu: “Chẳng có gì bí mật là chúng tôi có cái nhìn khác nhau, nhưng đồng thời chúng tôi muốn đạt tới kết thúc xung đột, để người dân Syria có cơ hội lựa chọn chính phủ và chấm dứt bạo lực. Nga và Anh, cùng các quốc gia khác, cần đảm bảo việc thành lập một chính phủ chuyển tiếp tại đất nước này. Không chỉ thuần túy mời vào bàn đàm phán, mà còn phải tạo điều kiện để nhân dân Syria tự chọn lấy chính phủ của họ”.
Theo Chủ tịch Viện Đánh giá chiến lược Aleksandr Konovalov, cơ may có thể là một hội nghị quốc tế về Syria và bây giờ chính là thời điểm thích hợp dành cho hoạt động quốc tế đó. Chuyên gia Konovalov phân tích: “Lập trường của các bên đối kháng tại Syria tuy không hề xích lại gần nhau, nhưng đã trở nên bớt khắc nghiệt hơn trong quan hệ với nhau. Cần có hội nghị quốc tế. Điều đó là cần thiết để nhân lên nỗ lực tối đa, buộc các bên ngồi vào bàn đàm phán. Những gì đang xảy ra là quá nguy hiểm cho thế giới và cho chính Syria”.
Khả năng tổ chức hội nghị quốc tế về Syria trước đó cũng đã được thảo luận với Mỹ. Địa điểm tiến hành ở đâu, thành phần và hình thức ra sao… là vấn đề cần bàn bạc riêng biệt cụ thể. Hội nghị này khó có thể được tổ chức vào cuối tháng 5/2013, như đề xuất của các ngoại trưởng Kerry và Lavrov.
Tình hình sẽ có phần trở nên rõ ràng hơn vào đầu tuần tới. Từ Nga, Thủ tướng Anh David Cameron đi tiếp sang Mỹ để thảo luận với Tổng thống Barack Obama và Ngoại trưởng John Kerry.
Theo vietbao
Nga thách thức Mỹ, tiếp tục cấp tên lửa cho Syria
Bất chấp những lời kêu gọi và thậm chí là cả cảnh báo từ phía Mỹ, Nga vẫn tuyên bố sẽ tiếp tục cung cấp các hệ thống tên lửa phòng không cho chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad theo những hợp đồng mà Nga đã ký kết với Syria trước đây. Tuyên bố này được đưa chỉ vài ngày sau khi Moscow vừa thể hiện lập trường sẽ cùng bắt tay với Mỹ để tìm cách chấm dứt cuộc nội chiến đẫm máu ở Syria thông qua con đường đàm phán.
Mỹ đang lo lắng phát sốt trước thông tin về việc Nga sắp cung cấp các hệ thống tên lửa phòng không tối tân S-300 cho Syria.
Phát biểu tại thủ đô Warsaw của Ba Lan ngày hôm qua (10/5), Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, nước ông sẽ tiếp tục thực hiện các hợp đồng cung cấp vũ khí cho Syria. Ông này khẳng định, đó là những thứ vũ khí mang tính phòng vệ.
"Nga đã cung cấp vũ khí cho Syria trong một thời gian dài, đã ký hợp đồng với họ và đang thực hiện chuyển giao những thứ vũ khí đó, trong đó có cả các hệ thống phòng không", Ngoại trưởng Lavrov cho hay.
Tuy nhiên, ông Lavrov tránh không đề cập đến việc liệu trong những hợp đồng hiện nay giữa Nga với Syria có liên quan gì đến loại tên lửa tối tân S-300. Cả Mỹ và Israel hiện đang lo lắng đến phát sốt trước một số nguồn tin gần đây khẳng định, Nga sắp cung cấp một loạt khẩu đội tên lửa phòng không S-300 cho chính quyền của ông Assad.
Trước đó, hôm 9/5, tờ Thời báo Phố Wall đưa tin, Israel đã cảnh báo Mỹ về khả năng Nga bán S-300 cho Syria. Theo thông tin mà Israel cung cấp cho chính phủ Mỹ, Syria đang thanh toán cho một hợp đồng được ký kết năm 2010 theo đó Moscow sẽ cung cấp cho chính quyền của Tổng thống Assad 6 bệ phóng và 144 tên lửa hoạt động thuộc các khẩu đội tên lửa S-300 với giá trị lên tới 900 triệu USD.
Ngay sau khi nhận được thông tin trên, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã bày tỏ sự quan ngại về ảnh hưởng của diễn biến trên đối với an ninh của Nhà nước Do Thái đồng thời kêu gọi Nga không tiếp tục cung cấp sự giúp đỡ kiểu đó cho Syria. Trong khi đó, phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney cho biết: "Chúng tôi liên tục kêu gọi Nga cắt nguồn cung cấp vũ khí cho Syria", trong đó có các hệ thống phòng không có thể gây bất ổn cho khu vực.
"Việc cung cấp thêm vũ khí cho chính quyền Assad sẽ không giúp thúc đẩy một tiến trình chính trị", ông Carney nói thêm.
Các quan chức Israel cũng kêu gọi Nga hủy bỏ hợp đồng cung cấp cho Syria những hệ thống tên lửa đất đối không tối tân.
Theo lời Ngoại trưởng Nga, nước này không cung cấp thêm vũ khí cho Syria ngoài những hợp đồng vẫn còn từ trước.
Việc Nga cung cấp vũ khí cho chính quyền Tổng thống Assad từ lâu đã là nguồn cơn gây ra mối quan hệ căng thẳng giữa Moscow và Washington. Các quan chức Mỹ cáo buộc Nga vũ trang cho một chính quyền mà họ cáo buộc đang giết hai dân thường trong cuộc nội chiến đẫm máu ở đất nước Trung Đông.
Tuy nhiên, Nga nhấn mạnh, việc họ cung cấp vũ khí cho Syria tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế. Moscow khẳng định, họ chỉ cung cấp vũ khí phòng vệ cho Syria chứ không phải loại vũ khí tấn công có thể được sử dụng để giết hại dân thường.
Nga, Mỹ bắt tay tìm giải pháp chính trị cho Syria
Những tranh cãi về vấn đề cung cấp tên lửa cho chính quyền Syria diễn ra chỉ vài ngày sau khi các quan chức hàng đầu của Nga và Mỹ có cuộc gặp nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở Syria. Những nỗ lực ngoại giao hồi đầu tuần của Nga và Mỹ ở thủ đô Moscow đang đem đến hy vọng về khả năng tìm kiếm được một giải pháp chính trị cho cuộc nội chiến kéo dài hơn 2 năm qua ở Syria.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và người đồng cấp Mỹ John Kerry hôm 8/5 đã nhất trí thúc đẩy tiến trình thực hiện thông cáo Geneva mà Syria đã nhất trí hồi năm ngoái. Moscow và Washington cũng kêu gọi tiến hành một hội nghị quốc tế với sự tham dự của các đại diện đến từ cả chính phủ lẫn các phe nhóm đối lập Syria vào cuối tháng 5 này.
Động thái trên đã được cả chính phủ Syria, phe nổi dậy, Liên Hợp Quốc, Liên đoàn Ả-rập và phái viên quốc tế về Syria - ông Lakhdar Brahimi hoan nghênh. Ông Brahimi cho rằng, một hội nghị quốc tế là "tin tức đáng hy vọng đầu tiên liên quan đến một nước đang chìm đắm trong sự bất hạnh trong suốt một thời gian dài".
Đặc phái viên Brahimi cũng kêu gọi Nga và Mỹ thể hiện vai trò dẫn dắt của hai cường quốc và cùng nỗ lực để khởi động tiến trình thực hiện thông cáo Geneva. Thông cáo được đưa ra ngày 30/6/2012 này đã vạch ra những bước đi chính trong tiến trình chính trị do người Syria dẫn dắt nhằm chấm dứt tình trạng bạo lực ở trong nước đồng thời kêu gọi thành lập một chính phủ chuyển tiếp nhưng không quy định về việc phải loại trừ Tổng thống Assad.
Hôm 9/5, Bộ Ngoại giao Syria đã ra một tuyên bố hoan nghênh động thái của Nga, Mỹ liên quan đến cuộc khủng hoảng ở nước họ. Bộ Ngoại giao Syria nhấn mạnh, uy tín của Mỹ trong việc thực hiện giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng lâu dài ở Syria phụ thuộc vào nỗ lực của nước này trong việc thúc đẩy các đồng minh chấm dứt những hành động bạo lực, khủng bố và sử dụng các nguồn lực của họ để khởi động cuộc đối thoại chính trị.
"Tất cả mọi người cần phải hiểu rằng, chỉ có người Syria mới có quyền quyết định tương lai của họ và hệ thống hiến pháp cho đất nước họ mà không có sự can thiệp của nước ngoài. Syria đã tiến hành các bước đi tiến tới một chương trình chính trị dựa trên thông cáo Geneva", Bộ Ngoại giao Syria đã nói như vậy trong tuyên bố của mình.
Theo vietbao
Philippines trong trò chơi quyền lực Mỹ-Trung Đáp lại thỉnh cầu của Philippines, Tòa án trọng tài UNCLOS sẽ tổ chức phiên điều trần về vấn đề lãnh thổ ởBiển Đông. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị. Giải thích vì sao lại thỉnh cầu Tòa án trọng tài UNCLOS, Ngoại trưởng Philippines, Albert del Rosario, tuyên bố rằng nước ông đã cạn...