Thỏa thuận lãnh hải Israel – Liban có thể làm thay đổi thị trường khí đốt toàn cầu
Ngày 27/10, Tổng thống Liban Michel Aoun đã ký văn kiện thông qua thỏa thuận phân định lãnh hải với Israel.
Văn phòng Thủ tướng Israel Yair Lapid thông báo Israel đã thông qua thỏa thuận này. Chuyên gia đánh giá thỏa thuận Israel – Liban có tầm quan trọng với thị trường khí đốt toàn cầu.
Tàu hải quân Liban tuần tra tại vùng biển ngoài khơi Naqoura trên Địa Trung Hải ngày 27/10. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo trang oilprice.com, thỏa thuận giữa hai nước nói trên là một bước đi lịch sử trong ngoại giao, sẽ giúp tăng sản lượng khí đốt tự nhiên của cả hai nước.
Khi thế giới đang thiếu khí đốt dùng trong những tháng mùa đông sắp tới, thỏa thuận này mang lại tia hy vọng cho các thị trường năng lượng toàn cầu trong tương lai.
Video đang HOT
Các cuộc đàm phán gần đây nhất, do Mỹ dẫn đầu, đã diễn ra trong vài tháng. Quá trình này bắt đầu vào năm 2020.
Theo Thủ tướng Israel Yair Lapid, thỏa thuận nói trên sẽ tăng cường an ninh của Israel, bơm hàng tỷ USD vào nền kinh tế và đảm bảo ổn định ở biên giới phía bắc. Trong khi đó, Tổng thống Liban tuyên bố rằng thỏa thuận đã thỏa mãn Liban, đáp ứng các yêu cầu và bảo vệ các quyền về tài nguyên thiên nhiên.
Israel hiện có thể sản xuất khí đốt tự nhiên từ hồ chứa trên biển Karish. Hồ chứa này và mỏ Tanin chứa từ 56 đến 85 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên và 44 triệu thùng dạng chất lỏng.
Thỏa thuận nói trên là một thay đổi, vì Liban trước đây đã tuyên bố chủ quyền đối với một phần của mỏ Karish. Các nước châu Âu và Bắc Mỹ đang mong muốn Israel bắt đầu sản xuất tại mỏ này, nhằm giảm bớt áp lực của tình trạng thiếu khí đốt toàn cầu. Trong khi đó, Liban sẽ khai thác mỏ Qana gần đó. Một số đại diện của TotalEnergies đã đến Beirut để thảo luận về thăm dò và phát triển mỏ khí đốt này ngay lập tức.
Ông Maha Yahya, Gám đốc Trung tâm Trung Đông Carnegie tại Beirut, bày tỏ hy vọng về thỏa thuận này: “Thỏa thuận có nghĩa là cả hai quốc gia hiện nay đều có lợi ích kinh tế trong duy trì hòa bình dọc các khu vực biên giới chung”.
Mặc dù thỏa thuận đánh dấu những tiến bộ đáng kể trong quan hệ giữa hai nước, nhưng các chuyên gia đã nhanh chóng chỉ trích thỏa thuận do một số điều khoản chưa được xác định rõ ràng. Mặc dù Liban sẽ được trao quyền sản xuất ở mỏ Qana, nhưng Israel vẫn sẽ được hưởng một phần tiền thuê mỏ này thông qua một thỏa thuận với TotalEnergies, do mỏ này nằm trên cả vùng biển của Israel.
Thỏa thuận không quy định tỷ lệ phân chia lợi nhuận mà Israel sẽ nhận được từ mỏ Qana, có thể dẫn đến những bất đồng tiếp theo trong tương lai.
Về cơ bản, để Liban phát triển mỏ Qana, Israel phải đạt được thỏa thuận với TotalEnergies trước khi có thể tiến hành. Điều này xảy ra vào thời điểm Liban đang thiếu năng lượng trầm trọng dẫn đến thời gian mất điện kéo dài trong bối cảnh xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính lớn.
Tóm lại, thỏa thuận lãnh hải giữa Israel và Liban đã cho phép hai nước thiết lập ranh giới rõ ràng và hiểu rõ hơn về tiềm năng của ngành năng lượng trong tương lai. Mặc dù Israel có thể là bên hưởng lợi hơn trong ngắn hạn, nhưng thỏa thuận giúp Liban có lộ trình tốt hơn cho ngành khí đốt và mang tới tiềm năng đầu tư nước ngoài lớn hơn.
Tổng thống Liban công bố 'thành tựu lịch sử', giành lại 860 km2 lãnh hải tranh chấp với Israel
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, Văn phòng Tổng thống Liban ngày 13/10 cho biết ông Michel Aoun đã chính thức thông qua thỏa thuận phân định lãnh hải với Israel.
Hình ảnh trích từ video ngày 3/7/2022 cho thấy giàn khoan khai thác trên mỏ khí đốt Karish trên Địa Trung Hải vốn tranh chấp giữa Israel và Liban. Ảnh: AFP/TTXVN
Phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Aoun coi đây là "thành tựu lịch sử" trong đó Beirut đã giành lại được 860 km2 lãnh hải tranh chấp với Israel. Nhà lãnh đạo Liban bày tỏ hy vọng thỏa thuận sẽ đánh dấu một khởi đầu đầy hứa hẹn và đặt nền tảng cho tiến trình khôi phục nền kinh tế Liban vốn đang chìm sâu trong khủng hoảng.
Trước đó, ngày 12/10, Nội các Israel đã bỏ phiếu thông qua các nguyên tắc của thỏa thuận này. Thỏa thuận cùng các văn bản giải trình đã được gửi ngay trong ngày 12/10 tới Quốc hội Israel và được cơ quan lập pháp này chính thức bắt đầu nghiên cứu, thảo luận. Quốc hội Israel không bỏ phiếu về thỏa thuận, mà thay vào đó sẽ chuyển lại văn kiện sau 14 ngày để Chính phủ Israel xem xét thông qua.
Thủ tướng Lapid cũng đã nhấn mạnh đây là dấu mốc lịch sử, góp phần tăng cường an ninh của Israel, đóng góp hàng tỷ USD vào nền kinh tế đất nước và đảm bảo ổn định khu vực biên giới phía Nam nước này.
Liban và Israel không có quan hệ ngoại giao, hoạt động tuần tra khu vực biên giới giữa hai bên hiện do lực lượng của Liên hợp quốc (LHQ) đảm nhiệm. Biên giới trên biển phía Bắc mà Israel tuyên bố chồng lấn biên giới phía Nam của Liban, gây ra tranh chấp giữa hai nước.
Năm 2020, Israel và Liban đã nối lại tiến trình đàm phán với vai trò trung gian của Mỹ và LHQ, song các cuộc đàm phán gặp bế tắc do liên quan đến vùng biển giàu tài nguyên nằm trong khu vực tranh chấp, trong đó có mỏ khí đốt Karish mà Israel khẳng định quyền khai thác.
Phía Liban luôn nhấn mạnh mục tiêu của những cuộc đàm phán là bảo vệ các quyền lợi của nước này. Trong khi đó, Israel cũng có những nhượng bộ để thúc đẩy đàm phán.
Khủng hoảng năng lượng tạo ra trật tự mới ở châu Âu: Italy mạnh hơn, Đức yếu dần Cùng đối mặt với khủng hoảng năng lượng nhưng Đức và Italy là hai ví dụ trái ngược nhau. Italy chủ động, Đức bị động Giám đốc điều hành Eni, ông Claudio Descalzi. Ảnh: Reuters Vài tuần sau khi nổ ra xung đột giữa Nga và Ukraine ngày 24/2, ông Claudio Descalzi, Giám đốc điều hành tập đoàn năng lượng Italy Eni, đã...